Trang chủ

Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2021 quận Thanh Xuân - Hà Nội

Xuất bản: 19/04/2021 - Tác giả:

Đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2021 của phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân - Hà Nội trong bộ đề thi thử mới nhất dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo.

Tham khảo ngay đề thi thử vào lớp 10 2021 môn văn của phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân - Hà Nội dành cho các em học sinh lớp 9. Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi dưới đây nhé:

Đề thi thử vào 10 môn văn năm 2021 quận Thanh Xuân - Hà Nội

Phần I (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Kim Woo Chung, người sáng lập tập đoàn Daewoo từng viết trong quyển sách "Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm" rằng: "Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ". Dù thay đổi bản thân mình hay thay đổi thế giới, thì người ta cũng bắt đầu bằng ước mơ.

(Rosie Nguyễn, Tuổi trẻ đang gia bao nhiêu, NXB Hội Nhà văn, 2017, trang 215)

1. Nội dung chính của đoạn trích là gì?

2. Xác định thành phần biệt lập phụ chú có trong đoạn trích.

3. Từ nội dung đoạn trích và những hiểu biết của bản thân, em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ về ý kiến: Ước mơ có thể làm thay đổi bản thân mỗi người.

Phần II (7,0 điểm)

Trong tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ, nhà thơ Thanh Hải viết:

Ta làm con chim hót 

Ta làm một cành hoa 

Ta nhập vào hoà ca 

Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ 

Lặng lẽ dâng cho đời 

Dù là tuổi hai mươi 

Dù là khi tóc bạc.

(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục 2019, trang 56)

1. Nêu ý nghĩa nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Kể tên một văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn THCS cũng có nhân để bắt đầu bằng từ “mùa xuân” và ghi rõ tên tác giả.

2. Ở đoạn mở đầu của bài thơ, tác giả dùng từ tôi (Tôi đưa tay tôi hứng) nhưng đến đoạn thơ này lại dùng từ ta. Hãy giải thích tại sao lại có sự thay đổi đó?.

3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật điệp ngữ có trong khổ thơ:

Một mùa xuân nho nhỏ 

Lặng lẽ dâng cho đời 

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

4. Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp, em hãy làm rõ khát vọng được hòa nhập, dâng hiến cho đời của tác giả được thể hiện ở hai khổ thơ trên, trong đó có sử dụng một câu bị động và một phép nội để liên kết cấu (gạch dưới câu bị động và từ ngữ dùng làm phép nối).

..Hết..

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu tới các em đề thi thử vào lớp 10 môn Văn, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2021 quận Thanh Xuân - Hà Nội

Phần I (3,0 điểm)

1. Nội dung chính của đoạn trích: hãy theo đuổi ước mơ.

2. Thành phần biệt lập phụ chủ có trong đoạn trích: "Lịch sử thuộc về .... những ước mơ lớn khi còn trẻ".

3. Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Ước mơ có thể làm thay đổi bản thân mỗi người.

Tham khảo ngay với bài viết: Nghị luận về theo đuổi ước mơ

Phần II (7,0 điểm)

1. Ý nghĩa nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ: Thể hiện nguyện ước của nhà thơ muốn làm một mùa xuân, nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường là một mùa xuân nhỏ góp vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, đất nước, của cuộc đời chung và khát vọng sống chân thành, cao đẹp của nhà thơ.

Văn bản đã học: Mùa xuân của tôi - Vũ Bằng

2. Chữ "tôi" trong câu "tôi đưa tay tôi hứng" ở khổ thơ đầu vừa thể hiện một cái "tôi" cụ thể rất riêng của nhà thơ, vừa thể hiện được sự nâng niu, trân trọng với vẻ đẹp và sự sống của mùa xuân. Nếu thay bằng chữ "ta" thì hoàn toàn không thích hợp nội dung cảm xúc ấy mà chỉ vẽ ra một tư thế có vẻ phô trương. Còn ở phần sau, khi bày tỏ điều tâm niệm tha thiết như một khát vọng được dâng hiến giá trị tinh quý của đời mình cho cuộc đời chung thì đại từ "ta" lại tạo được sắc thái quan trọng, thiêng liêng của một lời nguyện ước.

3. Biện pháp nghệ thuật điệp ngữ có trong khổ thơ: "Dù là"

Tác dụng: Nhấn mạnh ước nguyện cống hiến cho đời của tác giả là không kể thời gian, tạo âm điệu thơ sâu lắng, ý nghĩa.

Xem thêm: biện pháp nghệ thuật và tu từ trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

4.

Gợi ý: Nhưng điểm em cần lưu ý khi cảm nhận 2 khổ thơ:

Khát vọng được hòa nhập, dâng hiến cho đời của tác giả được thể hiện

- Khổ 1: tác giả thể hiện tâm nguyện tha thiết hòa nhập, muốn cống hiến qua những hình ảnh đẹp, thuần phác: con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm xao xuyến.

+ Điệp từ “ta” để khẳng định đó là tâm niệm chân thành của nhà thơ, cũng là khát vọng cống hiến cho đời chung của nhiều người.

+ Các từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc.

- Khổ 2: Khát vọng được cống hiến, dâng hiến cho cuộc sống

+ Mùa xuân nho nhỏ là một ẩn dụ đầy sáng tạo của nhà thơ khi thể hiện thiết tha, cảm động khát vọng được cống hiến và sống ý nghĩa.

+ Điệp từ “dù là” khiến âm điệu câu thơ trở nên thiết tha, lắng đọng

+ Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng tác giả vẫn tha thiết với cuộc đời, mong muốn sống đẹp và hữu ích, tận hiến cho cuộc đời chung.

→ Với niềm yêu đời tha thiết, tác giả vượt lên trên hoàn cảnh về bệnh tật mong muốn da diết được sống có ích bằng tất cả sức trẻ của mình.

-/-

Mong rằng với trọn bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm này thì các em có thể hoàn thiện kĩ năng làm văn và giải đề tốt hơn. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM