Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn văn 2021 THPT Gang Thép lần 1

Xuất bản: 04/05/2021 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn văn 2021 THPT Gang Thép lần 1 có file word giúp em lưu tài liệu ôn tập ngay tại nhà.

Mục lục nội dung

Tham khảo ngay đề thi thử vào lớp 10 2021 môn văn trường THPT Gang Thép mới nhất dành cho các em học sinh lớp 9. Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi dưới đây nhé:

Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn văn 2021 Gang Thép lần 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích từ bài diễn diễn thuyết của cô bé 12 tuổi Severn Cullis Suzuki tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất được tổ chức tại thành phố Rio de Janerio (Brazil) năm 1992 dưới đây:

Tôi đến đây lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không ai nghe thấy, lên tiếng cho muôn vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống. Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng Ozon. Tôi sợ phải thở vì không biết không khí đang chứa những hóa chất nào. Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba ở Vancouver, quê hương tôi, cho đến vài năm trước, khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Ngày ngày, chúng ta đều nghe những tin về việc các loài động thực vật đang dần tuyệt chủng rồi biến mất mãi mãi. Tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng tôi tự hỏi, liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được nhìn thấy chúng nữa không?

(Dẫn theo Dạy học phát triển năng lực Ngữ văn trung học cơ sở - Nhiều tác giả, NXB Đại học Sư phạm, 2019)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm): Tác giả đã nhân danh để lên tiếng cho những đối tượng nào?

Câu 3 (1,0 điểm): Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.

Câu 4 (1,0 điểm): Tâm sự của tác giả trong câu: “Tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng tôi tự hỏi, liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được nhìn thấy chúng nữa không?” gợi cho em những suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm.

Câu 2 (5,0 điểm):

Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc. Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

(Trích Nói với con, Y Phương, SGK Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2019)

- HẾT-

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2021 THPT Gang Thép lần 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. Tác giả đã nhân danh để lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không ai nghe thấy, lên tiếng cho muôn vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống.

Câu 3. Nội dung chính của đoạn trích: Người viết bài tỏ nỗi lo lắng về hậu quả của hiện tượng ô nhiễm môi trường. Nó làm mất đi không gian sinh tồn của con người và các loài động vật trên trái đất.

Lưu ý: Thí sinh diễn đạt theo cách khác, đảm bảo các ý cơ bản thì  trên vẫn chấm điểm tối đa.

Câu 4.

- Tâm sự của tác giả: Thể hiện mong muốn, ước mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm; bày tỏ trăn trở, lo lắng về tương lai liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được nhìn thấy chúng nữa không? (0,5)

- Suy nghĩ của bản thân: Tâm sự của tác giả có ý nghĩa thức tỉnh mọi người về nhận thức, hành động của bản thân đối với môi trường sống, với cộng đồng… (0,5)

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1. Viết một đoạn văn (khoảng 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm

a. Đảm bảo thể thức đoạn văn nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm

c. Triển khai nội dung đoạn văn thành các ý phù hợp, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận…

Thí sinh có thể nêu những ý nghĩa khác nhau, nhưng cần phải trình bày được ít nhất 01 ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm. Câu trả lời phải hợp lí, có sức thuyết phục.

Một số gợi ý: Sống có trách nhiệm giúp con người hoàn thiện bản thân, dễ có được thành công trong cuộc sống/làm tròn bổn phận, nghĩa vụ với gia đình, cộng đồng/góp phần làm cho xã hội thêm phát triển, văn minh…

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo, có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức, pháp luật

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Câu 2. Trình bày cảm nhận về đoạn thơ “Người đồng mình … Nghe con”

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ

c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để triển khai các luận điểm, trong đó phải có các thao tác phân tích, chứng minh, bình luận. Dưới đây là các ý tham khảo:

c1. Tác giả Y Phương (0,25), bài thơ Nói với con và đoạn thơ (0,25)

c2. Cảm nhận đoạn thơ

. * Nội dung

- Đoạn thơ là lời của người cha nói với con về những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình:

+ Ý chí, nghị lực lớn lao (Cao đo nỗi buồn/Xa nuôi chí lớn)

+ Sống mạnh mẽ, khoáng đạt (Sống như sông như suối, Không lo cực nhọc)

+ Gắn bó, thủy chung với quê hương (không chê) dù quê hương còn cực nhọc, đói nghèo (đá gập ghềnh, thung nghèo đói)

+ Mộc mạc, giản dị (thô sơ da thịt) nhưng có niềm tin, khát vọng xây dựng quê hương (tự đục đá kê cao quê hương)

- Qua những phẩm chất đó, người cha gợi cho con lòng tự hào về quê hương, dân tộc; dặn dò con cần kế tục, phát huy một cách xứng đáng với những truyền thống đó, tự tin vững bước trên đường đời, không nhỏ bé tầm thường, không cúi đầu trước khó khăn thử thách (Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn; Lên đường/Không bao giờ nhỏ bé được /Nghe con).

* Nghệ thuật

- Thể thơ tự do, phù hợp với mạch cảm xúc tự nhiên của bài thơ.

- Giọng điệu thơ vừa thủ thỉ, tâm tình vừa mạnh mẽ, tự hào.

- Đoạn thơ có sự sáng tạo trong hình ảnh, vừa cụ thể, mộc mạc vừa  có tính khái quát, triết lí.

- Vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ…

Xem chi tiết để bổ sung bài làm văn của em với bài cảm nhận về khổ thơ thứ 2 bài Nói với con

c3. Đánh giá

- Qua lời của người cha nói với con, đoạn thơ khẳng định tình cảm gia đình gắn bó sâu sắc với tình yêu quê hương đất nước; ca ngợi những nét đẹp tâm hồn, truyền thống văn hóa của dân tộc. Đó cũng là lời nhắc nhở về ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

- Đoạn thơ góp phần thể hiện phong cách sáng tác và tài năng nghệ thuật của nhà thơ.

d. Sáng tạo

- Bài viết giàu cảm xúc, khả năng cảm thụ văn học tốt/có liên hệ mở rộng/có quan điểm và thái độ riêng nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

- Có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo…

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu tới các em đề thi thử vào lớp 10 môn Văn, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn 2021 khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BackToTop