Bạn muốn tìm kiếm đề thi thử tốt nghiệp thpt 2023 môn văn để thử sức mình? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn Chuyên Đại học Vinh lần thứ nhất dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.
Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử tốt nghiệp thpt này:
Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2023 Chuyên Đại học Vinh lần 1
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Bây giờ con ở đây
từng khóm lá xanh đang lặng lẽ nép trong vườn
bàn chân con chưa để dấu muôn nơi
những cánh hoa tay con chưa chạm tới
trong mắt con trời xanh yên ả
những đám mây như gấu trắng bồng bềnh.
Bây giờ con ở đây
khi những cánh rừng già châu Phi bốc cháy
voi chạy về châu Âu chết cóng giữa mùa đông
khi hàng triệu con chim rời xứ lạnh bay về xứ nóng
kiệt sức rồi phải lao xuống biển sâu
Hôm nay con học đi
ông hàng xóm chống gậy ra vườn lê từng bước nặng nề
hôm nay con học nói
bà hàng xóm thều thào với chồng về một miền quê thời tuổi trẻ.
Mai ngày con lớn lên
bố không biết những điều con sẽ nghĩ
bố không biết những con voi còn chết cóng phía trời xa
bố không biết những đàn chim còn bay về xứ nóng?...
bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng
trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con
(Viết cho con - Trương Đăng Dung, Những kỉ niệm tưởng tượng, tác phẩm và dư luận,
NXB Văn học, Hà Nội, 2014; tr.76-78)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh trong bài thơ cho thấy thiên nhiên đang bị hủy diệt.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ: bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/ trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con ?
Câu 4. Hãy nhận xét tình cảm của người cha đối với con được thể hiện trong bài thơ.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ với việc bảo vệ thiên nhiên trong bối cảnh hiện nay.
Câu 2 (5,0 điểm):
Cảm nhận về hình tượng sông Hương trong đoạn trích sau:
Hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày, hoặc trên sân khấu nhà hát. Quả đúng như vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya. Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu. Và từ đó, những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, chơi đàn hết nửa thế kỷ, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua – Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”… Đến câu ấy, người nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi, chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: “Đó chính là Tứ đại cảnh!”
Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hoá nó lên, tôi gọi đây là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: “Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ…”. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hoá xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.
(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.200-201)
Từ đó, nhận xét cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường được thể hiện qua đoạn trích.
--- Hết ---
Đặt bút và làm bài thi thử này trong vòng 120 phút để tự đánh giá xem hiện tại mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm khối lượng kiến thức đã học em nhé! Đối chiếu với đáp án chi tiết các câu hỏi ở bên dưới:
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn văn Chuyên Đại học Vinh lần 1
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật
Câu 2. Hình ảnh cho thấy thiên nhiên đang bị hủy diệt: những cánh rừng già châu Phi bốc cháy; voi chết cóng giữa mùa đông; hàng triệu con chim kiệt sức rồi phải lao xuống biển sâu…
Câu 3.
Nội dung lời dặn của người cha: bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/ trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con
- Trái tim không lạc lõng tức là nó không đứng ngoài lề, không dửng dưng, thản nhiên trước cuộc sống. Người cha thể hiện niềm mong mỏi con sẽ quan tâm đến những điều nhỏ bé, đời thường xung quanh và mở rộng tâm hồn để lắng nghe, đón nhận mọi biến động của thời đại. Dẫu rằng, thời con sống có niềm vui, những điều tốt đẹp hay điều không như ý, dẫu thế giới bị hủy diệt thì con cũng không được dửng dưng, thờ ơ.
- Từ đó, có thể thấy được tình cảm chân thành, tha thiết mong mỏi và cả nỗi lo lắng của người cha trước sự hìn thành, phát triển nhân cách, tâm hồn của con. Lời cha dặn cũng là lời cảnh báo con trước nguy cơ con người dửng dưng, thờ ơ trước viễn cảnh cuộc sống đang bị hủy hoại âm thầm hàng ngày.
Câu 4.
- Thái độ người cha: yêu thương, quan tâm; luôn dõi theo từng bước đường trưởng thành của con; tha thiết, mong mỏi con hoàn thiện tâm hồn, nhân cách; cách giáo dục con vừa ân cần, vừa nghiêm khắc…
- Nhận xét: Qua lời dặn, ta thấy dù tình cảm của cha rất giản dị, không bộc lộ trực tiếp nhưng nó lại thiêng liêng và sâu sắc vô cùng. Đó cũng là tình cảm của bao người cha dành cho con trên đời.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
* Làm rõ hiện tượng
- Đó chính là bổn phận, những việc thế hệ trẻ cần làm, cần đảm nhiệm để bảo tồn, tránh cho thiên nhiên nguy cơ bị hủy hoại, diệt vong.
- Tinh thần trách nhiệm ấy vừa thể hiện qua sự tự ý thức về bổn phận, nghĩa vụ của mình, vừa thể hiện qua những việc làm cụ thể.
* Tại sao cần phát huy tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ thiên nhiên?
- Môi trường thiên nhiên đang bị đe dọa. Chính thế hệ trẻ cũng đang có những nhận thức lệch lạc, hàn vi sai trái, gây tổn hại đến thiên nhiên hàng ngày, hàng giờ.
- Chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công tác bảo vệ thiên nhiên thì ta mới có thể hướng đến một sự phát triển ổn định, bền vững, thân thiện với hệ sinh thái trong tương lai.
- Tuổi trẻ là có sức khỏe, sức trẻ, nhiệt huyết, lại được trang bị nhiều tri thức, kĩ năng, tiếp cận được khoa học kĩ thuật hiện đại…Bởi vậy, họ có khả năng để bảo vệ thiên nhiên bằng những giải pháp hiệu quả.
* Vậy thế hệ trẻ cần phải làm gì để bảo vệ thiên nhiên?
- Hiểu được vai trò của môi trường tự nhiên với cuộc sống của chính mình và những hiểm họa khôn lường nếu thiên nhiên bị hủy hoại.
- Nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm, khả năng của thế hệ mình trong việc bảo vệ thiên nhiên.
- Thiết thực bảo vệ thiên nhiên bằng những việc làm nhỏ bé hàng ngày.
- Phát động các chiến dịch hành động vì thiên nhiên trên quy mô rộng, kết nối với bạn bè khu vực và quốc tế.
- Vận dụng khoa học kĩ thuật vào việc bảo vệ thiên nhiên
* Bàn luận mở rộng: Tuy nhiên, việc bảo vệ thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm của thế hệ trẻ mà là bổn phận của cả xã hội, cộng đồng.
Học sinh liên hệ với thực tế, dẫn chứng để làm rõ hơn quan điểm của mình.
c. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp sông Hương trong đoạn trích
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận (đặc biệt là thao tác phân tích, so sánh); kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những nội dung chính sau:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
- Tác giả: có sở trường bút ký. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình; Kết hợp chất trí tuệ và trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều; Thể hiện vốn kiến thức uyên bác, sâu rộng, mang tính tổng hợp trên các lĩnh vực; Hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm, tài hoa;
- Tác phẩm: là tác phẩm xuất sắc, được nhà văn sáng tác năm 1981. Tác giả đã mang đến cho người đọc những cảm nhận đầy chất thơ về sông Hương qua dòng chảy của nó từ dãy Trường Sơn, xuôi về Huế cho đến khi đổ ra biển cả. Qua đó, nhà văn thể hiện một tình yêu tha thiết, mê đắm với xứ Huế, với thiên nhiên, đất nước nói chung và một phong cách nghệ thuật tài hoa, độc đáo
- Đoạn trích: khắc họa chiều sâu văn hóa của sông Hương khi chảy trong lòng Huế và vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, của sự chung tình của nó khi chia tay Huế để về với biển.
2. Cảm nhận hình tượng sông Hương trong đoạn trích
Xem thêm: phân tích hình tượng dòng sông Hương
2.1. Sông Hương giữa lòng TP Huế mang vẻ đẹp của một dòng sông văn hóa
- Gắn với âm nhạc cổ điển Huế
Sông Hương gắn liền với nền âm nhạc cổ điển Huế thông qua hình ảnh ví von dòng sông như “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Toàn bộ nền âm nhạc ấy, theo tác giả, chỉ thực sự là nó khi gắn bó trên mặt nước của dòng sông này. Nếu tách nó khỏi không gian sinh thành và diễn xướng là sông Hương, đem âm nhạc cổ điển Huế trình diễn trên sân khấu thì sẽ mất đi sự thi vị vốn có, khiến cho người nghe thất vọng.
- Gắn với Truyện Kiều
Hoàng Phủ Ngọc Tường còn liên tưởng đến Truyện Kiều và nhận thấy rằng những bản đàn đi suốt cuộc đời Kiều với những bản nhạc cổ của Huế, đặc biệt là bản Tứ đại cảnh có mối quan hệ mật thiết, tương đồng. Sở dĩ như vậy là bởi Nguyễn Du đã bao nhiêu năm lênh đênh trên quãng sông này. Dẫn ra câu chuyện về người nghệ nhân già khi nghe con gái đọc câu thơ miêu tả tiếng đàn của Kiều, nhà văn như muốn khẳng định mối quan hệ không thể tách rời của sông Hương với văn hóa, thi ca xứ Huế. Đó chính là vẻ đẹp hiếm thấy của sông Hương so với các dòng sông khác trên thế giới.
2.2. Khi phải chia tay TP để đi ra biển, sông Hương mang vẻ đẹp của cảnh sắc tự nhiên và vẻ đẹp của dòng sông chung tình, vấn vương, không nỡ rời xa
- Vẻ đẹp của cảnh sắc tự nhiên: Khi rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc ôm lấy đảo Cồn Hến mơ màng trong sương khói rồi ra đi giữa màu xanh biếc của những khu vườn Vĩ Dạ. Các từ chếch, ôm tái hiện một dòng chảy thật mềm mại, duyên dáng. Cách miêu tả của nhà văn làm sống dậy cả một vùng xanh mướt và thơ mộng, khiến thiên nhiên xứ Huế hiện lên như một bức tranh thủy mặc. Sông Hương không chỉ mang vẻ đẹp của dáng hình, sắc nước, điệu chảy… mà nó còn được tô điểm bởi vẻ đẹp của thiên nhiên xứ Huế.
- Vẻ đẹp của dòng sông chung tình:
+ Do đặc điểm tự nhiên ở nước ta, hầu hết các con sông đều chảy về phía đông để ra biển nên sông Hương buộc phải chuyển dòng. Nó phải rẽ ngoặt sang phía đông và như vậy, sẽ lại tiếp xúc một lần nữa với TP Huế tại thị trấn Bao Vinh.
Tuy nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường không đơn thuần làm công việc như 1 nhà địa lý. Trong cảm thức thẩm mĩ của nhà văn, vẻ đẹp sông Hương luôn được soi chiếu qua vẻ đẹp tâm hồn của 1 giai nhân, 1 người tình chung thủy. Vì vậy, nhìn khúc quanh của dòng sông chỗ này, nhà văn liên tưởng đến câu chuyện tình lãng mạn, một cuộc chia tay đầy lưu luyến của những người yêu nhau.
+ Theo cách đó, nhà văn đã lý giải nguyên do của khúc quanh này chính là bởi sông Hương muốn quay trở lại, gặp lại Huế – người tình của nó lần cuối cùng để nói câu tạ từ trước khi về với biển. Nhà văn đã nhân hóa khúc rẽ ngoặt ấy là “nỗi vương vấn, cả 1 chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”, biến 1 đặc điểm tự nhiên của dòng sông thành một hành động, cử chỉ đầy trữ tình.
+ Nhà văn còn hình dung sông Hương như nàng Kiều trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề trc khi đi xa. Tình cảm ấy của sông Hương với Huế tựa như tình cảm Kim Kiều và cũng tựa như một tình cảm lớn lao hơn của người dân Châu Hóa đối với quê hương, xứ sở. Mượn tình cảm riêng để khái quát mối tình chung, làm cho tình yêu quê hương đất nước không chung chung, trừu tượng mà tinh tế, đằm thắm, sâu sắc. Đó cũng là nét đặc sắc thường thấy ở những cây bút tài hoa.
2.3. Đánh giá chung
- Hình tượng sông Hương: đó không chỉ là dòng sông mang vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, chiều sâu văn hóa, lịch sử mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp của xứ Huế, của dân tộc.
- Nghệ thuật: Thể loại bút kí; Ngôn ngữ, hình ảnh gợi hình, gợi cảm, tài hoa, đa tình; Giọng điệu trữ tình, suy tư; Phát huy hiệu quả các biện pháp nghệ thuật…
3. Cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
- Cái tôi trữ tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
+ Một cái tôi say đắm cảnh sắc thiên nhiên, có tình yêu sâu sắc, sự gắn bó tha thiết với quê hương, xứ sở
+ Một cái tôi trí tuệ, uyên bác, có vốn hiểu biết phong phú, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực
+ Một cái tôi lãng mạn, tài hoa
- Nhận xét: cái tôi ấy thống nhất với cốt cách, con người nhà văn nhưng cũng là sản phẩm của quá trình sáng tạo miệt mài, đầy trách nhiệm và tài năng nghệ thuật của tác giả. Nó mang nét riêng biệt, độc đáo phần tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
-/-
Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp thpt quốc gia 2023 môn văn của trường Chuyên Đại học Vinh có đáp án theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây.
Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả