Trang chủ

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn số 10

Xuất bản: 16/03/2020 - Cập nhật: 23/03/2020 - Tác giả: Giangdh

Xem ngay đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2020 có lời giải mẫu số 10 với bài Đọc hiểu trích từ Bldaily và tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Mục lục nội dung

Dưới đây là đề thi thử môn Văn 2020 THPTQG số 10 để các em tham khảo. Ôn luyện bằng cách giải các đề thi thử giúp các em thống kê lại được những kiến thức trọng tâm, qua đó chuẩn bị được tốt nhất cho kì thi. Cùng tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 dành cho môn Ngữ văn đề số 10 cùng đáp án tham khảo dưới đây.

Đề thi thử

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)  

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến câu 4.

“Chung sống với người ta thì chớ nghĩ lừa dối ai, ức hiếp ai, tính toán ai.

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

Gian trá chẳng thắng nổi trung hậu, rồi sẽ có ngày ai nấy đều rời xa kẻ gian tà.

Hiểm ác chẳng địch nổi thiện lương, rồi sẽ có ngày ai nấy đều thù địch kẻ hiểm ác.

Làm bạn với người ta thì nên nghĩ giúp ai, nhớ ai, bảo hộ ai.

Việc do người làm, tình do người vun đắp.

Người biết nghĩ cho người khác sẽ có được người bạn trung thành cả cuộc đời.

Người hy sinh vì người khác sẽ được tình cảm ấm áp cả cuộc đời.

Một người có lương tâm thì:

- Người giúp đỡ họ không bao giờ gián đoạn.

- Người yêu thương họ không bao giờ rời xa.

- Người tín nhiệm họ không bao giờ lừa dối.

Người không có lương tâm thì:

- Giúp đỡ họ rồi bạn sẽ hối hận lạnh buốt tâm can.

- Yêu thương họ rồi bạn sẽ đau lòng đứt ruột.

- Tín nhiệm họ rồi bạn sẽ nơm nớp lo lắng.

Con người sống cả một đời thì sẽ thấy phú quý chẳng là gì hết, nhân phẩm mới đáng giá.

Trăm năm chẳng mấy trôi qua, cát bụi lại trở về với cát bụi, tất cả sẽ tan thành mây khói.

Vàng có vạn lạng cũng chẳng đem đi được. Tiền có một đống cũng chẳng làm bạn được.

Chỉ có nhân phẩm mới có thể truyền đời. Chỉ làm người tốt thì người người mới ca ngợi.

Con người sống cả một đời, xấu hay đẹp cũng chẳng cần để ý, lương tâm mới là đẹp nhất.

Dẫu có đẹp thế nào đi nữa, nếu không biết cảm ân thì cũng là đống bùn nát.

Dẫu có bình thường thế nào đi nữa, nếu trong tâm cảm kích thì sẽ có tâm hồn cao thượng.

Có ân thì báo ân, ắt phải báo đáp, dùng cái tâm để đổi lấy cái tâm thì ắt sẽ có người theo.

Xe đi qua thì để lại dấu vết, tình qua đi thì để lại chân tâm.

Dù đi đến đâu cũng đừng quên, làm việc tốt, làm người tốt, giữ thiện tâm.

Chim nhạn bay qua để lại tiếng kêu, đời người qua đi còn để lại cái danh. Bất kể lúc nào cũng cần ghi nhớ: làm người nhất định phải có lương tâm.”

(Theo bldaily.com; Nam Phương biên dịch)

Câu 1. Chỉ ra lời khuyên của tác giả con người khi “chung sống với người ta” được nêu trong đoạn trích.(0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, con người sống cả một đời người đáng giá và đẹp nhất là gì?(0,5 điểm)

Câu 3. Biểu hiện của người có lương tâm và người không có lương tâm được đề cập trong đoạn trích.(1,0 điểm)

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với với quan điểm “Con người sống cả một đời, xấu hay đẹp cũng chẳng cần để ý, lương tâm mới là đẹp nhất” không? Vì sao?(1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) 

Từ đoạn trích phần Đọc hiểu anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ về câu văn tích “Làm người nhất định phải có lương tâm”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Trích Vợ chồng A Phủ-Tô Hoài). Từ đó khái quát giá trị nhân đạo của tác phẩm thông qua hình tượng nhân vật.

Đáp án đề thi thử Văn THPT Quốc gia số 10

I. Đọc - Hiểu

Câu 1: Lời khuyên của tác giả được nêu trong đoạn trích là: chớ nghĩ lừa dối ai, ức hiếp ai, tính toán ai.

Câu 2: Theo tác giả, con người sống cả một đời người đáng giá và đẹp nhất là: Nhân phẩm và lương tâm.

Câu 3: Biểu hiện của người có lương tâm và người không có lương tâm được đề cập trong đoạn trích là:

- Có lương tâm:

  • Người giúp đỡ họ không bao giờ gián đoạn.
  • Người yêu thương họ không bao giờ rời xa.
  • Người tín nhiệm họ không bao giờ lừa dối.

- Người không có lương tâm:

  • Giúp đỡ họ rồi bạn sẽ hối hận lạnh buốt tâm can.
  • Yêu thương họ rồi bạn sẽ đau lòng đứt ruột.
  • Tín nhiệm họ rồi bạn sẽ nơm nớp lo lắng.

Câu 4: Các em có thể đưa ra quan điểm cá nhân, đồng tình hay không đồng tình sau đó đưa ra luận điểm để bảo vệ quan điểm của mình

Ví dụ:

- Đồng tình. Vì con người trong xã hội cần có lương tâm để sống, cần có tình yêu và trái tim ấm áp không ích kỷ, sống vị tha bao dung với mọi người qua cử chỉ hành động tích cực, không so đo tính toán thiệt hơn.

- Không đồng tình: Vì có những người coi trọng vẻ đẹp bên ngoài mà coi khinh vẻ bên trong rồi chà đạp lòng tin của người khác. Làm những việc không được xã hội chấp nhận, ích kỉ,..

- Vừa đồng tình và không đồng tình: Vì người có lương tâm sẽ có những hành động tốt và được ca ngợi. Còn không đồng tình đối với những con người sống ích kỷ cũng không nên qụy lụy bởi càng càng nhường nhịn bỏ qua thì chỉ có hại thêm người khác.

II. Làm văn

Câu 1: suy nghĩ về câu văn tích “Làm người nhất định phải có lương tâm”

Hướng dẫn làm bài: Các em có thể dựa vào những ý dưới đây để viết thành đoạn văn hoàn chỉnh

- Lương tâm là hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu.

- Lương tâm là một phần của tâm hồn con người mà nó gây ra sự đau đớn tinh thần và cảm giác tội lỗi khi chúng ta vi phạm nó và cảm giác vui thỏa và hạnh phúc khi những hành động, ý nghĩ và lời nói của chúng ta phù hợp với hệ thống giá trị đạo đức của con người.

- Những phản ứng của lương tâm khi hành động, suy nghĩ, và từ ngữ của người đó phù hợp hoặc trái với tiêu chuẩn của đúng và sai.

- Người có lương tâm là người có trái tim ấm áp, yêu thương, biết đặt vị trí của mình vào từng hoàn cảnh vị trí của người khác để giải quyết tình huống.

- Lương tâm là chuẩn mực đạo đức của con người thông qua hành động tích cực trong mối quan hệ trong xã hội.

- Khác với người sống có lương tâm là những người có suy nghĩ tiêu cực, sống ích kỷ, so đo tính toán thiệt hơn,…

- Học cách suy nghĩ tích cực, yêu thương nhiều hơn để cuộc sống tốt đẹp cho bản thân.

Câu 2: Dàn ý tham khảo

I. Mở bài

- Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Tô Hoài. Qua việc khắc họa cuộc đời những con người Tây Bắc, tác giả đã phản ánh chân thực hiện thực miền núi trước cách mạng.

- Mị là hình tượng nhân vật đại diện cho sức sống và vẻ đẹp con người nơi đây, đoạn miêu tả tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân là đoạn cho thấy rõ nét nhất nét đẹp tâm hồn Mị.

II. Thân bài

1. Vài nét về cuộc đời nhân vật Mị (trước đêm tình mùa xuân)

- Mị vốn là một người con gái đẹp, có tài thổi sáo, thổi kèn lá, “có nhiều người mê, ngày đêm đã thổi sáo theo Mị”.

- Mị từng yêu và từng được yêu, cũng hồi hộp, khao khát trước những âm thanh hò hẹn của tình yêu.

- Hiếu thảo, chăm chỉ, ý thức được giá trị cuộc sống tự do nên sẵn sàng làm nương ngô trả nợ thay cho bố.

- Mọi khao khát đều bị dập tắt khi Mị bị bắt làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra: bị đem ra cúng trình ma nhà thống lí (ách thống trị của thần quyền và cường quyền) ép Mị cam phận làm nô lệ.

- Những ngày đầu khi làm dâu “hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc”, Mị tủi nhục đắng cay, uất ức cho số phận.

- Mị muốn chết nhưng thương cha, Mị đành chấp nhận kiếp làm thân trâu ngựa.

- Mấy năm sau, cha Mị mất, Mị đã không còn muốn chết nữa vì đã chai sạn tâm hồn: “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi”, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, cuộc đời bị giam cầm trong căn phòng tối đen.

- Thống lí Pá Tra đã áp dụng cường quyền, thần quyền áp chế khiến Mị cam chịu kiếp sống nô lệ: Mị tưởng mình là con trâu, con ngựa.

2. Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân

- Khung cảnh thiên nhiên nồng nàn: cỏ gianh vàng ửng, chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá như những con bướm sặc sỡ, không khí dần ấm áp, ...âm thanh bên ngoài: tiếng sáo cất lên, tiếng trẻ chơi quay cười vang, ...

- Mị nhìn khung cảnh, nghe âm thanh mà bắt đầu cảm thấy thiết tha bồi hồi, Mị bắt đầu lẩm bẩm theo lời hát gọi bạn tình, ...

- Ngày tết, Mị lén uống rượu, “uống ực từng bát”, Mị say và sống về quá khứ, say sưa trong tiếng sáo gọi bạn tình.

- Mị sực nhớ đến tình cảnh của mình hiện tại, nhớ đến A Sử, Mị muốn chết “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại”.

- Mị nhận thức sự tồn tại của bản thân “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, với khát khao tự do.

  • Tinh thần phản kháng mạnh mẽ: lấy miếng mỡ để thắp sáng lên căn phòng tối, Mị vấn lại tóc, lấy cái váy hoa, nổi loạn muốn “đi chơi tết” chấm dứt sự tù đày.
  • Hiện thực không trói được trái tim Mị, khi A Sử trói, lòng Mị vẫn lửng lơ theo tiếng sáo, tiếng hát của tình yêu đến những đám chơi.

- Lúc vùng bước đi nhưng tay chân đau không cựa được, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa, cô chợt tỉnh trở về với hiện thực.

- Cả đêm hôm ấy, Mị lúc mê lúc tỉnh, lúc đau đớn, lúc nồng nàn tha thiết.

=> Tâm hồn chai sạn của Mị đã sống lại, Mị luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, sức sống ấy luôn âm ỉ trong lòng người con gái Tây Bắc và chỉ chờ có cơ hội để bùng lên mạnh mẽ. Dù sự nổi loạn của Mị không thể giải thoát số phận cô nhưng đây là nền tảng nhóm lên thêm ngọn lửa sức sống trong cô, để sức sống không lụi tắt hẳn, chuẩn bị cho một sự phản kháng trong tương lai: cắt dây trói cho A Phủ.

III. Kết bài

- Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm lí Mị trong đêm tình mùa xuân cho thấy rõ nét phẩm chất, tính cách trong Mị - người con gái Tây Bắc tiềm tàng sức sống.

- Đặc sắc nghệ thuật: khả năng phân tích tâm lí nhân vật, sự am hiểu về phong tục và con người Tây Bắc, ngôn ngữ, lối trần thuật rất tự nhiên, ...

- Vợ chồng A Phủ chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc.

Gợi ý bài văn tham khảo: Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân

----------

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn số 10 với những dạng câu hỏi, dạng bài thường được ra trong các kì thi. Còn rất nhiều những bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn thuộc của các tỉnh trên cả nước luôn được chúng tôi cập nhật liên tục để các em tham khảo tại đây!

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM