Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,
Dưới đây là đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn mẫu với yêu cầu: "Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau: Ngày tết, Mị cũng uống rượu.... và Phải uống thêm chai nữa....."
Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:
Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 mẫu 104
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non
Mấy trăm đời lấn luôn ra biển;
Phù sa vạn dặm tới đây luôn,
Đứng lại, và chân người bước đến.
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau.
Những dòng sông rộng hơn ngàn thước.
Trùng điệp một màu xanh lá đước.
Đước thân cao vút, rễ ngang mình
Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước!
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau.
(Mũi Cà Mau - Xuân Diệu, 10 - 1960)
Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản?
Câu 2. Xác định biện pháp nghệ thuật và nêu tác dụng trong đoạn thơ:
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau.
Những dòng sông rộng hơn ngàn thước.
Trùng điệp một màu xanh lá đước.
Đước thân cao vút, rễ ngang mình
Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước!
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý thơ: Tổ quốc tôi như một con tàu.
Câu 4. Anh/ chị rút ra được thông điệp, bài học gì sau khi đọc hiểu văn bản.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn 200 trình bày về vai trò và ý thức của giới trẻ trước vận mệnh của Đất nước.
Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:
“Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu cứ uống ừng ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, ngồi hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng.”
(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
“Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra chao ôi buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức...”
(Chí Phèo - Nam Cao)
Hết
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 mẫu 104
I.ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản là: biểu cảm, tự sự và miêu tả.
Câu 2.
- Biện pháp tu từ trong các câu thơ đó là:
+ So sánh: Tổ quốc - một con tàu
+ Ẩn dụ: ẩn dụ hình thức: mũi thuyền, mũi Cà Mau; ẩn dụ hình thức: trổ xuống nghìn tay ôm đất nước
+ Nhân hóa: ôm đất nước
- Tác dụng:
+ Giúp câu thơ trở nên hình ảnh, mang tính biểu tượng.
+ So sánh đất nước với con tàu vừa nhấn mạnh đất nước Việt Nam là một khối thống nhất, vừa thể hiện sự tiến lên của Tổ quốc, sự vươn mình ra biển lớn..
+ Cà Mau với hình dáng đặc trưng, được ẩn dụ với mũi thuyền, là điểm đầu tiên phong trong công cuộc vươn lên của đất nước, kết hợp với hình ảnh cây đước như những con người nơi đây, gắn bó máu thịt với quê hương, với mảnh đất đã nuôi dưỡng họ, thể hiện niềm mến yêu, ca ngợi quê hương và con người Việt Nam.
Câu 3.
Ý thơ: “Tổ quốc tôi như một con tàu” là một hình ảnh thơ giàu ý nghĩa biểu tượng.
+ Biện pháp so sánh Tổ quốc với một con tàu thể hiện sự thống nhất, hoàn chỉnh và trọn vẹn của đất nước và các dân tộc. Bởi bản thân từ “Tổ quốc” bao chứa cả ý nghĩa của đất đai Việt Nam và con người Việt Nam.
+ Hình ảnh con tàu vừa mới mẻ vừa giàu ý nghĩa. Con tàu với mũi Cà Mau ẩn dụ cho quá trình tiến về phía trước, vươn mình ra biển lớn của dân tộc Việt Nam.
+ Đây là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Xuân Diệu, thể hiện sự tinh tế cũng như niềm tự hào dân tộc.
Câu 4.
Học sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
- Nội dung: trình bày được bài học/thông điệp cá nhân rút ra từ văn bản và bàn luận ngắn gọn về thông điệp đó. Bài học/Thông điệp: niềm tự hào dân tộc; sự sáng tạo độc đáo trong thơ; dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất, không thể tách rời; tình yêu quê hương đất nước; trách nhiệm của mỗi người với đất nước;...
- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8-10 dòng, diễn đạt mạch lạc.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
1.Dẫn dắt
- Nêu từ khóa: Vai trò và ý thức của giới trẻ trước vận mệnh Đất nước.
2.Giải thích
- Vận mệnh Đất nước là tương lai, là con đường mà Đất nước sẽ đi và sẽ tới, với mong ngóng về sự trường tồn và phát triển.
3.Phân tích
- Người trẻ có vai trò như thế nào với vận mệnh Đất nước?
+ Người trẻ tuổi là chủ nhân tương lai của Đất nước. Họ có vai trò thiết yếu đối với Vận mệnh của Đất nước.
+ Giới trẻ sẽ nắm giữ và quyết định sức mạnh kinh tế của Đất nước trong tương lai không xa.
+ Giới trẻ là nhân tố trọng tâm trong vai trò nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới.
+ Giới trẻ chi phối nền chính trị khi họ trở thành chủ nhân mới của Đất nước.
+ Giới trẻ hiện nay cũng là thế hệ sẽ tiếp nối và lưu giữ truyền thống, văn hóa ngàn đời.
- Vậy người trẻ hiện nay đang có ý thức như thế nào?
+ Họ hiểu được vai trò và trách nhiệm của thế hệ mình đối với vận mệnh Đất nước.
+ Họ biết trân trọng những giá trị truyền thống nhưng cũng rất cầu thị và tiếp nhận giá trị văn minh ngoại lai. (dẫn chứng)
4.Phản biện
- Có nhiều bạn trẻ thờ ơ với bản thân và chưa thể hiện sự trân trọng giá trị văn hóa đất nước.
+ Nhiều bạn trẻ sống trong cuộc sống đầy đủ, nên ỷ lại và hưởng thụ, chưa tích cực trau dồi để sẵn sàng đón nhận vai trò của mình với Đất nước
+ Nhiều bạn trẻ lại có xu thế sính ngoại cực đoan, phủ nhận giá trị truyền thống và dân tộc. (dẫn chứng)
5.Liên hệ
– Bài học/Liên hệ + Từ khóa Liên hệ
Chủ động, tích cực tu dưỡng bản thân, để thích ứng với môi trường hiện đại, nâng cao giá trị cá nhân, sẵn sàng đưa vai đỡ lên trách nhiệm với vận mệnh Đất nước.
Câu 2.
1.Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm
- Tô Hoài là nhà văn lớn, trong quá trình cầm bút, không ít những tác phẩm đã mang lại cho nhà văn những thành tựu lớn. Tô Hoài là nhà văn có sức viết khỏe, đồng thời, ông cũng là nhà văn giỏi về phân tích diễn biến tâm lý nhân vật, về miêu tả thiên nhiên, các phong tục tập quán. Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn thành công nhất trong ba truyện ngắn viết về đề tài Tây Bắc của ông. Tác phẩm có một giá trị hiện thực và nhân đạo đáng kể. Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc (1954). Tác phẩm ra đời là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn cùng với bộ đội giải phóng Tây Bắc.
- Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của trào lưu hiện thực phê phán thời kỳ 1940-1945, là một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Sáng tác của Nam Cao trước cách mạng tập trung vào hai đề tài lớn: Người tiểu tư sản nghèo và người nông dân. Về truyện ngắn Chí Phèo, đó không những là tác phẩm xuất sắc nhất trong văn nghiệp của nhà văn Nam Cao, nó còn xứng đáng là một kiệt tác của văn học giai đoạn đương thời.
2.Nêu vị trí đoạn trích
- Vợ chồng A Phủ: Sau khi về làm dâu, Mị trở nên chai sạn, nhưng cô đã thức tỉnh trong đêm tình mùa xuân, một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên sự thức tỉnh đó là men rượu ngày xuân.
- Chí Phèo: Sau khi ra tù và trước khi gặp Thị Nở, Chí lúc nào cũng trong tình trạng say khướt. Thế nhưng từ khi gặp Thị và có tình yêu vỏn vẹn trong 5 ngày, Chí Phèo đã giữ cho mình luôn tỉnh táo. Rồi sau 5 ngày, hắn bị Thị cự tuyệt. Chí Phèo trở về với rượu, men rượu là thứ để Chí Phèo giải khuây trong lòng. Trong lúc uống rượu hắn đau khổ khi nhận ra bi kịch của bản thân.
3.Đối sánh
Các em lưu ý: như những đề trước, với đề so sánh, liên hệ, tác giả thường lựa chọn cách viết phân tích lần lượt từng đối tượng, sau đó chỉ ra điểm tương đồng, khác biệt rồi lý giải. Với đề này, tác giả đi theo hướng khác: đồng thời tiến hành song song cả phân tích và so sánh, cách làm này khó hơn, nhưng thường được đánh giá cao hơn.
- Điểm chung:
- Đây đều là hai đoạn văn giàu bút lực, minh chứng cho tài năng khắc họa, đi sâu, chạm khắc nổi tâm lý, trạng thái nhân vật tài tình của nhà văn.
- Hai nhân vật chính đều tìm đến rượu như một chất xúc tác của tâm hồn.
- Mị và Chí đều là những bi kịch lớn, những bi kịch mang tính chất điển hình trong xã hội.
- Cuối cùng, trong cả hai đoạn trích, nhà văn đã chủ động đưa vào những chi tiết nghệ thuật hết sức độc đáo, giàu tính biểu tượng và ý nghĩa. Với Chí Phèo, đó là hơi cháo hành. Với Vợ chồng A Phủ đó là tiếng sáo gọi bạn.
- Điểm khác biệt:
- Cách tìm đến rượu của hai nhân vật.
+ Với Chí Phèo: Thằng Chí Phèo tìm đến rượu trong một sự phẫn nộ, một sự căm giận.
+ Với Mị: Mị tìm đến rượu để nhớ về, như một thói quen khi mùa xuân đến.
- Ý nghĩa của những chi tiết nghệ thuật xuất hiện.
+ Với Chí Phèo: Hơi cháo hành là dư âm của bát cháo hành. Là tình yêu, là hơi ấm tình người mà cả đời hắn, mới một lần được cho..
+ Với Mị: Tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân ngà ngà say ấy giống như là một âm thanh đánh thức tâm hồn vốn đã ngủ vùi từ lâu của Mị. Nó làm Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp một thời, ngày ấy Mị xinh đẹp, trẻ trung, tràn đầy sức sống.
- Ý thức hai nhân vật
+ Với Chí Phèo: Ý thức được bi kịch một cách sâu sắc, ý thức được sự cô độc và bị chối từ.
+ Với Mị: Mị ý thức được nỗi khổ của mình, Mị nhận ra mình không còn vô tri, Mị nhận ra được trong mình có niềm khao khát, có một sức sống tiềm tàng vẫn chảy lặng lẽ trong huyết quản, đó cũng là điểm khởi đầu cho quá trình đấu tranh của nhân vật.
5.Lý giải
- Góc nhìn và cách xây dựng nhân vật của nhà văn:
+ Cùng miêu tả những bi kịch điển hình, nhưng với Nam Cao, ông hướng tới những người nông dân bị bần cùng hóa, dẫn đến lưu manh hóa, tha hóa đến mức không thể còn trở lại làm người.
+ Với Vợ chồng A Phủ: Tô Hoài xây dựng nhân vật ngược lại, đó là quá trình đi lên của nhân vật. Xuất phát điểm là đau thương, là bi kịch, nhưng từ bi kịch mà nhận thức và đấu tranh, từ tăm tối mà rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
- Sự chi phối của giai đoạn lịch sử:
+ Với Nam Cao và những nhà văn cùng thời, giai đoạn 1930 - 1945: Những nhân vật chứa đầy bi kịch được gọi chung là: Không lối thoát. Điều đó cũng đơn giản khi lý giải vì sao nhà văn lại dùng góc nhìn và xây dựng nhân vật Chí Phèo như vậy.
+ Với Tô Hoài, ông viết Truyện Tây Bắc khi ông theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, nghĩa là ông đã nhìn thấy phần tươi sáng của hiện tại, mà ngược dòng trở về quá khứ đau thương của họ để tạc dựng lại cả một quá trình.
Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.
Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!