Trang chủ

Đề thi môn Văn vào 10 chuyên Lê Hồng Phong Nam Định 2024

Xuất bản: 23/05/2024 - Tác giả:

Đề thi môn Văn vào 10 chuyên Lê Hồng Phong Nam Định 2024 có đáp án tham khảo chi tiết tại đây. Đáp án đề tuyển sinh văn chung Lê Hồng Phong.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn chung năm học 2024 - 2025 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) được cập nhật nhanh nhất!

Đề Văn thi vào 10 chuyên Lê Hồng Phong 2024

Sẽ cập nhật ngay khi kì thi tại trường kết thúc!

Chi tiết đề thi:

PHẦN I. TIẾNG VIỆT (2,0 điểm)

Câu 1. Chỉ ra các phép liên kết câu được sử dụng trong các trường hợp sau:

a) Cái mạnh của con người Việt Nam ta là sự cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỉ luật cao và thái độ nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc, thiết bị rất tinh vi.

(Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan)

b) Bên ngoài nóng trên ba mươi độ, chui vào hang là sà ngay đến một thế giới khác. Cái mát lạnh làm toàn thân rung lên đột ngột.

(Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê)

c) Anh chỉ thấy con qua tấm ảnh nhỏ thôi. Đến lúc được trở về, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh.

(Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng)

d) Những nét hớn hở trên mặt người lái xe chợt duỗi ra rồi bẵng đi một lúc, bác không nói gì nữa. Còn nhà họa sĩ và cô gái cũng nín bặt, vì cảnh trước mặt bỗng hiện lên đẹp một cách kì lạ.

(Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long)

Câu 2. Phân tích tác dụng của phép so sánh được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường.

(Trích Lá đỏ, Nguyễn Đình Thi)

PHẦN II. ĐỌC HIỂU (2,5 điểm)

Đọc đoạn trích:

Trong một tờ tạp chí Best Life tôi đọc được một câu của George Clooney "Bạn chỉ có một thời gian ngắn ngủi trong đời để ghi dấu ấn của mình”. Hiển nhiên chữ? Có thể. Nhưng rất đúng.

Chúng ta rất dễ mắc kẹt trong những công việc hằng ngày mà quên lãng chuyện xây dựng di sản cho mình. Rất dễ tập trung vào các vấn đề mà quên đi chuyện theo đuổi lý tưởng. Rất dễ bị lôi kéo vào những mục tiêu tầm thường hằng ngày mà mất dấu những mục tiêu lớn lao. Tuy nhiên, cuộc đời xoay quanh với tốc độ cực nhanh. Nếu không dùng mỗi ngày để thực hiện chỉ là một điều nào đó để ghi dấu, để đẩy xa tầm nhìn, để tỏa sáng, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội. Tôi nhớ đến lời của nhà tư vấn Richard Leuder từng nhận xét. “Những người trên 65 tuổi khi được hỏi nếu sống lại cuộc đời, bạn sẽ sống khác ra sao? Và họ nói ba điều: “Tôi sẽ dành thời gian để dừng lại và hỏi những câu hỏi quan trọng. Tôi sẽ can đảm hơn và chấp nhận nhiều rủi ro hơn trong công việc và tình yêu. Tôi sẽ sống có mục đích để tạo nên sự khác biệt". Đó là tất cả ý nghĩa".

(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, NXB Trẻ, Hà Nội, 2015, tr.216)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Theo đoạn trích, khi tập trung vào các vấn đề, các mục tiêu tầm thường, mắc kẹt trong những công việc hằng ngày, con người thường đánh mắt và lãng quên những gì?

Câu 2. "Nếu không dùng mỗi ngày để thực hiện chỉ là một điều nào đó để ghi dấu, để đẩy xa tầm nhìn, để tỏa sáng, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội". Em hiểu như thế nào là “ghi dấu”, “đẩy xa tầm nhìn”, “tỏa sáng"

Câu 3. Đoạn trích gửi đến cho chúng ta những thông điệp nào?

PHẢN III. LÀM VĂN (5,5 điểm)

Câu 1. (1,5 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu và những trải nghiệm của bản thân, hãy viết một đoạn văn (khoảng 20 dòng giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu trong cuộc sống.

Câu 2. (4,0 điểm)

“Thơ ca là tiếng hát của trái tim" (Phương Lựu)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy cảm nhận vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên để thấy được “tiếng hải của trái tim" Hữu Thỉnh trong bài thơ “Sang thu” (Sách Ngữ Văn 9, tập hai, NXBGD, 2020).

-Hết-

Đề Văn thi vào 10 chuyên Lê Hồng Phong 2023

Đề thi chính thức môn Ngữ văn thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Lê Hồng Phong năm nay diễn ra vào sáng ngày 25/5/2023. Chi tiết đề và đáp án tham khảo dưới đây:

Đề thi:


PHẦN I. TIẾNG VIỆT (2,0 điểm)

:Câu 1. Trong các ngữ liệu sau, từ mũi nào được dùng với nghĩa gốc, từ mũi nào được dùng với nghĩa chuyển?

a) Du lịch đã trở thành ngành mũi nhọn của địa phương.

b) Tổ Quốc tôi như một con tàu

Mũi thuyền ta đó – Mũi Cà Mau. (Xuân Diệu)

c) Anh cán bộ nhìn hai bộ mặt bầu bầu cùng một khuôn có hai cái chót mũi hơi hớt lên của chị em Việt. (Nguyễn Thị)

d) Lão thúc con Rô-xi-nan tê phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt, và đâm mũi giáo vào cánh quạt. (Xéc-van-tét)

Câu 2: Phân tích tác dụng của phép điệp được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Tháng bảy mùa ngâu

Bố mẹ đội mưa bì bõm

Băng qua những bọt bong bóng nước rơi

vỡ trên đường

Băng qua những tiếng còi xe inh ỏi

Băng qua giông

Băng qua gió.

(Theo Thương nhớ mưa ngâu, Đỗ Nhật Nam)

PHẦN II. ĐỌC HIỂU (2,5 điểm)

Đọc đoạn trích:

Một tác phẩm tốt trước tiên phải được hình thành cẩn thận, một chiếc váy đẹp trước tiên phải được thiết kế cẩn thận, một tòa nhà đẹp trước tiên phải có một bản thiết kế chi tiết. Và con người cũng vậy, để thực hiện được ước mơ lớn lao của mình thì trước hết cần phải lên kế hoạch chu đáo.

Bạn muốn trở thành một người như thế nào trong tương lai? Phi hành gia, nhà khoa học, nhà giáo nhân dân hay thầy thuốc giỏi? Trong lòng ai chẳng có một ước mơ xa vời và vĩ đại như thế. Có người nói ước mơ quá lớn lao, sợ rằng cả đời này cũng chẳng thực hiện được. Thực tế, chỉ cần chúng ta giỏi lập kế hoạch thì ước mơ sẽ chẳng xa vời. Chỉ những ai có tầm nhìn xa rộng mới có thể đạt được thắng lợi sau cùng.

Đá cứng có thể bị giọt nước đâm thủng, gậy sắt có thể bị mài thành kim nhỏ, núi lớn có thể bị Ngu Công dời đi... Vì vậy, một trong những cách để lập kế hoạch cho những ước mơ là biến ước mơ cao cả của chúng ta thành từng mục tiêu nhỏ và khả thi, sau đó nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa chúng từng chút một bằng hành động. Đưa ra kế hoạch cho tương lai, cho ước mơ của bạn, cơ hội sẽ thành hiện thực, thực hiện tốt mọi bước cho hiện tại thì một tương lai tốt đẹp cũng đang mở rộng ngay trước mắt bạn thôi.

(Theo Kĩ năng sống dành cho học sinh, Nguyễn Thu Phương, NXB Văn học, 2022, tr. 124)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Theo đoạn trích, để thực hiện được ước mơ của mình, việc đầu tiên con người phải làm là gì?

Câu 2: Người viết đưa ra những hình ảnh: đá cứng có thể bị giọt nước đâm thủng; gậy sắt có thể bị mài thành kim nhỏ; núi lớn có thể bị Ngu Công dời đi... trong đoạn trích nhằm mục đích gì?

Câu 3: Em có đồng tình với quan điểm của tác giả trong câu văn: “Chỉ những ai có tầm nhìn xa rộng mới có thể đạt được thắng lợi sau cùng” không? Vì sao?

PHẦN III. LÀM VĂN (5,5 điểm)

Câu 1: (1,5 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu và những trải nghiệm của bản thân, hãy viết một đoạn văn (khoảng 20 dòng giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải lập kế hoạch trong cuộc sống đối với mỗi người.

Câu 2: (4,0 điểm)

Bàn về thơ, nhà phê bình Chu Văn Sơn có ý kiến:

Câu thơ hay là câu thơ có khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức con người.

(Theo Thơ, điệu hồn và cấu trúc, NXB Hội nhà văn, 2007)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích đoạn trích sau để làm rõ khả năng đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức con người của đoạn thơ.

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng..

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa !

(Theo Bếp lửa, Bằng Việt, Ngữ văn 9, Tập một, NXB GD, 2020, tr. 144)

-Hết-

Đáp án tham khảo:

I. TIẾNG VIỆT

Câu 1.

a. Nghĩa chuyển.

b. Nghĩa chuyển.

c. Nghĩa gốc.

d. Nghĩa chuyển.

Câu 2.

- Phép điệp: Băng qua....

- Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu cho câu văn, nhấn mạnh nhịp nhanh, gấp gáp.

+ Sử dụng phép điệp “băng qua” giúp người đọc thấy rõ được sự gấp gáp cũng như sự vất vả, khó khăn của cha mẹ khi đi làm vào mùa mưa.

+ Qua đó thấy được tình yêu thương, biết ơn của tác giả đối với cha mẹ mình.

II. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Theo đoạn trích, để thực hiện ước mơ của mình, điều đầu tiên con người phải làm là lập kế hoạch.

Câu 2:

Người viết đưa ra những hình ảnh trên nhằm mục đích tăng tính thuyết phục cho nhận định về tác dụng của việc lập kế hoạch, khẳng định không gì là không thực hiện được nếu chúng ta có kế hoạch rõ ràng, kiên trì, nỗ lực hiện thực hóa ước mơ.

Câu 3:

- Học sinh trình bày theo quan điểm riêng của mình. Chú ý có lý giải phù hợp.

- Gợi ý:

Đồng tình. Vì:

+ Người có tầm nhìn xa có thể lường trước những vấn đề sẽ gặp phải, từ đó họ sẽ đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.

+ Người có tầm nhìn xa luôn chủ động trong việc học hỏi góp phần khiến công việc trở nên thuận lợi hanh thông,...

II. LÀM VĂN

Câu 1:

a. Nêu vấn đề nghị luận: Sự cần thiết của việc lập kế hoạch

b. Bàn luận:

Giải thích: Lập kế hoạch là việc thiết lập các bước để hoàn thành một mục tiêu mà bản thân đã đặt ra.  Sự cần thiết của việc lập kế hoạch:

- Lập kế hoạch giúp bạn đưa ra được hướng đi cụ thể cho mình để đạt được mục tiêu.

- Lập kế hoạch giúp chúng ta chủ động, tự chủ được về mặt thời gian.

- Lập kế hoạch giúp ta dễ dàng đối diện với những rủi ro gặp phải.

- Lập kế hoạch cho ta cái nhìn tổng quát về tương lai.

* Bàn luận mở rộng:

- Người không biết lập kế hoạch sẽ rất dễ rơi vào trạng thái bị động, dễ cuống khi gặp phải khó khăn.

- Người không có kế hoạch cụ thể sẽ không thể kiểm soát và có cái nhìn bao quát về việc mình làm.

* Liên hệ bản thân.

Câu 2:

1. Mở bài.

- Giới thiệu ý kiến.

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

2. Thân bài

2.1. Giải thích ý kiến:

- Thơ: là một thể loại văn học được sáng tác bằng phương thức trữ tình, thường có vần có nhịp, dùng để thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết

- Câu thơ hay: Là câu thơ có giá trị, mang đến rung cảm mãnh liệt cho người đọc

- Đánh thức: làm sống dậy, thức tỉnh

- Bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người: những nhận thức, những cảm xúc, những rung động...về đời sống, về con người mà mỗi người đã từng được chứng kiến, được trải nghiệm nhưng bị chai sạn, bị vùi lấp, bị lãng quên...

= Ý kiến của nhà phê bình Chu Văn Sơn đưa ra một quan điểm về thơ ca và văn học nói chung trong đó khẳng định với một câu thơ hay, một câu thơ thực giá trị thì điều quan trọng nhất là có thể thức tỉnh, làm sống dậy những ấn tượng, cảm xúc, rung động, những nhận thức ...về cuộc sống, con người (mà chủ yếu là những điều đẹp đẽ, cao cả, nhân văn...) vốn có trong mỗi người đọc nhưng bị thời gian, bị cuộc sống xô bồ làm cho lãng quên, chai sạn, vùi lấp..

=> Đây là một quan điểm đúng đắn, có giá trị.

Lí giải:

+ Câu thơ hay cần đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người” vì để đánh thức được những ấn tượng đó chứng tỏ nhà thơ phải thực sự thấu hiểu về cuộc đời và con người. Những gì nhà thơ viết ra thân thuộc với mọi người nhưng cách viết lại ấn tượng để đọc xong người đọc có thể bừng sáng và nhận ra một ấn tượng nào đó về cuộc đời. Đó là phẩm chất cần có, thể hiện cả tài năng và tâm huyết của nhà thơ

+ Câu thơ hay cần đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người” còn bởi sứ mệnh của thơ ca nói chung và văn học nói riêng không đơn thuần là để thỏa mãn nhu cầu giải trí mà còn là thức tỉnh con người khỏi những lầm lạc, u mê, hướng người đọc về cái đích của chân, thiện, mỹ. Khi đánh thức được bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người đồng nghĩa với việc thơ ca sẽ giúp con người tìm lại được sự tinh tế, sự nhạy cảm, sự rung động trước cái đẹp, cái nhân văn cao cả mà cuộc sống thường ngày làm cho chai sạn, hay nói cách khác thơ ca sẽ giúp con người tìm lại được chính mình

+ Quá trình sáng tạo nghệ thuật không kết thúc ở việc tác phẩm được khai sinh, mà còn ở quá trình tác phẩm sống trong lòng người đọc. Khi đánh thức bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức của con người” thơ ca sẽ giúp người đọc tiếp cận tác phẩm không hời hợt mà còn bằng tất cả rung động, trải nghiệm của mình, từ đó khơi gợi quá trình đồng sáng tạo với tác giả trong mỗi người đọc

2.2 Chứng minh qua văn bản Bếp lửa

- Giới thiệu khái quát về tác giả Bằng Việt, tác phẩm Bếp lửa.

- Giới thiệu về vị trí (khổ 5,6) và nội dung 2 khổ thơ: suy nghĩ về cuộc đời bà và bếp lửa.

– Giữa tro tàn, giữa đau thương bà lại nhóm lửa, bà vẫn nhóm lửa. Bếp lửa ân cần, ấm cúng:

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”

Từ hình ảnh tả thực “Bếp lửa bà nhen” mỗi sớm, tác giả đã khéo léo chuyển thành hình ảnh “ngọn lửa” một ngọn lửa tỏa sáng câu thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ. Đến đây, bếp lửa bà nhen không còn là bếp lửa thông thường trong mỗi gian bếp bởi nó chứa ngọn lửa của lòng bà, ngọn lửa của tình yêu thương và đức tin trong sáng, mãnh liệt. Từ ngọn lửa của lòng bà đã nhóm lên trong cháu tình yêu thương, niềm tin vào một ngày mai chiến thắng.

=> Bà chính là người nhóm lửa và giữ lửa – ngọn lửa niềm tin và hy vọng.

– Suốt một đời lận đận, vất vả, bà đã và vẫn đang làm công việc nhóm lửa:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”

+ Từ láy “lận đận” với điệp từ “nắng mưa” nhấn mạnh cháu chưa từng và chẳng thể nào quên cuộc một cuộc đời đầy lo toan, vất vả.

+ Khôn lớn trưởng thành, cháu càng thấu hiểu những ý nghĩa cao cả, thiêng liêng từ bà, công việc rất đỗi dị của bà: nhóm lửa. Điệp từ nhóm điệp lại 4 lần với hai lớp nghĩa. Bà đã + công việc khởi đầu của một ngày: nhóm bếp lửa mỗi sớm mai và làm công việc khởi đầu của một đời, đó là bồi đắp tâm hồn, thắp lên những tình cảm cao quý. Từ “nhóm” thứ nhất hiểu theo nghĩa thực: thắp lên ngọn lửa trong gian bếp để sưởi ấm, để nấu chín thức ăn.... Ba từ “nhóm” sau được hiểu theo nghĩa ẩn dụ: bà truyền cho cháu tình yêu thương ruột thịt, tình đoàn kết chia sẻ xóm làng và đặc biệt hơn bà đã khơi dậy những tâm tình tuổi nhỏ, thức tỉnh trong tâm hồn cháu biết bao ước mơ và tình cảm tốt đẹp.

→ Như vậy đến đây ta thấy bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa. Ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, đức hi sinh không chỉ bà truyền cho cháu mà còn là của những thế hệ đi trước tiếp lửa cho thế hệ sau.

– Khám phá ra những ý nghĩa kì diệu, cao cả, thiêng liêng từ bếp lửa của bà, cháu sung sướng thốt lên.

“Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa”

Phép đảo ngữ, câu cảm thán với từ “ôi” đặt ở đầu câu bộc lộ sự ngạc nhiên, ngỡ ng, và vui sướng của cháu. Bếp lửa ấy luôn hiện diện cùng bà, tỏa sáng vẻ đẹp của bà. Đứa cháu nhỏ cảm thấy thật bất ngờ khi phát hiện được những điều kì diệu thiêng liêng từ những thứ bình thường, giản dị. Cháu nhớ về bà, nhớ về Bếp lửa cũng chính là nhớ về quê hương, cội nguồn với tấm lòng tri ân sâu nặng.

=> Bếp lửa đã giúp cháu khơi gợi, đánh thức biết bao kí ức ngủ quên về bà, từ đó nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm tình cảm yêu quý, tự hào kính trọng mà cháu dành cho bà.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.

Nguồn đáp án: GV Bộ Môn của Tuyensinh247.

Đề thi môn Văn vào 10 chuyên Lê Hồng Phong Nam Định 2022

Chính thức: Đề thi tuyển sinh vào 10 môn ngữ văn chung của trường chuyên Lê Hồng Phong Nam Định sẽ diễn ra vào chiều ngày 24/5/2022. Chúng tôi sẽ cập nhật đề và đáp án tham khảo sau thời gian thi chính thức được diễn ra.


Đáp án gợi ý:

I. TIẾNG VIỆT

Câu 1. Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong các câu sau:

a. ơi! => Thành phần gọi đáp

b.  – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy. => Thành phần phụ chú​​​​​​

c. Thành phần biệt lập trong câu sau được thể hiện ở từ “chắc” và “hình như “. => Thành phần tình thái

d. Ôi => Thành phần cảm thán

Câu 2. Hai biện pháp tu từ: so sánh (mẹ như nhánh mạ gầy); ẩn dụ (hóa thân làm bát cơm đầy...).

Tư tưởng của tác giả thể hiện qua hai dòng thơ “Mẹ tôi như nhánh mạ gầy/ Hóa thân làm bát cơm đầy nuôi tôi” nỗi xót xa, thương cảm trước sự vất vả, cơ cực để nuôi con, lo cho con được no ấm, đủ đầy dù thân thể mẹ ngày càng hao gầy, héo hon; lời ngợi ca, tri ân của tác giả đối với mẹ. Việc hiểu và cảm nhận được công lao to lớn của mẹ đối với mình cho thấy tác giả là người con chí hiếu.

II. ĐỌC HIỂU

Sự vĩ đại của Abraham Lincoln đã được bộc lộ ở mức độ cao nhất khi ông đối mặt với các vấn đề có thể nản lòng những ai kem cỏi hơn. Sự thất bại, những lần thua cuộc và các nghịch cảnh đầu đời đã biến ông thành một cấp độ thông minh mà người bình thường không bao giờ có được. Lincoln có được một đặc điểm hiếm thấy là có thể phát huy được ý chí mạnh mẽ hơn thay vì bỏ cuộc khi tình hình khó khăn và thành công không ở trong tầm nhìn. “Đừng lo sợ các ngọn gió của nghịch cảnh. Hãy nhớ rằng một con diều bay lên ngược gió chứ không phải bay lên vì cùng chiều gió.” Chừng nào ta còn sống, ta còn nếm trải nỗi sầu khổ, buồn phiền và đau đớn. Nhưng nếu hiểu được điều đó, bạn sẽ thấy sự khác biệt bởi biển động và các cơn bão sẽ tạo nên những thủy thủ giỏi. Đau khổ vừa có thể khiến bạn cảm thấy ngọt ngào và dễ chịu hơn, vừa làm bạn cảm thấy chua xót và cay đắng. Nó có thể làm bạn nhũn nhặn hơn hoặc cứng rắn hơn. “Cuộc sống là một cuốn phim mà bạn xem chỉ bằng đôi mắt của chính mình. Điều gì xảy ra chẳng quan trọng lắm. Điều quan trọng là bạn đón nhận nó như thế nào”

Câu 1. Theo đoạn trích Sự vĩ đại của Abraham Lincoln đã được bộc lộ ở mức độ cao nhất khi ông đối mặt với các vấn đề có thể nản lòng những ai kem cỏi hơn.

Câu 2. Hình ảnh "biển động và các cơn bão" là hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống, là điều không thể tránh khỏi. Nó như một yếu tố chắc chắn sẽ xảy ra mà không thể ngăn cản.

Tất nhiên một vùng biển lặng không tạo ra được những thủy thủ giỏi, nhưng vùng biển động và những cơn bão sẽ tạo ra những con người giỏi giang có thể lèo lái con thuyền.

Câu 3.

- Bày tỏ quan điểm: đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần.

- Lí giải thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Ví dụ trường hợp đồng tình:

+ Trong cuốn phim của bạn, bạn vừa là người viết kịch bản vừa là đạo diễn kiêm diễn viên và thậm chí là khán giả. Bạn có quyền đưa bất cứ ai trở thành vai chính, vai phụ, bạn có quyền quyết định cho họ đóng tiếp hay dừng lại.

+ Nếu cuộc đời là một cuốn phim, hãy làm cho nó đáng xem bởi bạn sẽ nhìn nhận được bằng chính đôi mắt của mình. Hãy cho mình một kế hoạch để từng thước phim diễn ra theo đúng ý bạn. Hãy viết câu chuyện của mình.

III. LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu cùng với những trải nghiệm của bản thân, hãy viết một ddaonj văn (khoảng 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về giá trị của nghịch cảnh đối với mỗi người.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp,  móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Sự cần thiết của việc nhìn nhận những điều không hoàn hảo.

c. Triển khai vấn để nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận  theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được giá trị của nghịch cảnh đối với mỗi người. Có thể tham khảo:

- Nghịch cảnh: là hoàn cảnh trớ trêu, éo le, những nghịch lí cản trở cuộc sống của con người; là những rủi ro con người không mong muốn trong cuộc sống.

- Nghịch cảnh là những hoàn cảnh không ai mong muốn nhưng nó vẫn xảy đến như một lẽ tất yếu của cuộc sống.

- Đối diện với những nghịch cảnh, con người sẽ nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống để từ đó ta biết trân trọng hơn những thứ ta đang có và nhận thức được những hạn chế để khắc phục và phát triển trong tương lai.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2

*Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

*Giải thích

- Cái đẹp mà văn học mang lại: là cái đẹp nghệ thuật được sáng tạo do tài năng của người nghệ sĩ. Cái đẹp trong tác phẩm văn học chủ yếu thể hiện ở nội dung tư tưởng cao cả; hình thức nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo.

- Cái đẹp của sự thật cuộc sống: cái đẹp bắt nguồn từ hiện thực; là vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người được kết tinh, chắt lọc từ hiện thực.

- Cái đẹp được khám phá một cách nghệ thuật: cái đẹp trong cuộc sống được nhà văn khám phá và cảm nhận ở chiều sâu tư tưởng, tình cảm để rồi khắc họa qua sự tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, độc đáo; tạo nên sự hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; đem lại những giá trị thẩm mĩ cao đẹp…

=> Ý nghĩa khái quát: Khẳng định cái đẹp của sáng tạo nghệ thuật trong mối quan hệ với hiện thực cuộc sống và tài năng của nhà văn đối với việc khám phá sáng tạo cái đẹp.

*Lý giải vấn đề

- Ý kiến trên đề cập đến đặc trưng của văn chương, nghệ thuật: lấy cái đẹp của hiện thực làm chất liệu, đề tài, cảm hứng sáng tác. Mọi sáng tạo nghệ thuật đều bắt nguồn từ đời sống.

- Tác phẩm văn học chỉ có thể làm rung động trái tim người đọc khi chứa đựng giá trị thẩm mỹ: khả năng văn học phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước vẻ đẹp đó.

- Giá trị thẩm mĩ của văn học được thể hiện ở nội dung: mang lại cho người đọc vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời, khám phá vẻ đẹp sâu xa trong nội tâm con người…

- Cái đẹp trong nghệ thuật còn thể hiện ở hình thức, được biểu đạt qua hình tượng nghệ thuật riêng biệt độc đáo, không lặp lại, sự sáng tạo các yếu tố nghệ thuật phong phú…

=> Nhận định đúng đắn, sâu sắc, khẳng định tiêu chí để đánh giá một tác phẩm văn học chân chính. Đồng thời, nhận định cũng đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác: phải phản ánh chân thật cái đẹp của cuộc sống nhưng đó không phải là cái đẹp thuần túy mà là cái đẹp chân – thiện – mĩ.

*Làm sáng tỏ "cái đẹp của sự thật đời sống" được nhà thơ Chính Hữu "khám phá một cách nghệ thuật" qua bài thơ Đồng Chí.

– Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

- Phân tích làm sáng tỏ ý kiến qua: Bài thơ nói về tình đồng đội, đồng chí thắm thiết, sâu nặng của những người lính cách mạng. Đồng thời còn làm hiện lên hình ảnh chân thực, giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.

  • Là những người nông dân cùng chung cảnh ngộ xuất thân nghèo khổ nhưng đôn hậu, mộc mạc, cùng chung mục đích, lí tưởng chiến đấu.
  • Là sự thấu hiểu những tâm tư, nỗi lòng của nhau, cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính.
  • Là sự đoàn kết, thương yêu, kề vai sát cánh bên nhau cùng nhau chiến đấu chống lại quân thù.
  • Sức mạnh tinh thần giúp người chiến sĩ vượt qua mọi gian lao, thử thách suốt một thời máu lửa, đạn bom.
  • Chính Hữu đã khắc họa thành công cái chất hiền lành, tình nghĩa mộc mạc mà dung dị cũng như tình đồng chí, đồng đội sâu sắc, thắm thiết xuất phát từ tình yêu nước.

*Đánh giá

- Ý kiến đã định hướng cho người tiếp nhận các tác phẩm văn học đúng đắn, phải gắn giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học với hiện thực cuộc sống và sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.

- Nhấn mạnh tính hoàn chỉnh của cái đẹp nghệ thuật ở cả phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm văn học.

Đề thi tuyển sinh môn văn vào lớp 10 Lê Hồng Phong 2021

Đề thi vào lớp 10 môn văn (đề chung) của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 2021 chính thức sẽ được cập nhật ngay khi kỳ thi diễn ra vào ngày 15/6/2021.

Phần I Tiếng Việt (2,0 điểm) 

Câu 1 (1,0 điểm)

Chỉ ra các phép liên kết hình thức trong những trường hợp sau:

a. Bà lão khẽ thở dài đứng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. (Kim Lân).

b. Người yếu đuối thường hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh. (Nam Cao)

Câu 2. (1,0 điểm)

Xác định nghĩa gốc, nghĩa chuyển, phương thức chuyển nghĩa của các từ “tay" trong những câu sau.

a. Tay tre đã vươn dài đầy sức sống.

b. "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” (Chính Hữu)

c. “Rối ren tay bí tay bầu". (Nguyễn Duy)

d. Hắn là một tay cờ bạc có hạng.

Phần II: Đọc hiểu văn bản (2,5 điểm)

Đọc Văn bản Sau:

Năm 1920, có một cậu bé 11 tuổi ở Mỹ đá bóng làm vỡ kính nhà hàng xóm. Họ đòi cậu bồi thường 13 đô la. Lúc bấy giờ 13 đô la là một con số không nhỏ, có thể mua được 125 con gà mái. Cậu bé nhận lỗi với cha. Cha cậu bảo: "Con phải chịu trách nhiệm về việc này." Cậu bé rất khó xử: "Số tiền này cha cho con mượn, nhưng con phải phả vào năm sau." Từ đó cậu bé vất vả làm thêm, và nửa năm chịu khó cậu đã kiếm được số tiền "không lồ" đó và hoàn trả cho cha. Cậu bé sau này trở thành tổng thống của nước Mỹ - Reagan. Khi nhớ tới câu chuyện này, ông nói, sửa sai bằng chính nỗ lực của mình đã khiến tôi hiểu được thế nào là trách nhiệm.

(Học cho ai? Học để làm gì? Tiêu Vệ, tr 23-24, NXB Kim Đồng)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Ghi lại lời của người cha nói với con khi cậu bé nhận đối với cha.

Câu 2. Lời nói của người cha có tác dụng như thế nào đối với người con?

Câu 3. Anh/chị có đồng tình với cách ứng xử người cha hay không? Vì sao?

Phần III: Làm văn (5,5 điểm) 

Câu 1. (0,5 điểm).

Từ nội dung của văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 20 dòng giấy thi trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải gánh vác trách nhiệm của con người trong cuộc sống.

Câu 2. (4,0 điểm)

"Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn dường đến xứ sở của cái đẹp" - K.Pautopxki.

Bằng việc cảm nhận tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi", anh/chị hãy làm rõ "xứ sở của cái đẹp" mà nhà văn Lê Minh Khuê "dẫn đường" cho chúng ta đến?

-HẾT-

Đáp án đề thi tuyển sinh môn văn vào lớp 10 Lê Hồng Phong (Nam Định) 2021

Phần I Tiếng Việt 

Câu 1 

Phép liên kết hình thức trong những trường hợp sau:

a. Thế: người đàn bà - Thị

b. Phép trái nghĩa: yếu đuối - kẻ mạnh, hiền lành - ác

Câu 2.

a. Từ “tay” là nghĩa chuyển. Chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ

b. Từ “tay” là nghĩa gốc.

c. Từ “tay” là nghĩa chuyển. Chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ

d. Từ “tay” là nghĩa chuyển. Chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ

Phần II: Đọc hiểu văn bản

Câu 1:

Lời của người cha nói với con khi cậu bé nhận lỗi với cha: - “Con phải chịu trách nhiệm về việc này” - “Số tiền này cha cho con mượn, nhưng con phải trả vào năm sau”

Câu 2

Lời nói của người cha có tác dụng:

- Người cha muốn người con phải biết rõ rằng lỗi lầm mình mắc phải thì nhất định phải chính mình giải quyết nó, không được ỷ lại vào bố.

- Đây như một bài học của người cha dành cho con trai: "có vay, có trả"

- Tạo áp lực để người con phấn đấu, trong vòng 1 năm cần trả lại số tiền đã vay cho cha.

Câu 3. Nêu quan điểm của riêng em, lý giải hợp lý.

Gợi ý: Em đồng tình với cách ứng xử của người cha:

- Yêu cầu của cha đặt ra có ý nghĩa là tạo động lực cho cậu bé. Để cậu không ỷ lại và dựa dẫm vào cha.

- Cha có thể hỗ trợ cậu bé lúc đó nhưng cậu bé phải biết tự lập và tự quyết mọi vấn đề của mình.

Phần III: Làm văn (5,5 điểm) 

Câu 1.

I. Mở đoạn:

- Giới thiệu về tinh thần gánh vác trách nhiệm của con người trong cuộc sống

II. Thân đoạn:

1. Giải thích:

Tinh thần trách nhiệm là ý thức thực hiện tốt nghĩa vụ, công việc của bản thân, không ỷ lại, dựa dẫm hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

2. Biểu hiện của tinh thần trách nhiệm:

- Đối với học sinh: trách nhiệm của chúng ta là học tập thật tốt, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của nhà trường, có tinh thần yêu nước, chăm lo học tập,....

- Có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, những người xung quanh

- Đối với công dân; thực hiện tốt quy định của nhà nước, của pháp luật, có trách nhiệm với gia đình và mọi người xung quanh

- Sống không được ỷ lại và dựa dẫm vào người khác, phải biết tự lập và tự quyết mọi vấn đề của mình.

3. Ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm:

- Hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ

- Được mọi người xung quanh quý mến và yêu quý

- Được lòng tin của mọi người

- Thành công trong công việc và cuộc sống

4. Phản đề

- Những người có lối sống ích kỉ, không có tinh thần trách nhiệm,...

III. Kết doan:

Nêu cảm nghĩ của em về tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống

- Tinh thần trách nhiệm là một đức tính tốt đẹp

- Em sẽ học tập tốt để trở thành người có trách nhiệm

Câu 2. 

1. Mở bài:

Giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học đem lại cho người đọc: cái đẹp của văn học và cái đẹp của cuộc sống.

2. Thân bài

- Nhà văn chân chính: nhà văn luôn đặt mục đích sáng tác vào con người, đem ngòi bút của mình khám phá, phát hiện, ngợi ca cuộc sống . Đem tài năng của mình để phục vụ đời sống và lợi ích của ccon người.

- Người dẫn đường: dẫn dắt , mở ra tầm nhìn giúp cho người đi đúng hướng, có thể khám phá phát hiện cuộc sống. Xứ sở cái đẹp : nơi chứa đựng những thứ tốt đẹp, đẹp đẽ, cao cả, nhân văn. Sứ xở cái đẹp trong tác phẩm văn học được thể hiện ở nội dung, hình thức nghệ thuật.

- Khẳng định vai trò thiên chức của nhà văn, là phải viết về cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, giúp người đọc khám phá cái đẹp được nhà văn gửi gắm trong tác phẩm .

- Cái đẹp đó còn là cái đẹp của nghệ thuật của tác phẩm: về ngôn từ, về hình tượng, về kết cấu, các hình thức nghệ thuật sinh động. Cái đẹp về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm không chỉ đem lại cho con người khả năng rung động thẩm mĩ mà còn hướng con người tới những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời, làm con người yêu mến cuộc sống hơn. Cho nên niềm vui của nhà văn chân chính là người dẫn đường cho bạn đọc đến với xứ sở của cái đẹp.

- Vẻ đẹp của những con người trong Những ngôi sao xa xôi : là vẻ đẹp của ba cô thanh niên xung phong, là vẻ đẹp về cả tinh thần tránh nhiệm - của người chiến sĩ.

+ Vẻ đẹp chung của ba cô gái:

  • Họ có lòng yêu nước sâu sắc, sống có lí tưởng cao đẹp.
  • Tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng dũng cảm, gan dạ không sợ gian khổ hy sinh.
  • Họ có tâm hồn trong sáng, lạc quan, yêu đời.
  • Họ là những nữ thanh niên xung phong có tình đồng đội gắn bó, thân thiết.

+ Vẻ đẹp riêng của ba cô thanh niên xung phong:

  • Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn nhưng trong chiến đấu thì rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn.
  • Nhân vật Phương Định là đại diện các cô gái trẻ Hà Nội vào chiến trường tham gia đánh giặc, tuy gian khổ nhưng vẫn giữ được cái phong cách riêng của người Hà Nội, rất trữ tình và đáng yêu. Là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình.
  • Nhân vật chị Thao lớn tuổi hơn nên những ước mơ và dự định về tương lai cũng thiết thực hơn. Một người chị nông thôn, đầy tinh thần trách nhiệm, dám quyết đoán, biết hi sinh và nhường nhịn.

Xem thêm tài liệu văn mẫu hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi với các bài văn đặc sắc.

* Cái đẹp về nghệ thuật của truyện:

- Đẹp, hấp dẫn ngay từ nhan đề.

- Cốt truyện : đơn giản, chân thật

- Nhân vật xuất hiện sau từ nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn khiến nhân vật hiện lên đậm nét. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, giàu chất tạo hình, thấm đẫm chất thơ

3. Kết Bài

Tóm lại, xứ sở cái đẹp mà truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" đem đến đó chính là vẻ đẹp của những con người trẻ, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu và cống hiến cho đời. Truyện ngắn ra đời đã lâu nhưng sức sống của nó để lại trong lòng bạn đọc vẫn vô cùng ấn tượng và bền lâu.

Dưới đây là đề thi chính thức của các năm trước giúp các em thử sức tại nhà:

Đề thi vào 10 môn văn chung chuyên Lê Hồng Phong các năm trước

Đề thi vào 10 môn văn chung chuyên Lê Hồng Phong năm 2020

Phần I Tiếng Việt (2,0 điểm) 

Câu 1 (1,0 điểm)

Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong các câu sau:

a) Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa! (Bằng Việt).

b) Cuối năm thể nào mợ cháu cũng về. (Nguyên Hồng)

c) Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. (Nam Cao)

d) - Vâng bà để mặc em ... (Kim Lân)

Xem chi tiết đề và đáp án đề thi Văn vào lớp 10 năm 2020 Chuyên Lê Hồng Phong 

Đề thi vào 10 môn văn chung chuyên Lê Hồng Phong năm 2019

Phần I. Tiếng Việt (2,0 điểm) 

Câu 1. (1,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi là con gái Hà Nội (1). Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá (2). Hai bim tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn (3). Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!" (4).

(Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê)

a) Tìm lời dẫn trực tiếp.

b) Xác định khởi ngữ.

c) Chỉ ra hai phép liên kết và từ ngữ liên kết trong đoạn văn trên.

Xem đầy đủ đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn 2019 chuyên Lê Hồng Phong

Đề thi vào 10 môn văn chung chuyên Lê Hồng Phong năm 2018

Phần I. Tiếng Việt (2,5 điểm)

Câu 1 (1,0 điểm).

Trong các từ gạch chân sau, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển?

a. Ngang lưng thì thắt bao vàng,

Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.

(Ca dao)

b. Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

c. Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh.

Chi tiết có trong đề thi vào lớp 10 môn văn 2018 chuyên Lê Hồng Phong (có đáp án)

Đề thi vào 10 môn văn chung chuyên Lê Hồng Phong năm 2017

Phần I. Tiếng Việt (3,0 điểm)

Câu 1. (1,5 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

“Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:

– Vô ăn cơm! (1)

Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:

Chi tiết: Đề thi môn Văn vào 10 chuyên Lê Hồng Phong 2017 (có đáp án)

Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn chung năm 2021 và các năm trước của trường chuyên Lê Hồng Phong và một số thông tin về kỳ thi vào lớp 10 được Đọc Tài Liệu chia sẻ.

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình.

Tham khảo thêm:

Điểm thi tuyển sinh lớp 10 Nam Định

Điểm chuẩn vào lớp 10 Nam Định

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM