Trang chủ

Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 10 (có đáp án)

Xuất bản: 07/04/2021 - Cập nhật: 19/04/2021 - Tác giả:

Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 10 (có đáp án) với bài đọc hiểu Xe tôi chạy trên lớp sương bềnh bồng. ...

Mục lục nội dung

Tham khảo ngay đề thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021 môn Văn số 10 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT quốc gia 2021 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 10

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Xe tôi chạy trên lớp sương bềnh bồng. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. Chốc chốc tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt, làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường!

Tôi vội nhìn thẳng vào đoạn đường đầy ổ gà, không dám nhìn Nguyệt lâu. Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảng ánh trăng...

(Trích Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu - 

Truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội, 2003, tr. 54-55)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra hình ảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả trong đoạn trích.

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn: “Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc.”

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả nhân vật Nguyệt trong đoạn trích.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của lí tưởng sống đối với thanh niên.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích hành động của Mị được miêu tả trong đoạn trích sau để thấy sức sống mãnh liệt của nhân vật:

“Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay...”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.”

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, 

tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.14)

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 10

Đừng xem đáp án vội, hãy đặt bút và thử sức với đề thi này trong 90 phút, sau đó thử đánh giá và đối chiếu bằng thang điểm chi tiết dưới đây:

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

- Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: không cho điểm.

Câu 2. Hình ảnh thiên nhiên được miêu tả trong đoạn trích:

+ Lớp sương bềnh bồng;

+ Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh nêu được 2 ý như đáp án: 0,75 điểm.

- Học sinh chỉ nêu được 1 ý như đáp án: 0,5 điểm.

Câu 3.

+ Hình ảnh so sánh: “mảnh trăng” được so sánh với “mảnh bạc”

+ Tác dụng: gợi vẻ đẹp trong sáng, lung linh của ánh trăng.

Hướng dẫn chấm:

- HS trả lời như đáp án: 1,0đ

- HS nêu được tác dụng của biện pháp tu từ so sánh, không chỉ ra hình ảnh so sánh: 0,75đ

- HS chỉ ra được hình ảnh so sánh, không nêu tác dụng: 0,25đ

Câu 4. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả nhân vật Nguyệt trong đoạn trích:

+ Chi tiết chọn lọc, chân thực.

+ Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm.

+ Xây dựng hình tượng song hành: Nguyệt – trăng.

+ Bút pháp lãng mạn bay bổng.

Hướng dẫn chấm:

- HS nêu đúng 2 ý trong đáp án: 0,5đ

- HS nêu đúng 1 ý trong đáp án: 0,25đ

II. LÀM VĂN 

Câu 1. 

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của lí tưởng sống đối với thanh niên.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. Đảm bảo số lượng chữ phù hợp với yêu cầu (khoảng 150 chữ), không quá dài hoặc quá ngắn.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò của lí tưởng sống

c. Triển khai vấn đề nghị luận

HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được vấn đề cần nghị luận. Có thể theo hướng sau:

Lí tưởng sống là mục đích sống đúng đắn, cao đẹp. Lí tưởng giúp thanh niên có phương hướng phấn đấu, phát huy hết năng lực và thực hiện được khát vọng của bản thân. Lí tưởng còn là động lực giúp thanh niên vượt qua những khó khăn, cám dỗ của cuộc sống hiện đại để học tốt, sống tốt, khẳng định giá trị của bản thân trong đời sống xã hội.

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75đ).

- Lập luận chưa chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5đ).

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không  xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25đ).

* Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: HS huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

- Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên: 0,5đ

- Đáp ứng được 01 yêu cầu: 0,25đ

Câu 2. Phân tích hành động của nhân vật Mị trong đoạn văn để thấy sức sống mãnh liệt của nhân vật

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:

Mở bài  nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn; Kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị thể hiện qua hành động cứu người và tự cứu mình.

Hướng dẫn chấm:

- HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5đ

- HS xác định chưa đầy đủ vấn đề cần nghị luận: 0,25đ

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo được các yêu cầu sau đây:

* Giới thiệu khái quát tác giả Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận.

* Phân tích hành động của nhân vật Mị :

+ Hành động Mị cởi trói cho A Phủ: rút con dao nhỏ... cắt nút dây mây; thì thào “Đi ngay”.... Đây là một hành động bất ngờ, táo bạo nhưng quyết liệt và hợp lí. Nó phù hợp với nét tâm lí của Mị trong đêm mùa đông ấy.

+ Hành động tự cứu mình của Mị: vụt chạy ra, băng đi, đuổi kịp A Phủ, nói “cho tôi đi”... Hành động cũng bất ngờ, táo bạo nhưng vẫn hợp lí.

+ Hành động của nhân vật Mị được thể hiện qua ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo, tinh tế; bút pháp tả thực, chi tiết chọn lọc...

* Nhận xét về sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị:

Những hành động ấy có cơ sở là bản tính mạnh mẽ của Mị; là khi Mị thoát khỏi trạng thái vô cảm ngày thường. Hành động ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong trong con người Mị.

Hướng dẫn chấm:

- HS phân tích hành động của nhân vật và nhận xét về sức sống mãnh liệt của nhân vật một cách đầy đủ, sâu sắc: 2,0đ – 2,5đ

- HS phân tích được hành động và sức sống mãnh liệt của nhân vật nhưng chưa thật đầy đủ, sâu sắc: 1,0đ – 1,75đ

- HS cảm nhận và phân tích chung chung, chưa làm rõ các biểu hiện của hành động và sức sống nhân vật: 0,25đ – 0,75đ.

* Đánh giá:

+ Hành động cứu người và tự cứu mình của Mị nói lên khát vọng sống mãnh liệt, bền bỉ cuối cùng đã chiến thắng ngục tù của chế độ phong kiến tàn bạo; bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.

+ Diễn tả hành động và sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài đã bộc lộ tư tưởng nhân đạo sâu sắc.

Hướng dẫn chấm:

- HS đánh giá được 2 ý: 0,5đ

- HS đánh giá được 1 ý: 0,25đ

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: HS biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật vấn đề nghị luận; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5đ

- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25đ

Nguồn: THPT Đoàn Thượng (Hải Dương)

-/-

Kết thúc đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn 2021 số 10 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM