Trang chủ

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 14

Xuất bản: 22/04/2019 - Cập nhật: 06/03/2020 - Tác giả:

Bộ đề thi thử môn văn THPT Quốc Gia năm 2019 có đáp án mẫu số 14 kèm đáp án chi tiết và bài làm mẫu, tài liệu ôn luyện cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới.

>>> CẬP NHẬT: Đề thi Văn THPT 2019

Đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 14 có đáp án là một trong những tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các thầy cô và các em học sinh lớp 12 trong quá trình chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Đề bao gồm hai phần: phần Đọc hiểu và phần Làm văn được biên soạn bám sát cấu trúc đề tham khảo môn Văn 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo từng công bố.

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 14

Phần I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích  sau  và thực hiện các yêu cầu:

“...Tôi đứng lặng trước em

Không phải trước lỗi lầm

biến em thành đá cuội

Nhớ vận nước có một thời chìm nổi

Bắt đầu từ một tình yêu

Em hoá đá trong truyền thuyết

Cho bao cô gái sau em

Không còn phải hoá đá trong đời

Có những lỗi lầm phải trả bằng cả

một kiếp người

Nhưng lỗi lầm em lại phải trả bằng

máu toàn dân tộc

Máu vẫn thấm qua từng trang tập đọc

Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay...”

( Trần Đăng Khoa -  Trước đá Mị Châu)

Câu 1 (0,5 điểm):  Đoạn trích trên gợi anh/chị liên tưởng đến truyền thuyết nào của Việt Nam? Hãy kể thêm tên một truyền thuyết khác mà anh/chị biết.

Câu 2 (0,5 điểm): Vì sao tác giả viết: "Em hoá đá trong truyền thuyết/Cho bao cô gái sau em/Không còn phải hoá đá trong đời"?

Câu 3 (1,0 điểm): Anh/Chị hãy lí giải cách hiểu của mình về câu thơ "Máu vẫn thấm qua từng trang tập đọc/Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay...".

Câu 4 (1,0 điểm): Anh/chị tâm đắc nhất điều gì trong đoạn trích trên? Tại sao?

 Phần II. LÀM VĂN  (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) 

Từ đoạn trích trong phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về lỗi lầm của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:

[...] Thường khi đến gà gáy sáng Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu thì các chị em trong nhà mới bắt đầu dậy ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm. Mỗi đêm, khi nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.

(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, tr13, NXB GD 2008)

[...] Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: "Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!.

Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy.

(Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập hai, tr71-71, NXB GD 2008)

Phần I - ĐỌC HIỂU

Câu 1

- Văn bản gợi liên tưởng đến truyền thuyết "Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ".

- Kể tên của một truyền thuyết khác:

Ví dụ: "Sơn Tinh, Thuỷ Tinh", "Bánh chưng, bánh giầy",...

Câu 2

Tác giả viết: "Em hoá đá trong truyền thuyết/ Cho bao cô gái sau em/ Không còn phải hoá đá trong đời" vì sự hoá đá của Mị Châu là bài học về tinh thần cảnh giác, bài học về việc giải quyết mối quan hệ giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, cá nhân với cộng đồng, tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước; để các cô gái sau Mị Châu không bao giờ phạm phải sai lầm và bị trừng phạt đau đớn như nàng.

Câu 3

Câu thơ diễn tả nỗi đau mất nước của toàn dân tộc, nỗi đau thấm máu ấy không chỉ là nỗi đau của hai nghìn năm trước mà còn được nhân dân ta truyền lại cho con cháu qua từng trang tập đọc và nỗi đau ấy còn đau đớn đến ngày hôm nay. Mỗi lần nhớ tới vó ngựa Triệu Đà, kẻ xâm lược, trái tim mỗi người dân Việt dường như lại thấm máu.

Câu 4

Học sinh tự bày tỏ điều mình tâm đắc nhất qua văn bản, nhưng cần có sự lí giải thuyết phục thì mới cho điểm tối đa.

Nếu thí sinh chép lại văn bản thì cho 0 điểm

Phần II - LÀM VĂN

Câu 1

Trình bày suy nghĩ về lỗi lầm của con người trong cuộc sống

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoaṇ  văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoăc̣ song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cần nhận thức rõ lỗi lầm là điều không tránh khỏi trong cuộc sống nhưng cần trung thực, nghiêm khắc nhận lỗi và thay đổi để hoàn thiện bản thân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghi luâṇ theo nhiều cách nhưng có thể theo hướng sau:

* Giải thích:

- Lỗi lầm là những sai lầm, tội lỗi con người mắc phải và để lại những hậu quả đáng tiếc cho mình và mọi người.

* Bàn luận:

- Trong cuộc sống, không ai có thể tránh khỏi những lỗi lầm. Vì cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách; khả năng của con người là có giới hạn; đôi khi chỉ vì quá chủ quan, nhẹ dạ cả tin vào người khác mà con người dễ dàng mắc phải lỗi lầm.

- Lỗi lầm để lại hậu quả đáng tiếc cho bản thân người phạm phải, nhưng có khi lỗi lầm của một cá nhân dẫn đến sự an nguy, tồn vong của cả một quốc gia, dân tộc. Vì thế, có những lỗi lầm có thể tha thứ, có những lỗi lầm không thể tha thứ. Người phạm phải lỗi lầm thường sống trong dằn vặt, đau khổ và nhiều khi phải trả giá bằng cả "một kiếp người", thậm chí là "máu của một dân tộc".

* Bài học:

Phê phán những người không có ý thức rèn luyện bản thân, gây ra lỗi lầm đáng tiếc.

- Nhận thức: Cần nhận thức, lỗi lầm là một điều tất yếu của cuộc sống, nhưng không vì thế mà liên tiếp phạm lỗi lầm, vì hậu quả của những lầm lỗi nhiều khi rất khó cứu vãn. Khi mắc lỗi cần trung thực, nghiêm khắc nhận lỗi và thay đổi để hoàn thiện bản thân.

Lưu ý

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Bài làm mẫu nghị luận về lỗi lầm của con người trong cuộc sống:

“Nếu bạn muốn sống một đời mà không phạm một chút sai lầm nào, làm gì được nấy thì đó hoặc là bạn ảo tưởng, hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời”. Câu nói trên đã trở thành hành trang quý giá, là bài học luôn nhắc nhở tôi đừng bao giờ sợ mắc phải sai lầm khi đứng trước những quyết định quan trọng. “Sai lầm” là những lỗi lầm, những quyết định sai khiến cho những dự tính của bản thân thất bại. “Ảo tưởng” là những ước muốn hảo huyền, viển vông trái với thực tế hèn nhát, chỉ sự yếu đuối không dám đối diện với thực tế. Thực chất câu nói nhắc nhở mỗi người muốn thành công không nên sợ mắc sai lầm, cần phải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Vậy tại sao con người không nên sợ mắc “sai lầm”, người luôn sợ mắc “sai lầm” là người hèn nhát muốn trốn tránh thực tế cuộc sống, luôn có nhiều khó khăn nếu sợ sai lầm, con người sẽ không thể có cơ hội phát triển bản thân, hãy thử đặt vào thực tế cuộc sống nếu sợ sặc nước thì bạn có thể biết bơi. Nếu sợ nói sai, thì bạn sao nói được ngoại ngữ. Trong cuộc sống ai cũng sẽ phải phạm phải sai lầm, nhiều người hèn nhát không dám đối diện với thực tế. Mỗi người trong chúng ta phải biết phê phán những con người có lối sống trên, hãy sống thật vui, thật có ích, dám mơ ước, dám sai lầm để hoàn thiện bản thân trở thành một công dân tốt, cống hiến xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Câu 2

* Yêu cầu về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm bài so sánh văn học. Bố cục rõ ràng, biết kết hợp các thao tác lập luận so sánh, phân tích để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt; diễn đạt trong sáng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, dựng đoạn. Văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

* Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

a. Vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích:

Thí sinh có thể mở bài theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng cần giới thiệu được hai nhà văn, hai tác phẩm và hai đoạn trích.

b. Cảm nhận hai đoạn văn

b.1. Về đoạn văn trong "Vợ chồng A Phủ"

Nội dung

- Đoạn văn miêu tả nỗi buồn, sự cô đơn héo hắt, sự chai sạn vô cảm lạnh lùng của Mị trước nỗi đau khổ, tuyệt vọng của A Phủ cũng như hành động độc ác, thô bạo của A Sử.

- Qua đoạn văn, người đọc thấy được tội ác của bọn thống trị miền núi đã chà đạp lên nhân phẩm, quyền sống của con người, làm con người bị tê liệt ý thức phản kháng và cạn khô nguồn nhựa sống...

Nghệ thuật

- Miêu tả nội tâm sâu sắc, tinh tế, ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm, lắng đọng sâu xa....

- Hình ảnh ngọn lửa được miêu tả đầy sức ám ảnh để làm nổi bật sự lạnh lẽo, tê dại trong tâm hồn nhân vật và chuẩn bị cho tình huống có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc ở phần tiếp theo.

>> Xem thêmPhân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

b.2. Về đoạn văn trong "Chiếc thuyền ngoài xa"

Nội dung

- Đoạn văn miêu tả hành động vũ phu, thô bạo của lão đàn ông đối với người vợ và thái độ cam chịu nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài.

- Qua đoạn văn, người đọc thấy được nỗi đau khổ của con người trong cuộc sống mưu sinh thường nhật. Vì cuộc sống nghèo khổ, chật vật mà con người trở nên độc ác, đày đọa lẫn nhau.

Nghệ thuật

- Miêu tả sâu sắc nội tâm nhân vật, ngôn ngữ giản dị nhưng trĩu nặng trăn trở, suy tư về cuộc đời, thân phận con người.

- Sử dụng thủ pháp đối lập giữa hành động thô bạo của lão đàn ông và thái độ cam chịu của người đàn bà, giữa hành động bên ngoài và suy nghĩ sâu sắc ở bên trong...

>> Tham khảo: Phân tích truyện Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

b.3. Về sự tương đồng, khác biệt giữa hai đoạn văn

* Tương đồng: 

Cùng miêu tả nỗi đau khổ đến thành chai sạn, vô cảm của con người bằng ngòi bút miêu tả nội tâm sâu sắc, tinh tế và một trái tim đồng cảm, yêu thương.

* Khác biệt:

- Đoạn văn của Tô Hoài miêu tả nỗi đau khổ của người lao động dưới sự thống trị tàn bạo của bọn phong kiến chúa đất miền núi; qua đó, tố cáo tội ác của bọn thống trị, ngợi ca khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt của con người.

- Đoạn văn của Nguyễn Minh Châu miêu tả nỗi đau khổ của con người do hoàn cảnh sống nghèo khổ xô đấy qua tình huống nhận thức, phát hiện những nghịch lý của cuộc sống, từ đó nhà văn gửi gắm những suy tư mang tính triết lý sâu sắc về cuộc sống và nghệ thuật.

c. Đánh giá:

Khẳng định lại giá trị hiện thực và nhân đạo của hai tác phẩm cùng những sáng tạo của hai nhà văn cho nền văn học dân tộc.

********

Hy vọng rằng mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 14 trên đây sẽ giúp các em có thêm tài liệu hay và bổ ích để ôn thi thuận lợi nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Văn khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com.

Chúc các em ôn tập tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM