Trang chủ

Đề thi thử văn THPT quốc gia mẫu số 7 có đáp án

Xuất bản: 07/03/2024 - Tác giả:

Đề thi thử văn THPT quốc gia mẫu số 7 có đáp án với bài đọc hiểu Người thợ mộc mà tôi thuê để giúp tu sửa lại căn nhà cũ nát cùng các câu hỏi liên quan.

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Nhằm hỗ trợ các em trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi một cách suôn sẻ, chúng tôi tiếp tục cung cấp một đề thi thử tốt nghiệp thpt môn Ngữ văn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề số 7. Đây chắc chắn là một tài liệu mới nhất mà chúng tôi đã cập nhật, nhằm giúp các em tự tin và thành công trong kỳ thi sắp tới.

Đề thi thử môn Văn 2024 mẫu số 7

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Người thợ mộc mà tôi thuê để giúp tu sửa lại căn nhà cũ nát, chấm dứt một ngày làm việc đầu tiên với không ít phiền muộn và bực dọc. Đầu tiên là cái mái ngói nhà đã khiến anh ta loay hoay mất cả giờ đồng hồ, sau đó đến trò “đình công” của cái máy cưa và chiếc xe tải cũ kỹ. Khi tôi lái xe đưa anh ta về nhà, anh ngồi im như thóc, chẳng buồn cười nói suốt cả chặng đường. Đến nơi, anh mời tôi ghé thăm gia đình anh.

Khi chúng tôi đến gần cửa, anh đột nhiên dừng chân bên cạnh một thân cây thấp bé và đưa cả hai tay vuốt nhẹ lên đầu ngọn cây. Lúc cánh cửa nhà bật mở, tôi ngạc nhiên thấy anh biến đổi hẳn thành một người khác. Gương mặt sạm nắng của anh rạng rỡ nụ cười. Anh siết chặt hai đứa con nhỏ vào lòng và dịu dàng hôn vợ. Sau một hồi hàn huyên, anh đưa tôi ra xe trở về nhà. Khi chúng tôi đi ngang qua cây thấp bé gần cửa, sự tò mò thôi thúc tôi đã khiến tôi buột miệng hỏi về hành động ban nãy của anh.

“Ồ! Đó là cây phiền muộn của tôi”. Anh ta vui vẻ đáp. “Tôi biết mình không sao tránh khỏi những phiền toái trong công việc và chắc chắn rằng không nên đem về nhà những phiền toái ấy để gây khó chịu cho vợ con, những người đã đợi tôi cả một ngày dài. Vì vậy, mỗi buổi chiều về nhà, tôi đã đem hết nỗi buồn phiền và bực dọc của mình gửi lên ngọn cây rồi sáng hôm sau khi đi làm tôi lại mang chúng đi”.

“Nhưng anh biết không, thật buồn cười”, người thợ mộc kể tiếp: “Khi tôi ra ngoài vào mỗi buổi sáng để mang chúng đi thì dường như chúng đã vơi đi khá nhiều so với lúc tôi gửi chúng lên ngọn cây đêm hôm trước”.

Trong cuộc sống, chẳng ai có thể thường xuyên đem lại sự bình an cho bạn ngoài chính bản thân bạn.

(Theo http://songdep.xitrum.net/nghethuatsong/1.html)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Khi gặp những phiền muộn trong ngày làm việc đầu tiên, người thợ mộc đã có thái độ và cách ứng xử như thế nào?

Câu 3. Anh/chị hãy lí giải ý nghĩa của “cây  phiền muộn”?

Câu 4. Khi gặp những buồn phiền trong cuộc sống, anh/chị đã làm gì để thoát khỏi tâm trạng tồi tệ đó?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp của văn bản:  “Trong cuộc sống, chẳng ai có thể thường xuyên đem lại sự bình an cho bạn ngoài chính bản thân bạn”.

Câu 2 (5,0 điểm)  

Trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau :

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Những ai đã khuất

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.

(Trích Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm, 

Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục, 2015, tr.118 – 119)

------ Hết ------

Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

-/-

Mới nhất: Đáp án đề thi Văn thpt quốc gia và barem điểm được cập nhật sớm nhất sau kì thi chính thức diễn ra.

Đáp án đề thi thử văn 2024 mẫu số 7

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2. Thái độ và cách ứng xử của người thợ mộc: Ban đầu, người thợ mộc phiền muộn, bực dọc, không cười nói. Nhưng khi trở về nhà, anh gửi nỗi buồn lên cây, trở thành người vui vẻ và thể hiện tình yêu đối với vợ con.

Câu 3. Ý nghĩa của “cây  phiền muộn”:

- Là cái cây nhận lấy những buồn phiền trong cuộc sống.

- Thực chất đây chỉ là giải pháp tinh thần giúp ta vơi đi nỗi buồn phiền để bắt đầu ngày mới thoải mái hơn.

Câu 4. Khi gặp những buồn phiền trong cuộc sống, chúng ta cần biết:

- Buồn phiền chỉ là trạng thái tinh thần và ta có thể tự thay đổi thái độ với nó.

- Tự tạo niềm vui cho bản thân và đừng tìm cách trút bỏ áp lực đó lên người khác.

(Chấp nhận các ý hợp lí khác do học sinh rút ra được)

II. LÀM VĂN 

Câu 1

a. Yêu cầu về hình thức: Đảm bảo đúng cấu trúc đoạn nghị luận, dung lượng khoảng 200 chữ.

b. Yêu cầu về nội dung: Xác định đúng vấn đề, vận dụng tốt các thao tác lập luận để viết đoạn văn cơ bản đạt các nội dung sau:

- Giải thích:  Sự bình an là cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng trong tâm hồn. Và chỉ có bạn mới đem lại hạnh phúc lâu dài cho chính mình.

- Bàn luận:

+ Kẻ bất an thường không có hi vọng, không niềm tin, chẳng dám làm điều gì để thay đổi.

+ Người lạc quan thường bình tĩnh, tự tin trước những việc tiêu cực.

+ Hãy cố gắng tìm kiếm khía cạnh tích cực của mọi vấn đề, phải phát huy nội lực, tác động trở lại hoàn cảnh….

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Thay đổi cách lí giải của mình về mọi việc (theo hướng tích cực).

+ Thái độ lạc quan là bí quyết để sống hạnh phúc; đừng bao giờ khơi gợi sự thương hại ở người khác...

Câu 2 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận được nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

* Giới thiệu về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, về đoạn thơ cần phân tích.

* Phân tích đoạn thơ :

-  Khái quát về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ và vị trí đoạn thơ.

-  Nội dung:

+ Nguyễn Khoa Điềm định nghĩa về Đất nước trên bình diện không gian địa lí : Đất nước không chỉ là không gian rộng lớn của núi sông rừng bể ( hòn núi bạc, biển khơi ) mà còn là không gian gần gũi thân thiết với cuộc sống mỗi người ( đến trường, tắm, hò hẹn… ), là không gian sinh tồn của cả cộng đồng dân tộc qua bao thế hệ ( nơi dân mình đoàn tụ ).

+ Đất nước còn được cảm nhận trên bình diện thời gian lịch sử : Bằng những huyền thoại và truyền thuyết đẹp đẽ, thiêng liêng của dân tộc nhà thơ đã gợi lên hình ảnh của Đất nước trong quá khứ thật đáng tự hào.

+ Trên cơ sở đó, nhà thơ đã thức dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về dòng máu Lạc Hồng, “con rồng cháu tiên” để nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết kế tục truyền thống của cha ông, của đất nước ( gánh vác phần người đi trước, dặn dò con cháu…)

- Nghệ thuật: Với lời thơ tự do ngọt ngào, đằm thắm như lời tâm tình trò chuyện giữa “anh” và “em”, với vốn kiến thức phong phú và khả năng sáng tạo các yếu tố văn hóa văn học dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã làm sáng tỏ câu hỏi “Đất Nước là gì?” bằng quan điểm sâu sắc và mới mẻ.

* Khái quát, đánh giá đoạn trích

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ mới mẻ, sâu sắc về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM