Dưới đây là đề thi thử môn Văn 2020 THPTQG số 9 để các em tham khảo. Ôn luyện bằng cách giải các đề thi thử giúp các em thống kê lại được những kiến thức trọng tâm, qua đó chuẩn bị được tốt nhất cho kì thi.
Cùng tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 dành cho môn Ngữ văn đề số 9 cùng đáp án tham khảo dưới đây
Đề thi thử
I. ĐỌC HIỂU: ( 3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Trên đường đời của bạn cũng có lúc vấp ngã. Tôi cũng vậy. Ngay cả người tài giỏi, khôn ngoan nhất cũng có lúc vấp ngã. Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thật sự thất bại. Điều chúng ta cần ghi nhớ là, cuộc sống không phải là một cuộc thi đỗ - trượt. Cuộc sống là một quá trình thử nghiệm các biện pháp khác nhau cho đến khi tìm ra một cách thích hợp. Những người đạt được thành công phần lớn là người biết đứng dậy từ sai lầm ngớ ngẩn của minh bởi họ coi thất bại, vấp ngã chỉ là tạm thời và là kinh nghiệm bổ ích. Tất cả những người thành đạt mà tôi biết đều có lúc phạm sai lầm.Thường thì họ nói rằng sai lầm đóng vai trò quan trọng đối với thành công của họ. Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình, và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết. Nếu thất bại năm lần, họ cố gắng đứng dậy năm lần, mỗi lần một cố gắng hơn, Winston Churchill đã nắm bắt được cốt lõi của quá trình này khi ông nói: “ Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”.”
(Trích “ Cuộc sống không giới hạn”, Nick Vujicic)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. ( 0.5 điểm)
Câu 2: Theo tác giả con người thực sự thất bại khi nào? ( 0.5 điểm)
Câu 3: Vì sao tác giả lại cho rằng: “Cuộc sống là một quá trình thử nghiệm các biện pháp khác nhau cho đến khi tìm ra một cách thích hợp” ?( 1.0 điểm)
Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với ý kiến “ cuộc sống không phải là một cuộc thi đỗ - trượt” không? Vì sao? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN: ( 7.0 điểm)
Câu 1: ( 2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến nêu ra ở phần Đọc hiểu “Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”.
Câu 2 (5,0 điểm):
Trong cuộc chiến với người lái đò, Sông Đà hiện lên:
Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã nghe thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng hàng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng....
Nhưng khi đã qua những ghềnh thác, dòng sông lại hiện lên:
Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu, nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về...
(Trích Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân - SGK Ngữ văn 12, trang 152)
Cảm nhận về vẻ đẹp của Sông Đà qua hai đoạn văn trên, từ đó thấy được những đặc sắc về giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Đáp án đề thi thử Văn THPT Quốc gia
I. Đọc - hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
Câu 2: Theo tác giả con người thực sự thất bại khi: không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã
Câu 3: Tác giả lại cho rằng: “Cuộc sống là một quá trình thử nghiệm các biện pháp khác nhau cho đến khi tìm ra một cách thích hợp” vì:
- Trong cuộc sống, sẽ có những điều vô cùng phức tạp và luôn tiềm ẩn nhiều thử thách
- Đứng trước những vấn đề phức tạp con người cần dấn thân, trải nghiệm bằng nhiều cách để có thể giải quyết được nó và tìm ra hướng đi đúng đắn hướng đến cuộc sống có ý nghĩa.
Câu 4: "cuộc sống không phải là một cuộc thi đỗ - trượt" - Em đồng tình hay không đồng tình
- Đưa ra quan điểm cá nhân đồng tình hoặc không đồng tình, đồng thời đưa ra luận điểm để lý giải và thuyết phục
II. Làm văn
Câu 1: Suy nghĩ về câu “Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”
Hướng dẫn làm bài
- Các em cần xác định được vấn đề cần nghị luận: Bài học về sự thành công
- Có thể dựa vào những ý dưới đây để làm bài:
- Thành công: đạt được kết quả tốt đẹp như mình mong muốn
- Thành công là đích đến mà con người hướng tới
- Để có được thành công không dễ dàng mà có khi phải trải qua nhiều vấp ngã, thất bại.
- Thành công là sự tìm kiếm, học hỏi từ những thất bại bằng nhiệt huyết và quyết tâm
Câu 2: Gợi ý làm bài
Cảm nhận về vẻ đẹp của Sông Đà qua hai đoạn văn:
*Khái quát về hình tượng sông Đà trong đoạn trích "Người lái đò sông Đà" - vẻ đẹp hung bạo trữ tình
- Nguyễn Tuân miêu tả, cảm nhận hình tượng sông và trong vẻ đẹp đối lập, đa tính cách của nó: vừa hung bạo nhưng cũng rất nên thơ trữ tình. Với vẻ đẹp hung bạo, Nguyễn Tuân đã dành những câu văn góc cạnh, sắc nhọn, những hình ảnh so sánh, nhân hóa gân guốc, mạnh mẽ làm nổi bật được sự hung bạo, dữ dội của con sông Đà. Với vẻ đẹp thơ mộng, Nguyễn Tuân lại ưu ái những câu văn như thơ, mềm mại, óng ả và những hình ảnh so sánh nhẹ nhàng, thi vị góp phần làm nổi bật được vẻ đẹp dòng sông.
- Với hình tượng sông Đà vừa hung bạo và trữ tình,những nét đẹp ấy đã cuốn hút tâm hồn người nghệ sĩ, để nhà văn làm sống dậy trên trang văn một dòng sông độc đáo, lạ thường. Ta không chỉ thấy ở đó tình yêu thiên nhiên quê hương, đất nước mà còn khơi gọi ở lòng người đọc lòng tự hào, tình yêu dành cho con sông quê hương miền Tây Bắc Tổ quốc.
* Cảm nhận vẻ đẹp sông Đà trong đoạn 1
- Nội dung: Đoạn văn miêu tả âm thanh nước thác, qua đó làm hiện lên vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội của sông Đà.
- Nghệ thuật: chú ý bám sát và phân tích các yếu tố nghệ thuật (câu văn ngắn, nhịp nhanh; nghệ thuật nhân hóa cùng các từ réo gần, réo to, gằn, chế nhạo, khiêu khích, van xin, oán trách ... khiến nước thácvừa như một sinh thể có linh hồn sống động, tâm trạng phong phú, tính cách dữ dội vừa như một bản hùng ca tráng liệt của đại ngàn)
* Cảm nhận vẻ đẹp sông Đà trong đoạn 2
- Nội dung: Đoạn văn miêu tả dáng sông và màu nước sông Đà, qua đó tô đậm vẻ đẹp thơ mộng của con sông Tây Bắc.
- Nghệ thuật: chú ý làm rõ hiệu quả thẩm mỹ của các yếu tố nghệ thuật (câu văn dài, nhịp văn chậm rãi, thong thả; ngôn ngữ và hình ảnh gợi cảm tuôn dài tuôn dài, áng tóc trữ tình, xanh ngọc bích, lừ lừ chín đỏ; nghệ thuật nhân hóa làm nổi bật vẻ đẹp mềm mại trữ tình thơ mộng và gợi cảm của dòng sông)
* So sánh vẻ đẹp của Sông Đà qua hai đoạn văn:
- Giống nhau: hai đoạn văn đều nói đến vẻ đẹp sông Đà, đặc biệt là nước sông Đà, qua đó, làm hiện lên cái tôi độc đáo của Nguyễn Tuân (ngôn từ phong phú; khả năng tổ chức câu văn xuôi giàu giá trị tạo hình; trí tưởng tượng mãnh liệt; tiếp cận đối tượng ở phương diện văn hóa thẩm mỹ; không ưa những gì bằng phẳng, nhợt nhạt...) với cách sử dụng ngôn ngữ giàu có, nghệ thuật nhân hóa.
- Khác nhau:
+/ Nội dung: cùng tả nước sông Đà nhưng đoạn 1 tả âm thanh, đoạn 2 tả màu nước nên đoạn 1 như một bản nhạc, đoạn 2 như một bức họa; đoạn 1 tô đậm vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội; đoạn 2 tô đậm vẻ đẹp thơ mộng trữ tình.
+/ Nghệ thuật: câu văn (đoạn 1 câu ngắn, nhịp nhanh; đoạn 2 câu dài, nhịp chậm); ngôn ngữ (đoạn 1 thiên về góc cạnh, nhiều động từ; đoạn 2 thiên về cái đẹp mềm mại, gợi hơn tả); về giọng điệu (đoạn 1 giọng mạnh mẽ; đoạn 2 giọng tha thiết nhẹ nhàng.
* Nghệ thuật:
- Nguyễn Tuân có một vốn tri thức phong phú, nhiều mặt về lịch sử, địa lí, quân sự, điện ảnh. Qua việc miêu tả Sông Đà trong tác phẩm nói chung và trong đoạn trích nói riêng, ông đã cung cấp hiểu biếtmọi mặt về dòng sông này, mang lại cho người đọc những kiến thức lí thú.
- Vốn từ ngữ phong phú, đa dạng.
- Đậm chất trầm tư, mơ mộng.
---------------
Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn số 9 với những dạng câu hỏi, dạng bài thường được ra trong các kì thi. Còn rất nhiều những bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn thuộc của các tỉnh trên cả nước luôn được chúng tôi cập nhật liên tục để các em tham khảo tại đây!