Mẫu đề thi văn 2020 cho kỳ thi quan trọng sắp tới giúp các em vận dụng và thử sức với cấu trúc quen thuộc.
Phần I. Đọc hiểu. Dựa vào văn bản đã cho trả lời các câu hỏi liên quan.
Phần II. Làm văn
- Nghị luận xã hội về đề tài đã cho ở phần đọc hiểu hoặc 1 đề tài xã hội đang bất cập.
- Viết bài văn nghị luận văn học
Cùng Đọc tài liệu làm đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn do Chuyên Lào Cai vừa tiến hành và so sánh đám án chính thức em nhé:
Đề thi thử lần 1
SỞ GD&ĐT TỈNH LÀO CAI (Đề thi gồm 06 câu, 02 trang) | ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA TRƯỜNG THPT CHUYÊN Năm học 2019-2020 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút |
I. Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Triết gia: Hãy tưởng tượng mình đang đứng trên sân khấu. Khi đó, nếu cả hội trường sáng đèn thì cậu có thể nhìn rõ đến cả hàng ghế cuối cùng. Nhưng nếu đèn chiếu cường độ mạnh chỉ tập trung vào chỗ cậu đứng thì chắc chắn cậu sẽ không thể nhìn thấy ngay cả hàng ghế đầu tiên.
Cuộc đời của chúng ta giống hệt như vậy. Chính vì đang chiếu ánh sáng mờ nhạt vào cả cuộc đời nên mới nhìn thấy, hay đúng ra là cảm thấy mình nhìn thấy, cả quá khứ lẫn tương lai. Nhưng nếu rọi đúng đèn chiếu cường độ mạnh vào "ngay tại đây, vào lúc này" thì sẽ không thấy quá khứ và tương lai nữa.
Chàng thanh niên: Đèn chiếu cường độ mạnh tr?
Triết gia: Phải! Chúng ta cần sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này".
... Đi nhìn quá khứ và tương lai là cậu đang tìm cách biện hộ cho chính mình. Chuyện đã xảy ra trong quá khứ không còn liên quan gì đến cậu "ngay tại đây, vào lúc này" và tương lai ra sao cũng không phải là việc cậu cần suy nghĩ ngay tại đây, vào lúc này". Nếu sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này", sẽ chẳng cần nói đến những điều đó.
Chàng thanh niên: Nhưng...
Triết gia: ...Ta cho rằng cuộc đời mình thế này nên không thể sống khác, còn xấu xa thì không phải lỗi của ta, mà là tại quá khứ, tại hoàn cảnh. Quá khứ được nêu ra ở đây không là gì khác ngoài một sự bao biện, một lời nói dối cuộc đời.
Lối sống của cậu "ngay tại đây, vào lúc này” có thể thay đổi được bằng ý chí bản thân. Cuộc đời quá khứ có vẻ là một vạch liền chỉ vì cậu không ngừng quyết tâm "không thay đổi" mà thôi. Còn cuộc đời tương lai là một tờ giấy trắng, không kẻ săn đường đi. Ở đó không có câu chuyện nào cả.
Chàng thanh niên: Nhưng, đó là chủ nghĩa nắm bắt từng khoảnh khắc. Không, là chủ nghĩa khoái lạc xấu xa mới đúng!
Triết gia: Không phải! Việc rọi đèn chiếu vào duy nhất một chỗ "ngay tại đây, vào lúc này” chính là sống một cách nghiêm túc và trân trọng nhất với những gì ta có thể làm được lúc này.
(Dám bị ghét - Koga Fumitake, Kishimi Ichiro - NXB Lao động,H, 2018 – tr 316,317)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định nhân vật giao tiếp trong đoạn văn bản trên.
Câu 2. Theo anh/chị, hình ảnh “đèn chiếu cường độ mạnh” trong đoạn văn bản tượng trưng cho điều gì?
Câu 3. Anh/chị có đồng tình với quan niệm “cuộc đời mình thế này nên không thể sống khác, còn xấu xa thì không phải lỗi của ta, mà là tại quá khứ, tại hoàn cảnh” không? Vì sao?
Câu 4. Nêu giá trị của việc lặp lại cụm từ “ngay tại đây, vào lúc này trong đoạn văn bản.
II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở Đọc – hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của lối sống “không chịu thay đổi” ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Câu 2 (5,0 điểm)
Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?
- Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...
(Việt Bắc – Tố Hữu - SGK Ngữ văn 12, tập Một)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của tình cảm quân dân trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn - Chuyên Lào Cai lần 1
I. Đọc - hiểu
Câu 1. Nhân vật giao tiếp: triết gia và chàng thanh niên. Hình ảnh “đèn chiếu cường độ mạnh” tượng trưng cho:
Câu 2.
- Thái độ sống hết mình cho từng khoảnh khắc của hiện tại.
- Thái độ sống một cách nghiêm túc và trân trọng với những gì có thể làm được trong hiện tại. Thí sinh có thể trả lời đồng tình không đồng tình vừa đồng tình vừa không đồng tình. Yêu cầu lí giải ngắn gọn, hợp lí, mạch lạc và thuyết phục.
Câu 3.
- Bày tỏ quan điểm
- Lí giải quan điểm
Một số gợi ý theo hưởng không đồng tình:
- Cuộc sống luôn vận động và biến đổi, cuộc sống của mỗi con người cũng như thế. Khi con người mong muốn, con người đều có thể thay đổi được chính mình theo hướng tích cực hơn.
- Bất cứ điều gì xảy ra đều là do nguyên nhân chủ quan và khách quan nên khi trở nên tha hóa, xấu xa thì đó không chỉ là lỗi của hoàn cảnh mà là của mỗi người.
- Con người cần hiểu được chính mình và có ý thức thay đổi mình tốt hơn để góp phần vào sự phát triển chung của xã hội Một số gợi ý theo hướng đồng tình: -Mỗi cá nhân có một năng lực, phẩm chất riêng, sống trong một điều kiện cụ thể riêng nên sự thay đổi để bứt phá là rất khó khăn.
- Con người luôn chịu tác động của hoàn cảnh nên hoàn cảnh chính là yếu tố khiến con người trở nên xấu xa, tha hóa.
- Con người cũng cần biết hướng về quá khứ thì mới có thể tồn tại trong hiện tại và hiểu được tương lai.
Câu 4. Giá trị của cụm từ “ngay tại đây, vào lúc này”.
- Tạo ấn tượng và gây sự chú ý đối với nhân vật “chàng thanh niên” trong cuộc trò chuyện cũng như gây sự chú ý với bạn đọc.
- Khẳng định ý nghĩa quan trọng, ý nghĩa quyết định của từng khoảnh khắc hiện tại đối với mỗi người.
- Nhắc nhở mỗi người cần có thái độ sống trân trọng, hết mình với hiện tại.
II. Làm văn
Câu 1. Suy nghĩ về tác hại của lối sống “không chịu thay đổi” ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
a, Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn với độ dài 200 chữ. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, song hành, móc xích.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tác hại của lối sống “không chịu thay đổi” ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề tác hại của lối sống “không chịu thay đổi” ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Có thể triển khai theo hướng sau:
- Lối sống “không chịu thay đổi” là lối sống trì trệ, bảo thủ, ngại va chạm, không chịu tiếp thu cái mới, chỉ hoài niệm về quá khứ. Lối sống này đang tồn tại ở một bộ phận giới trẻ.
- Lối sống này mang lại nhiều tác hại ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, khiến con người trở thành cái bóng của người khác, không thực hiện các mục tiêu trong cuộc đời, dễ gặp thất bại, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội... (Thí sinh cần nêu dẫn chứng phù hợp)
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, chuẩn ngữ pháp của câu, ngữ nghĩa của từ.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. Cảm nhận của về vẻ đẹp của tình cảm quân dân trong đoạn thơ; nhận xét về tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nếu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của tình cảm quân dân, từ đó nhận xét về tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, tác phẩm Việt Bắc và đoạn trích.
* Cảm nhận vẻ đẹp của tình cảm quân dân trong đoạn thơ:
- Đoạn thơ gồm lời hỏi và lời đáp của người ở lại (nhân dân Việt Bắc) và người ra đi (người cán bộ cách mạng), thể hiện tình cảm sâu sắc, đậm đà, gắn bó.
- Tình cảm của người ở lại
+ Đoạn thơ đầu gồm mười hai dòng thơ thể hiện tình cảm đậm đà, đằm thắm của người ở lại dành cho người ra đi. Đoạn thơ nhắc lại kỉ niệm của những ngày Cách mạng còn non yếu, tuy tươi vui, lạc quan nhưng cũng lắm gian nan, cơ cực. Càng gian khổ lại càng nghĩa tình tấm lòng của người dân đối với Cách mạng, với kháng chiến thật “đậm đà lòng son”, thuỷ chung ân nghĩa, người cán bộ về xuôi chỉ xa cách về không gian địa lý nhưng không có sự xa cách trong tâm hồn; “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa” từ nay đã trở thành một phần máu thịt của người đi...
+ Nghệ thuật: điệp từ “nhớ”, ngắt nhịp đều đặn, hình thức hỏi, vận dụng nghệ thuật tiểu đối tài tình làm cho đoạn thơ có nhạc tính réo rắt ngân vang, ngôn ngữ giản dị...
- Tình cảm của người ra đi:
+ Đoạn thơ thứ hai là lời đáp của người ra đi khẳng định tình cảm thuỷ chung của mình, người cán bộ kháng chiến về thành phố nhưng không bao giờ quên ngày tháng quá khứ (mặn mà, đinh ninh) mãi mãi, gắn bó, thuỷ chung với Việt Bắc, tình cảm không bao giờ phai nhạt (chảy mãi như nước nguồn)...
+ Nghệ thuật: phép tiểu đối, sử dụng từ láy, vận dụng lối ví von so sánh của ca dao dân ca mang lại âm hưởng ngọt ngào da diết.
Tình cảm giữa nhân dân Việt Bắc và người cán bộ cách mạng trong đoạn thơ mang ý nghĩa khẳng định, ngợi ca tình cảm quân dân cao đẹp, là nguồn gốc thành công và là sức mạnh của kháng chiến.
*Nhận xét về tính chất trữ tình chính trị trong thơ Tố Hữu:
- Đoạn thơ nói riêng và bài thơ Việt Bắc, thơ Tố Hữu nói chung đều thể hiện tính chất trữ tình chính trị sâu sắc: nói đến sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa lớn lao, nói đến những tình cảm lớn nhưng lại dùng lối đối đáp của một cuộc trò chuyện tâm tình, giọng thơ thiết tha, sâu lắng...
- Tính chất trữ tình chính trị làm nên tầm vóc sử thi của thơ Tố Hữu, sự gắn bó của thợ ông với vận mệnh của dân tộc, thể hiện lòng yêu nước và nhiệt huyết cứu nước, quyết tâm dùng thơ ca làm vũ khí đấu tranh cách mạng của nhà thơ.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Trên đây đề thi thử môn Văn 2020 cùng đáp án của trường THPT Chuyên Lào Cai lần 1 để các em học sinh lớp 12 thử sức và ôn luyện tại nhà. Mong rằng với những gợi ý giải đáp ở trên các em sẽ hệ thống được cách thức thực hiện bài làm văn của mình như thế nào. Đừng quên tham khảo thêm các đề thi thử THPT Quốc gia 2020 tất cả các môn do Đọc tài liệu tổng hợp em nhé!