Trang chủ

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn Chuyên Hà Tĩnh lần 2

Xuất bản: 03/08/2020 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn của Chuyên Hà Tĩnh lần 2 với đề đọc hiểu Thế giới hiện đại phát triển quá nhanh khiến cho nhiều người cảm thấy

Mục lục nội dung

   Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT môn văn 2020 của chuyên Hà Tĩnh dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HÀ TĨNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2020 

Môn thi: NGỮ VĂN            

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Thế giới hiện đại phát triển quá nhanh khiến cho nhiều người cảm thấy chỉ một khắc chậm chân đã tụt lại phía sau quá xa. Lấy việc đó làm động lực để bước tiếp hay chịu thua và bị trói buộc vào cuộc sống nhàm chán, đơn điệu hàng ngày là sự lựa chọn của mỗi người; thế giới vĩnh viễn sẽ không bao giờ thu nhỏ lại, vậy nên tầm nhìn của bạn cần phải to lớn hơn.

Bạn có biết rằng, từ “Sekai” trong tiếng Nhật có nghĩa là “thế giới”; nhưng trong đó bản thân từ “kai” lại vừa có nghĩa là “giải” - “phát triển”; lại có nghĩa là “đáng giá”? Điều đó có nghĩa là, mỗi cuộc dấn thân, mỗi chuyến phiêu lưu tìm hiểu thế giới này đều là những trải nghiệm cần thiết và quý báu. Thay vì dính chặt lấy cuộc sống thường nhật tẻ nhạt và nhàm chán, nhiều bạn trẻ giờ đây đã chọn cách mạnh mẽ thể hiện bản thân mình, trải nghiệm cuộc sống bằng những chuyến đi xa, những cuộc gặp gỡ, kết giao thú vị. Có thể nói, đó chính là những người trẻ chọn việc không ngừng phấn đấu và tiến về phía trước, và sẽ là những người thu vào trong tầm mắt phần rộng lớn và tươi đẹp nhất của thế giới này (…).

Vậy nên hãy luôn khát khao bám đuổi theo cái tôi mới mẻ và bứt phá; mạnh dạn chấp nhận những thử thách của cuộc sống để bước chân ra khỏi vùng an toàn của chính mình, bạn nhé ! Bởi cuộc đời chỉ thực sự trở nên hoàn hảo khi tầm nhìn của bạn rộng mở hơn.

(http://ttvn.vn/nhip-song/mo-rong-doi-mat-truoc- 

 cuoc-doi-rong-lon-ban-se-nhan-lai-dieu-gi). 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, thế giới hiện đại đang phát triển quá nhanh, nếu chúng ta chậm chân thì hậu quả sẽ ra sao ?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh / chị hãy cho biết để theo kịp sự phát triển của thế giới hiện đại thì mỗi người chúng ta cần phải làm gì ?

Câu 4. Lời khuyên “mạnh dạn chấp nhận những thử thách của cuộc sống để bước chân ra khỏi vùng an toàn của chính mình” có ý nghĩa như thế nào đối với anh / chị ?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh / chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về sự cần thiết phải mở rộng tầm nhìn trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Câu 2 (5,0 điểm):   

Cảm nhận của anh / chị về vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc trong đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

(Trích Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, 

NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 111).

---------- HẾT ---------- 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu;

Cán bộ coi thi không được giải thích gì thêm. 

Vậy là Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp các em một đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn khá hay tại tỉnh Hà Tĩnh. Hãy thử sức làm đề thi trong 120 phút và thử so sánh đối chiếu với đáp án chính thức bên dưới em nhé!

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: nghị luận

Câu 2. Theo đoạn trích, thế giới hiện đại đang phát triển quá nhanh, nếu chúng ta chậm chân thì:

- Bị tụt hậu lại phía sau;

- Bị trói buộc vào cuộc sống nhàm chán, đơn điệu hàng ngày;

- Không thể bước chân ra khỏi vùng an toàn của chính mình.

Câu 3. Để theo kịp sự phát triển của thế giới hiện đại thì mỗi người chúng ta cần phải:

- Mở rộng tầm nhìn;

- Dấn thân trải nghiệm;

- Luôn khát khao bám đuổi cái tôi mới mẻ và bứt phá; mạnh dạn chấp nhận thử thách để bước chân ra khỏi vùng an toàn của chính mình.

Câu 4. Lời khuyên “mạnh dạn chấp nhận những thử thách của cuộc sống để bước chân ra khỏi vùng an toàn của chính mình” có ý nghĩa như thế nào đối với anh / chị ?

Đây là câu hỏi mở, mỗi học sinh có thể có quan điểm khác nhau, dưới đây là một vài gợi ý:

- Lời khuyên trên có ý nghĩa như một lời thôi thúc bản thân biết cách đối diện và vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

- Lời khuyên đồng thời cũng có ý nghĩa nâng cao nhận thức của bản thân, không chấp nhận dừng lại ở giới hạn bé nhỏ chật hẹp của mình, luôn có khát vọng bứt phá, vươn lên phía trước.

Câu 1.

Yêu cầu về kĩ năng:

- Bài làm của học sinh phải đảm bảo thể thức đoạn văn, đảm bảo dung lượng (khoảng 200 chữ). Học sinh có thể trình bày đoạn văn bằng nhiều hình thức lập luận như diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp,…

- Diễn đạt trong sáng, lưu loát, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức:

- Bài làm của học sinh phải đúng trọng tâm theo yêu cầu của đề: sự cần thiết phải mở rộng tầm nhìn trong bối cảnh xã hội hiện nay.

- Học sinh tự do đưa ra nhiều lí lẽ và hướng lập luận khác nhau, miễn là giải quyết được yêu cầu của đề.

- Dưới đây là một gợi ý về hướng tổ chức đoạn văn và một số ý cơ bản nên có:

-Xã hội đang tiến nhanh trong xu thế mở rộng giao lưu hội nhập, toàn cầu hóa mọi phương diện đời sống. Trong bối cảnh đó việc mở rộng tầm nhìn sẽ trở nên hết sức cần thiết.

- Mở rộng tầm nhìn trước hết là để học hỏi, đúc rút tri thức, kinh nghiệm, mở mang tầm hiểu biết của bản thân, thoát ra khỏi cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt, vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp của chính mình. Mở rộng tầm nhìn để chớp lấy cơ hội thể hiện mình, cơ hội phát triển.

- Mở rộng tầm nhìn ko chỉ cần thiết đối với mỗi cá nhân, mà còn cần thiết đối với mọi quốc gia dân tộc.

- Việc mở rộng tầm nhìn lấy hết sức cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhưng cũng cần phải giữ được bản sắc của cá nhân cũng như của cộng đồng dân tộc mình, và việc mở rộng tầm nhìn luôn phai hướng về một cuộc sống, một xã hội tiến bộ, văn minh hiện đại.

Sáng tạo: Đoạn văn được viết một cách chặt chẽ; có lí lẽ sắc bén; diễn đạt rõ ràng, giàu chất văn và giàu cảm xúc.

Yêu cầu về kĩ năng: 

Học sinh biết vận dụng tổng hợp các kỹ năng làm văn để viết bài văn hoàn chỉnh; kết cấu bài viết chặt chẽ; diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi dùng từ, đặt câu.

Câu 2. Yêu cầu về kiến thức:

Bài làm của học sinh có thể được trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo một số yêu cầu cụ thể sau đây:

2.1. Giới thiệu được một cách khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc qua đoạn thơ.

Xem thêm tài liệu: mở bài hay về bài thơ Việt Bắc

2.2. Cảm nhận đoạn thơ để làm sáng tỏ vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc: 

- Hai câu đầu: Hai câu mở đầu có tính chất giới thiệu khái quát về đối tượng của nỗi nhớ trong tâm trạng tác giả: “hoa cùng người” -  thiên nhiên và con người Việt Bắc.

-  Câu 3,4: Vẻ đẹp thiên nhiên và con người ở mùa đông Việt Bắc

+ Thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, ấm áp, vui tươi, ngập tràn sức sống, mang bản sắc của quê hương Việt Bắc, khác hẳn với khung cảnh mùa đông xứ Bắc lạnh lẽo, tiêu điều mà ta thường thấy.

+ Hình ảnh người lao động trong tư thế “dao gài thắt lưng – một hình ảnh cho thấy sự cần cù, gan dạ, rắn rỏi và khỏe khoắn của người dân lao động - điểm sáng giữa núi rừng Việt Bắc bạt ngàn.

- Câu 5,6: Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong cảnh mùa xuân

+ Câu trên là cảnh tượng mùa xuân Việt Bắc sinh động, tươi sáng, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, đầy sức sống.

+ Vẻ đẹp chăm chỉ, cần cù, khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì của con người Việt Bắc.

-  Câu 7,8: Nét vẽ mùa hạ Việt Bắc

+ Mùa hạ Việt Bắc được khắc hoạ bằng tiếng “ve kêu” và hình ảnh “rừng phách đổ vàng”, gợi ra trong trí tưởng tượng của người đọc một cảnh tượng nên thơ, hùng vĩ, tươi vui, ấm áp.

+ Trên cái nền không gian ấy là hình ảnh “cô em gái hái măng một mình”, gợi ra nét đẹp trẻ trung, khỏe khoắn, lãng mạn;  hai câu thơ vừa gợi ra sự cần cù chịu khó, vừa gợi ra sự gan dạ dũng cảm của người lao động Việt Bắc.

-  Câu 9,10: Mùa thu Việt Bắc

+ Một bức tranh yên bình, vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ.

+ Trong khung cảnh ấy là hình ảnh người lao động; nhưng lúc này nhà thơ không khắc họa tư thế hành động mà khắc họa một nét đẹp của tâm hồn, đó là những tâm hồn lãng mạn, lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống, đặc biệt là tấm lòng thủy chung son sắt với Cách mạng.

Tài liệu hay mà em nhất định phải xem: Sơ đồ tư duy Việt Bắc của Tố Hữu

2.3. Đánh giá chung:

- Như vậy, chỉ với bốn cặp thơ lục bát tác giả đã vẽ nên bộ tranh tứ bình về Việt Bắc với đầy đủ hình ảnh, màu sắc, âm thanh. Mỗi mùa một sắc, tất cả đều sinh động, tươi vui, đầy sức sống, vừa hùng vĩ lại vừa thơ mộng. Trung tâm bộ tranh ấy là hình ảnh con người Việt Bắc mạnh mẽ, khỏe khoắn, cần cù, chịu khó, gan dạ, dũng cảm, giỏi dang, khéo léo và thủy chung son sắt với Cách mạng.

- Sự độc đáo của đoạn thơ không chỉ thể hiện qua vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc, mà còn thể hiện ở hình thức nghệ thuật. Ngoài cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, cách diễn đạt trong bốn cặp câu trên đây, không thể không nói đến vẻ đẹp từ kết cấu đoạn thơ.

Sáng tạo: Có cảm nhận sắc bén, kiến giải giàu sức thuyết phục; hình thức tổ chức đoạn văn chặt chẽ; diễn đạt thanh thoát.

-/-

Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM