Trang chủ

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 7

Xuất bản: 19/04/2019 - Cập nhật: 06/03/2020 - Tác giả:

Bộ đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2019 có đáp mẫu số 7, luyện đề thi thử để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới.

>>> CẬP NHẬT: Đề thi Văn THPT Quốc gia 2019

Nhằm đánh giá năng lực, đồng thời giúp học sinh ôn tập từng bước để chuẩn bị cho kỳ thi THPTQG 2019 môn Văn, Đọc Tài Liệu đã sưu tầm đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 7 có đáp án làm tài liệu ôn thi cho các em học sinh.

>> Tham khảoĐáp án đề thi tham khảo môn Văn THPT Quốc gia năm 2019

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 7

Phần I: Đọc hiểu (3đ)

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:

GIÁ TRỊ CON NGƯỜI

Pa-xcan

Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng.

Cần gì cả vũ trụ tòng hành nhau mới đè bẹp cây sậy ấy? Một chút hơi, một giọt nước cũng đủ làm chết người. Nhưng dù vũ trụ có đè bẹp người ta, người ta so với vũ trụ vẫn cao hơn, vì khi chết thì hiểu biết rằng mình chết chứ không như vũ trụ kia, khỏe hơn mình nhiều mà không tự biết rằng mình khỏe.

Vậy giá trị của chúng ta là ở tư tưởng.

Ta cậy cao dựa vào tư tưởng, chứ đừng dựa vào không gian, thời gian là hai thứ chúng ta không bao giờ làm đầy hay đọ kịp. Ta hãy rèn tập để biết tư tưởng cho hay, cho đúng, đó là nền tảng của nhân luân.

Tôi không căn cứ vào không gian để thấy giá trị của tôi, mà tôi trông cậy vào sự quy định của tư tưởng một cách hoàn toàn, dù tôi có bao nhiêu đất cát cũng chưa phải là “giàu hơn”, vì trong phạm vi không gian này, vũ trụ nuốt tôi như một điểm con, nhưng trái lại, nhờ tư tưởng, tôi quan niệm, bao trùm toàn vũ trụ.

(Theo Bài tập Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.114)

Câu 1.(0,25đ) Xác định thao tác lập luận của đoạn trích ?

Câu 2.(0,75đ) Nêu hiệu quả của một trong những biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng”?

Câu 3.(1đ) Theo anh (chị) thông điệp mà tác giả muốn nói với người đọc là gì?

Câu 4.(1đ) Qua hình ảnh “cây sậy có tư tưởng”, anh/chị rút ta bài học gì về cách nhìn nhận của con người?

Phần II: Làm văn (7,0)

Câu 1(2,0)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Pa-xcan trong văn bản ở phần Đọc hiểu “giá trị của chúng ta là ở tư tưởng”.

Câu 2 (5 đ)

Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”.

Từ việc cảm nhận về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên?

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 7

Phần I  - Đọc hiểu

Câu 1    

- Thao tác lập luận : nghị luận.

Câu 2    

Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: so sánh (con người được so sánh với cây sậy).

- Giống nhau: mềm yếu, nhỏ bé

- Khác nhau: con người có tư tưởng

- Tác dụng: Con người nhỏ bé, yếu ớt trước tạo hóa nhưng lại lớn lao và trường tồn nhờ có tư tưởng.

Câu 3    

Thông điệp mà tác giả muốn nói với người đọc là:

+ Con người phải biết rèn tập để có suy nghĩ, tư tưởng cho hay, cho đúng, không nên quá coi trọng vật chất.

+ Con người cần đề cao tư tưởng, rèn luyện để có tư tưởng lành mạnh, tích cực, giàu có.

+ Tầm vóc lớn lao và sự giàu có của con người trong vũ trụ chính là ở chỗ rèn tập để có tư tưởng tiến bộ tốt đẹp chứ không phải là ở chỗ giàu có về của cải.

Câu 4  

Bài học về cách nhìn nhận của con người:

- Nhận thức: Nhìn nhận tầm vóc của con người thông qua giá trị tư tưởng mà người đó cống hiến và để lại

- Thái độ: Đừng đánh giá hay coi trọng con người thông qua giá trị vật chất.

- Hành động: Rèn luyện bản thân để có tư tưởng tích cực, lành mạnh, giàu có

Phần II - Làm văn 

Câu 1

Hướng dẫn làm bài

a.  Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: HS viết đúng hình thức đoạn văn, viết đúng quy định về số chữ, đảm bảo tính lôgic mạch lạc.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Giá trị của con người là ở tư tưởng

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Giải thích:

+ Giá trị: Là tiêu chuẩn để xem xét một con người đáng quý đến mức nào về mặt đạo đức, trí tuệ, nghề nghiệp, tài năng.

+ Tư tưởng: Là quan điểm, suy nghĩ chung tiến bộ đối với hiện thực khách quan, với các vấn đề xã hội.

+ Ý cả câu: "Giá trị của chúng ta là ở tư tưởng" nghĩa là vị thế, tầm vóc của con người trong cuộc sống thể hiện thông qua những suy nghĩ tiến bộ về hiện thực khách quan hay các vấn đề xã hội mà người đó cống hiến và để lại.

- Bàn luận

+ Giá trị của con người không nằm ở vật chất mà người đó có (của cải, đất đai, vóc dáng bên ngoài), vì:

+) Con người nhỏ bé trước vũ trụ bao la, rộng lớn. Trước không gian, thời gian mọi thứ thuộc về vật chất đều dễ bị biến đổi, tan biến.

+) Đời người hữu hạn, không có ai trường tồn cùng thời gian.

+ Giá trị của con người nằm ở tinh thần, tư tưởng, tình cảm tiến bộ với hiện thực khách quan, với những vấn đề xã hội.

+) Con người có trí tuệ, tư tưởng, có sự sáng tạo, ý chí, nghị lực...vì vậy có thể có những khám phá, phát minh, cống hiến lớn lao cho nhân loại. Dẫu con người mất đi nhưng tư tưởng thì còn mãi.

+) Nó vượt qua và trường tồn với không gian, thời gian.

- Bài học nhận thức và hành động

+ Phê phán lối sống coi trọng vật chất, coi trọng hình thức.

+ Chắt lọc, học hỏi tư tưởng vĩ đại của quá khứ

+ Làm giàu vốn tư tưởng lành mạnh, tích cực

Lưu ý

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2

+) Giới thiệu chung

- Không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà thơ lớn với nhiều tác phẩm có giá trị.

- Tuyên ngôn độc lập là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác  của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Tuyên ngôn độc lập ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: trên thế giới chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, nền độc lập vừa mới dành được của ta bị đe dọa bởi các thế lực phản động: quân đồng minh, đế quốc Mĩ. Trong nước, cả nước nổi dạy giành chính quyền. Ngày 19/8/1945 cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội. Đến ngày 26/8, chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc  về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945, Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

- Khi bàn về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập có ý kiến cho rằng: “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”.

+) Giải thích 2 ý kiến

* Ý kiến thứ nhất

- Văn kiện lịch sử: là văn bản ghi lại những sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc.

- Văn kiện lịch sử vô giá:vai trò, tầm quan trọng có liên quan đến việc quyết định vận mệnh của một dân tộc.

* Ý kiến thứ hai

- Văn chính luận:là những tác phẩm văn chương sử dụng lập luận, dẫn chứng, lí lẽ để khẳng định một tư tưởng nào đó khiến độc giả tin vào điều được khẳng định là đúng sự thật.

- Áng văn chính luận mẫu mực:là những áng văn đạt chuẩn mực cao về nội dung và nghệ thuật có sức thuyết phục, quy tụ lòng người.

=> Hai ý kiến đều đánh giá cao tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Bác xét trên hai góc độ chính trị lịch sử và văn chương nghệ thuật.

+) Phân tích giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập

a, Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá

-  Là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta.

- Là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc.

- Là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới.

b, Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực

* Sức mạnh và tính thuyết phục của tác phẩm được thể hiện chủ yếu ở cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc,…

* Biểu hiện:

- Lập luận chặt chẽ

Tác phẩm có bố cục ngắn gọn, súc tích gồm 3 phần liên kết chặt chẽ với nhau trong hệ thống lập luận:

+ Phần mở đầu: Nêu cơ sở pháp lí và chính nghĩa của bản “Tuyên ngôn” bằng việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791.

+ Phần thứ hai: Khi nêu cơ sở thực tế của bản Tuyên ngôn Độc lập Bác vừa tố cáo tội ác của thực dân Pháp vừa khẳng định thực tế lịch sử đấu tranh của dân tộc ta.

+ Phần kết luận: Lời tuyên bố của bản “Tuyên ngôn”.

- Lí lẽ sắc bén

+ Sức mạnh của lí lẽ chính là sự thật. Tác giả đã dùng hàng loạt thực tế lịch sử để chứng minh: Thực dân Pháp đã không “bảo hộ” được Việt Nam và đã gieo rắc nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam.

+ Dùng thực tế để khẳng định sự khoan hồng và  nhân đạo của dân tộc ta với kẻ thù, công lao của Việt Minh – đại diện duy nhất của nhân dân Việt Nam.

=>  Sự độc lập của Việt Nam phù hợp với lẽ phải, công lí và đạo lí.

-  Bằng chứng xác thực

Bản Tuyên ngôn đưa ra những bằng chứng hoàn toàn xác thực, không thể chối cãi được (dẫn chứng): về chính trị (5 tội ác), về kinh tế (4 tội ác)

- Ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc

+ Từ ngữ chính xác, gợi cảm, tác động mạnh mẽ vào nhận thức, tình cảm của người đọc, người nghe.

+ Câu văn uyển chuyển, sinh động. Ví dụ: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Câu văn 9 tiếng nhưng khái quát được những sự kiện lịch sử trọng yếu của dân tộc, tinh thần quật khởi của nhân dân và sự thất bại nhục nhã của kẻ thù và bọn tay sai bán nước.

+ Hình ảnh đặc sắc: thẳng tay chém giết, tắm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu, bóc lột đến xương tủy…

+ Cần chú ý thêm cách sử dụng hàng loạt điệp từ, điệp ngữ (có tính khẳng định và nhấn mạnh): sự thật là, độc lập tự do…

+) Bình luận, đánh giá

Cả hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau tưởng như đối lập, mâu thuẫn nhưng thực chất là bổ sung cho nhau cùng khẳng định giá trị to lớn của bản tuyên ngôn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử chính trị và văn chương nghệ thuật.

=> Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, là áng văn chính luận mẫu mực; là văn bản pháp lý, văn hoá của muôn đời; là hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh cũng như của toàn dân tộc Việt Nam – Bản Tuyên ngôn xứng đáng là “áng thiên cổ hùng văn”

+) Kết thúc vấn đề

- Tuyên ngôn độc lập ra đời là một trong những niềm xúc động, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh như có lần Người từng tâm sự. Giây phút xúc động, thiêng liêng khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ta có thể thấy trong câu thơ của Tố Hữu:

Người đứng trên đài lặng phút giây

Trông đàn con đó vẫy hai tay

Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây

- Khẳng định tấm lòng vĩ đại cũng như tài năng xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tuyên ngôn độc lập. Người không chỉ đem lại ánh sáng tự do, hòa bình cho dân tộc mà còn đóng góp những tài sản tinh thần vô giá cho lịch sử và văn học nước nhà.

* Một số tài liệu có thể giúp ích cho các em trong khi làm đề này:

Phân tích bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Phân tích giá trị lịch sử của bản Tuyên ngôn độc lập

Bài văn mẫu Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá và là một áng văn chính luận mẫu mực

Vào những thời điểm chuyển mình của lịch sử một dân tộc thường xuất hiện những áng văn bất hủ, đánh dấu cho một thời đại. Không phải ngẫu nhiên người ta hay nhắc đến những bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới như Tuyên ngôn Độc Lập của người Mĩ năm 1776, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Lịch sử dân tộc ta cũng có những bản tuyên ngôn như vậy. Đó là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vào thế kỉ XV và Tuyên ngôn Độc lập tự do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc ngày 2-9- 1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử.

Tuyên ngôn Độc lập cùa Hồ Chí Minh từ lâu vẫn được coi là “một văn kiện có trị lịch sử to lớn, một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn, đầy sức thuyết phục”. Có thể nói bản Tuyên ngôn  là kết tinh trí tuệ của thời đại, là kết quả của “bao nhiêu hi vọng, gắng sức và tin tưởng” của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam.

Ngày 26 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, người soạn thảo bản Tuyên ngôn và sau đó. Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước 50 vạn đồng bào.

Sự kiện trọng đại ấy đã để lại dấu ấn sâu sắc vào lịch sử như một mốc son chói lọi. Nhưng ta sẽ không hiểu hết tầm vóc và ý nghĩa của tác phẩm nếu không trở lại với không khí chính trị căng thẳng, nghiêm trọng cách đây hơn nửa thế kỉ.

Cho đến đầu mùa thu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều biến chuyển mau lẹ. Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi vào những ngày cuối. Sự cáo chung của phe phát xít và sự toàn thắng của quân Đồng minh sẽ là một kết cục không thể đảo ngược. Chớp lấy thời cơ đó, nhân dân ta, dưới sự tổ chức và chỉ đạo của Việt Minh đã vùng lên cướp lấy chính quyền. Chỉ trong vòng một tuần lễ “sao vàng năm cánh” không còn là “mộng” nữa mà đã tung bay khắp ba miền. Nhưng cũng chính lúc này, nhiều đế quốc bắt đầu nhòm ngó Đông Dương và không giấu giếm ý đồ thôn tính nước ta. Hội nghị Posdame tháng 7-1945 đã quyết định quân Anh vào giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra. Chính phủ Pháp cho tướng De Gaulle đại diện, tuyên bố : sẽ tổ chức “Liên bang Đông Dương” thành năm nước! Không thể chần chừ, Việt Nam cần phải tuyên bố độc lập!

Bản Tuyên Ngôn, vì thế đã đóng vai trò hoàn tất một sứ mệnh lịch sử. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự ra đời đúng lúc của bản Tuyên ngôn Độc lập đã chặn đứng âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp chống lại ý đồ can thiệp vào Việt Nam các đế quốc khác, mở đầu cho làn sóng giải phóng thuộc địa ở châu Á, khẳng định chủ quyền và nâng cao địa vị của dân tộc ta trên trường quốc tế.

Bản Tuyên ngôn cũng đã chính thức chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, năm năm cướp bóc, giày xéo của phát xít Nhật và nghìn năm chế độ phong kiến. Với ý nghĩa như vậy bản Tuyên ngôn Độc lập đã thực sự khai sinh ra một nước Việt Nam mới, mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc ta.

Bên cạnh những giá trị to lớn đã nói ở trên, bản Tuyên ngôn còn là một bản văn chính luận tiêu biểu xuất sắc. Nó đã được viết trong cơn trở dạ của lịch sử để tạo ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời nó cũng là kết quả của niềm khao khát tự do, độc lập cháy bỏng của dân tộc Việt Nam đã tích tụ hàng ngàn năm. Bởi vậy, người đọc luôn luôn bị sự chinh phục lớn lao, mạnh mẽ của một áng hùng văn được kết tinh bởi trí tuệ và tâm huyết Hồ Chí Minh - Người con ưu tú của dân tộc - và bởi tự bản thân tác phẩm - tiếng nói chân lí cùa thời đại.

Mọi chân lí đều hết sức giản dị. Đây cũng là phẩm chất tiêu biểu tạo nên vẻ đẹp đầu tiên của Bản Tuyến ngôn Độc lập. Ít có tác phẩm chính luận nào trong văn học xưa nay lại có bố cục ngắn gọn, súc tích như vậy.

Trước hết, là một thông điệp chính trị, bản Tuyên ngôn nhằm hướng tới những mục đích thức thời, quan trọng có tính cấp thiết, bức bách, nước sôi, lửa bỏng. Trong một tình thế như vậy, sự ngắn gọn, mạch lạc sẽ tạo nên hiệu quả thông tin nhanh chóng và triệt để. Tất nhiên, không phải sự ngắn gọn nào cũng tạo nên tính chất súc tích, cô đọng và không phải sự cô đọng nào cũng hàm chứa sức mạnh. Bản Tuyên ngôn dường như chỉ xoáy sâu vào hai vấn đề lớn. Thứ nhất: phủ nhận hoàn toàn quyền dính líu tới Việt Nam của thực dân Pháp; thứ hai: khẳng định quyền độc lập và quyết tâm sắt đá bảo vệ quyền độc lập đó.

Vì những mục tiêu này, các ý tưởng, các kiểu câu đều tuân theo nguyên tắc mạch lạc, ngắn gọn, sáng sủa.

Như đã nói ở trên, văn kiện lịch sử này không chỉ được đọc trước quốc dân đồng bào mà còn trước thế giới. Đây còn là thái độ của chúng ta trước kẻ thù, cho nên, bản Tuyên ngôn Độc lập đã mở đầu bằng việc viện dẫn hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng của hai cường quốc Pháp và Mĩ, từ đó suy rộng ra về quyền độc lập dân tộc (bên cạnh quyền con người và quyền công dân) như một lẽ phải không ai chối cãi được. Vậy mà hơn 80 năm, thực dân Pháp đã bất chấp lẽ phải ấy; chúng lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để nô dịch nhân dân ta. Hành động của chúng là sự chà đạp lên chân lí, trái với đạo lí và chính nghĩa, đi ngược lại những lời tuyên ngôn mà Cách mạng Pháp đã đề ra. Không chỉ tố cáo những tội ác của thực dân Pháp, tác giả bản Tuyên ngôn còn vạch trần bộ mặt phản bội của chúng, khẳng định một cách dứt khoát quyền tự do, độc lập chính đáng của dân tộc Việt Nam.

Tất cả những lí lẽ và bằng chứng đưa ra đều được cấu trúc trong một hệ thống lập luận chặt chẽ, đanh thép nhằm chống lại những ngụy thuyết thực dân, những mưu đồ xám lược của các lực lượng đế quốc nhằm giữ vững chính quyền - vấn đề quan trọng nhất đối với vận mệnh dân tộc ta lúc bấy giờ.

Điều cần nói là, bản Tuyên ngôn đã không khởi đầu bằng việc nêu lên truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền dân tộc từng chói ngời trong sử sách qua các triều đại Đinh, Lí, Trần, Lê... mà xuất phát từ các nguyên tắc do chính các nước tư bản đã nêu ra và thừa nhận, đặc biệt là các nước thuộc phe Đồng minh. Rõ ràng trong lập luận, tác giả bản Tuyên ngôn vừa chứng tỏ sự tôn trọng thành quả văn hóa của nhân loại, vừa ngầm buộc các cường quốc phải tự ngẫm lại mình mà thừa nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Để tố cáo thực dân Pháp, tác giả đã vạch năm tội ác về chính trị, bốn tội ác về kinh tế cùng hàng loạt sự phản bội đê hèn và trắng trợn vào những thời điểm cụ thể nên dù muốn, chúng cũng không thể nào chối cãi được.

Để đánh tan những mơ hồ, những “mập mờ đánh lận con đen” mà thực dân Pháp đã cố dựa vào như một ngụy thuyết để rắp tâm quay trở lại thống trị đất nước ta, một lần nữa, tác giả vạch rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương đế mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực đân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật.

(...) Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa.

(...) Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Với bút lực mạnh mẽ của một trí tuệ siêu việt, với sự thấu hiểu tình hình chính trị một cách sâu sắc, bằng những chứng cứ đầy đủ và xác thực, bản Tuyên ngôn thực sự là bản cáo trạng đanh thép lên án mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp.

Tuy nhiên, sức mạnh chinh phục của bản Tuyên ngôn còn là ở sự chính xác và giàu sức biểu cảm của hệ thống ngôn từ, chẳng hạn sau khi viện dẫn hai bản Tuyên ngôn, nhưng không dừng lại ở nội dung hai bản Tuyên ngôn đó mà suy rộng ra về quyền độc lập dân tộc. Tác giả khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Khi nói về tội ác của thực dân Pháp, tác giả viết: “chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”, “chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu...”, “chúng ràng buộc (...), chúng bóc lột (...), chúng cướp (...), chúng giữ độc quyền (...), chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị...”. Khi tuyên bố thoát li hẳn với thực dân Pháp, bản Tuyên ngôn có những từ vừa chính xác, vừa chọn lọc: “xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về (chứ không phải với) nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam...”. Ngoài ra, việc sử dụng hàng loạt điệp từ, điệp ngữ vừa tạo hiệu quả cao trong việc khẳng định các ý tưởng, vừa bảo đảm chính xác và sức mạnh cho lí lẽ vừa gợi xúc cảm nhằm tác động đến nhân tâm, thôi thúc người nghe nhận ra và thừa nhận chân lí.

Tất cả những điều đó đã khẳng định trình độ nghệ thuật xuất sắc của tác giả, đưa Tuyên ngôn Độc lập trở thành mẫu mực của thể văn chính luận.

Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng Tuyên ngôn Độc lập vẫn là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn đồng thời là một tác phẩm chính luận xuất sắc mẫu mực. Tuyên ngôn Độc lập - mở đầu cho kỉ nguyên độc lập, tự do, tạo điều kiện cho mọi thay đổi căn bản của đời sống dân tộc trong đó có văn học.

**********

Hy vọng mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 1 là một trong những tài liệu ôn tập hữu ích để các em ôn luyện chuẩn bị cho kì thi trước mắt. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi thử THPT quốc gia môn văn khác được chúng tôi cập nhật liên tục tại doctailieu.com. Hy vọng Đọc Tài Liệu sẽ là bạn đồng hành mang đến nhiều tài liệu hữu ích cho các em để chuẩn bị cho kì thi quan trọng. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM