Đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 môn Ngữ văn gồm 2 phần với thời gian làm bài là 120 phút.
Nội dung đề thi tham khảo môn ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2020
I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Con người luôn mong muốn được người khác lắng nghe và được công nhận. Do đó, một người biết cách lắng nghe thường là người được yêu quý và tôn trọng. Những người có thói quen hay phản đổi người khác thường chỉ nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không được phép bảo vệ lập trường của mình, nhưng bạn cần thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã. Đừng để những cảm xúc nóng vội lấn át lý trị của bạn, hãy tạo điều kiện cho người đối diện nói hết quan điểm của họ sau đó bạn mới trình bày nhận định của cá nhân mình. Khi đó, bạn không những thực hiện được quan điểm của mình mà cũng không hạ thấp người khác.
Hãy làm cho người khác tận hưởng niềm vui được tỏa sáng. Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đáng. Đừng áp đặt, hãy gợi mở. Mọi người xung quanh bạn sẽ cảm thấy thoải mái, tin tưởng và mở lòng ra với bạn hơn. Bạn sẽ có được niềm vui lớn khi giúp người khác hạnh phúc.
(Trích Tất cả đều là chuyện nhỏ - Richard Carlson,
NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.39-40)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, người có thói quen hay phản đối người khác thường nhận được phản ứng như thế nào?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hãy cho biết thế nào là “thể hiện quan điểm trong sự hòa nhà"?
Câu 4. Lời khuyên “Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị?
II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.88)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên.
Hết
Như vậy cấu trúc đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫ tương tự cấu trúc của các năm, nhưng có thể thấy nội dung phần Đọc hiểu khá mở và giúp các em vận dụng tư duy và suy nghĩ riêng của mình.
Đặc biệt phần câu hỏi nghị luận xã hội về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác cũng là yêu cầu khá dễ dàng giúp học sinh kiếm điểm hơn!
Gợi ý làm bài thi tham khảo môn văn đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020
Đáp án đề thi minh họa lần 2 của Bộ GD&ĐT
I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2. Theo đoạn trích, người có thói quen hay phản đối người khác thường thường chỉ nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.
Câu 3.
Em có thể hiểu “thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã”
- Hòa nhã là sự nhã nhặn, ôn hòa trong bất cứ sự việc nào, việc thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã ở đoạn trích đã nêu chính là ta biết cách ứng xử hòa nhã trong khi bảo vệ quan điểm, lập trường của mình. Hãy cho người đối diện được trình bày hết quan điểm của mình, rồi sau đó ta mới từ từtrình bày quan điểm, nhận định cá nhân, không để cảm xúc lấn át lý trí, không ngắt lời đột ngột, phản bác người khác ngay từ đầu.
Câu 4. Lời khuyên “Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” trong đoạn trích có ý nghĩa như sau:
- Việc bảo vệ quan điểm của mình là đúng. Bởi đó là cách để khẳng định bản thân và cần thiết phải giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình.
- Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cho rằng mình luôn đúng và người khác đã sai. Bởi vì sự đánh giá của mình về chính mình và người khác là sự đánh giá phiến diện.
- Cho nên không nhất thiết trong mọi trường hợp cần bảo vệ quan điểm của mình và cố gắng chỉ ra người khác đã sai. Việc khẳng định mình luôn đúng có thể là tiền đề cho thái độ hiếu thắng, tự kiêu tự đại không nên có trong giao tiếp.
- Biết cách lắng nghe, hòa hợp với quan điểm của người khác, chính là vừa giúp bản thân tiến bộ hơn từng ngày, vừa giúp các mối quan hệ xung quanh được bền chặt và thoải mái.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Hình thức: đoạn văn khoảng 200 chữ
Yêu cầu nội dung: nghị luận về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.
Giới thiệu vấn đề: sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.
Bàn luận vấn đề
Giải thích:
- Tôn trọng là cảm giác hoặc hành động tích cực đối với người khác.
- Tôn trọng người khác là sự đánh giá đúng mức, coi trọng danh dự phẩm giá và lợi ích của người khác thể hiện lối sống có văn hoá của mỗi người.
- Quan điểm là suy nghĩ của mỗi người để đánh giá sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó.
- Tôn trọng quan điểm của người khác là sự nhìn nhận, đánh giá đúng mực về cách nhìn nhận quan điểm của ai đó; là cách thể hiện sự coi trọng danh dự, phẩm chất của người đó như chính bản thân mình.
Bàn luận: Khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.
Biểu hiện:
- Trong gia đình, nếu con cái biết tôn trọng bố mẹ, ông bà cùng những người lớn tuổi thì sẽ biết ứng xử lễ phép, lịch sự, nề nếp. Ngược lại, nếu bố mẹ thực sự tôn trọng con cái thì sẽ biết tạo điều kiện cho con cái chia sẻ suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn nhận về mọi việc với bản thân mình; biết lắng nghe ý kiến của con để sẵn sàng điều chỉnh hình thức giáo dục con cho phù hợp.
- Trong học tập, sự tôn trọng của học sinh đối với thầy cô thể hiện ở sự vâng lời, sự lễ phép, tinh thần tự giác thực hiện tốt nề nếp học tập và rèn luyện. Ngược lại, sự tôn trọng từ phía thầy cô dành cho chúng ta là sự quan tâm, sự kiên nhẫn lắng nghe những ý kiến phản hồi và đưa ra sự khích lệ tốt nhất.
- Trong xã hội, khi ai cũng biết tôn trọng nhau, tôn trọng những quy định chung, luật lệ chung sẽ khiến mọi mối quan hệ xã hội phát triển tốt đẹp, văn minh.
Làm thế nào để biết tôn trọng quan điểm của người khác.
- Học cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ người khác.
- Bày tỏ thái độ, ý thức tôn trọng người khác chính là biểu hiện của người hiểu biết, biết ứng xử có văn hóa.
- Từ bỏ thói quen phản đối người khác. Thay vào đó, hãy khéo léo chỉ ra chỗ sai của người khác để họ vui lòng sửa lỗi.
Biết tôn trọng quan điểm của người khác giúp:
- Các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
- Có nhiều cơ hội hiểu biết, cảm thông nhiều hơn đối với những người xung quanh. Có tôn trọng người khác thì mới nhận được sự tôn trọng người khác đối với mình, mọi người tôn trọng lẫn nhau là cơ sở để quan hệ xã hội trở nên lành mạnh.
- Tạo không gian sống thoải mái, dễ dàng trao đổi.
Kết thúc vấn đề:
- Sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác là một trong những yếu tố giúp ta thành công
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong Tây Tiến
Dàn ý tham khảo
Mở bài
Giới thiệu ngắn gọn bài thơ Tây Tiến và nhà thơ Quang Dũng:
Nêu được vấn đề: Giới điệu đoạn trích và qua đó cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc và hình ảnh người lính giữa núi rừng.
Gợi ý: Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ của Quang Dũng về thiên nhiên và đoàn quân Tây Tiến. Nỗi nhớ ấy được tái hiện ngay từ những dòng thơ đầu tiên: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi – Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”.
Thân bài: Cảm nhận
1. Khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, hoang sơ, vừa êm đềm, thơ mộng
- Những chiều sương, đêm hơi huyền ảo, thơ mộng. “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.
- Trập trùng những đèo dốc, núi non hiểm trở: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm- Heo hút cồn mây súng ngửi trời – Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống - Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
+ Điệp từ “dốc”, hệ thống từ láy tượng hình (khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút) và những nét vẽ táo bạo, phóng khoáng gợi lên trước mắt người đọc những con dốc quanh co, gập ghềnh, núi non trập trùng, hiểm trở...
+ Những câu thơ nhiều thanh trắc gợi cái quanh co, gập ghềnh của đèo dốc, dáng cao ngất của núi.
+ Câu thơ cuối lại toàn thanh bằng gợi vẻ đẹp êm đềm của không gian và trạng thái bình yên, thanh thản của tâm hồn.
- Vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của miền Tây Bắc còn được gợi lên qua cảnh núi rừng huyền bí, hung dữ “thác gầm thét”, “cọp trêu người”.
2. Hình ảnh người lính Tây Tiến
- Hiện lên với vẻ đẹp hồn nhiên, tinh nghịch qua cách nói tếu táo, hóm hỉnh “Heo hút cồn
mây súng ngửi trời”.
- Mặc dù phải đối mặt với mất mát, hi sinh song họ vẫn ngang tàng kiêu hãnh: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa
- Gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Những hình ảnh “không bước nữa”, “bỏ quên đời” gợi vẻ bướng bỉnh, bất cần trước cái chết. Họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
- Trên con đường hành quân hiểm trở, người lính vẫn luôn tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc trong tình quân dân ấm áp: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói – Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
* Đặc sắc nghệ thuật
- Sử dụng nghệ thuật tương phản và cường điệu, cách sử dụng từ giàu sức gợi hình, gợi cảm.
- Bút pháp lãng mạn, chất họa kết hợp với chất nhạc.
Kết bài. Nêu cảm nhận của em.
Tham khảo: Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc qua đoạn đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng để thấy được màu sắc hội họa và âm nhạc đã làm hiện lên một thế giới khác của núi rừng.
Xem thêm bộ đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2020 các môn khác:
- Đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Toán
- Đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Anh
- Đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Lí
- Đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Hóa
- Đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Sinh
- Đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020 môn Sử