Trang chủ

Đề thi thử vào lớp 10 2024 môn Văn mẫu số 6 có đáp án

Xuất bản: 10/05/2024 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 2024 môn Văn mẫu số 6 có đáp án chi tiết từng câu hỏi đọc hiểu cũng như bài làm văn giúp các em hoàn thành bài làm đầy đủ,

Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.

Đề thi vào 10 môn Văn mẫu số 6 này bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề thi thử tuyển sinh vào 10 môn văn 2024 mẫu số 6

I. ĐỌC HIỂU ( 3.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

“…Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh thì căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ…”

(Ngữ văn 9- tập 2, tr. 114, NXB Giáo dục, 2010 )

Câu 1: Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

Câu 2: Đoạn văn là cảm nhận của nhân vật nào? Nhân vật cảm nhận về điều gì?

Câu 3: Chỉ ra thành phần biệt lập trong câu: “Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa.”

Câu 4: Qua đoạn văn em thấy được vẻ đẹp nào của các nữ thanh niên xung phong?

II. TẬP LÀM VĂN ( 7.0 điểm)

Câu 1 ( 2.0 điểm)

Từ đoạn văn trích trong phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

…Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ tới

Đầu súng trăng treo.

(Chính Hữu “Đồng chí” - Ngữ văn 9, tập 1) 

Hết

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 mẫu số 6

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: 

- Trích trong văn bản “Những ngôi sao xa xôi”

- Tác giả Lê Minh Khuê

Câu 2: 

- Đoạn văn là cảm nhận của nhân vật Phương Định

- Về quang cảnh, không khí, cuộc sống nơi chiến trường trước một trận đánh những năm chống Mĩ gian khổ, ác liệt, hiểm nguy.

Câu 3: 

- Thành phần tình thái: “Có thể”

Câu 4: 

Vẻ đẹp của các nữ thanh niên xung phong:

- Vẻ đẹp về tinh thần dũng cảm, không sợ hi sinh.

- Vẻ đẹp về tình yêu đất nước

II. TẬP LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể viết đoạn văn theo hướng sau:

* Mở đoạn: Câu đầu đoạn giới thiệu ý khái quát, viết hoa lùi đầu dòng (0.25đ)

- Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý ỏmõi con người.

* Thân đoạn:

- Giải thích: Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn, không run sợ, hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo... để bảo vệ công lí, chính nghĩa. (0.25đ)

-  Phân tích vai trò, ý nghĩa tác dụng của lòng dũng cảm. (0.5 đ)

+ Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người, giúp ta có dũng khí vượt lên khó khăn thử thách, vượt lên chính mình để sống có ích, để giúp đỡ cho mọi người, để cuộc sống tốt đẹp hơn.

+ Dũng cảm là truyền thống quý báu của dân tộc.

+ Dẫn chứng:  ( 0.5 đ)

Tấm gương dũng cảm trong chiến tranh, trong hòa bình ( nêu ngắn gọn 3 dòng)

- Bàn luận mở rộng: (0,25 đ)

+ Không nên nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng bất chấp công lí.

+ Phê phán những người hèn nhát, không dám đấu tranh, sống ích kỉ, lạnh lùng, vô cảm, …

* Kết đoạn: Rút ra bài học nhận thức và hành động. (0.25 đ)

- Cần rèn luyện lòng dũng cảm , biết yêu thương, giúp đỡ mọi người; sống quan tâm và biết hi sinh vì người khác.

d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Câu 2

1. Đảm bảo cấu trúc của một bài nghị luận văn học: có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai làm sáng tỏ các giá trị nội dung và nghệ thuật bằng thao tác giải thích, chứng minh,phân tích, bình luận. Kết bài khái quát được nội dung nghị luận

2. Xác định đúng vấn đề nghị luận

3. Triển khai  vấn đề nghị luận thành các luận điểm: thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Học sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:

a. Mở bài:

+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm

+ Nêu vấn đề nghị luận.

b. Thân bài:

* Khái quát vị trí, nội dung đoạn thơ

- Đoạn thơ là phần cuối tác phẩm

- Là bức tượng đài đầy chân thực về nguwòi lính trong thời kì đầu kháng chiến chống Pháp và tình đồng chí đồng đội thiêng liêng của họ.

* Phân tích chi tiết

- Là đồng chí, những người lính xuất thân  từ nông dân cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc kháng chiến chống Pháp:

+ Họ thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn thiếu thốn trong cuộc đời người lính: bệnh tật - sốt rét; thời tiết khắc nghiệt ; quân trang, quân dụng thiếu thốn: áo rách, quần vá, chân không giày. Cách dùng từ “anh- tôi’’ sóng đôi trong từng dòng thơ diễn tả sự đồng lòng, đồng sức, cùng gánh vác, chia sẻ -> Tình đồng chí được thử thách trong gian nan thiếu thốn càng thêm bền vững.

- Nụ cười buốt giá: cười trong gian khổ, khó khăn- niềm lạc quan yêu đời của người lính.

- Thương nhau tay nắm lấy bàn tay : cái nắm tay truyền cho nhau hơi ấm, niềm tin, quyết tâm...chất chứa bao tình cảm không lời lan tỏa trong lòng người chiến sĩ, ấm tình đồng đội.

-> Tinh thần lạc quan, tình đồng chí tạo nên sức mạnh của người lính.

* Vẻ đẹp của tình đồng chí trong chiến đấu và biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí.

- Câu thơ tái hiện hình ảnh những người lính súng chắc trong tay trong tư thế chủ động (đứng- chờ) tấn công kẻ thù, với tinh thần đoàn kết gắn bó ( cạnh bên nhau)  -> tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách, gian lao càng cao đẹp, thiêng liêng.( Đêm... tới)

- Đầu súng trăng treo

+ Hình ảnh chân thực được tác giả nhận ra từ những đêm phục kích giặc.

+ Hình ảnh thơ giàu sức khái quát liên tưởng: súng và trăng, thực và mộng, cứng rắn và dịu hiền, chiến sĩ và thi sĩ, chất chiến đấu và chất trữ tình...các mặt bổ sung cho nhau của cuộc đời người lính cách mạng, biểu tượng của thơ ca kháng chiến nền thơ kết hợp chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn.

- Nghệ thuật: Hình ảnh chân thực, giàu chất thơ, mang ý nghĩa biểu tượng.

* Đánh giá chung:

+ Hình ảnh thơ chân thực, cụ thể mà giàu sức khái quát, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc; lời thơ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu.

+ Tình đồng chí giản dị mà cao đẹp thiêng liêng, kết tinh từ những tình cảm cao đẹp nhất của con người: tình bạn, tình người...vẻ đẹp tâm hồn của người lính Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

c. Kết bài:

+ Giá trị của đoạn thơ trong mạch cảm xúc chung của toàn bài.

+ Những ấn tượng, cảm xúc sâu lắng được gợi lên từ đoạn thơ, bài thơ.

(HS phân tích giá trị nghệ thuật của hình ảnh, ngôn ngữ, âm điệu thơ lồng ghép với phân tích giá trị nội dung)

4. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

-/-

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM