Trang chủ

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn số 7

Xuất bản: 13/03/2020 - Cập nhật: 30/06/2020 - Tác giả:

Xem ngay đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2020 có lời giải mẫu số 7 với bài Đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài và tac phẩm Người lái đò sông Đà

Mục lục nội dung

Làm đề thi thử THPTQG môn Văn năm 2020 là một cách để học sinh lớp 12 luyện tập các dạng bài, những kiến thức đã được học để rèn luyện cho kĩ năng làm bài, phân bố hợp lí khoảng thời gian là đáng tiếc trong quá trình làm bài thi.

Cùng tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 dành cho môn Ngữ văn mẫu số 7 cùng đáp án tham khảo dưới đây:

Đề thi thử THPT Quốc Gia năm 2020 môn Văn số 7

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

(1) Sáng nay tôi thức dậy với những lời trong một bài hát của ca sĩ Mick Jagger: “Ủy mị chẳng ích gì, chuyện trôi qua nhanh lắm”. Đùng như thế. Cuộc đời thực sự đang trôi nhanh lắm.

(2) Sao lại trì hoãn những việc có thể làm hôm nay cho những lúc rảnh rỗi trong tương lai xa xôi nào đó? Sao không đóng vai một con người vượt trội bây giờ mà lại dành điều đó vào một thời điểm khác mai sau? Sao lại chần chừ thụ hưởng những giờ phút tuyệt vời và chờ đến khi về già? Một ngày nọ tôi đọc cuốn sách về một phụ nữ trẻ suy tư về kế hoạch để dành tiền hưu. Cô nói: “Tôi muốn bảo đảm mình sẽ để dành thật nhiều tiền – như vậy tôi mới có thể vui sống vào cuối đời”. Tôi không nghĩ vậy. Tại sao phải chờ đến già mới hưởng thụ cuộc sống?

(3) Tôi không có ý nói rằng bạn nên bỏ qua tầm quan trọng của việc lên kế hoạch cho tương lai. Hãy biết nhìn xa và chuẩn bị cho suốt cuộc đời. Đó là sự quân bình. Hãy lên kế hoạch. Để dành tiền cho tuổi hưu. Hãy dự trù. Nhưng đồng thời cũng cần biết sống cho giây phút này. Sống thật đầy đủ.

(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài – Robin Sharma, Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Trẻ, 2017, tr.25 – 26)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Nêu tên một biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong đoạn (2)

Câu 3. Anh/Chị hiểu thế nào về câu hỏi của tác giả: Tại sao phải chờ đến già mới hưởng thụ cuộc sống?

Câu 4.Theo anh/chị, việc lên kế hoạch cho tương lai có cần thiết với cuộc đời mỗi người không? Vì sao?

Có thể bạn quan tâm: Tuyển tập đề đọc hiểu Đời ngắn đừng ngủ dài

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Từ thông điệp của đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tác hại của thói quen trì hoãn công việc.

Câu 2.

Trong con mắt của Nguyễn Tuân, con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta.

Phân tích nhân vật người lái đò trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân để làm sáng tỏ nhận xét trên. Từ đó, hãy nêu một vài suy nghĩ của anh/chị về những phẩm chất cần có của mỗi người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn số 7

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Phương thức biểu đạt: nghị luận.

Câu 2.

Các biện pháp tu từ các em có thể nêu: câu hỏi tu từ/ lặp cú pháp/ chêm xen.

Câu 3:

Câu hỏi của tác giả có thể hiểu là: đừng chờ đợi đến già mới hưởng thụ cuộc sống bởi vì cuộc đời đang trôi qua rất nhanh và có những giờ phút rất tuyệt vời; hãy biết tận hưởng cuộc sống từng ngày.

Câu 4:

- Nêu rõ quan điểm bản thân.

- Lý giải hợp lí, thuyết phục về quan điểm của em.

Ví dụ: Việc lên kế hoạch cho tương lai có cần thiết với cuộc đời mỗi người bởi

- Nó giúp con người có mục tiêu, phương hướng hành động.

- Tạo sự chủ động tìm các giải pháp; tránh được các rủi ro,…

II. LÀM VĂN

Câu 1:          

Các em có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ tác hại của thói quen trì hoãn công việc.

Ví dụ:

- Trì hoãn công việc khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn; thậm chí bỏ lỡ những cơ hội.

- Thói quen trĩ hoàn công việc sẽ dẫn đến bản thân có thói quen bê trễ, thiếu kỉ luật, vô trách nhiệm…

- Mỗi người cần nhận thức được tác hại của thói quen trì hoãn công việc; rèn luyện thói quen học tập và làm việc theo kế hoạch một cách hợp lí, khoa học.

Xem thêm văn mẫu: Nghị luận về tác hại của thói quen trì hoãn công việc

Câu 2.

* Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm, đưa ra ý kiến nhận xét về yêu cầu của đề

- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.

- Nét nổi bật trong phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân là luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và mĩ thuật, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa.

- Người lái đò sông Đà là thiên tùy bút rút trong tập Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn của ông: tài hoa, uyên bác, lịch lãm.

- Nhận xét về tác phẩm, có ý kiến cho rằng: “Trong con mắt của Nguyễn Tuân, con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta”. Hình ảnh người lái đò trong tác phẩm chính là chất vàng mười mà tác giả đã đi tìm bấy lâu.

* Giải thích ý kiến trên:

- Vàng mười: chỉ những gì tinh túy nhất, cao quý nhất, giá trị nhất.

- Con người Tây Bắc mới thực sự xứng đáng là thứ vàng mười của đất nước ta: Nguyễn Tuân muốn khẳng định tài năng hiếm có của người lái đò, nó được rèn luyện, thử thách qua nguy hiểm, khó khăn, không những thế, nó vượt qua ngưỡng là một công việc lao động bình thường trở thành một thứ nghệ thuật cao cấp và nâng tầm người thực hiện lên bậc nghệ sĩ.

* Phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà:

1. Giới thiệu chân dung, lai lịch

- Tên gọi, lai lịch: được gọi là người lái đò Lai Châu

- Chân dung: “tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”, “cái đầu bạc quắc thước… đặt lên thân hình gọn quánh chất sừng chất mun”.

2. Vẻ đẹp của người lái đò sông Đà

a) Vẻ đẹp trí dũng:

* Khắc họa trong tương quan với hình ảnh sông Đà hung bạo, hùng vĩ:

- Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật một cuộc chiến không cân sức:

+ một bên là thiên nhiên bạo liệt, hung tàn, sức mạnh vô song với sóng nước, với thạch tinh nham hiểm.

+ một bên là con người bé nhỏ trên chiếc thuyền con én đơn độc và vũ khí trong tay chỉ là những chiếc cán chèo.

* Cuộc giao tranh với ba trùng vi thạch trận:

- Cuộc vượt thác lần 1:

+ Sông Đà hiện lên như một kẻ thù nham hiểm, xảo quyệt.

+ Trước sự hung hãn của bầy thạch tinh và sóng nước, ông lái đò kiên cường bám trụ “hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”.

+ Trước đoàn quân liều mạng sóng nước xông vào (…), ông đò “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cái cuống lái, mặt méo bệch đi” nhưng vẫn kiên cường vượt qua cuộc hỗn chiến, vẫn cầm lái chỉ huy “ngắn gọn mà tỉnh táo” để phá tan trùng vi thạch trận thứ nhất.

- Cuộc vượt thác lần hai:

+ Dưới cây bút tài hoa, phóng túng, con sông Đà tiếp tục được dựng dậy như “kẻ thù số một” của con người với tâm địa còn độc ác và xảo quyệt hơn.

+ Ông lái đò “không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai  và đổi luôn chiến thuật”.

⟶ Trước dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông Đà, ông lái đò cùng chiếc thuyền cưỡi trên dòng thác như cưỡi trên lưng hổ.

⟶ Khi bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước xô ra, ông đò không hề nao núng mà tỉnh táo, linh hoạt thay đổi chiến thuật, ứng phó kịp thời “đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến” để rồi “những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền”.

- Cuộc vượt thác lần ba:

+ Bị thua ông lái đò ở hai lần giao tranh trước, trong trùng vi thứ ba, dòng thác càng trở nên điên cuồng, dữ dội.

+ Chính giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người đọc càng thấy tài nghệ chèo đò vượt thác của ông lái thật tuyệt vời. Ông cứ “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa… vút qua cổng đá”, “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”… để rồi chiến thắng vinh quang. Câu văn “thế là hết thác” như một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi ông lái đã bỏ lại hết những thác ghềnh ở phía sau lưng.

b) Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ:

- Tài hoa: Nguyễn Tuân đã tập trung bút lực ca ngợi hình ảnh ông lái băng băng trên dòng thác sông Đà một cách ung dung, bình tĩnh, tự tại trong cuộc chiến đầy cam go nhưng cũng thật hào hùng.

- Nghệ sĩ:

+ Tay lái ra hoa thể hiện tập trung trong cảnh vượt qua trùng vi thạch trận thứ ba “Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, chiếc thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được”. Đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, điêu luyện, mỗi động tác của người lái đò giống như một đường cọ trên bức tranh sông nước mênh mông…

+ Phong thái nghệ sĩ của ông lái đò thể hiện trong cách ông nhìn nhận về công việc của mình, bình thản đến độ lạ lùng. Khi dòng sông vặn mình hết thác cũng là khoảnh khắc “sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. Những nhà đò dừng chèo, đốt lửa nướng ống cơm lam, bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh, “về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cái ứa ra tràn đầy ruộng”.

+ Qua thác ghềnh, ông lái lạnh lùng gan góc là thế, nhưng lúc bình thường thì lại nhớ tiếng gà gáy nên buộc một cái bu gà vào đuôi thuyền, bởi “có tiếng gà gáy đem theo, nó đỡ nhớ ruộng nương bản mường mình”. Chi tiết ấy đã làm rõ hơn chất nghệ sĩ ở người lái đò sông Đà.

* Đánh giá:

Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật:

- Nét tài hoa, nghệ sĩ ở ông lái đò được Nguyễn Tâm tô đậm.

- Tạo nên tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ rõ phẩm chất của mình.

- Sử dụng một ngôn ngữ miêu tả đầy cá tính, giàu chất tạo hình, hoàn toàn phù hợp với đối tượng.

- Nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải: Người lái đò trí dũng và tài hoa đã nổi bật trên dòng sông hung bạo và trữ tình, có khả năng chinh phục thiên nhiên, bắt nó phải phục vụ con người, xây dựng đất nước ⟶ Đó chính là chất vàng mười của con người Tây Bắc nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung trong thời kỳ mới - thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, xây dựng CNXH. Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn phát biểu quan niệm: người anh hùng không phải chỉ có trong chiến đấu mà còn có cả trong cuộc sống lao động thường ngày.

* Tổng kết vấn đề.

- Khẳng định: vẻ đẹp “Chất vàng mười đã qua thử lửa” trong tâm hồn của con người Tây Bắc đã được Nguyễn Tuân dày công khám phá trên dòng Đà

- Người lái đò như tượng trưng cho người lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, sẵn sàng xông pha nơi nguy hiểm để cống hiến cho đất nước.

Xem thêm: Phân tích chất vàng mười trong tác phẩm Người lái đò sông Đà

Hết

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn số 7 với những dạng bài thường gặp trong đề thi được ra. Với việc ôn luyện đề thi thử, các em học sinh sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng và hành trang vững vàng để bước vào kì thi quan trọng sắp tới. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi thử THPT quốc gia môn Văn khác được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em học và thi thật tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM