Trang chủ

Đề thi thử Văn tốt nghiệp THPT năm 2024 mẫu số 17

Xuất bản: 14/03/2024 - Tác giả:

Đề thi thử Văn tốt nghiệp THPT năm 2024 mẫu số 17 với bài đọc hiểu dành cho các em học sinh lớp 12 lưu trữ làm tài liệu ôn tập để thử sức ngay tại nhà.

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một bài thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn mới cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 17.

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp Văn năm 2024 mẫu số 17

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) 

Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Nhiều người vẫn tự hỏi tại sao mình lại bị ám ảnh trước tiền tài, địa vị, danh vọng và nhiều ham muốn khác đến vậy? Câu trả lời là do họ không biết trân trọng những gì họ đang có. Khi những gì ta có xuất phát từ niềm khát khao mong mỏi thực sự, tâm trí ta sẽ không vướng bận vào những suy nghĩ quẩn quanh, ta sẽ sống thực với cảm xúc của mình hơn. Đó cũng là khi ta không phải đương đầu với cảm giác hoang mang lo lắng; không cảm thấy khiên cưỡng như khi buộc bản thân làm những điều đáng chán. Tiền tài và địa vị không thể khỏa lấp sự trống rỗng trong tâm hồn. Vì thế, trước khi làm một việc gì, hãy tự hỏi: “Ta đang muốn làm gì?”.

Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân, nếu không bạn sẽ lãng phí cuộc đời mình một cách vô nghĩa. Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con người thật của mình. Tiền tài, địa vị tựa như một thứ chất kích thích. Nó làm nảy sinh trong mỗi người ham muốn sở hữu để xoa dịu những khao khát mà họ chưa giành được hoặc để thỏa mãn sự tò mò trong họ. Không nên để bản thân rơi vào cạm bẫy đó. Sống thực với chính mình tựa như tấm khiên vững chắc giúp bạn không bị biến thành nạn nhân của sự ảo tưởng.

Trước đây, tôi từng sai lầm khi mải mê tìm kiếm mình trong cái nhìn của người khác để rồi lạc lối trong mê cung của họ. Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng người ta chỉ có thể tìm thấy mình trong chính những suy nghĩ và hành xử của bản thân. Con đường ấy, không ai khác mà chính ta phải làm chủ lấy nó.

(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2014, tr.68 -69)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0.5 điểm)

Câu 2: Tại sao tác giả cho rằng:“Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân”? (1.0 điểm)

Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói của tác giả: “Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất – đó là con người thật của mình”. (1.0 điểm)

Câu 4: Thông điệp nào trong văn bản có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị? Vì sao? (0.5 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm).

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về ý nghĩa khi sống thật với chính mình.

Câu 2. (5.0 điểm)

Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.

Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mịkhông có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi ...

Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại đang sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì.

Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng.

Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:

- Mày muốn đi chơi à?

Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trới đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.

Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…". Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.

Cả đêm ấy, Mỵ phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê, lúc tình. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ.

(Trích Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai,  NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 7-8)

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của nhà văn Tô Hoài.

HẾT

Đáp án đề thi thử Văn tốt nghiệp THPT 2024 mẫu số 17

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.

Câu 2: Tác giả cho rằng:“Hãy sống thật với chính mình và tự tin vào những mặt mạnh của bản thân”. Vì:

- Nếu không bạn sẽ lãng phí cuộc đời của mình một cách vô nghĩa. Khi khoác lên mình chiếc mặt nạ hòng thu hút tình cảm và sự quan tâm của người khác, bạn sẽ đánh mất điều quan trọng nhất - đó là con người thật của mình.

- Sống thực với chính mình tựa như tấm khiên vững chắc giúp bạn không bị biến thành nạn nhân của sự ảo tưởng.

Câu 3: Câu văn có thể hiểu là: Trong cuộc sống nếu bạn chỉ cố làm hài lòng hoặc sống theo người khác định sẵn thì bạn sẽ đánh mất đi bản thân mình, đánh mất cá tính, nét riêng hay sự khác biệt của mình với người khác,…

Câu 4: Học sinh có thể đưa những thông điệp khác nhau tùy theo cách suy nghĩ, nhìn nhận riêng, miễn sao những thông điệp đó đảm bảo tính tư tưởng (tích cực và hợp lí) và lí giải được vì sao thông điệp đó lại có ý nghĩa.

Sau đây là một số gợi ý phương án trả lời:

- Hãy sống là chính mình thay vì ép bản thân sống theo ý muốn của người khác.

- Cần tránh xa cạm bẫy của tiền tài, danh vọng,…

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn nghị luận: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ý nghĩa khi sống thật với chính mình

c. Hs có thể có những quan điểm khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức, lẽ phải. Dưới đây chỉ là những định hướng cơ bản:

- Ý nghĩa khi sống thật với chính mình:

+ Khi sống thật với chính mình, ta đã để những suy nghĩ, cách hành xử của bản thân được tự do bộc lộ ra ngoài, không bị chi phối bởi tác động của người xung quanh.

+ Sống thật với chính mình, con người sẽ làm chủ cuộc đời, nhận ra mặt mạnh của bản thân để phát huy, mặt yếu để rút kinh nghiệm.

+ Nhờ có sống thậtvới chính mình, ta sẽ trở nên lạc quan, tự tin vào bản thân. Từ đó, ta sẽ có động lực, sức mạnh tinh thần để vượt qua những cám dỗ của tiền tài, địa vị, đồng thời ta sẽ được người khác tôn trọng.

- Đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, cảm nhận sâu sắc, mới mẻ về vấn đề cần nghị luận

đ. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luân: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

* Cảm nhận về đoạn trích : Diễn biến tâm lý nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.

- Giới thiệu ngắn gọn về nhân vật Mị trước đoạn trích:

+ Mị là cô gái trẻ đẹp, tài hoa, phẩm hạnh.Vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pá Tra.

+ Thời gian đầu, Mị phản kháng quyết liệt: Hàng mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc; có ý định dùng lá ngón tự tử. Nhưng vì thương bố nên Mị đành trở lại nhà thống lí Pá Tra.

+ Cuộc sống làm dâu gạt nợ của Mị triền miên vất vả, cực nhục, đắng cay, bị hành hạ về thể xác, áp chế về tinh thần → cam chịu, chấp nhận thân phận con dâu gạt nợ

+ Những tưởng Mị sẽ sống lặng lẽ, cam chịu như vậy cho đến chết. Nhưng bằng trái tim nhân đạo của mình, Tô Hoài vẫn nhìn thấy được sức sống tiềm tàng, mãnh liệt ở Mị thể hiện qua diễn biến tâm lí của nhân vật trong đêm tình mùa xuân:

- Yếu tố tác động đến tâm lí Mị:

+ Dấu hiệu mùa xuân về trên Hồng Ngài: trẻ con chơi quay cười ầm trước sân nhà, màu vàng ửng của cỏ gianh, gió và rét giữ dội, những chiếc váy hoa phơi trên những mỏm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ.

+ Tiếng sáo gọi bạn tìnhthổi từ xa đến gần tác động đến tâm lý của nhân vật Mị: “bồi hồi, nhẩm thầm theo lời bài hát”, “lấy rượu uống ừng ực từng bát” cách uống rất lạ.

- Diễn biến tâm lí tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân:

+ Sống lại những ký ức đẹp của quá khứ - phơi phới trở lại, đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước và ý thức được “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.

+ Mị nghĩ đến tình cảnh của mình – nghĩ đến cái chết.

+ Từ tâm lí dẫn đến hành động: “lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng,… quấn lại tóc, với tay lấy váy hoa vắt ở trong vách…” chuẩn bị đi chơi.

+ A Sử đánh, trói đứng Mị vào cột nhưng tâm hồn Mị vẫn còn sống trong hơi men mùa xuân, vẫn đi theo tiếng sáo “tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi”.

→ Tô Hoài đã khám phá và phát hiện đằng sau vẻ ngoài câm lặng vẫn còn một tâm hồn khát khao sống, khát khao yêu mãnh liệt; dù bị chà đạp, trói buộc vẫn không thể dập tắt mà luôn âm ỉ, chỉ gặp dịp là bùng lên → nhân đạo

* Nhận xét nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật Mị :

- Diễn biến tâm lý của Mị trong trong “đêm tình mùa xuân” thực chất là quá trình sống dậy của sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do, hạnh phúc.

- Quá trình ấy được Tô Hoài khám phá, miêu tả một cách tự nhiên, sinh động rất hợp với qui luật tâm lý, quy luật đời sống tình cảm của con người. Đặc biệt, nhà văn đã sử dụng ba tác nhân hỗ trợ việc miêu tả tâm lý rất thành công: không khí mùa xuân, hơi rượu và tiếng sáo.

- Quá trình sống dậy của sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do, hạnh phúc của Mị đã được Tô Hoài miêu tả và khám phá không chỉ bằng cảm quan nghệ sĩ mà còn bằng cả tấm lòng mình.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, cảm nhận sâu sắc , mới mẻ vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ , đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM