Trang chủ

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn Chuyên Nguyễn Trãi lần 3

Xuất bản: 04/08/2020 - Cập nhật: 19/04/2021 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn của Chuyên Nguyễn Trãi lần 3 với đề đọc hiểu Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay

Mục lục nội dung

 Đáp án đề thi thử tốt nghiệp THPT môn văn 2020 của tỉnh Hải Dương dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

>>> [HOT] Cập nhật mới nhất:

Đề thi thử

SỞ GIÁO DỤC& ĐÀO TẠO HÀI DƢƠNG

TRƢỜNG THPT CHUYÊN

NGUYỄN TRÃI

ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT QUỐC GIA LẦN 3

NĂM HỌC 2019- 2020

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi có 02 trang)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

“Có một câu nói là: “Con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay”. Ý tưởng nhiều vô kể. Nhiều người có được ý tưởng rất tốt. Nhưng có rất ít người biến được ý tưởng thành hiện thực. Một người bạn của tôi từng nói: “Khi ai đó tâm sự với tôi về ý tưởng này khác, tôi chỉ bảo: Nghe tuyệt lắm, hãy làm đi. Tôi không bảo khó, bảo sẽ thất bại hay bàn lùi. Cứ để họ thực hiện. Hành động chứng minh tất cả.”

Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn có câu: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nếu không đi thì đường ở đâu mà có.

Cho nên, câu khẩu hiệu của Nike là: “Just do it”. Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì. Vì tuổi trẻ chỉ có một lần. Thời gian trôi qua là không quay trở lại. Thay vì chần chừ, đắn đo, sợ hãi, tại sao không bước ra ngoài và làm điều có ích. Còn nói theo cha ông ta ngày trước thì học đi đôi với hành. Đi học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là một chuyện, phải hành động, phải thực hành mới khiến kĩ năng của ta khá lên.

Việc thiếu sót năng lực hành động có thể hạn chế người trẻ hòa nhập vào thế giới. Mà để phát triển khả năng hành động không cần phải làm gì lớn lao, mở nhà trọ hay mở công ty.

Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một.

Hãy làm gì đó. Đừng ngồi yên”.

(Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Rosie Nguyễn, NXB Hội nhà văn, 2018)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0.5 điểm). Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì những lí do nào?

Câu 3 (1.0 điểm). Dựa vào đoạn trích, anh/ chị hãy nêu cách hiểu về câu nói của nhà văn Lỗ Tấn: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Câu 4 (1.0 điểm). Anh chị có đồng tình với quan điểm của tác giả về cách phát triển khả năng hành động ở người trẻ tuổi: “...để phát triển khả năng hành động, không phải làm điều gì lớn lao (...). Chỉ cần bắt đầu từng bước nhỏ một”? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc-hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của khả năng hành động với những người trẻ tuổi.

Câu 2 (5,0 điểm).

Trong đoạn trích “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm viết:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập, be bờ cho người sau trồng cây, hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

(“Đất Nước”, trích trường ca “Mặt đường khát vọng”, Ngữ văn 12,

Tập 1, tr. 122, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)

Anh/ chị hãy cảm nhận hình tượng nhân dân được khắc họa trong đoạn thơ trên

-Hết-

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Vậy là Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp các em một đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn khá hay tại Chuyên Nguyễn Trãi lần thi thứ 3. Hãy thử sức làm đề thi trong 120 phút và thử so sánh đối chiếu với đáp án chính thức bên dưới em nhé!

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt của đoạn trích là nghị luận

Câu 2. Tác giả khuyên người trẻ “Hãy làm đi. Làm bất cứ điều gì” vì:

- Tuổi trẻ chỉ có một lần, thời gian qua là không trở lại.

- Học phải đi đôi với hành; phải hành động, phải thực hành thì kiến thức của ta mới khá lên.

Câu 3. Có thể hiểu nội dung câu nói của nhà văn Lỗ Tấn như sau:

- Nghĩa đen: những con đường không tự nhiên có trên mặt đất. Con đường hình thành do con người đi nhiều, đi quen, nghĩa là được tạo nên từ quá trình sinh sống của con người.

- Nghĩa bóng: con đường được tạo thành tượng trưng cho kết quả, thành quả. Mọi thành quả không tự nhiên sinh ra mà được tạo nên từ quá trình hành động của con người.

Câu 4. Học sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc nửa đồng tình, nửa phản đối, miễn là lí giải thuyết phục, hợp lí.

- Đồng tình vì:

+ Làm những điều lớn lao có thể dễ thất bại, dễ mất niềm tin vào khả năng hành động của mình và bị thui chột ý chí hành động.

+ Không phải ai cũng có đủ điều kiện và năng lực để làm những điều lớn lao.

+ Ngược lại, khi đi từng bước nhỏ, làm những việc vừa sức, ta có thể thực hiện được mục tiêu, có những bước đệm vững chắc để rèn luyện khả năng hành động của mình.

- Không đồng tình vì:

+ Những bước đi nhỏ, việc làm nhỏ không đủ tạo ra môi trường, hoàn cảnh chứa đựng những thử thách lớn, những thử thách có thể giúp ta rèn luyện năng lực hành động; thậm chí những bước đi nhỏ, việc làm nhỏ còn có thể làm hạn chế năng lực hành động của ta.

+ Những việc làm, bước đi nhỏ khó dẫn ta tới điều gì lớn lao, đột phá, khó khẳng định được bản thân.

- Nửa đồng tình, nửa phản đối: kết hợp hai cách trả lời trên.

II. LÀM VĂN

Câu 1. 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn với cấu trúc mở-thân-kết.

Mở đoạn nêu được vấn đề nghị luận, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn khép lại, nâng cao vấn đề.

b. Xác định đúng nội dung nghị luận: vai trò của khả năng hành động ở người trẻ tuổi; hiểu được khả năng hành động là khả năng dám dấn thân, bắt tay vào làm những việc cần thiết để biến ý tưởng, ý nguyện, mục đích thành hiện thực.

c. Triển khai nội dung nghị luận thành các ý cụ thể; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể triển khai theo hướng:

- Khả năng hành động là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho con người. Bởi hành động sẽ giúp ta thực hiện được ý tưởng, ý nguyện, điều mình mong muốn. Nếu không hành động, sẽ chẳng có thành quả nào xuất hiện, ý tưởng chỉ là ý tưởng, ước mơ chỉ là ước mơ.

- Hành động là khả năng cần thiết giúp con người chiến thắng chính mình: chiến thắng sự trì trệ, thụ động, nỗi sợ hãi của bản thân và có được sự năng động, nhạy bén, linh hoạt khi va chạm với cuộc sống.

- Hành động còn giúp ta kiểm nghiệm hiểu biết, năng lực cũng như những tích lũy về mọi mặt của bản thân để có hướng điều chỉnh, hoàn thiện chính mình.

- Hành động chứng tỏ ta đang sống mạnh mẽ, tích cực và ý nghĩa. Bởi trong ý nghĩa sâu xa, hành động là cách ta đóng góp giá trị và khẳng định sự hiện diện ý nghĩa của mình giữa cuộc đời.

- Khả năng hành động giúp con người, nhất là người trẻ tuổi có thể hòa nhập với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa: không bị lạc hậu, lỡ nhịp và bị bỏ lại phía sau.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Xem thêm tài liệu: Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình tượng Nhân dân trong đoạn thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau về nội dung:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích “Đất Nước” và vị trí, nội dung khái quát của đoạn thơ

- Nguyễn Khoa Điềm là gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ. Thơ ông đậm chất trữ tình- chính luận, có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng.

- “Đất Nước” thuộc chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”, được hoàn thành năm 1971 tại chiến trường Trị Thiên, xuất bản năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ ở các đô thị tạm chiếm Miền Nam về sứ mệnh với nhân dân, đất nước. Đoạn trích khắc họa hình tượng đất nước qua những cảm nhận độc đáo, mới mẻ và triển khai tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” để ngợi ca công lao vĩ đại của nhân dân trong quá trình dựng nước và giữ nước.

- Đoạn thơ này nằm ở phần cuối của đoạn trích, phát biểu tư tưởng

“Đất Nước của Nhân dân” trên bình diện văn hóa với phát hiện nhân dân có công sáng tạo và gìn giữ nền văn hóa của đất nước, làm nên bản sắc tâm hồn của đất nước.

* Cảm nhận hình tượng nhân dân trong đoạn thơ:

- Bảy câu đầu: Nhân dân hiện lên với vai trò là chủ thể sáng tạo, truyền giữ những giá trị vật chất và tinh thần của đất nước.

+ Từ “họ” chỉ nhân dân vô danh, bình dị, “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng “đã làm ra Đất Nước”. Điệp từ “họ” kết hợp với những động từ “giữ”, “truyền”, “gánh”, “đắp đập”, “be bờ”… gợi hình ảnh nhân dân cần cù lao động, sáng tạo và truyền giữ các giá trị văn hóa cho đời sau.

+ Nhà thơ đã sáng tạo những hình ảnh cụ thể mà giàu sức gợi khẳng định công lao của nhân dân trong việc tạo ra nền văn hóa của đất nước: đó là các giá trị vật chất đặc trưng cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước như hạt lúa, ngọn lửa hòn than, con cúi, ruộng vườn…; các giá trị tinh thần như gìn giữ giọng điệu, tiếng nói của dân tộc, gìn giữ tên gọi, phong tục của quê hương trong quá trình di dân mở cõi, chống ngoại xâm, chống nội thù để truyền cho con cháu lòng yêu nước, tinh thần đánh giặc…

(HS phân tích chi tiết từ ngữ, hình ảnh để cảm nhận nội dung).

- Hai câu thơ tiếp: Nhân dân hiện lên trong sự gắn bó với đất nước khi nhà thơ phát biểu tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.

+ Sự lặp lại hai chữ “Đất Nước” và “Nhân dân”, cấu trúc “Đất Nước của” gợi giọng thơ khẳng định đầy mạnh mẽ, tự hào.

+ “Đất Nước Nhân dân” là đất nước gắn bó với nhân dân; “Đất Nước của Nhân dân” vừa nhấn mạnh sự gắn bó giữa nhân dân và đất nước vừa bổ sung thêm nhận thức sâu sắc: đất nước do nhân dân làm ra, thuộc về nhân dân; “Đất Nước của ca dao, thần thoại” khẳng định văn hóa dân gian, văn hóa của nhân dân đã làm nên vẻ đẹp cho đất nước. Ý thơ thể hiện niềm tự hào về một đất nước của nhân dân và nhân dân hiện lên với tầm vóc vĩ đại.

- Bốn câu thơ còn lại: Nhân dân hiện lên với những vẻ đẹp tâm hồn tiêu biểu nhất làm nên bản sắc văn hóa, linh hồn của đất nước:

+ Nhà thơ tìm về kho tàng ca dao để thấy được ba nét đẹp tiêu biểu của tâm hồn nhân dân: say đắm, thủy chung trong tình yêu; sống nhân hậu, biết trọng nghĩa tình hơn của cải; bền bỉ, quyết liệt trong chiến đấu.

+ Chữ “dạy” chứa đựng hàm ý vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân là những giá trị tinh thần quý giá mà nhân dân truyền lại và nuôi dưỡng tâm hồn của thế hệ mai sau. Ý thơ hướng tới khẳng định nhân dân bình dị, vô danh đã tạo nên bản sắc tâm hồn của dân tộc. Bản sắc tâm hồn ấy của con người Việt Nam đã góp phần đưa đất nước vượt qua bao thăng trầm, biến động để bền vững cho tới hôm nay.

- Nhận xét về nghệ thuật:

+ Đoạn thơ hội tụ những nét đặc sắc của thơ Nguyễn Khoa Điềm như chất trữ tình-chính luận, có sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư, tình cảm và trí tuệ, hình thức biểu đạt đậm đà tính dân tộc.

+ Những đặc sắc cụ thể trong hình thức biểu đạt ở đoạn thơ:

. Thể thơ tự do kết hợp với kết cấu theo hình thức một cuộc trò chuyện, đối thoại riêng tư của anh và em đã tạo nên giọng thơ tâm tình, nhỏ nhẹ, ngọt ngào khi nói về nhân dân, đất nước.

. Sử dụng tài hoa, sáng tạo những ý tứ, hình ảnh trong ca dao, dân ca, những giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống để thể hiện độc đáo hình tượng nhân dân gắn liền với đất nước và sáng tạo, làm ra đất nước.

. Hình ảnh thơ vừa bình dị, gần gũi vừa có ý nghĩa biểu trưng, gợi những liên tưởng xa rộng đem tới cảm nhận về nhân dân, đất nước vừa bình dị, vừa lớn lao, vĩ đại.

. Từ ngữ giản dị, tự nhiên mà giàu sức gợi, sức rung cảm (hệ thống động từ gợi ra công lao của nhân dân).

Xem thêm tài liệu: Phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân trong bài Đất Nước

* Kết luận, đánh giá chung về vấn đề:

- Hình tượng nhân dân được khắc họa trong đoạn thơ có vẻ đẹp vừa bình dị, vừa lớn lao, vĩ đại: bình dị, gần gũi với sự cần cù, chăm chỉ lao động, với tình yêu làng xóm, quê hương; lớn lao bởi có công sáng tạo, truyền giữ mọi giá trị vật chất và tinh thần cho thế hệ sau, hình thành nên bản sắc tâm hồn dân tộc để đất nước vững bền mãi mãi.

- Qua hình tượng này, nhà thơ đã khẳng định một cách tự hào tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” và những phát hiện riêng của mình về tư tưởng ấy; thể hiện niềm tự hào, biết ơn, tri ân với nhân dân, đất nước; ngầm nhắc nhở những người trẻ tuổi của thế hệ mình hãy xuống đường cùng nhân dân đấu tranh cho độc lập tự do của đất nước.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

-/-

Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM