Đề thi thử vào 10 môn Văn năm 2020 của trường THPT Giáp Hải tỉnh Bắc Giang được Học tốt biên soạn với mong muốn giúp các em có thêm nhiều tài liệu ôn tập để đạt được điểm số cao trong kì thi quan trọng tới.
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Giáp Hải
Phần I. Trắc nghiệm (2,0 điểm)
Hãy chọn phương án trả lời đúng nhất và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.
Câu 1. Phần in đậm trong câu “Mùa xuân đến, nói đúng hơn là từ tháng một đến giữa tháng năm, hoa anh đào nở” là
A. thành phần trạng ngữ.
B. thành phần phụ chú.
C. thành phần khởi ngữ.
D. thành phần tình thái.
Câu 2. Trong câu “Cô ấy rất Việt Nam” từ “Việt Nam” thuộc từ loại nào?
A. Danh từ.
B. Đại từ.
C. Động từ.
D. Tính từ.
Câu 3. Xét theo mục đích nói, câu văn “Mày định nói cho cha mày nghe đấy à?” thuộc kiểu câu gì?
A. Câu nghi vấn.
B. Câu cầu khiến.
C. câu cảm thán.
D. câu trần thuật.
Câu 4. Từ in đậm trong bài ca dao sau thuộc thành phần gì?
"Ăn thì chọn những miếng ngon/Làm thì chọn việc cỏn con mà làm."
A. Thành phần phụ chú.
B. Thành phần tình thái.
C. Thành phần trạng ngữ.
D. Thành phần khởi ngữ.
Câu 5. Tổ hợp từ nào dưới đây là tục ngữ?
A. Cá chậu chim lồng.
B. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
C. Nước mắt cá sấu.
D. Bảy nổi ba chìm
Câu 6. Trong câu ghép: “Chị không khóc đó thôi, chị không ưa cả nước mắt”, các vế có mối quan hệ như thế nào?
A. Đối lập.
B. Bổ sung.
C. Giải thích.
D. Đồng thời.
Câu 7. Câu nào sau đây không chứa hình ảnh ẩn dụ?
A. Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
B. Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.
C. Lại đi lại đi trời xanh thêm.
D. Mặt trời đội biển nhô màu mới.
Câu 8. Cụm từ “mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn” là:
A. Cụm Chủ - Vị.
B. Cụm động từ.
C. Cụm danh từ.
D. Cụm tính từ.
Phần II. Đọc – hiểu văn bản (2,5 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi:
“Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian nhà bác Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, như hơi thở của đất màu mỡ. Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không xót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình.”
(Trích Bến quê, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 9 tập 2)
Câu 1. Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?
Câu 2. Đoạn văn diễn tả tâm trạng gì của nhân vật Nhĩ?
Câu 3. Nêu ý nghĩa cách sử dụng các từ ngữ “gần gũi” và “xa lắc” trong câu văn “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không xót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”.
Câu 4. Em có chia sẻ gì về suy nghĩ của nhân vật Nhĩ (Trình bày bằng 5 câu văn)
Phần III. Tập làm văn (5,5 điểm)
Câu 1. (1,5 điểm)
“Sống giản dị là một lối sống đẹp.”
Em hãy viết đoạn văn khoảng 20 dòng bàn về ý kiến trên.
Câu 2. (4,0 điểm)
Cảm nhận vẻ đẹp hai đoạn thơ sau:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo."
(Đồng chí – Chính Hữu)
"Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về dây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua của kính vỡ rồi."
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
Đáp án đề thi vào 10 môn Văn trường THPT Giáp Hải
Phần I: Trắc nghiệm (2 điểm)
1. B | 2. D | 3. A | 4. D | 5. B | 6. C | 7. D | 8. B |
Phần II. Đọc –hiểu văn bản (2,5điểm)
Câu 1. (0,5 điểm)
Phương thức chính: miêu tả và biểu cảm
Câu 2. (0,5 điểm)
Đoạn văn diễn tả tâm trạng của nhân vật Nhĩ: vừa gắn bó, yêu thương, vừa pha chút nuối tiếc, ân hận khi ngắm khung cảnh thiên nhiên nơi bãi bồi thân thuộc ngay trước cửa sổ nhà mình.
Câu 3. (0,5 điểm)
Các từ ngữ “gần gũi” và “xa lắc” trong câu văn “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không xót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”: nhấn mạnh sự tương phản giữa khoảng cách địa lí của bãi bồi bên sông cận kề nhà Nhĩ, nhưng vì Nhĩ chưa bao giờ đặt chân đến nên bãi bồi trở nên xa lạ. Qua đó thể hiện một nghịch lí thường gặp trong cuộc sống.
Câu 4. (1,0 điểm)
Nhĩ khao khát được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông, điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống, những giá trị thường bị người ta bỏ qua hay lãng quên khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn, đang lấn át. Trong hoàn cảnh cùa Nhĩ, đó là sự thức tỉnh xen lẫn với niềm ân hận và nỗi xót xa. Nhân vật Nhĩ mang đến cho người đọc nhiều điều suy nghĩ về cuộc đời và số phận con người. Và với mỗi độ tuổi lại tìm được ở Nhĩ một bài học riêng cho mình. Riêng với thế hệ những người trẻ tuổi, nhờ nhân vật này chúng ta biết sống gắn bó hơn với quê hương, đất nước vẫn còn lam lũ nhưng chất phác, hồn hậu và dào dạt yêu thương của bản thân mình
III. LÀM VĂN (5.5 điểm)
Câu 1:
Có đôi khi, vì mải chạy theo những cái hào nhoáng bên ngoài, người ta dần đánh mất đi chính bản thân mình, mà không hề biết rằng những cái hào nhoáng thường nhanh nhàm chán và chỉ có giản dị mới chính là cốt lõi của mọi vẻ đẹp.
Lối sống giản dị là gì? Đây chính là câu hỏi mà nhiều người luôn đặt ra, tìm câu trả lời, để có thể học tập theo. Theo từ điển Việt Nam, “lối sống giản dị” chính là một lối sống đơn giản, không quá cầu kỳ, phức tạp, cũng như không bao giờ khoa trương hay sống xa hoa. Đây là một lối sống hết sức lành mạnh, theo những chuẩn mực nhất định cho mọi người. Sống phù hợp với những hoàn cảnh của bản thân và toàn xã hội.Lối sống giản dị chưa trong đó nhiều ý nghĩa thiết thực. Giản dị cả về vẻ đẹp bên ngoài và sâu tận bên trong tâm hồn. Lối sống giản dị được chúng ta thể hiện ra ở cả sự chuẩn mực trong lời nói, trong tác phong hay cách ăn mặc. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy lối sống này qua hình ảnh của Người-vị lãnh tụ vĩ đại của toàn dân tộc. Cũng có thể bắt gặp qua cuộc sống hằng ngày của vị tổng thống Jumjca ở Urugoay, ông đã chọn một ngôi nhà nông trang siêu vẹo ở trên đường đất thay vì được sống trong một dinh thự xa hoa sang trọng mà nhà nước đã cấp cho ông, tự tay ông canh tác, sống như một người dân nào trong đất nước mình. Và số tiền của ông, ông dành phần lớn cho hoạt động từ thiện. Lối sống giản dị này chính là chúng ta không nghĩ nhiều cho bản thân, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần thiết.
Lối sống giản dị khổng phải chỉ thể hiện qua lời nói, cách ăn mặc, việc làm mà còn thể hiện qua suy nghĩ và hành động của mọi người trong cuộc sống cũng như trong các hoàn cảnh. Đây là một đức tính vô cùng tốt đẹp, không cầu kỳ phô trương. Chúng ta cần biết cách chấp nhận cuộc hiện tại nhưng vẫn phải có ước mơ. Ước mơ giản dị, đơn giản từ những khả năng mà chúng ta làm được. Và người có lối sống giản dị sẽ luôn được mọi người yêu mến và nể phục. Thể hiện ở việc, chúng ta luôn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người từ phong cách và lối sống. Không có thái độ kiêu ngạo, khinh thường hay đố kị với những người khác, cũng như không sống xa hoa đua đòi những vật chất vô nghĩa.
Ngay từ bây giờ, mỗi người học sinh hãy rèn luyện cho mình một lối sống giản dị. Cần phải ý thức được sự cần thiết và lợi ích, vai trò của lối sống giản dị. Chúng ta sẽ cảm thấy đẹp hơn, thanh thoát hơn, giúp cho xã hội giàu hơn, bản thân có được sự hòa đồng, sự tin yêu của mọi người. Hãy chọn cho mình một lối sống giản dị thực chất và chân thành.
Văn mẫu tham khảo: Nghị luận xã hội về lối sống giản dị
Câu 2: Dàn ý tham khảo
I. Mở bài:
- Giới thiệu được hai tác giả, hai tác phẩm và hình ảnh người lính qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm chống Pháp và người chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam thời đánh Mỹ đã được phản ánh khá rõ nét với những vẻ đẹp khác nhau qua 2 bài thơ.
II. Thân bài:
a) Hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí”:
* Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu thể hiện người lính nông dân thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà vô cùng cao quí.
- Những người lính xuất thân từ nông dân, ở những miền quê nghèo khó “nước mặn đồng chua”,”đất cày lên sỏi đá”. Họ “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung”.
- Họ đến với cuộc kháng chiến với tinh thần yêu nước thật giản dị: nghe theo tiếng gọi cứu nước mà tự nguyện lên đường. Phía sau họ là bao cảnh ngộ: xa nhà, xa quê hương, phó mặc nhà cửa, ruộng vườn cho vợ con để sống cuộc đời người lính.
- Trải qua những ngày gian lao kháng chiến đã ngời lên phẩm chất anh hùng ở những người nông dân mặc áo lính hiền hậu ấy. Hình ảnh họ lam lũ với “áo rách vai”, “quần có vài mảnh vá”, với "chân không giày". Đói, rét, gian khổ khắc nghiệt đã khiến người lính phải chịu đựng những cơn sốt rét: “miệng cười buốt giá”, ”sốt run người”, ”vừng trán ướt mồ hôi”.
- Họ có một đời sống tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc:
- Lòng yêu quê hương và gia đình thể hiện qua nỗi nhớ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, niềm thương “gian nhà không”, qua ý thức về cảnh ngộ “quê hương anh nước mặn đồng chua” và “làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.
- Từ hiện thực cuộc sống gian lao thiếu thốn, họ vun đắp được tình đồng chí keo sơn, gắn bó với lòng yêu thương giữa những con người cùng cảnh ngộ, cùng chung lí tưởng, chung mục đích và ước mơ. Gian lao thử thách khiến tình đồng chí, đồng đội thêm keo sơn, sâu sắc. Ngược lại, tình đồng chí ấy lại giúp người lính có sức mạnh để vượt qua gian lao thử thách.
=> Hình ảnh người lính Cụ Hồ trong những ngày kháng chiến chống Pháp được Chính Hữu khắc họa trong tình đồng chí cao đẹp, tình cảm mới của thời đại cách mạng.
=> Họ được khắc họa và ngợi ca bằng cảm hứng hiện thực, bằng những chất thơ trong đời thường, được nâng lên thành những hình ảnh biểu tượng nên vừa chân thực, mộc mạc, vừa gợi cảm lung linh.
b) Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”:
* Nếu như những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ, quê hương họ là những nơi “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá” thì những chiến sĩ lái xe Trường Sơn lại là những thanh niên có học vấn, có tri thức, đã được sống trong thời bình, được giác ngộ lí tưởng cách mạng cao cả, họ ra đi trong niềm vui phơi phới của sức trẻ hồn nhiên, yêu đời, yêu đất nước.
- Hình ảnh người lính lái xe – hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mỹ phơi phới, dũng cảm, yêu thương được khắc họa qua hình ảnh những chiếc xe không có kính và một giọng điệu thơ ngang tàn, trẻ trung, gần gũi.
- Những chiếc xe không có kính là hình ảnh để triển khai tứ thơ về tuổi trẻ thời chống Mỹ anh hùng. Đây là một thành công đặc sắc của Phạm Tiến Duật. Qua hình ảnh chiếc xe bị bom giặc tàn phá, nhà thơ làm hiện lên một hiện thực chiến trường ác liệt, dữ dội. Nhưng cũng “chính sự ác liệt ấy lại làm cái tứ, làm nền để nhà thơ ghi lại những khám phá của mình về những người lính, về tinh thần dũng cảm, hiên ngang, lòng yêu đời và sức mạnh tinh thần cao đẹp của lí tưởng sống cháy bỏng trong họ”.
- Phân tích các dẫn chứng: tư thế thật bình tĩnh, tự tin “Ung dung buồng lái ta ngồi”, rất hiên ngang, hào sảng “Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Một cái nhìn cuộc đời chiến đấu thật lãng mạn, bay bổng, trẻ trung: “Thấy sao trời và đột ngột cánh chim”.
- Và độc đáo hơn nữa là tinh thần hóa rủi thành may, biến những thách thức thành gia vị hấp dẫn cho cuộc đối đầu, khiến cho lòng yêu đời được nhận ra và miêu tả thật độc đáo: các câu thơ “ừ thì có bụi”,"ừ thì ướt áo” và thái độ coi nhẹ thiếu thốn gian nguy “gió vào xoa mắt đắng”. Họ đã lấy cái bất biến của lòng dũng cảm, thái độ hiên ngang để thắng cái vạn biến của chiến trường gian khổ và ác liệt.
- Sâu sắc hơn, nhà thơ bằng ống kính điện ảnh ghi lại được những khoảnh khắc “bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”, "nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Đó là khoảnh khắc người ta trao nhau và nhà thơ nhận ra sức mạnh của tình đồng đội, của sự sẻ chia giữa những con người cùng trong thử thách. Nó rất giống với ý của câu thơ “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” của Chính Hữu, nhưng hồn nhiên hơn, trẻ trung hơn.
- Hai câu kết bài thơ làm sáng ngời tứ thơ “Xe vẫn chạy…” về tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ: Họ mang trong mình sức mạnh của tình yêu với miền Nam, với lí tưởng độc lập tự do và thống nhất đất nước.
c) So sánh điểm giống và khác nhau về hình ảnh anh bộ đội trong hai bài thơ:
- Giống nhau:
- Mục đích chiến đấu: Vì nền độc lập của dân tộc.
- Đều có tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
- Họ rất kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu.
- Họ có tình cảm đồng chí, đồng đội sâu nặng.
- Khác nhau:
- Người lính trong bài thơ “Đồng chí” mang vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người lính xuất thân từ nông dân.
- Người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” luôn trẻ trung sôi nổi, vui nhộn với khí thế mới mang tinh thần thời đại.
Bài văn tham khảo: Hình tượng người lính trong Đồng chí và Tiểu đội xe không kính
------------------
Trên đây là mẫu đề thi thử vào lớp 10 môn Văn chi tiết của trường THPT Giáp Hải tỉnh Bắc Giang, các em có thể lưu về để tham khảo và thử sức của mình xem có thể hoàn thành đề thi này trong thời gian bao nhiêu lâu.
Chúng tôi còn rất nhiều những bộ de thi thu mon van vao lop 10 chọn lọc của các tỉnh trên cả nước, thường xuyên truy cập vào trang để cập nhật những bộ đề thi thử mới nhất nhé!