Trang chủ

Đề thi thử TN 2024 môn văn: Đừng để nhiễm bệnh tự kỷ đại học

Xuất bản: 28/05/2024 - Tác giả:

Đề thi thử TN 2024 môn văn: Đừng để nhiễm bệnh tự kỷ đại học với đọc hiểu đoạn trích: Từ trường trung học chuyển qua bậc đại học để các em ôn tập

Mục lục nội dung

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Dưới đây là đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn mẫu với yêu cầu: Phân tích vẻ đẹp hình tượng thiên nhiên Tây Bắc trong thi phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, qua hai đoạn thơ.....

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm) 

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:

ĐỪNG ĐỂ NHIỄM BỆNH “TỰ KỶ ĐẠI HỌC”

Từ trường trung học chuyển qua bậc đại học, với hàng trăm điều khác biệt và nếu không kịp chuyển đổi nhận thức về tinh thần học tập, phương cách sống, sinh hoạt thì các bạn trẻ sẽ phải đối mặt với tình trạng tồi tệ trong khoảng thời gian đầu mang chiếc áo sinh viên: Sốc đại học. Vấn đề là không ít sinh viên bước vào cổng trường đại học với niềm cảm hứng tuyệt vời lại là những người có thể bị “sốc đại học”! Nhiều thứ đã không diễn ra như họ tưởng tượng, hoặc nhiều khi họ cảm thấy nhiều thứ ở trường đại học có vẻ chống lại những thành tích vang dội và niềm kiêu hãnh vào bản thân mà họ từng có trước đó... từ đó, họ cảm thấy bị bỏ rơi.

Triệu chứng thứ nhất, sinh viên không làm chủ được kế hoạch thời gian, dù thời khóa biểu của trường đại học rất tự do chứ không theo kiểu “ngày hai buổi đến trường” đều đặn như thời phổ thông. Thứ hai, sinh viên cảm thấy nhiều môn “chẳng biết học để làm gì” và “thật vô bổ”, do đó họ không biết mình phải học những gì để được xem là giỏi. Họ mất hứng thú học tập cũng vì thế, Sinh viên giấu nhẹm tất cả những thắc mắc mà lẽ ra họ nên hỏi giảng viên hay bạn bè. Họ trở thành người “tự kỷ” theo cách nói của giới trẻ hiện nay. .

Và còn rất nhiều vấn đề nữa mà tân sinh viên thường mắc phải như không có kế hoạch học tập, làm việc, nước tới chân mới nhảy, không có mục tiêu học tập, làm việc cụ thể, bị động trong mọi vấn đề...

(Công Chương, Chuyên mục Trẻ - báo Giáo dục và Thời đại) 

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2. Theo tác giả, đâu là những triệu chứng của căn bệnh “tự kỷ đại học”?

Câu 3. Vì sao các bạn bước vào ngưỡng cửa đại học dễ dẫn tới tình trạng sốc với môi trường Đại học?

Câu 4. Điều anh/chị rút ra được sau khi đọc hiểu văn bản.

II. LÀM VĂN (7 điểm) 

Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ bàn về tầm quan trọng của việc thích nghi.

Câu 2. Phân tích vẻ đẹp hình tượng thiên nhiên Tây Bắc trong thi phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, qua hai đoạn thơ dưới đây:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Và:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Hết

Đáp án đề thi thử môn văn 2024

I.ĐỌC HIỂU 

Câu 1. 

Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

Câu 2. 

Bệnh “tự kỷ đại học” được tác giả nêu triệu chứng biểu hiện như sau:

- Họ cảm thấy nhiều môn chẳng biết học để làm gì và “thật vô bổ”, và họ không biết phải học những gì để được xem là giỏi, dần dần họ mất hứng thú học tập.

- Họ giấu nhẹm những thắc mắc mà lẽ ra họ nên hỏi giảng viên hay bạn bè.

Câu 3. 

Nguyên nhân khiến các bạn bước vào ngưỡng cửa đại học dễ dẫn tới tình trạng sốc với môi trường đại học:

- Về khách quan: môi trường học tập của họ thay đổi quá nhiều khi họ bước từ trường trung học lên đại học.

- Về chủ quan: họ chưa kịp chuyển đổi nhận thức về tinh thần học tập, phương cách sống, sinh hoạt khi bước vào cánh cổng đại học. Và họ cảm thấy bị bỏ rơi khi cảm nhận mọi thứ đang chống lại những thành tích vang dội của họ khi còn ở bậc trung học.

Câu 4. 

Thí sinh chủ động đưa ra bài học của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày được quan điểm cá nhân và bàn luận ngắn gọn về quan điểm đó.

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

Khi bước lên bậc đại học, chắc chắn bạn sẽ thấy hãnh diện khi mình đã thực hiện được ước mơ bấy lâu. Nhưng đi liền với đó, rất cần thiết là một tâm thế chủ động đón nhận những thay đổi lớn của môi trường học tập. “Sốc đại học” rất phổ biến, nhưng không có nghĩa là không thể phòng chống nó. Bạn cần rèn luyện cách quản lý thời gian và tài chính, đồng thời, trao đổi với những anh chị đi trước để có được cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về môi trường đại học – nơi chỉ nên có hy vọng thay vì bất kỳ thất vọng nào.

II. LÀM VĂN 

Câu 1. 

• Yêu cầu cụ thể

1.Dẫn dắt

- Nêu từ khóa: sự thích nghi

2.Giải thích

- Thích nghi là khả năng làm quen, chuyển đổi của cá nhân hoặc tập thể cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường khách quan.

3.Phân tích

- Thích nghi có vai trò, sức mạnh như thế nào?

+ Thích nghi là một điều kiện quan trọng quyết định sự tiến hóa của vạn vật con người, cũng chính là chìa khóa giúp con người tồn tại qua các thời kỳ (như lá xương rồng teo đi để tránh thoát hơi nước, thì con người cũng dần đứng thẳng lên để tìm kiếm thức ăn)

+ Tùy khả năng thích nghi mà con người tự nâng cao giới hạn của mình trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nó đòi hỏi sự can đảm, sáng tạo và dám thử (dẫn chứng)

+ Sự thích nghi vừa là tố chất, vừa là phẩm chất có thể rèn luyện được.

- Vì sao sự thích nghi lại quan trọng?

+ Môi trường thiên nhiên và xã hội đều liên tục vận động và thay đổi.

+ Không có khả năng thích nghi sẽ không thể nâng cao giới hạn của bản thân.

4.Phản biện

- Ngược lại thì sao?

Nếu chỉ có sự thích nghi mà không có sự chủ động đấu tranh, sẽ dễ dẫn đến sự lệ thuộc, bị động chờ đợi hoàn cảnh thay đổi.

- Thời đại ngày nay thì thế nào?

Ngày nay, môi trường thay đổi càng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, cần sự thích nghi và chủ động của mỗi cá nhân.

5.Liên hệ

- Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

Cần đi ra ngoài vùng an toàn với tâm thế sẵn sàng đón nhận điều mới mẻ, tích cực trau dồi kỹ năng mới,...

Câu 2.

1.Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm

- Nhắc đến Quang Dũng là nhắc đến một trong những thế hệ nhà thơ được tôi luyện và trưởng thành trong bom lửa thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông tên thật là Bùi Đình Diệm (1921 - 1988),  quê ở Hà Tây, nay thuộc về Hà Nội. Là một người đa tài, có thể vẽ tranh, sáng tác nhạc, nhưng vẫn nổi tiếng và được nhiều người biết đến với tư cách một nhà thơ. Phong cách thơ Quang Dũng nổi bật lên chất phóng khoáng, hào hoa đầy lãng mạn.

- Bài thơ Tây Tiến là một bài thơ đem lại dấu ấn đậm nét, khắc ghi Quang Dũng vào sâu tâm trí độc giả. Ban đầu bài thơ lấy nhan đề: Nhớ Tây Tiến, nhưng sau khi in trong tập Mây đầu ô, tác giả đổi lại thành Tây Tiến.

2.Phân tích

a.Đoạn thơ 1

Dạng đề này người viết có thể làm theo hai cách: tiến hành vừa phân tích vừa so sánh đối chiếu cả hai đoạn hoặc phân tích lần lượt từng đoạn, sau đó chỉ ra điểm giống và khác. Cách dễ hơn là phân tích lần lượt từng đoạn:

Đoạn 1 - thiên nhiên tây bắc hùng vĩ

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

- Bốn câu thơ tả cung đường Tây Tiến được xem là những câu thơ tuyệt bút, khi nỗi nhớ Quang Dũng gọi về những chặng hành quân khắc nghiệt, gian truân: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

+ Đất nước ta với đặc điểm địa hình 3/4 là núi đồi, nhưng qua những lời thơ đậm chất tạo hình của Quang Dũng, tưởng chừng như bao dãy đồi, ngọn núi đều đã “đổ bộ” hết lên vùng miền Tây này, phủ đặc trên những cung đường của binh đoàn Tây Tiến. Điệp từ "dốc" vừa gợi sự liên tiếp, chồng chất của những con dốc, dốc này chưa qua dốc khác đã phủ hiện trước mặt.

+ Hơn thế nữa những từ láy đi kèm còn gợi cả cái khốc liệt của những con dốc. “Khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” vẽ cho ta một hình dung về sự hoang sơ, kỳ vĩ, xa xôi, trúc trắc, mấp mô, hun hút rợn người.

+ Nhưng đặc biệt hơn, bằng thủ pháp đối lập, sự kinh hoàng, hiểm trở của những con dốc nơi đây mới hiện lên đầy đủ: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Đó là một sự gãy gập đột ngột, bất ngờ. Không hề thoai thoải dễ đi như những vùng miền khác, dốc nơi này dựng cao chót vót, nổi lên, vươn lên thẳng đứng chạm cả mây trời. Nhưng khi chạm đỉnh dốc rồi, sa chân bước hụt có thể rơi ngay xuống chân dốc sâu thăm thẳm.

+ Nếu câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” là câu thơ đã tạo nên được những liên tưởng thật kỳ thú, rợn ngợp, kích thích vì sự phối hợp các thanh trắc đem lại cái hiểm trở, trúc trắc, thì câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại được kết tạo bởi những thanh bằng liên tiếp, gợi sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Có thể nói, bằng cách phối hợp thanh điệu với sự đối lập cao, khổ thơ như khúc nhạc trầm bổng phiêu linh, làm say mê, quyến rũ độc giả.

- Chỉ bằng mấy dòng thơ, Quang Dũng đã tái hiện đầy đủ bức tranh của núi rừng miền Tây được vẽ bằng bút pháp vừa hiện thực, vừa lãng mạn, vừa giàu chất họa lại giàu chất nhạc. Nét vẽ vừa gần guốc, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại cũng rất mềm mại tạo nên vẻ đẹp hài hòa cho bức tranh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ mà đoàn quân Tây Tiến đi qua. Chính điều đó tạo nên một xúc cảm mạnh mẽ trong lòng người đọc, không chỉ bởi sự heo hút, rợn ngợp của thiên nhiên, còn bật lên trong ta lòng ngưỡng mộ về tinh thần người lính, thiên nhiên càng ghê gớm, thì ý chí con người càng mạnh mẽ, bằng vượt qua mọi chông gai, nẻo đường.

b.Đoạn thơ 2

Đoạn 2 - thiên nhiên tây bắc trữ tình:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

- Đối lập với cái hùng vĩ của khổ 1, thiên nhiên Tây Bắc trong khổ 2 lại hiện lên như ảo, như sương, như thực mà lại như mơ:

+ Hình ảnh “người đi” trong “chiều sương ấy” là một ý thơ độc đáo vô cùng. Độc đáo bởi chiều sương ấy cho ta hiểu là khung cảnh của quá khứ. Cùng cảnh sông nước, tưởng như, người đi ấy đang chèo thuyền ngược dòng ký ức để trở về bờ Châu Mộc hoài niệm, nơi có những bãi cỏ bát ngát mênh mông, có dãy núi Pha Luông cao gần hai nghìn mét. Quang Dũng đã khám phá ra bao vẻ kỳ thú của miền Châu Mộc. Năm tháng đã đi qua và miền đất ấy trở thành một mảnh hồn của bao người.

+ Buổi chiều thu đầy sương ấy in đậm hồn người khiến cho hoài niệm thêm mênh mang. Khi sương nhòa vào dòng nước khiến sương thêm bồng bềnh, khiến dòng nước càng bảng lảng. Với tâm hồn thi sĩ tài hoa, Quang Dũng đã cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Châu Mộc qua cảnh sắc “chiều sương” và “hồn lau nẻo bến bờ”.

+ Rất cần chú ý điệp ngữ: “có thấy”, “có nhớ”. Thấy và nhớ là ấn tượng đập mạnh vào thị giác, cảm giác, vào chiều sâu tâm hồn. Thấy và nhớ như khắc sâu thêm ấn tượng về miền Tây Bắc. Từ thấy và nhớ, ba hình ảnh đã trôi về lung linh, huyền hoặc. Trước hết là thấy lau ở nẻo bến bờ. Hồn lau là hồn mùa thu, hoa lau nở trắng, lá lau xào xạc trong gió thu nơi bờ sông bờ suối. Thân lau vốn mềm, khẽ lay trong gió, tựa như sinh thể vô tri ấy được thổi hồn khiến cái xào xạc càng thêm miên man, lay động. Và trong chia phôi còn có nhớ, nhớ cảnh rồi nhớ đến người: con thuyền độc mộc và dáng người chèo thuyền độc mộc, hình ảnh “hoa đong đưa” trên dòng nước lũ. Ý thơ “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” lạ mà đầy sức gợi, cũng thật đa tình. “Hoa đong đưa” là hoa rừng đong đưa làm duyên trên dòng nước hay là hình ảnh ẩn dụ gợi tả các cô gái miền Tây Bắc xinh đẹp lái thuyền duyên dáng, uyển chuyển như những bông hoa rừng đang đong đưa trên dòng suối? Có lẽ là cả hai, cả thiên nhiên và con người đều là những bông hoa kỷ niệm tuyệt đẹp, luôn bừng nở hương sắc trong trí nhớ người lính ấy.

- Những dòng thơ mà đong đầy bao nỗi nhớ, bao hoài niệm về một vùng đất ẩn hiện trong sương chiều, hiu hắt lau sậy... đem đến cho ta cái nhìn khác về thiên nhiên Tây Bắc, đâu chỉ có nguy hiểm chết người, còn đẹp đến lạ lùng, đẹp nên thơ nên mộng.

3.So sánh, bàn luận

Các em cần lưu ý: Sau khỉ phân tích làm sáng tỏ từng đoạn, cần bàn luận có bước so sánh, bàn luận:

- Có thể nói, thiên nhiên Tây Bắc đã hiện lên qua hai nét tương phản cực kỳ đối lập. Nguy hiểm đến chết chóc, mà thơ mộng đến nao lòng. Nhưng điểm chung vẫn là vẻ đẹp, đẹp trong cái kỳ vĩ hoang sơ, hiếm nơi nào có được. Đó là vẻ đẹp để thương và để nhớ!

- Bằng bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã tạo dựng nên hình tượng thiên nhiên Tây Tiến thật độc đáo, Quang Dũng không chỉ là nhà thơ, ông còn là họa sĩ, những vần thơ ông như ẩn hiện nét bút cọ, thi trung hữa họa, những cái gồ ghề, nhấp nhô, tròng tranh, thăm thẳm đã như tạc vào trong tâm trí người đọc. Và qua thủ pháp của ngòi bút lãng mạn, cái hùng vĩ càng hiện lên sừng sững hơn, to lớn hơn, cái bồng bềnh càng hư ảo, miên man hơn. Có thể nói, Quang Dũng đã góp thêm một bức tranh tuyệt đẹp về những miền đất tổ quốc. Với hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ vô cùng mà cũng bay bổng, gợi cảm vô cùng.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM