Trang chủ

Đề thi thử tuyển sinh vào 10 môn văn 2024 THCS Tân Dân

Xuất bản: 03/04/2024 - Tác giả:

Đề thi thử tuyển sinh vào 10 môn văn 2024 THCS Tân Dân có đáp án chi tiết dành riêng cho các em học sinh lớp 9 bổ sung vào kho tài liệu ôn thi vào 10 tại nhà.

Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.

Đề thi bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn của trường THCS Tân Dân do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề thi thử vào 10 môn văn 2024 THCS Tân Dân

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây:

Xã hội hiện đại thường có xu hướng đánh giá sự thành công của con người qua hình thức vật chất bên ngoài: chức vụ của họ, số tiền họ kiếm được, chiếc xe họ đi, quần áo họ mặc. Nhiều người quên rằng, tiền bạc chỉ là một thước đo chứ không phải là tất cả để đánh giá sự thành công về mặt sự nghiệp của một con người. Còn rất nhiều thước đo phi vật chất. Công việc có phù hợp với người đó không, có đem lại cho họ sự thỏa mãn sâu sắc không, môi trường làm việc có thích hợp không, họ có lợi ích tinh thần nào khác trong công việc không, công việc có giúp ích trong việc hoàn thành những mục tiêu dài hạn của người đó, nó có giúp họ nhận thấy được ý nghĩa của việc họ làm hay đem lại lợi ích cho nhiều người khác không?

Tương tự như vậy, cuộc sống con người là tập hợp nhiều vai trò trong xã hội mà công việc chỉ là một trong số những vai trò đó (...). Có người thành công trong vai trò này của cuộc đời nhưng lại thất bại trong vai trò khác. Benjamin Franklin, một trong những vị cha đẻ của nền độc lập Hoa Kì, vừa là nhà ngoại giao, nhà vật lí, nhà hải dương học, nhà phát minh, nhà khoa học, người chơi cờ, nhạc sĩ, có nhiều đóng góp cho ngành in ấn, bưu điện và sự phát triển của nước Mĩ. Đối với nhiều người, ông là mẫu hình lí tưởng của sự xuất chúng và thành công. Nhưng Benjamin Franklin không có mặt bên vợ mình trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời bà, bà mất đi khi ông đang công du tại châu Âu. Ông có mối quan hệ cực kì căng thẳng với người con trai duy nhất của mình và đứa con trai đã rời bỏ ông đi định cư ở một nơi khác vì mâu thuẫn về quan điểm chính trị. Có lẽ không ít người chẳng dám đánh đổi những thứ như thế để đạt được thành công rực rỡ như Franklin.

Định nghĩa thành công cũng khác nhau ở mỗi người. Tôi còn nhớ sự chia sẻ của Jessica Lu, chuyên gia tư vấn nhân sự của Tập đoàn Towers Watson, người đã nghỉ hưu ở tuổi 40 vì đã đạt được những mục tiêu về tài chính: “Tôi tự thấy mình là người thành công, vì hiện giờ tôi đã trở thành chính xác con người mà tôi từng mong ước”. Thành công tức là trở thành người mình từng mong muốn trở thành, một định nghĩa thú vị. Quả thật, điều thử thách nhất và mãn nguyện nhất trong cuộc sống, không phải là trở thành người thành công trong mắt người khác, hay trong cái nhìn của xã hội, mà là vượt lên bản thân, đạt được những mục tiêu của mình, và trở thành người mà mình từng mong ước. Còn đối với tôi, thành công chính là sống trọn vẹn với tất cả tiềm năng của mình...

(Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? - Rossie Nguyễn, NXB Hội nhà văn, 2018)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: (1.0đ) Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.

Câu 2: (0.5đ) Xác định khởi ngữ trong câu sau: Còn đối với tôi, thành công chính là sống trọn vẹn với tất cả tiềm năng của mình...

Câu 3: (1.0đ)  Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Jessica Lu có tác dụng gì?

Câu 4: (1.5đ) Em có cho rằng người thành công là người “vượt lên bản thân, đạt được những mục tiêu của mình, và trở thành người mà mình từng mong ước” không? Vì sao?

Phần 2: Làm văn (6.0 điểm)

Câu 1. (2.0đ) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc - hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 đến 12 câu) bàn về ý nghĩa của sự thành công đối với mỗi người.

Câu 2. (4.0đ) Cảm nhận của em về tình đồng chí được thể hiện trong đoạn thơ sau:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giầy

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

(Trích Đồng chí, Chính Hữu, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2017, tr128-129)    

-Hết-

(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 THCS Tân Dân

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2: Khởi ngữ: Còn đối với tôi

Câu 3: Tác dụng: Nhằm khẳng định mỗi người có một quan điểm khác nhau về sự thành công. Vì vậy, mỗi người đều có thể hướng tới được những thành công của mình ở trong những vai trò nhất định, không nhất thiết phải lấy thành công của người này để đánh giá thành công của người khác.

Câu 4: 

- Học sinh có thể trả lời đồng tình hoặc không đồng tình

- Học sinh đưa ra những lí giải hợp lí thuyết phục.

Phần 2: Làm văn

Câu 1.

1. Yêu cầu chung:

- Học sinh tạo lập đoạn văn đúng thể thức.

- Trình bày rõ ràng, ít mắc lỗi.

2. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự thành công đối với cuộc sống của mỗi người.  Có thể theo hướng sau:

- Thành công là những thành quả mà con người luôn mơ ước, khát khao đạt được bằng chính công sức và tài năng của bản thân.

- Ý nghĩa của sự thành công:

+ Thành công giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

+ Thành công giúp con người có được sự thừa nhận, coi trọng của người khác, của xã hội; giúp họ khẳng định được năng lực và bản lĩnh cá nhân.

+ Khích lệ con người luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu để đạt tới những thành công mới.

- Bàn luận, mở rộng:

+ Cần có cách nhìn nhận và đánh giá về thành công phù hợp với năng lực của mỗi người.

+ Bên cạnh những người luôn cố gắng để đạt được thành công còn có một bộ phận sống thờ ơ, hời hợt, thiếu mục tiêu, lí tưởng.

- Bài học: Xác định đúng mục tiêu và quyết tâm của bản thân để đạt được thành công cho chính mình.

Câu 2.

1. Yêu cầu chung:

- Tạo lập được bài văn nghị luận có bố cục đầy đủ, chặt chẽ, dùng từ chính xác, lời văn mạch lạc. Bài viết đúng cảm nhận về một vấn đề trong một đoạn trích thơ.

- Bài viết có bố cục mạch lạc, luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ.

- Thí sinh có thể trình bày và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng.

2. Yêu cầu cụ thể : Học sinh có thể triển khai bài viết theo bố cục ba phần. Biết bộc lộ cảm xúc, những rung cảm về vẻ đẹp của nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ. Không diễn xuôi đoạn trích thơ. Dưới đây là một số gợi  ý định hướng cho việc chấm bài:

a. Khái quát chung

- Dẫn dắt giới thiệu khái quát về tác giả Chính Hữu và tác phẩm  “Đồng chí”

- Nêu hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính của tác phẩm, vị trí của đoạn trích thơ.

- Dẫn dắt vấn đề cần cảm nhận: Hình ảnh người lính trong đoạn thơ đề bài ra

b. Cảm nhận về tình đồng chí

* 10 câu thơ đầu: Diễn tả những biểu hiện cụ thể vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng chí đồng đội.

- Biểu hiện đầu tiên của tình đồng chí là thấu hiểu những tâm tư thầm kín của nhau:

+ Người lính lên đường ra trận quyết tâm để lại sau lưng những gì quá giá, thân thuộc nhất:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”

+ Hai chữ “mặc kệ” thể hiện sự quyết tâm dứt khoát ra đi nhưng đó không phải là phó mặc bởi hình ảnh quê hương, ruộng nương thiếu người chăm sóc, ngôi nhà xiêu vẹo trước gió vẫn hiển hiện đã diễn tả tình cảm thiết tha của họ với gia đình. Với người nông dân gian nhà, ruộng vườn là cơ nghiệp cả đời gìn giữ. Để cả cơ nghiệp của mình hoang trống mà ra đi, biết người thân ở lại trống trải nhưng cũng “mặc kệ: thì đó quả là sự hi sinh lớn lao. .

+ Hình ảnh trong câu thơ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”: hoán dụ kết hợp nhân hóa: không chỉ gợi về quê hương, về hậu phương của người lính, ý thơ nói về quê hương nhớ người lính mà ta như thấy được nỗi nhớ của người lính dành cho quê hương, đó là nỗi nhớ hai chiều

=> Như vậy, đồng chí tức là sự cảm thông sâu xa cho những nỗi mềm tâm tư thầm kín của nhau.

- Biểu hiện thứ hai của tình đồng chí là: cùng nhau chia sẻ mọi gian lao, thiếu thốn trong cuộc đời người lính.

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

……..Miệng cười buốt giá

Chân không giày”

+ Những câu thơ miêu tả hiện thực, thực tới từng chi tiết. Đó là những cơn sốt rét rừng hành hạ không thuốc thang. Đó là đói rét, chân không giày, đầu không mũ, áo một manh. Đó là sương muối tê buốt như cắt da cắt thịt. Đây là hoàn cảnh chung của bộ đội ta trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Tác giả đã xây dựng những câu thơ sóng đội, đối ứng nhau trong từng cặp, từng câu. Đáng chú ý là người lính bao giờ cũng nhìn bạn nói về bạn trước khi nói về mình chữ “anh” bao giờ cũng xuất hiện trước chữ “tôi”, điều đó thể hiện sự yêu thương, trân trọng giữa những người nh với nhau

- Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp những người lính vượt qua những thử thách ấy. Họ quên mình để động viên nhau, truyền cho nhau hơi ấm. Đó là những nụ cười: “Miệng cười buốt giá”, là “Thương nhau tay nắm ấy bàn tay.” Họ đã quên đi sự giá lạnh của bản thân mà mỉm cười để sưởi ấm cho tâm hồn của những người đồng đội. Đó là những cái nắm tay biết nói của tình yêu thường để truyền cho nhau nghị lực và sức mạnh Trong suốt cuộc kháng chiến trường kì đầy gian lao vất vả ấy, tình cảm đồng chí đã đi vào chiều sâu của sự sống và tâm hồn người chiến sĩ để trở thành những kỉ niệm không bao giờ quên

-> Câu thơ không chỉ nói lên tình cảm gắn bó sâu nặng của những người nh mà còn thể hiện sức mạnh của tình cảm ấy. Bài thơ “Đồng chí không rực rỡ chiến công mà rực rỡ tình đồng đội ấm nồng khiến họ có thể sống và làm nên bao chiến công hiển hách.

* Biểu tượng đẹp, giàu chất thơ của tình đồng chí (3 câu cuối)

- Câu thơ thứ nhất đã miêu tả rất chân thực hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt của người lính: “Đêm nay rừng hoang sương muối Không gian hùng vĩ hoang vu "rừng hoang sương muối", thời gian gian khó mùa đông ở Việt Bắc sương muối phủ đầy trời Trên cái nền thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa khắc nghiệt ấy, tình đồng chí được tôi luyện trong thử thách gian lao, trong nhiệm vụ sinh tử. Cũng chính ở cái nơi mà sự sống, cái chết chỉ kề nhau trong tích tắc tình đồng chí càng trở nên thiêng liêng, cao đẹp

- Câu thơ thứ hai đã khắc họa tư thế chiến đấu của những người lính:

“Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”

- Những người lính sát cánh bên nhau “đứng cạnh bên nhau”- có tình đồng chí, đồng đội. Hình ảnh đội bạn chiến đấu đứng cạnh nhau vững chãi làm mờ đi cái gian khổ khắc nghiệt của cuộc chiến tạo nên tự thể thành đồng vách sắt trước quân thủ

- Hình ảnh “đầu súng trăng treo” kết thúc bài thơ là điểm nhấn của khổ 3 cũng là điểm sáng của toàn bài. Hình ảnh này vừa có ý nghĩa thực, vừa có ý nghĩa biểu tượng.

+ Nghĩa thực: như Chính Hữu từng tâm sự, trong đêm phục kích chờ giặc, ông chỉ có những người bạn chiến đấu khẩu súng và vầng trăng Trời về khuya, có lúc nhìn lên, trăng như treo đầu ngọn súng Từ thực tế đó, ông đã viết nên hình ảnh “đầu súng mảnh trăng treo”, sau này cắt bớt chữ “mảnh” thành “đầu súng trăng treo.

+ Nghĩa biểu tượng, nhịp thơ 2/2 kết thúc bằng thanh bằng khiến ta liên tưởng 1 cái gì đó không bị buộc chặt mà chung chiêng, bát ngát, vang xa. Súng là hình ảnh của chiến tranh khói lửa, trăng là hình ảnh của thiên nhiên trong mát, cuộc sống thanh bình.

=> Sự hòa hợp của trăng và súng toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người lính và tình đồng chí của họ, vừa nói lên ý nghĩa cao cả của cuộc chiến tranh yêu nước: Người lính cầm súng là để bảo vệ cho độc lập, tự do của đất nước. Trăng và súng là gần và xa, là chiến sĩ và thi sĩ, là hiện thực và lãng mạn Tất cả hòa quyện tạo nên vẻ đẹp của người lính.

-> Chỉ với 3 câu thơ, biểu hiện đẹp nhất của tình đồng chí, đồng đội của cuộc đời người chiến sĩ đã được thể hiện rất sâu sắc.

c. Đánh giá, mở rộng

- Đặc sắc NT: Khẳng định lại những nét tiêu biểu, đặc sắc về nghệ thuật làm nên thành công của bài thơ Đồng chí: thể thơ tự do, ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh chân thực…

- ND: Bài thơ, đoạn thơ là lời tuyên bố chân thực nhất, bình dị nhất nhưng lại sâu sắc và thiêng liêng nhất về tình đồng chí đồng đội trong hoàn cảnh khó khăn tột cùng.

- Liên hệ hình ảnh người lính ở các tác phẩm khác mà em biết.

- Học tập phẩm chất của người lính như thế nào?

(HS chỉ diễn xuôi ý thơ thì cho không quá 2,5 điểm)

-/-

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM