Trang chủ

Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2023 môn Văn mẫu số 23 có đáp án

Xuất bản: 12/06/2023 - Cập nhật: 23/06/2023 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2023 môn Văn mẫu số 23 có đáp án với bài đọc hiểu bài thơ Gửi con: Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn / Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui

Các em học sinh lớp 12 thân mến, việc bổ sung khả năng luyện đề càng ngày càng nhuần nhuyễn là điều mà Đọc tài liệu hướng tới để giúp các em chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp sắp tới tốt nhất. Vì vậy chúng tôi lại tiếp tục cập nhật vào trọn bộ các mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn Văn mẫu đề số 23 dưới đây.

Mới nhất: Đáp án đề thi Văn thpt quốc gia 2023 và barem điểm được cập nhật sớm nhất sau kì thi chính thức diễn ra.

(Đề thi được xây dựng mang tính chất tham khảo và giúp các em nâng cao khả năng luyện tập làm đề thi tại nhà!)

Cùng đi vào tìm hiểu chi tiết nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2023 này:

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2023 mẫu số 23

I. ĐỌC - HIỂU : (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

GỬI CON

[…..]

Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn

Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui

Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại

Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa

Chẳng sao

Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp

Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.

Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ

Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay

May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may

Hãy nói thật ít. Để làm được nhiều - những điều có nghĩa của trái tim.

Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới.

Rồi dâng tặng cho đời. Dù chẳng được trả công.

[ …]

(Bùi Nguyễn Trường Kiên, Tuyển tập thơ Ru con một thuở, NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2015)

Câu 1. Chỉ ra 2 phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Theo văn bản, người cha khuyên con ứng xử như thế nào với quá khứ, hiện tại và tương lai?

Câu 3.Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp

Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao

Hai dòng thơ trên nhắn gửi đến người đọc thông điệp gì?

Câu 4. Em có đồng ý với lời khuyên sau không? Vì sao?

Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa

Chẳng sao

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 15 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của đức tính khiêm nhường đối với mỗi người trong cuộc sống.

Câu 2. (5 điểm)

Cảm nhận đoạn trích “Trong bóng tối, Mị đứng im lặng…đau dứt từng mảnh thịt.” Nhận xét cách xây dựng tâm lý nhân vật của Mị của Tô Hoài.

Trong bóng tối, Mị đứng im lặng,như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào!” Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.

Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sửa xa xa. Mị lúc mê, lúc tỉnh. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ.

Mị bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm sâm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động. Không biết bên buồng quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay cũng đang phải trói như Mị. Mị không thể biết. Ðời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Mị sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau dứt từng mảnh thịt.

(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2008, tr 8,9)

-HẾT-

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Văn mẫu 23

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. 2 phương thức biểu đạt: Biểu cảm và nghị luận

Câu 2.

- HS có thể trích dẫn nguyên văn 2 dòng thơ

Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ

Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay

- HS diễn đạt có ý tương đương:

+ Nghĩ về tương lai, hi vọng vào ngày mai

+ Đừng quên quá khứ

+ Đừng buông xuôi hiện tại.

Câu 3. Phải luôn khiêm tốn, học hỏi để không ngừng hoàn thiện bản thân

Câu 4.

- HS trình bày được chính kiến, đồng ý hoặc không đồng ý (0,25); Lí giải hợp lí, thuyết phục (0,75)

- Gợi ý: Đồng ý

Bởi vì:

+ Hiểu được ưu điểm, hạn chế, tình cảm, mong muốn ...của bản thân giúp mỗi người phát huy năng lực, hạn chế nhược điểm.

+ Lùi lại để hiểu mình có thể khiến con người có thời điểm xuất phát muộn hơn nhưng thành công bền vững hơn và sống đúng là chính mình, vui vẻ và hạnh phúc.

( Nếu theo hướng không đồng ý thì lập luận phải thuyết phục và không vi phạm chuẩn mực đạo đức)

II. LÀM VĂN

Câu 1: 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, Tổng – Phân – hợp.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Giá trị , ý nghĩa của tính khiêm nhường

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận: HS có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách khác nhau, miễn là hợp lý, khoa học, thuyết phục, có thể theo hướng sau:

- Giải thích: Khiêm nhường là khiêm tốn trong quan hệ, đối xử, hiểu mình, biết người, nhã nhặn, biết lắng nghe…

-  Phân tích, chứng minh ý nghĩa

+ Giúp mỗi người tự nhận ra hạn chế của bản thân để từ đó không ngừng cố gắng hoàn thiện mình

+ Khiến cho mỗi người biết lắng nghe, biết học hỏi người khác và nhanh tiến bộ, thành công

+ Người khiêm nhường dễ hòa hợp với mọi người, được yêu quý…

-Bàn luận, bác bỏ

+ Khiêm nhường là đức tính cao quý

+ Phê phán kiểu người kiêu căng, tự phụ; Kiểu người tự ti, không có chính kiến…

- Rút ra bài học nhận thức và hành động

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, diễn đạt mới mẻ.

Câu 2.

I. . MỞ BÀI

Tác giả/tác phẩm/yêu cầu của đề.

II. THÂN BÀI

1. Khái quát

Hoàn cảnh sáng tác/xuất xứ tác phẩm/xuất xứ đoạn trích

Tóm tắt đoạn trước

2. Nội dung và nghệ thuật

Nội dung:

– Sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt trong Mị bùng cháy ngay cả trong hoàn cảnh bị vùi dập.

+ Phân tích làm rõ cảnh ngộ bị chà đạp cả về thể  xác lẫn tinh thần (bị trói) nhưng lòng yêu đời, khát khao sống, khát khao tự do vẫn mãnh liệt ở trong Mị.

+ Tác động của tiếng sáo đến tâm hồn Mị. Nghe tiếng sáo, sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong Mị bùng cháy. Tiếng sáo nhập vào hồn Mị, ảo giác hạnh phúc dâng trào xóa mờ đường biên giữa thực và mộng khiến “Mị vùng bước đi”. Cơn đau thể xác đã đánh thức Mị trở lại với thực tại phũ phàng.

– Đoạn trích tiếp theo là sự giằng xé trong nội tâm của Mị. Dù đã trở lại với thực tại tàn nhẫn, suốt đêm xuân ấy, quá khứ vẫn “nồng nàn tha thiết” trong nỗi nhớ của Mị.

+ Trong tận cùng của nỗi đau, Mị vẫn nhận ra ngoài kia thế giới đêm tình mùa xuân đang tới. Ngoài kia lứa đôi đang hẹn hò, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc đang vẫy gọi. Nhưng đối lập với cuộc sống tươi vui tràn trề ấy là thực tại phũ phàng: Mị đang bị trói đến tàn nhẫn trên cọc gỗ vô tri. Bất lực trước hoàn cảnh nghiệt ngã ấy “Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.” Những kỷ niệm tuổi trẻ giờ đây cứ như từng thước phim quay chậm cứ hiện về trong cái “bồi hồi” đầy tâm trạng ấy.

+ Các từ ngữ “trói đứng”, “đau nhức” gợi ra cảnh tượng đau đớn, tủi nhục của Mị. Phép điệp “lúc thì…lúc lại” làm tâm trạng Mị đồng hiện giữa quá khứ, hiện tại, chập chờn giữa tỉnh và mê. Dù mê hay tỉnh thì trong Mị vẫn “nồng nàn tha thiết nhớ”.

– Đoạn trích khép lại là tâm trạng xót xa tủi nhục của Mị khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau.

+ Những câu hỏi bật lên trong Mị đầy hoài nghi đau đớn, để rồi cuối cùng Mị chua chát nhận ra: “Ðời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng.” Đó chính là lời kết cho thân phận trâu ngựa, khổ nhục, bế tắc không lối thoát.

+ Mị thấy sợ khi nhớ tới người đàn bà cũng bị đánh, bị trói đến chết trong chính căn nhà này. “Mị sợ quá, Mị cựa quậy” như để chứng minh mình vẫn còn sống. Chi tiết ấy cho thấy, Mị sợ chết cũng chứng tỏ Mị có lòng khao khát sống đến mãnh liệt.

Có thể nói, bi kịch của cuộc sống hiện tại không ngăn được khát vọng tự do mãnh liệt như ngọn lửa đang bùng cháy trong Mị. Đêm tình mùa xuân đi qua, Mị vẫn trở về với ô cửa lỗ vuông, với tảng đá cạnh tàu ngựa, vẫn những công việc đầu năm, giữa năm, cuối mùa vẽ ra trước mắt. Nhưng tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân giống như một tia lửa nhỏ mà “một tia lửa nhỏ hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai” (Lỗ Tấn). Tia lửa ấy sẽ bùng cháy vào cái đêm cởi trói cho A Phủ và cùng anh trốn khỏi Hồng Ngài sau này.

* Nghệ thuật:

– Trần thuật uyển chuyển, linh hoạt; dẫn dắt tình tiết khéo léo, tự nhiên.

– Biệt tài miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật phù hợp với logic của đời sống, đạt đến sự chân thực, tinh tế.

– Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc, sáng tạo; câu văn giàu tính tạo hình và đậm chất thơ.

– Giọng văn xót xa thương cảm, thấm đẫm yêu thương

3. Nhận xét:

* Cách xây dựng tâm lý nhân vật của Mị của Tô Hoài.

– Điểm nhìn từ ngoài vào trong, đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Cô Mị hiện tại và cô Mị quá khứ đan xen nhau, khi tách ra, khi hòa vào tạo thành một cô Mị hết sức sống động và mới lạ. Con người hiện tại đờ đẫn, mất hết cảm giác về xung quanh. Trái lại, con người của quá khứ thì sống dậy, tha thiết, bồi hồi, rạo rực bởi những ảo giác hạnh phúc do tiếng sáo mang lại. Lúc tỉnh, đối mặt với hiện tại thì tủi thân, xót xa; lúc nghĩ đến người đàn bà bị trói đến chết, Mị lại sợ chết. Đó là sự mâu thuẫn giữa tâm lý trước đó (vốn không sợ chết, thậm chí hai lần muốn chết) nhưng bây giờ lại sợ chết. Mà sợ chết là biểu hiện cao độ của lòng ham sống.

– Nhân vật Mị đã khiến cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của khát vọng sống con người. Mị có tâm hồn trong sáng, khao khát hạnh phúc, sức sống mãnh liệt. Bạo lực và dây trói chỉ có thể trói buộc thể xác chứ không thể trói buộc được tình yêu và khát vọng sống của cô.

– Qua tâm lý nhân vật, có thể thấy đó là một người có tâm hồn trẻ trung, khỏe khoắn, đầy ắp khát vọng về tình yêu và hạnh phúc. Sức sống mãnh liệt ấy như hạt mầm khỏe khoắn sẽ xuyên qua lớp đất đá mùa đông để vươn dậy khi xuân về.

III. KẾT BÀI

-/-

Các em hãy tham khảo và luyện tập với các mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM