Bạn muốn thử sức với mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2022 mới nhất? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn mẫu số 9 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.
Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:
Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2022 mẫu số 9
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
[…] “Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”.
(Trích “Lời mẹ dặn” – Phùng Quán)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ?
Câu 2. Gọi tên một biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong bốn câu thơ dưới đây:
“Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu”.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai câu thơ: “Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi / Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã” ?
Câu 4. Anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc đoạn trích trên ?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải có lòng trung thực trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Từ đó, liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến: "Được sống, chưa quan trọng. Vấn đề là sống như thế nào?”.
--- Hết ---
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Đặt bút và làm bài thi này trong 120 phút để tự đánh giá xem hiện tại mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm khối lượng kiến thức đã học em nhé! Đối chiếu với đáp án bên dưới:
Đáp án đề thi thử thpt quốc gia môn văn 2022 mẫu số 9
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ: Tự do
Câu 2. Biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng trong bốn câu thơ là: Điệp cấu trúc / Lặp cấu trúc
Câu 3. Hai câu thơ: “Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi / Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã” có thể hiểu là:
- Cám dỗ của công danh không thể khiến tôi nói sai sự thật.
- Sức mạnh uy quyền không làm tôi run sợ, khuất phục.
Câu 4. Thí sinh được tự do rút ra bài học cho bản thân mình, miễn là liên quan đến nội dung của đoạn trích đã cho.
II. LÀM VĂN
Câu 1
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:
Lòng trung thực là cần thiết bởi vì:
- Lòng trung thực giúp chúng ta đánh giá một cách khách quan về bản thân, nhận ra được đâu là ưu, đâu là nhược, từ đó có hướng phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm.
- Lòng trung thực giúp chúng ta có cái nhìn khách quan về mọi vấn đề, từ đó có thái độ và hướng giải quyết đúng đắn.
- Lòng trung thực giúp ta có được niềm tin từ người khác, từ đó thiết lập và duy trì được các mối quan hệ tốt đẹp.
- Lòng trung thức giúp chúng ta dám đối mặt và đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái giả dối..., làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
v.v…
>> Xem thêm bài nghị luận về tính trung thực để bổ sung thêm về biện luận của bài.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2
1. Mở bài
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Lưu Quang Vũ và tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
a) Giải thích
- Theo từ điển thuật ngữ văn học: Bi kịch là một thể loại kịch thường được coi như là đối lập với hài kịch. Bi kịch phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hòa được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn… diễn ra trong một tình huống cực kỳ căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng.
b) Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
- Bi kịch sống nhờ, sống gửi tồn tại trái với lẽ tự nhiên (Dẫn chứng: Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt).
- Bi kịch không được người khác hiểu, tôn trọng, yêu quý (Dẫn chứng: Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân).
- Bi kịch sửa sai càng thêm sai (Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích).
- Kết thúc tác phẩm, Trương Ba trả lại thân xác cho người hàng thịt, chấp nhận cái chết để không còn là cái vật quái gở mang tên Hồn Trương Ba, da hàng thịt nữa. Một kết cục bi kịch nhưng là sự chiến thắng của những điều tốt đẹp, của bản lĩnh, của một Hồn Trương Ba “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Đây là vở bi kịch lạc quan, Trương Ba chết nhưng giá trị cuộc sống được bảo toàn. Không còn thân xác nhưng Trương Ba sẽ còn sống mãi trong lòng người thân, bạn bè với tất cả những gì tốt đẹp nhất. Đoạn kết của vở bi kịch được tác giả viết thêm thể hiện rõ tinh thần lạc quan này và ý nghĩa tư tưởng nhân văn sâu sắc của tác phẩm: sự sống là quý giá nhưng không thể sống bằng mọi cách.
c) Liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến: “Được sống, chưa quan trọng. Vấn đề là sống như thế nào?”.
- Từ người lao động lương thiện Chí Phèo bị đẩy vào con đường tha hóa, trở thành quỷ dữ, bị loại ra khỏi xã hội loài người.
- Từ quỷ dữ, Chí Phèo thức tỉnh lương tâm, muốn trở lại làm người lương thiện, nhưng Chí Phèo chết thảm khốc trên ngưỡng cửa trở lại làm người.
- Niềm khao khát làm người lương thiện của Chí Phèo vẫn chỉ là ước muốn. Cơ duyên tìm cuộc sống lương thiện của Chí Phèo đã đứt gãy giữa chừng. Ước muốn làm người thật bình dị, đối với Chí Phèo lại quá xa vời, còn lâu anh mới có thể chạm tới, thậm chí đối với một kẻ đã bị xã hội lãng quên như anh đó là điều không tưởng.
- Bi kịch chồng chất bi kịch, dù chết Chí Phèo vẫn không thay đổi được bi kịch đau đớn của mình. Vì vậy, tiếng nói khát khao được sống như một con người đối với Chí Phèo là cả một kì vọng.
d) Đánh giá chung:
*Điểm tương đồng
- Nhìn chung, cả hai tác phẩm cùng nói lên bi kịch của mỗi người. Hai tác giả đều thể hiện sự bế tắc, nỗi đau tột cùng của con người, đồng thời cả hai tác phẩm cũng khẳng định nét đẹp không thể mất ở mỗi người đó là: nguyện vọng, khát vọng vươn tới sự hoàn thiện về nhân cách, sống là mình và trân trọng giá trị cuộc sống.
Cả hai nhân vật Trương Ba và Chí Phèo đều phải chịu những bi kịch đau đớn do giai cấp thống trị gây nên: Bi kịch tha hóa và bi kịch bị xã hội, người thân chối bỏ.
*Điểm khác biệt:
- Bi kịch của Trương Ba do sự tắc trách của Nam Tào, sự sửa sai một cách vô tâm của họ.
- Bi kịch của Chí Phèo do bị chế độ phong kiến áp bức đến cùng cực, Chí quay lại tìm cách chống trả mà trở thành lưu manh.
- Trương Ba nhận ra bi kịch của mình, còn Chí thì không, Chí không biết đã gây ra bao tội ác cho dân làng.
*Quan niệm nghệ thuật về con người mà hai nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.
- Con người dù sống trong hoàn cảnh bi đát thế nào cũng luôn đấu tranh để loại trừ cái xấu, để gìn giữ nhân cách cao đẹp: Trương Ba quyết định chết và trả lại xác cho anh hàng thịt để mình luôn được sống trong lòng của những người thân yêu với những ấn tượng tốt đẹp; Chí Phèo chết để được là người chứ nhất quyết không sống kiếp quỷ dữ nữa. Đó là niềm tin bất diệt của 2 nhà văn vào con người.
3. Kết luận: Khái quát và mở rộng vấn đề.
-/-
Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp thpt quốc gia 2022 số 9 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây.
Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả