Trang chủ

Đề thi thử tốt nghiệp 2024 môn văn: Cảm ơn đất nước

Xuất bản: 15/05/2024 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp 2024 môn văn: Cảm ơn đất nước - Tôi chưa từng đi qua chiến tranh / Chưa thấy hết sự hi sinh của bao người ngã xuống có đáp án chi tiết

Mục lục nội dung

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Dưới đây là đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn mẫu với yêu cầu: Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về giá trị của sự kiên định trên bước đường thành công của mỗi người.....

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau:

Tôi chưa từng đi qua chiến tranh

Chưa thấy hết sự hi sinh của bao người ngã xuống

Thuở quê hương còn gồng gánh nỗi đau.

Tôi lớn lên từ những khúc dân ca

Khoan nhặt tiếng đờn kìm

Ngân nga sáo trúc

Đêm Trung thu say sưa nghe bà kể

Chú Cuội một mình ngồi gốc cây đa.

Thời gian qua

Xin cám ơn đất nước

Bom đạn mấy mươi năm vẫn lúa reo, sóng hát

Còn vọng vang với những câu Kiều

Trong từng ngần ấy những thương yêu

Tiếng mẹ ru hời

Điệu hò thánh thót

Mang hình bóng quê hương tôi lớn thành người.

(Cảm ơn đất nước – Huỳnh Thanh Hồng)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên?

Câu 2. Hình bóng quê hương được tác giả miêu tả bằng những yếu tố nào?

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Thời gian qua

Xin cám ơn đất nước

Bom đạn mấy mươi năm vẫn lúa reo, sóng hát

Còn vọng vang với những câu Kiều

Trong từng ngần ấy những thương yêu

Tiếng mẹ ru hời

Điệu hò thánh thót

Mang hình bóng quê hương tôi lớn thành người.

Câu 4. Hãy rút ra thông điệp cho bản thân từ nội dung văn bản trên?

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1.  Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến về những điều cần làm, thái độ cần có của giới trẻ đối với quá khứ hào hùng, truyền thống anh dũng của đất nước.

Câu 2. Phân tích vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và tâm trạng nhân vật Phùng được nhà văn Nguyễn Minh Châu thể hiện trong đoạn trích sau:

“Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.”

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.70)

Hết

Đáp án đề thi thử môn văn 2024

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2. Hình bóng quê hương được tác giả miêu tả bằng những yếu tố:

- Những giá trị vật chất: lúa reo, sóng hát

- Những giá trị tinh thần bất biến: khúc dân ca, điệu hò với những thanh âm dân tộc thân quen, lời ru của mẹ, câu chuyện cổ tích bà hay kể, Truyện Kiều…

Câu 3. 

- Biện pháp tu từ:

+ Liệt kê: lúa reo, sóng hát, những câu Kiều, tiếng mẹ ru hời, điệu hò thánh thót.

+ Nhân hóa: lúa reo, sóng hát

- Tác dụng: Khẳng định sự bất diệt của những giá trị vật chất và giá trị tinh thần của dân tộc ta không bom đạn kẻ thù nào có thể hủy diệt được.

Câu 4. Thông điệp:

- Ca ngợi, trân trọng những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc.

- Đồng thời là sự biết ơn sâu sắc bao lớp người đi trước giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1. 

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận với dung lượng khoảng 200 chữ: có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn; có thể theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, song hành hoặc tổng – phân – hợp

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: những điều cần làm, thái độ cần có của giới trẻ đối với quá khứ hào hùng, truyền thống anh dũng của đất nước

c. Triển khai vấn đề nghị luận; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

(1). Giải thích: những điều cần làm, thái độ cần có của giới trẻ chính là suy nghĩ và hành động của giới trẻ đối với quá khứ hào hùng, truyền thống anh dũng của đất nước.

à Đó là điều hết sức cần thiết, thể hiện lòng tự hào, biết ơn cha ông đã hi sinh vì nền độc lập và sự quý trọng đối với nền hòa bình hiện nay.

(2). Biểu hiện:

- Thái độ cần có: Hiểu được thành quả vĩ đại của dân tộc ta đã giành được, những truyền thống quý báu đã được giữ gìn phát huy qua bao cuộc chiến tranh giữ nước và quá trình xây dựng nướcà trân trọng, tự hào, tư tưởng vững vàng ,….

- Điều cần làm: là có những hành động thiết thực, có ích, bảo vệ quê hương đất nước: Bồi dưỡng niềm say mê, yêu thích lịch sử, có kiến thức sâu rộng về lịch sử dân tộc;  phải kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ truyền thống của các thế lực thù địch, phản động, phát huy truyền thống truyền thống anh dũng, hào hùng của dân tộc, giúp cho đất nước ổn định, tiến bộ, giàu mạnh, ….

(3). Phê phán: những kẻ tham lam, ích kỷ, lập trường tư tưởng không vững vàng,….

(4). Bài học: Mỗi cá nhân phải cố gắng giữ gìn được bản sắc truyền thống, cốt cách văn hóa của dân tộc mình để hòa nhập chứ không bị hòa tan  trong thời đại toàn cầu hóa.

Câu 2. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ cả các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận: vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nội dung vấn đề.

(1). Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa

- Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong tình huống: Sau nhiều ngày “phục kích”, nghệ sĩ Phùng vẫn chưa chụp được bức ảnh nào. Điều kì diệu của nghệ thuật đã bất chợt đến với Phùng vào một buổi sáng, khi anh nhìn thấy một chiếc thuyền buồm trên mặt biển xa.

-  Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa: trong cảm nhận của Phùng, đó là cảnh đắt trời cho quý giá, hi hữu; là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ... một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích – vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết, lí tưởng, thánh thiện.

(2). Tâm trạng nhân vật Phùng: cái đẹp đã đem đến cho Phùng xúc động mãnh liệt, niềm hạnh phúc ngập tràn, anh thấy bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Trong giây phút thăng hoa của cảm xúc, người nghệ sĩ còn như phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức... khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn – sự giác ngộ, nhận thức về sức mạnh kì diệu của cái đẹp nghệ thuật đối với con người.

(4). Đánh giá:

a. Nội dung

- Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa qua cảm nhận và tâm trạng nhân vật Phùng cho thấy sự đam mê nghệ thuật, tư chất nghệ sĩ và trái tim hướng thiện của người nghệ sĩ chân chính.

- Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và tâm trạng nhân vật Phùng còn cho thấy quan niệm của Nguyễn Minh Châu về cái đẹp và nghệ thuật: cái đẹp phải gắn liền với cái thiện; nghệ thuật chân chính phải bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống.

b.  Nghệ thuật: Vẻ đẹp của chiếc thuyền và tâm trạng nhân vật Phùng được thể hiện qua một tình huống đặc sắc; nghệ thuật kể chuyện ở ngôi thứ nhất với ngôn ngữ kể kết hợp miêu tả chân thực, sinh động, giàu hình ảnh, cảm xúc; biện pháp so sánh giàu sức gợi...

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bào quy tắc chính tả, dùng từ, …

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM