Trang chủ

Đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn Văn Sở Thái Nguyên lần 2

Xuất bản: 05/05/2023 - Tác giả:

Đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn Văn Sở GD Thái Nguyên lần 2 mới được công bố, đề thi hay với bài đọc hiểu về Sức mạnh của lòng kiên nhẫn tác giả M.JRyan

Chào các em học sinh lớp 12 thân mến! Đọc tài liệu sưu tầm cho các em Đề thi thử môn Văn 2023 Sở GD Thái Nguyên lần 2 với đề đọc hiểu, nghị luận xã hội hay và sát với thực tế đời sống.

Đề thi được xây dựng mang tính chất tham khảo dựa trên ma trận, kiến thức tương tự như để thi minh họa của Bộ Giáo Dục.

Cùng đi vào tìm hiểu chi tiết nội dung đề thi thử thpt quốc gia này:

Đề thi thử văn thpt quốc gia 2023 Sở GD Thái Nguyên lần 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Tình yêu và lòng kiên nhẫn có thể được hình dung như hai nhánh của sợi dây thùng luôn bện chặt vào nhau, như chuỗi DNA là nguồn gốc tạo nên sự sống của con người. Bằng tình yêu, chúng ta có thể kiên nhẫn với bản thân, với mọi người và chính với cuộc sống. Bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta có thể yêu thương bản thân mình, những người xung quanh, và thậm chí với cả những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời. Tình yêu và lòng kiên nhẫn luôn ở bên nhau, hỗ trợ nhau nhiều điều!

Một trong những tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 19, Henry Drummond, đã nhận xét trong tác phẩm nổi tiếng The Greatest Thing in the World rằng: "Thế giới không phải là một chốn để đạo chơi, nó là một trường học. Cuộc đời không phải là một kỳ nghỉ, nó là một quá trình đào tạo. Và luôn có một câu hỏi cho tất cả chúng ta là làm thế nào để ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn".

Có thể lòng kiên nhẫn sẽ giúp bạn vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời và tình yêu của bạn đối với bản thân cũng như những người xung quanh sẽ dẫn dắt bạn phát triển tính kiên nhẫn của mình, cho tới khi nó tỏa sáng trên thế giới và đem lại lợi ích cho tất cả!

Hãy nhớ rằng, bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống này tốt đẹp.

(Trích Sức mạnh của lòng kiên nhẫn – M.JRyan, Hoàng Yến dịch, NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.232-233)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,75 điểm). Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,75 điểm). Theo tác giả, tình yêu và lòng kiên nhẫn được so sánh với điều gì?

Câu 3 (1,0 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về sự “ hỗ trợ nhau” của tình yêu và lòng kiên nhẫn?

Câu 4 (0,5 điểm). Anh/chị có đồng tình với ý kiến “Thế giới không phải là một chốn để dạo chơi, nó là một trường học không”? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) chia sẻ về những việc cần làm để rèn luyện tính kiên nhẫn.

Câu 2 (5,0 điểm):

“ Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh “Núi cao sông hãy còn dài -Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.

Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh mà chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi lại bản tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.”

(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ Văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.190-191)

Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó liên hệ hình tượng Sông Đà trong đoạn trích với hình tượng Sông Đà trên  một  quãng  thủy chiến được miêu  tả trong tác phẩm để nhận  xét  phong  cách  nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

-HẾT-

Đáp án đề thi thử văn thpt quốc gia 2023 Sở GD Thái Nguyên lần 2

Hướng dẫn chấm của Sở GD Thái Nguyên được công bố ngay sau khi thời gian thi thử kết thúc.





-/-

Các em hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2023 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM