Trang chủ

Đề thi tham khảo vào 10 môn Văn tỉnh Thái Nguyên 2021

Xuất bản: 06/04/2021 - Cập nhật: 15/04/2024 - Tác giả:

Đề thi tham khảo vào 10 môn Văn tỉnh Thái Nguyên 2021 có đáp án về chủ đề chia sẻ những việc em có thể làm để sống một cuộc đời ý nghĩa.

Tham khảo ngay đề thi thử vào lớp 10 2021 môn văn trường THCS Hoà Bình, Thường Tín, Hà Nội hay nhất dành cho các em học sinh lớp 9. Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi dưới đây nhé:

Đề thi tham khảo vào 10 môn văn Thái Nguyên 2021

UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỂ THAM KHẢO THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

Năm học 2021 - 2022

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau:

Lòng dũng cảm là tài sản vô giá mà tự nó đã tiềm ẩn sức mạnh vô hình có thể giúp con người sống một cuộc đời đích thực. Với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân và đủ bản lĩnh để đối mặt với những trở ngại cuộc sống. Tất cả chúng ta sinh ra đều có lòng dũng cảm. Nhưng chỉ có ai biết tôi rèn và vận dụng nó thường xuyên thì mới có thể sở hữu lòng dũng cảm thật sự.

Hãy vận dụng lòng dũng cảm để củng cố sức mạnh tinh thần của bạn. Hãy tìm cho mình một hướng đi thích hợp và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Hãy thử những công việc mới và phá bỏ các rào cản trong cuộc sống của bạn. Với lòng dũng cảm bạn sẽ vững vàng tiến về phía trước.

(Theo Đánh thức khát vọng - Nhiều tác giả, NXB Hồng Đức, 2018)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm): Theo tác giả, để sở hữu lòng dũng cảm thật sự, ta cần phải làm gì?

Câu 3 (1,0 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong những câu sau: Hãy vận dụng lòng dũng cảm để củng cố sức mạnh tinh thần của bạn. Hãy tìm cho mình một hướng đi thích hợp và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Hãy thử những công việc mới và phá bỏ các rào cản trong cuộc sống của bạn.

Câu 4 (1,0 điểm): Em có đồng tình với quan điểm: “Với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân” không? Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 15-20 dòng) chia sẻ những việc em có thể làm để sống một cuộc đời ý nghĩa.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trình bày cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích sau:

Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có một ảnh hưởng quyết định tới gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính máy, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cải thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân này mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh nắng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy mà định nắng. Đây là máy Vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm không nhìn máy, cháu nhìn gió lay lá hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về "nhà" bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”.

Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái im lặng lúc đó thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung... Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.

Anh thanh niên đang nói, dừng lại. Và tại sao họa sĩ cảm giác mình bối rối? Vì nhác thấy người con gái nhỏ nhỏ e lệ, đứng giữa các luống dơn, không cần hái hoa nữa, ôm nguyên bó hoa trong tay, lắng tai nghe? Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ước ao được biết, ôi, một nét thôi đã khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.

- Anh nói nữa đi. - Ông giục.

- Báo cáo hết! - Người con trai vụt trở lại giọng vui vẻ. - Năm phút nữa là mười. Còn hai mươi phút thôi. Bác và cô vào trong nhà. Chè đã ngấm rồi đấy.

Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người hoạ sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế. Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Họa sĩ còn đang nheo mắt cố đọc tên các sách trên giá thì cô gái đã bước tới, dường như làm việc ấy hộ bố. Cô không trở lại bàn giữa và ngồi ngay xuống trước chiếc bàn học con, lật xem bìa một cuốn sách rồi để lại nguyên lật mở như cũ. Anh thanh niên rót nước chè mời bác già, ngoảnh lại tìm cô gái, thấy cô đang đọc, liền bưng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô.

(Trích Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

---HẾT---

Đáp án đề thi tham khảo vào 10 môn Văn tỉnh Thái Nguyên 2021

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Theo tác giả, để sở hữu lòng dũng cảm thật sự, ta cần phải biết tôi rèn và vận dụng nó thường xuyên

Câu 3.

Điệp từ "hãy" làm nhấn mạnh hơn vào những việc bạn cần làm để được lòng dũng cảm và có một cuộc sống đầy ý nghĩa.

Câu 4: Các em tự đưa ra quan điểm cá nhân của mình vè: “Với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân” không? giải thích hợp lý giáo viên đều cho điểm theo phần bài làm.

Gợi ý:

Em đồng tình với quan điểm “Với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân”. Bởi vì:

- Nhờ có lòng dũng cảm mà con người sống và hành động quyết liệt hơn, chính những hành động quyết liệt sẽ tạo ra cơ hội để phát triển.

- Lòng dũng cảm giúp con người nắm bắt cơ hội tốt hơn. Nếu không có lòng dũng cảm, khi cơ hội đến con người sẽ chần chừ, do dự, băn khoăn mà không nắm bắt kịp thời, cơ hội sẽ vụt mất.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1

Đề tài nghị luận: chia sẻ những việc em có thể làm để sống một cuộc đời ý nghĩa.

Dẫn dắt vào vấn đề: Hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa: Bạn có thể làm rất nhiều việc để sống một cuộc đời ý nghĩa.

Cuộc sống có ý nghĩa:

- Là cuộc sống đầy ắp niềm vui với những người xung quanh, với công việc, được thoả mãn những sở thích của mình.

- Là cuộc sống đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

- Là cuộc sống biết vượt qua khó khăn để đạt tới thành công.

- Là cuộc sống luôn có mục đích để học tập, làm việc, hi vọng chứ không nhàm chán…

Những việc em có thể làm để sống một cuộc đời ý nghĩa:

- Sống có đam mê, ước mơ, làm những điều mình thích.

- Nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh từ những việc dù là nhỏ nhất.

- Hãy tìm cách trao đi, có những việc ta làm vì đóng góp cho cộng đồng, không màng đến lợi ích cá nhân, luôn đặt lợi ích của cộng đồng, xã hội lên đầu.

Phê phán lối sống lãng phí, sống vô nghĩa: sống không có ước mơ, không có mục tiêu, không có một ai để gắn kết và yêu thương, lười biếng không chịu học tập, làm việc hoặc là chỉ luôn nghĩ về lợi ích của cá nhân, không cống hiến, đóng góp cho cộng đồng.

Bài học: Hãy luôn tự tin hướng về phía trước, năng động học tập và sáng tạo, tự hoàn thiện bản thân để thành công trong cuộc sống và sống một cuộc sống đầy ý nghĩa.

Câu 2 . Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích

1. Mở bài: 

- Giới thiệu vài nét về nhà văn Nguyễn Thành Long.

- Giới thiệu tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. Trong đó có đoạn trích được dẫn ở đề bài mang lại cho người đọc nhiều cảm nhận về nhân vật anh thanh niên.

2. Thân bài

a. Công việc của anh thanh niên

- Đoạn văn là lời của nhân vật thanh niên, nhân vật chính trong truyện Lặng lẽ Sa Pa. Nhân vật thanh niên đó sống một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi ở Sa Pa.

- Công việc của anh là làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo gió, đo chấn động mặt đất và dự báo thời tiết hằng ngày phục vụ cho công việc chiến đấu và sản xuất.

- Công việc của anh làm âm thầm, lặng lẽ một mình, báo về “ốp” đều đặn những con số để phục vụ sản xuất, chiến đấu. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác, có tính trách nhiệm cao.

=> Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc gian khổ, vất vả. Đó là thử thách rất lớn nhưng anh thiên niên đã vượt qua hoàn cảnh ấy bằng ý chí, nghị lực và những suy nghĩ rất đẹp.

b. Phẩm chất của anh thanh niên được thể hiện qua đoạn văn

- Trước hết, anh thanh niên rất yêu nghề. Anh giới thiệu chi tiết từng loại máy, từng dụng cụ của mình cho ông họa sĩ và cô kĩ sư.

- Là người có hành động đẹp: Một mình sống trên đỉnh Yên Sơn, không có ai đôn đốc, kiểm tra  nhưng anh vẫn vượt qua hoàn cảnh làm việc một cách nghiêm túc, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Dù thời tiết khắc nghiệt mùa đông giá rét mà anh đều thức dậy thắp đèn đi “ốp” đúng giờ. Ngày nào cũng vậy anh làm việc một cách đều đặn, chính xác 4 lần trong ngày, âm thầm, bền bỉ trong nhiều năm trời.

- Người có phong cách sống đẹp: Anh có một phong cách sống khiến mọi người phải nể trọng. Tinh thần thái độ làm việc của anh thật nghiêm túc, chính xác, khoa học và nó đã trở thành phong cách sống của anh.

=> Anh thanh niên là đại diện tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam, hăng say làm việc, hết mình cống hiến cho dân tộc, cho đất nước

3. Kết bài: Cảm nhận chung về anh thanh niên.

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu tới các em đề thi thử vào lớp 10 môn Văn, mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn 2021 khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM