Trang chủ

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2021 số 5 (có đáp án)

Xuất bản: 17/03/2021 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2021 số 5 (có đáp án) với bài đọc hiểu Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương đã từng ra trong đề thi học kì.

Mục lục nội dung

Xem ngay đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021 môn Văn số 4 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử tốt nghiệp THPT và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2021 số 5

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương, chấn chỉnh mọi sai sót, và biến mọi lỗi lầm thành tài sản. Song, nó chỉ thích chơi với những ai có thể giết chết sự trì hoãn và biết hướng đến các mục tiêu cụ thể với mục đích rõ ràng. Cứ mỗi giây phút trôi qua, khi đồng hồ gõ đều để rút dần khoảng cách là khi thời gian đang chạy đua với từng người. Trì hoãn đồng nghĩa với thất bại, bởi không ai có thể lấy lại được thời gian đã mất – dù chỉ một giây.

Hãy tiến về phía trước với sự quả quyết và đúng lúc, rồi thời gian sẽ yêu mến bạn. Nếu bạn lưỡng lự hay đứng yên, thời gian sẽ loại bạn ra khỏi cuộc chơi. Cách duy nhất để tiết kiệm thời gian là sử dụng nó một cách khôn ngoan. Hãy cho tôi biết bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào và tiêu tiền ra sao, tôi sẽ cho bạn biết mười năm nữa bạn là ai và đang ở đâu.

Ngày hôm nay là ngày quan trọng nhất. Đừng chờ đợi ngày mai. Hãy sống trọn vẹn cho hôm nay. Đừng để sự lo lắng, thất vọng, tức giận hay hối hận… xuất hiện trong ngày hôm nay của bạn. Tất cả đều đã thuộc về quá khứ hoặc chỉ xảy đến trong tương lai. Hãy làm việc thật nghiêm túc và sống có trách nhiệm với chính cuộc sống của mình”.

(Trích “Không gì là không thể” – George Matthew Adams, Thu Hằng dịch)

Thực hiện các yêu cầu:

1. Theo tác giả, đâu là ý nghĩa của thời gian ?

2. Theo anh / chị, căn cứ vào đâu mà tác giả dám quả quyết: “Hãy cho tôi biết bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào và tiêu tiền ra sao, tôi sẽ cho bạn biết mười năm nữa bạn là ai và đang ở đâu” ?

3. Anh / chị hiểu như thế nào về câu nói của tác giả: “Nếu bạn lưỡng lự hay đứng yên, thời gian sẽ loại bạn ra khỏi cuộc chơi” ?

4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm: “Ngày hôm nay là ngày quan trọng nhất” không ? Lý giải ?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm cá nhân của anh / chị về câu hỏi: “Sử dụng thời gian như thế nào được gọi là khôn ngoan?”

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh / chị về nhân vật người vợ nhặt qua đoạn trích sau. Từ đó làm rõ sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm của con người:

“Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:

– Điêu ! Người thế mà điêu !

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

– Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.

À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:

– Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.

– Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

– Đây, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi:

– Rích bố cu, hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

– Ăn thật nhá! ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

– Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

– Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn chặc lưỡi một cái:

– Chặc, kệ!

Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về…”.

(Trích “Vợ nhặt” – Kim Lân)

Hết

(Giáo viên ra đề: Tạ Xuân Hải)

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2021 - đề số 5

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Theo tác giả, ý nghĩa của thời gian là: Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương, chấn chỉnh mọi sai sót, và biến mọi lỗi lầm thành tài sản.

2. Tác giả dám quả quyết: “Hãy cho tôi biết bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào và tiêu tiền ra sao, tôi sẽ cho bạn biết mười năm nữa bạn là ai và đang ở đâu” vì:

- Thứ nhất: Tương lai luôn là kết quả của những suy nghĩ và hành động trong quá khứ. Cho nên, bạn trở thành như thế nào là do những quyết định mà bạn đã đưa ra.

- Thứ hai, cách sử dụng thời gian và tiền bạc quả thật là những vấn đề sống còn, quyết định tương lai của một con người. Tận dụng thời gian hiệu quả thì bạn sẽ vượt trội so với người khác, tiêu tiền hợp lí thì bạn sẽ ổn định về tài chính sớm hơn. Do vậy, nhìn vào cách tiêu thời gian và tiêu tiền hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể biết trước được tương lai mình như thế nào.

3. Câu nói của tác giả: “Nếu bạn lưỡng lự hay đứng yên, thời gian sẽ loại bạn ra khỏi cuộc chơi” có thể hiểu là:

- Khi bạn lưỡng lự trước một biến cố trong cuộc đời, không sớm đưa ra được những quyết định, thì thời gian không dừng lại để chờ đợi bạn. Nó sẽ trôi qua, đồng nghĩa với việc bạn có thể sẽ đánh mất những cơ hội quý giá.

- Khi bạn đứng yên, không hành động, không thay đổi, thời gian vẫn cứ trôi đi, và bạn sẽ bị tụt hậu so với người khác.

4. Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm. Tham khảo:

- Đồng tình.

- Lý giải:

+ Quá khứ là cái đã trôi qua, chúng ta không thể quay lại để mà thay đổi bất cứ điều gì.

+ Tương lai là cái chưa xảy đến, và chúng ta không thể biết trước nó sẽ xảy ra theo kịch bản nào.

+ Chỉ có giây phút này, ngay lúc này, ở đây, chúng ta được toàn quyền sử dụng thời gian theo cách thức và mục đích mà chúng ta mong muốn.

+ Và những suy nghĩ, những hành động, cách thức sử dụng thời gian của chúng ta hôm nay sẽ tạo nên số phận của chúng ta mai sau.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Trước hết phải nhìn nhận thời gian là thứ quý giá hơn vàng (sử dụng: Thời gian là vàng) : vì nó hữu hạn và một đi không trở lại. Từ đó mới có ý thức sử dụng thời gian khôn ngoan.

- Sử dụng thời gian khôn ngoan là nên lập kế hoạch để chủ động và có tầm nhìn trong việc sử dụng thời gian

- Sử dụng thời gian khôn ngoan là phải biết ưu tiên thời gian cho những việc quan trọng, những việc sẽ tạo dựng nền tảng cho tương lai tốt đẹp sau này

- Sử dụng thời gian khôn ngoan là phải biết tận dụng một cách hiệu quả thời gian nhàn rỗi: để vừa giúp mình phục hồi năng lượng, lại vừa có thêm kiến thức và kĩ năng trong cuộc sống.

v.v...

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (5,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

1. Nêu vài nét khái quát về tác giả và tác phẩm

2. Nêu vị trí của đoạn trích

3. Cảm nhận về nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích

a. Tóm tắt một chút về lần gặp thứ nhất

b. Cảm nhận

- Nạn đói đã tàn phá nhân hình của thị:

+ Quần áo rách tả tơi như tổ đỉa

+ Gầy sọp hẳn đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy có hai con mắt

- Nạn đói đã tàn phá cả nhân tính của thị

+ Từ một cô gái vui vẻ, giờ đây thị trở nên đanh đá: sầm sập chạy tới, sưng sỉa, con cớn với Tràng

+ Thị trơ trẽn trong hành động đòi ăn: ăn gì thì ăn chứ chả ăn giầu

+ Thị đánh mất phép lịch sự tối thiểu trong hành động ăn: ngồi sà xuống, cắm mặt, ăn một chặp 4 bát bánh đúc, cầm đũa quệt ngang mồm.

+ Thị trở nên bất chấp, liều lĩnh trong việc quyết định theo không Tràng chỉ qua một câu nói đùa.

=> Qua việc miêu tả sự tha hóa của nhân vật “người vợ nhặt”, Kim Lân cho ta thấy một số điều:

- Hoàn cảnh có sức mạnh ghê gớm, có thể làm biến dạng về cả nhân hình lẫn nhân tính của con người.

- Qua đó ông lên tiếng tố cáo tội ác của các thế lực đen tối lúc bấy giờ đã đẩy người dân vào bước đường cùng.

- Đồng thời, Kim Lân cũng giúp chúng ta thấy được một khát vọng bất diệt của con người mà hoàn cảnh dù có bi đát đến đâu vẫn không thể dập tắt được: đấy chính là khát vọng hạnh phúc.

4. Khái quát đoạn trích, tác giả và tác phẩm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Kết thúc đề thi thử  tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn số 5 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM