Trang chủ

Đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn mẫu số 6

Xuất bản: 15/04/2022 - Cập nhật: 26/04/2022 - Tác giả:

Đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn có đáp án mẫu số 6 với bài đọc hiểu Hình phạt cao nhất là không giao việc cho họ - điều này nghe có vẻ khó tin

Mục lục nội dung

Bạn muốn tìm kiếm đề thi thử môn văn 2022 mới nhất để thử sức mình? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn mẫu số 6 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:

Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2022 mẫu số 6

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

(1) “Trong tạp chí Quote (tháng 8 năm 1994), Arthur Kroeger kể rằng anh trai mình thỉnh thoảng hay ghé thăm xứ đạo của người Tin Lành tại miền nam Alberta, Canada. Trong một lần ghé thăm, ông hỏi các vị quản nhiệm một câu hỏi: “Các ông sẽ xử lí như thế nào đối với những người chống lại các quy định nghiêm khắc của xứ đạo?”. Họ bảo rằng những người này trước tiên được yêu cầu phải sửa chữa hành vi của mình. Nếu vẫn không thay đổi, họ sẽ được nghe một bài thuyết giảng”.

- Nhưng các vị sẽ làm gì khi những việc đó đều thất bại, khi một người nào đó bướng bỉnh không chịu làm theo?

- À, nếu đến mức đó, chúng tôi sẽ không giao cho họ bất cứ việc gì để làm.

(2) Hình phạt cao nhất là không giao việc cho họ - điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng bạn cứ thử hỏi những người thất nghiệp về cảm giác khi không có việc gì để làm thì bạn sẽ hiểu…

Thượng Đế không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng công việc, mà chính Người đã ban phúc cho chúng ta bằng điều đó. Chúng ta bận rộn là để có ích cho đời.

Cho dù bạn kiếm sống bằng nghề gì đi nữa - hãy biết ơn công việc. Những giờ làm việc dài và cảm giác mệt nhoài cuối ngày cho thấy bạn đã làm điều gì đó có ích cho đời. Công việc là món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta”.

(Trích “Sự mầu nhiệm của lòng quan tâm” - Steve Goodier - Thái Hiền dịch)

Thực hiện các yêu cầu:

1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn (1)

2. Hình phạt cao nhất mà các vị quản nhiệm dành cho những người chống lại các quy định nghiêm khắc của xứ đạo là gì ?

3. Anh / chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu văn: “Thượng Đế không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng công việc, mà chính Người đã ban phúc cho chúng ta bằng điều đó” ?

4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm “Công việc là món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta” không ? Lí giải vì sao ?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Hạnh phúc sinh ra từ lao động.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích hình tượng nhân vật Trương Ba trong mắt những người thân qua hai màn đối thoại sau, từ đó bình luận ngắn gọn về thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua vở kịch:

MÀN 1:

- Vợ Trương Ba: (nghĩ ngợi) Tôi nói thật đấy… ông Trương Ba ạ, tôi đã nghĩ kĩ: Có lẽ tôi phải đi…

- Hồn Trương Ba: Đi đâu ?

- Vợ Trương Ba: Chưa biết ! Đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt… (rưng rưng).

- Hồn Trương Ba: Bà ! (sau một hồi nghĩ ngợi) Sao lại đến nông nỗi này ?

- Vợ Trương Ba: Tôi biết, ông vốn là người hết lòng thương yêu vợ con… Chỉ tại bây giờ… (khóc) Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa, ông biết không: Thằng Cả đã quyết định dứt khoát sẽ bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn liếng cửa hàng thịt.

- Hồn Trương Ba: Thật sao ? Không được !

- Vợ Trương Ba: Ông bảo là không được nhưng tôi biết sự thể rồi sẽ cứ dẫn đến như vậy, ông sẽ đành ưng chịu như vậy… Thôi tùy ông, tôi chỉ muốn ông được thảnh thơi sung sướng… Tôi không còn giúp gì cho ông được, tốt nhất là… là… không còn tôi nữa, cũng như không có khu vườn nữa ! (bỏ ra)

(Khi hồn Trương Ba ngẩng lên thì đã thấy cái Gái đứng trước mặt với cái nhìn lặng lẽ, soi mói)

- Hồn Trương Ba: (như cầu cứu) Gái, cháu…

- Cái Gái: (lùi lại) Tôi không phải là cháu của ông !

- Hồn Trương Ba: (nhẫn nhục) Gái, lớn lên rồi cháu sẽ hiểu… ông đúng là ông nội cháu…

- Cái Gái: Ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông ! Ông dám nhận là ông nội, dám đụng vào cây cối trong vườn của ông nội tôi.

- Hồn Trương Ba: Dù sao… Cháu… Sáng nào ông cũng ra cuốc xới chăm chút cây cối ngoài vườn, cháu không thấy sao: Chỉ có ông nội cháu mới biết quí cây như thế…

- Cái Gái: Quí cây ! Hừ, tôi phải rình lúc này, cả nhà đi vắng hết để đến nói với ông: Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn ông tôi nữa ! Ông mà quí cây à ? Sáng qua, tôi để ý lúc ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quí mới ươm. Ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy !”

MÀN 2:

- Vợ Trương Ba: Ông ở đâu ? Ông ở đâu ?

(Giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện)

- Hồn Trương Ba: Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà dẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…

(Dưới một gốc cây, hiện lên cu Tị và cái Gái)

- Cái Gái: (tay cầm một trái na) Cây na này, ông nội tớ trồng đấy ! Quả to mà ngon lắm ! Ta ăn chung nhé !

(Bẻ quả na đưa cho cu Tị một nửa. Đôi trẻ ăn ngon lành. Cái Gái lấy những hạt na vùi xuống đất)

- Cu Tị: Cậu làm gì thế ?

- Cái Gái: Cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi…

(Trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Lưu Quang Vũ)

--- Hết ---

Đặt bút và làm đề thi này trong 120 phút để tự đánh giá xem hiện tại mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm khối lượng kiến thức đã học em nhé!

Đáp án đề thi thử thpt quốc gia môn văn 2022 mẫu số 6

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn (1) là tự sự

2. Hình phạt cao nhất mà những người quản nhiệm dành cho những kẻ chống lại các quy định nghiêm khắc của xứ đạo là: “không giao cho họ bất cứ việc gì để làm”.

3. Câu văn: “Thượng Đế không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng công việc, mà chính Người đã ban phúc cho chúng ta bằng điều đó” có thể hiểu là: công việc không phải là thứ sinh ra để khiến chúng ta thêm mệt mỏi, chán nản; trái lại, chính công việc là thứ đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích, nhiều niềm vui, giúp chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn.

4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm “Công việc là món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta” không ? Lí giải vì sao ?

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn là lí giải phù hợp. Tham khảo:

- Đồng tình

- Lý giải:

+ Công việc giúp con người duy trì và phát triển cuộc sống

+ Công việc làm cho con người hoàn thiện bản thân, giúp ích cho xã hội.

+ Công việc giúp con người cảm thấy mình sống có ý nghĩa

+ Mỗi khi hoàn thành công việc, con người sẽ có cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc vì đã vượt qua được một trở ngại, đã chiến thắng được chính mình.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Hạnh phúc sinh ra từ lao động.

Tham khảo một số ý sau:

- Chính lao động, chứ không phải sự lười biếng, mới tạo ra niềm vui cho con người

- Lao động giúp chúng ta khám phá ra năng lực bản thân, từ đó mài dũa và phát triển nó.

- Lao động giúp tâm trí con người tập trung cao độ, do vậy tránh được những suy nghĩ tản mát, tiêu cực.

- Lao động giúp con người bận rộn, do vậy, tránh khỏi những hành vi vô nghĩa, thậm chí bất thiện.

- Lao động tạo ra của cải vật chất, giúp ổn định cuộc sống

- Lao động khiến con người cảm thấy mình sống có ý nghĩa, có trách nhiệm, từ đó sẽ có thái độ tự tin hơn

- Mỗi khi hoàn thành công việc, con người sẽ có cảm giác tự hào về bản thân, do vậy, cảm thấy vui vẻ.

v.v…

Câu 2 (5,0 điểm)

- Vài nét khái quát về tác giả Lưu Quang Vũ, vở kịch và đoạn trích trong SGK.

- Tóm tắt về tình huống bi kịch của Trương Ba

*Phân tích đoạn trích:

Đoạn 1:

a. Lúc này hồn Trương Ba đang sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt, và hồn ngày càng bị tha hóa, nhiễm phải nhiều thói hư tật xấu của xác, không làm chủ được mình.

b. Điều này dẫn đến thái độ chối bỏ của những người thân đối với Trương Ba.

- Vợ Trương Ba:

+ Trương Ba bây giờ đã thay đổi: không còn yêu thương vợ con (tát con trai); thờ ơ với số phận người khác (cu Tị ốm mà không biết); không biết cách chăm sóc vườn tược (dẫn đến việc anh con trai đòi bán khu vườn).

+ Vợ Trương Ba đòi bỏ đi biệt tích.

- Cái Gái:

+ Với tâm hồn trẻ thơ, cái Gái không thể hiểu hết những sự éo le của cuộc đời. Nó nhìn vào những hành động của Trương Ba và dứt khoát chối bỏ, không nhận Trương là ông nội của nó.

+ Cái Gái đưa ra bằng chứng rất rõ ràng để phản bác lại lí lẽ của Trương Ba: Trương Ba nói yêu cây cối, nhưng cái Gái thấy ông chỉ làm “gãy tiệt chồi non”, “dẫm nát cả cây sâm quí”. Trong trí nhớ của nó, ông nội nó là người khéo léo, thanh cao chứ không phải kẻ có “bàn tay giết lợn”, “đôi chân to bè”.

Đoạn 2:

b. Lúc này hồn Trương Ba đã trả lại thân xác cho anh hàng thịt để được chết. Chính hành động chết đi này lại làm cho Trương Ba được sống, sống một cách toàn vẹn và đẹp đẽ như xưa trong mắt của người thân.

b. Điều này dẫn đến thái độ yêu mến, tôn trọng của những người thân đối với Trương Ba.

- Vợ Trương Ba: Qua lời gọi tha thiết: “Ông ở đâu ? Ông ở đâu ?”, có thể thấy được tình yêu thương, nỗi nhớ sâu đậm của người vợ dành cho Trương Ba. Nếu khi Trương Ba còn sống trong thân xác anh hàng thịt, bà đã định bỏ đi biệt tích, thì giờ đây, khi Trương Ba đã từ bỏ thân xác ấy, bà lại khát khao được gặp ông.

- Cái Gái: Trương Ba trong tâm trí của cái Gái giờ đây là hình ảnh đẹp đẽ, toàn vẹn như xưa. Việc cái Gái luôn nhắc đến ông nội với một thái độ yêu mến, trân trọng, tự hào cho thấy nó quí ông nội đến nhường nào. Mọi hành động, lời nói của ông nội, đối với nó đều là đẹp nhất, đúng đắn nhất, là kim chỉ nam cho mọi hành động của nó: cây na này ông nội tớ trồng đấy, ông nội tớ bảo vậy…

Bình luận:

- Cuộc đấu tranh giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt cũng chính là cuộc đấu tranh giữa cái thanh cao, tốt đẹp với cái phàm tục, xấu xa trong một con người. Khi cái phàm tục lên ngôi, con người sẽ bị đồng loại xa lánh, chối bỏ; ngược lại, nếu con người phục thiện, sẽ lại nhận được tình yêu mến.

- Việc dũng cảm trả lại thân xác cho anh hàng thịt, chết để được sống là chính mình đã làm cho hình ảnh Trương Ba mãi mãi cao đẹp trong lòng người thân.

- Việc hình ảnh Trương Ba xuất hiện mọi nơi cho thấy Trương Ba sẽ trở nên bất tử trong tâm trí người thân: bất tử ở những hành động đẹp mà ông đã làm, ở cách sống đẹp mà ông đã sống. Lời thủ thỉ của Trương Ba với vợ đã nói lên một chân lí: sự có mặt trên đời dài hay ngắn không quan trọng, cái quan trọng là mình để lại gì khi đã ra đi.

Khái quát lại vấn đề.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2022 số 6 có đáp án theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây.

Các em có thể tham khảo thêm nhiều mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em một kì thi đạt kết quả

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM