Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn văn 2020 có đáp án của trường THPT Quang Hà lần thi thứ 3 mẫu số 1 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2021 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.
Đề thi thử
Mã đề 1
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC - TRƯỜNG THPT QUANG HÀ
ĐỀ KIỂM TRA KHẢO SÁT ÔN THI THPTQG 2020 LẦN 3
Môn: Ngữ Văn 12
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đã đến lúc chúng ta cần tách ra khỏi đám đông, khước từ chuyên chế của nó. Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh. Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm. Triết gia Soren Kierkegaard coi đám đông là tập hợp những người lẩn tránh sự nhọc nhằn của quá trình phát triển bản thân. Ma lực của đám đông đã được nhắc tới từ rất sớm. “Không đi theo đám đông để làm điều xấu” là một câu trong Kinh Thánh. Trong một loạt thí nghiệm nổi tiếng của Solomon Asch cách đây 60 năm, người tham gia thí nghiệm ngồi cùng với một số người khác (thực chất là những người đồng mưu với Asch). Mọi người trong nhóm được yêu cầu so sánh độ dài của một số đường thẳng – một bài tập cho trẻ con. Tuy nhiên, nếu những người đồng mưu nhất loạt cùng chọn một câu trả lời rõ ràng là sai thì tới 30% người tham gia thí nghiệm sẽ từ bỏ cách đánh giá của mình để hùa vào đám đông. Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo. Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi những người khác một cách vật lý. Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập.
(Trích Vẻ đẹp của người đứng một mình, theo tuoitre.vn. 12 – 8 – 2015).
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?(0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, vì sao chúng ta cần đứng riêng? (0,5 điểm)
Câu 3. Khi dùng cụm từ ma lực của đám đông, tác giả muốn nói điều gì? (1,0 điểm)
Câu 4. Bài học sâu sắc mà anh/chị nhận được từ đoạn trích trên. (1,0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN.
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu ra trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong đoạn trích Người lái đò sông Đà nhà văn Nguyễn Tuân từng miêu tả “Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”. Và sau cuộc chiến trên mặt trận sông nước thì “đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ cá dầm xanh … cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”.
(Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2011, tr.189 và tr.190)
Phân tích hình ảnh người lái đò trong hai tình huống trên, từ đó làm nổi bật nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
-HẾT-
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Mẫu đề số 2 trong cùng kì thi: Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn THPT Quang Hà lần 3 số 2
Vậy là Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp các em một đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn khá hay của trường THPT Quang Hà (Vĩnh Phúc) ra đề. Hãy thử sức làm đề thi trong 120 phút và thử so sánh đối chiếu với đáp án chính thức bên dưới em nhé!
- Đề tham khảo tốt nghiệp THPT môn Văn 2020 của Bộ GD&ĐT -
Đáp án
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm
Câu 3. Khi dùng cụm từ ma lực của đám đông, tác giả muốn nói đám đông thường tạo ra xu thế, trào lưu, ảnh hưởng để lôi kéo các cá nhân. Con người vốn dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông vì người ta thường tin rằng những gì được đám đông thừa nhận là đúng.
Câu 4.
- HS có thể khẳng định thái độ đồng tình hoặc không đồng tình theo quan điểm riêng của bản thân, sau đây chỉ là gợi ý
- Không chạy theo đám đông một cách mù quáng.
- Cần phát huy bản ngã của mình trong lối sống, học tập, tư duy,…
PHẦN II: LÀM VĂN.
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết của việc đứng riêng một mình.
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ các ý:
*Giải thích
Trạng thái một mình là một quan niệm sống độc lập, chủ động chứ không phải là sự tách biệt vật lí đơn thuần -> Khi ở một mình sẽ cho ta cơ hội độc lập suy nghĩ, khám phá và có những ý kiến riêng.
* Phân tích, bàn luận
- Vì sao Trạng thái một mình là cần thiết để phát triển bản sắc và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
+ Mỗi cá nhân là một cá thể riêng biệt, có những tính cách, suy nghĩ, hành động... riêng
+ Phải có quan niệm sống độc lập mới được là chính mình, không trở thành bản sao của người khác và luôn chủ động trong mọi hoàn cảnh
- Dẫn chứng...
- Phê phán những người thích hùa theo đám đông, sẵn sàng từ bỏ danh dự, nhân cách để làm theo những điều sai trái
- Bác bỏ: Tuy nhiên trạng thái một mình không có nghĩa là bảo thủ mà vẫn cần tiếp thu ý kiến tích cực của người khác
* Bài học:
Bản thân cần xây dựng cho mình một lối sống tích cực, chủ động để phát triển tiềm năng cá nhân, đem lại những giá trị mới cho cuộc sống.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài: Triển khai được vấn đề; Kết bài: khái quát được vấn đề
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hình ảnh người lái đò trong hai tình huống để làm nổi bật vẻ đẹp: dũng cảm tài hoa và tâm hồn bình dị.
c.Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng nhưng phải làm rõ các ý:
1. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận
2. Cảm nhận về hình tượng người người lái đò
Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
*Khái quát về nhân vật:
– Tên gọi là người lái đò Lai Châu, đã 70 tuổi, làm nghề lái đò đã 10 năm.
– Chân dung: “Tay ông lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh, gò lại như kẹp lấy cuống lái; giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông; nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”.
* Tình huống thứ nhất
* Tài trí phi thường, dũng cảm tài hoa:
– Nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá; thuộc quy luật phục kích của lũ đá
– Biết từng cửa sinh, cửa tử trên thạch trận; nắm chắt quy luật của dòng nước sông Đà.
– Như một vị tướng lão luyện, dày dạn kinh nghiệm, bình tĩnh tiến vào trận địa và chỉ huy cuộc vượt thác tài tình vượt qua ba trùng vi.
* Tình huống thứ hai
* Tâm hồn bình dị:
Là người có phong thái ung dung, ông nhìn thử thách bằng cái nhìn bình tĩnh và hùng dũng ngay cả lúc bị thương; không khoe khoang chiến công, thích những thú vui thanh tao…
*Nghệ thuật: Nhà văn sử dụng tri thức hội họa, điện ảnh, võ thuật, quân sự một cách tài hoa, uyên bác để diễn tả sinh động tài nghệ của nhân vật., đặt nhân vật vào tình huống đặc biệt để nhân vật bộc lộ phẩm chất…
3. Nhận xét về nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
- Phong cách nghệ thuật: độc đáo, tài hoa, uyên bác của một nghệ sĩ suốt đời đi kiếm tìm cái đẹp:
- Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật, con người ở phương diện thẩm mỹ
- Nguyễn Tuân luôn đi tìm cảm hứng mạnh trong sáng tạo nghệ thuật: Tô đậm những cái phi thường để tạo cảm giác mãnh liệt, những ấn tượng đậm nét.
+ Ngôn ngữ phong phú, giàu chất hội họa: diễn tả được mọi sắc thái, mọi cung bậc, hình thù, màu sắc của SĐ -> văn “khoe tài”, “bậc thầy của ngôn từ”” người làm xiếc trên ngôn từ”…
+ Vận dụng kiến thức nhiều bộ môn nghệ thuật, ngành khoa học
4. Đánh giá
Nhà văn nêu lên quan niệm: người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động đời thường và bộc lộ tình yêu đất nước, niềm tự hào hứng khởi, gắn bó tha thiết với non sông Việt.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
-/-
Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia 2021 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.