Trang chủ

Đề thi thử THPT môn văn 2024: Nhiều người cho rằng có tiền

Xuất bản: 28/05/2024 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn với bài đọc hiểu Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả. Cảm nhận vẻ đẹp thi trung hữu họa trong đoạn thơ Tây Tiến

Mục lục nội dung

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Dưới đây là đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn mẫu với yêu cầu: Cảm nhận vẻ đẹp thi trung hữu họa trong đoạn thơ dưới đây: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi....."

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024

I. ĐỌC HIỂU 

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả.

Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao.

Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.

Nó có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ.

Nó có thể mua được châu ngọc, nhưng không mua được sắc đẹp.

Nó có thể mua được giấy bút, nhưng không mua được ý thơ.

Nó có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được gia đình.

Nó có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng.

Nó có thể mua được trò chơi, nhưng không mua được niềm vui.

Nó có thể mua được xu nịnh, nhưng không mua được lòng trung thành.

Nó có thể mua được cảnh hầu, nhưng không mua được tình bạn.

Nó có thể mua được sự phục tùng, nhưng không mua được lòng kính trọng.

Nó có thể mua được quyền thế, nhưng không mua được trí tuệ.

Nó có thể mua được thể xác, nhưng không mua được tình yêu.

Nó có thể mua được vũ khí, nhưng không mua được hòa bình.

(Theo Thác-cơ-rê, dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam) 

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng và nêu tác dụng.

Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/Nhung tiền bạc không phải là vạn năng.”

Câu 4. Thông qua việc đọc hiểu văn bản, anh/chị rút ra được điều gì trong cách ứng xử với tiền bạc?

II. LÀM VĂN (7 điểm) 

Câu 1. Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Câu 2. Cảm nhận vẻ đẹp thi trung hữu họa trong đoạn thơ dưới đây:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Hết

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. 

Văn bản được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. 

Học sinh chủ động lựa chọn hai biện pháp nghệ thuật, nên chọn các biện pháp đặc trưng và được sử dụng nhiều lần trong văn bản: liệt kê, điệp ngữ, lặp cú pháp, đối,...

Gợi ý:

Hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản trên là:

+ Điệp ngữ: lặp lại nhiều lần các cụm từ và cấu trúc: Nó có thể mua được..., nhưng không mua được...

+ Liệt kê: nêu ra những thứ mà theo tác giả, đồng tiền có thể mua được: chiếu giường, châu ngọc, giấy bút, nhà cửa, thức ăn, trò chơi, xu nịnh, cánh hầu, sự phục tùng, quyền thế, thể xác, vũ khí, và những thứ tiền không mua được như: giấc ngủ, sắc đẹp, ý thơ, gia đình, sự ngon miệng, niềm vui, lòng trung thành, tình bạn, lòng kính trọng, trí tuệ, tình yêu, hòa bình.

+ Tác dụng: Biện pháp liệt kê và điệp ngữ được sử dụng đan xen và kết hợp vừa tạo ra nhịp điệu, âm hưởng cho bài thơ, vừa thể hiện nội dung tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm: tiền mua được rất nhiều thứ “có sức mạnh lớn lao”, nhưng nó “không phải vạn năng”, cũng bất lực trước rất nhiều giá trị đáng quý trong xã hội này. Qua đó, tác giả đã rất thành công trong việc phản bác ý kiến đưa ra ban đầu: “Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả.”

 Câu 3. 

- Lý giải lý do tác giả cho rằng “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/ Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng”:

* Muốn nhấn mạnh bản chất và sức mạnh của đồng tiền:

+ Tiền bạc có sức mạnh lớn lao vì nó mua được nhiều thứ giá trị trong cuộc sống.

+Nhưng nó không phải vạn năng” bởi không phải cái gì nó cũng có thể mua được. Đặc biệt là những giá trị quý giá trong cuộc sống như: tình cảm, sức khỏe, tri thức.

* Thể hiện quan điểm cá nhân về đồng tiền: cần có cái nhìn đúng đắn về giá trị đồng tiền.

Câu 4. 

Học sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày được quan điểm cá nhân và bàn luận ngắn gọn về quan điểm đó. Bài học: biết quý đồng tiền nhưng không tôn thờ nó; đừng quá coi trọng đồng tiền (cũng chính là chạy theo giá trị vật chất),...

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

Đồng tiền quả thực có sức hấp dẫn rất lớn. Trong xã hội hiện đại, nó cấu thành nên cảm giác hạnh phúc của con người. Nhưng ứng xử với đồng tiền là cả một nghệ thuật. Nếu phớt lờ nó, bạn dễ đi vào con đường thủ cựu, không hòa nhập với những giá trị hiện đại của cuộc sống. Nhưng tôn sùng nó, bạn sẽ bị nó mê hoặc và sa đà vào con đường thực dụng. Vậy nên, phải tỉnh táo để vừa đủ coi trọng, vừa đủ giới hạn cho sức mạnh của đồng tiền. Để đồng tiền không chi phối ta, mà nó phải phục vụ cho cuộc sống của ta.

II. LÀM VĂN 

Câu 1. 

• Yêu cầu cụ thể:

1.Dẫn dắt

- Nêu từ khóa: sự chi phối của đồng tiền

2.Giải thích

- Tiền là một vật ngang giá chung được sử dụng từ lâu trong xã hội. Tiền có tính quy ước, chứ bản thân nó không phải là một vật mang giá trị sử dụng.

3.Phân tích

- Tiền có giá trị quan trọng như thế nào trong cuộc sống hiện đại?

+ Có tiền là có được những giá trị vật chất trong xã hội, từ những nhu cầu cuộc sống đến những dịch vụ đẳng cấp.

+ Tiền còn cho ta quyền lực và địa vị, người có tiền thường được xã hội tôn trọng và cuộc sống có tiền là cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người.

- Vì sao xã hội hiện đại, đồng tiền lại chi phối được cuộc sống?

+ Vì xã hội hiện đại thiên về tính dịch vụ, đồng tiền mang đến giá trị vật chất và dịch vụ nên nó trở thành thước đo cho giá trị con người.

+ Một bộ phận không nhỏ người trong xã hội chạy theo lối sống thực dụng, quan điểm “có tiền là có hạnh phúc”, đẩy vị thế đồng tiền lên tối đa, khiến mọi suy nghĩ, hành vi của họ bị chi phối bởi đồng tiền. Phản biện - Tiền có giá trị nhưng nó không phải vạn năng

+ Tiền mua được nhiều thứ, rất đáng quý khi là kết quả của lao động, mang lại niềm vui cho cuộc sống.

+ Tiền không phải vạn năng, không được đánh đồng giá trị tiền bạc và hạnh phúc.

4.Liên hệ

- Bài học/Liên hệ + Từ khóa: Thanh niên cần có cái nhìn tích cực, coi đồng tiền là một giá trị của cuộc sống, nhưng không để nó chi phối cuộc sống cá nhân.

Câu 2. 

1.Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm

- Người viết không cần nêu quá nhiều về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả, nhưng cần nêu bật lên được vị trí, quan điểm hoặc phong cách sáng tác của tác giả: Quang Dũng nhà thơ của xứ Đoài mây trắng, nhà thơ của những vần thơ lãng mạn, bay bổng, đậm nét hào hoa. Là gương mặt tiêu biểu trong thơ ca kháng chiến chống Pháp.

- Về tác phẩm, người viết cần nêu được hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ của bài thơ: Tây Tiến vừa chỉ hướng hành quân, vừa là tên một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947. Tây Tiến có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt - Lào, đồng thời đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân khá rộng nhưng chủ yếu là ở biên giới Việt - Lào. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đơn vị Tây Tiến từ đầu năm 1947, rồi chuyển sang đơn vị khác. Rời đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là Tây Tiến.

2.Giải thích cụm từ Thi trung hữu hoạ

- Các em cần lưu ý trong đề có từ, cụm từ khái niệm, hoặc thuật cụm từ ngữ, người, viết cần có bước giải thích làm sáng rõ khái niệm, thuật ngữ ấy, ở đây là : Thơ là một hình hữu họa thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm. Thi trung hữu họa: trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh). Tức là nói đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh, giàu tính chất tạo hình, đọc thơ mà tưởng thấy cả khung cảnh hiện ra ở trước mắt.

3.Phân tích chứng minh, cảm nhận

Các em lưu ý: Đây là dạng đề cảm nhận, do đó, thiên về tính cảm chứng nhận, cảm xúc, quan niệm riêng của người viết, tất nhiên trong khâu cảm nhận, rất cần khâu phân tích:

- Tinh hoa được tạo nên trong nỗi nhớ chơi vơi, nỗi nhớ chông chênh giữa hai bờ thực ảo:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

+ Mở đầu bài thơ là lời gọi tha thiết, ngọt ngào. Tác giả gọi tên đơn vị Tây Tiến, gọi tên con sông vùng Tây Bắc: sông Mã mà thân thiết, dạt dào cảm tình như gọi tên những người thân thương trong cuộc đời mình. Phải chăng trung đoàn Tây Tiến, núi rừng Tây Bắc gần gũi, thân thương với tác giả và khi xa thì Tây Bắc, Tây Tiến trở thành một “mảnh tâm hồn” của tác giả.

+ Nhớ chơi vơi gợi lên dài rộng về không gian, gợi nên cái xa cách về thời gian. Tất cả đã lùi về quá khứ. Quang Dũng cất lên tiếng gọi như sự níu kéo mọi ký ức quay trở lại. Và trong xúc cảm đó, bao kỷ niệm, bao hình ảnh đã hiện về. - Tính hoạ được gợi lên qua những địa danh và thời tiết khắc nghiệt xứ sở miền Tây:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

+ Sài Khao, Mường Lát là hai địa danh tiếp theo được nhắc đến. Những cái tên như có sức tạo hình, nó gợi những nơi chốn hoang sơ, thưa vắng, heo hút. Những cái tên như những địa chỉ in hằn dấu chân người lính. Và cũng chính nơi hoang vu đó, ký ức đập về màn sương lạnh trắng phủ kín lối đi, che lấp cả đoàn quân mỏi mệt. Sương bồng bềnh, giá buốt làm trơn ướt những con đường, làm tế lạnh da người.

- Một hình ảnh rất gợi là: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Đêm hơi là đêm đẫm hơi sương, là đêm lạnh. Tiếp tục gợi sự khắc nghiệt của khí hậu. Nhưng từ "hoa về", lại đem đến nhiều cách hiểu. Có thể hiểu hoa theo nghĩa thực, những bông hoa rừng nở, mùi hương quyện trong đêm hơi. Nhưng cũng có thể hiểu, khi chiến sĩ hành quân đêm, những bó đuốc họ mang, giống như những bông hoa lửa, phá đi giá lạnh và đêm tối.

- Tính họa được thể hiện đặc sắc qua hình ảnh những con dốc Tây Tiến:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. ”

+ Đất nước ta với đặc điểm địa hình 3/4 là núi đồi, nhưng qua những lời thơ đậm chất tạo hình của Quang Dũng, tưởng chừng như bao dãy đồi, ngọn núi đều đã “đổ bộ” hết lên vùng miền Tây này, phủ đặc trên những cung đường của binh đoàn Tây Tiến. Điệp từ dốc vừa gợi sự liên tiếp, chồng chất của những con dốc, dốc này chưa qua dốc khác đã phủ hiện trước mặt.

+ Hơn thế nữa những từ láy đi kèm còn gợi cả cái khốc liệt của những con dốc. “Khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” vẽ cho ta một hình dung về sự hoang sơ, kỳ vĩ, xa xôi, trúc trắc, mấp mô, hun hút rợn người.

+ Những đặc biệt hơn, bằng thủ pháp đối lập, sự kinh hoàng, hiểm trở của những con dốc nơi đây mới hiện lên đầy đủ: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Đó là một sự gãy gập đột ngột, bất ngờ. Không hề thoại thoải dễ đi như những vùng miền khác, dốc nơi này dựng cao chót vót, nổi lên, vươn lên thẳng đứng chạm cả mây trời. Nhưng khi chạm đỉnh dốc rồi, sa chân bước hụt có thể rơi ngay xuống chân dốc sâu thăm thẳm.

+ Nếu câu thơ “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” có tới 5 thanh trắc trong 1 câu thơ đã tạo nên được những liên tưởng thật kỳ thú, rợn ngợp, kích thích, thì câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại lập lại thế cân bình, câu thơ được dệt bởi những thanh bằng liên tiếp, gợi tả sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Nhịp thơ cũng chậm lại, âm điệu nhẹ nhàng như phút nghỉ chân hiếm hoi của người lính. Trong màn mưa rừng, tất cả nhạt nhòa, bao mệt nhọc cũng tan biến, chỉ còn lại cảnh bồng bềnh, thi vị.

4.Bình luận, đánh giá

- Quang Dũng không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà thơ, ông là một nghệ sĩ đa tài, có thể vẽ tranh và sáng tác nhạc. Cho nên, chính tài năng nhiều mặt đó đã bổ trợ tương hỗ nhau, để Quang Dũng dựng tạc nên những nét vẽ thật ấn tượng về thiên nhiên miền Tây.

- Có nhà phê bình đã từng cho rằng, những vần thơ viết về dốc Tây Tiến là những vần thơ tuyệt bút, có lẽ bởi tính họa đậm nét đã làm nên điểm sáng cho cả bài thơ, làm nên ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc bao thế hệ.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM