Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 năm 2019 của thành phố Hải Dương là một trong những tài liệu giúp các em ôn luyện các dạng câu hỏi sẽ ra trong đề thi cuối học kì tốt nhất.
Thời gian làm bài là 90 phút, cùng Đọc tài liệu thử sức nhé:
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG ĐỀ CHÍNH THỨC | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2019 2020 Môn: Ngữ văn - Lớp 9 Thời gian làm bài: 90 phút. |
I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại:
- Thì má cứ kêu đi
Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:
- Vô ăn cơm!
Anh Sáu vẫn ngồi im,giả vờ không nghe, chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:
- Cơm chín rồi!
Anh cũng không quay lại. Con bé bực quá, quay lại mẹ và bảo:
- Con kêu rồi mà người ta không nghe.
(Theo sách Ngữ văn 9, tập 1, tr.196, NXB Giáo dục Việt Nam)
Câu 1 (1,0 điểm): Đoạn văn trên trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm?
Câu 2 (1,0 điểm): Trong tác phẩm, tác giả sử dụng ngôi kể nào? Ai là người kể chuyện?
Câu 3 (1,0 điểm): Nhân vật “con bé" trong đoạn trích là ai? Nhân vật đó đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Vì sao nhân vật lại vi phạm phương châm hội thoại đó ?
II. TẬP LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Viết một đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương con người.
Câu 2 (5,0 điểm): Dựa vào truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, hãy đóng vai nhân vật ông Hai để kể lại đoạn truyện miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. (Có sử dụng yếu tố độc thoại và độc thoại nội tâm...)
Hết
Gợi ý
I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1: Đoạn văn trên trích từ tác phẩm Chiếc lược ngà của tác giả Nguyễn Quang Sáng.
Hoàn cảnh sáng tác: Được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên.
Câu 2: Trong tác phẩm, tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất.
Người kể chuyện ở đây là bác Ba. Bác vừa là một người đồng đội, một người bạn thân thiết của ông Sáu vừa là người chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối.
Câu 3: Nhân vật “con bé" trong đoạn trích là bé Thu
Con bé nói trổng như vậy là đã vi phạm phương châm lịch sự. Nó cố tình vi phạm như vậy vì không muốn dùng từ “ba” để gọi ông Sáu.
II. TẬP LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1
Dàn ý nghị luận về ý nghĩa của tình yêu thương
Nghị luận về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống
Câu 2
Gợi ý:
- Khi nghe tin xấu ông Hai sững sờ, xấu hổ, uất ức: “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại,da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Từ đỉnh cao của niềm vui, niềm tin ông Hai rơi xuống vực thẳm của sự đau đớn,tủi hổ vì cái tin ấy quá bất ngờ. Khi trấn tĩnh lại được phần nào,ông còn cố chưa tin cái tin ấy. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rảnh rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên” làm ông không thể không tin. Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ,tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Cái mà ông yêu quí nhất nay cũng đã quay lưng lại với ông.
- Từ lúc ấy trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm,nó thành một nỗi ám ảnh day dứt. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông“cúi gằm mặt mà đi”. Về đến nhà ông nằm vật ra giường rồi tủi thân nhìn lũ con “nước mắt ông lão cứ giàn ra”.
- Suốt mấy ngày ông không dám đi đâu. Ông quanh quẩn ở nhà,nghe ngóng tình hình bên ngoài. “Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa,ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”.
- Ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai. Ông không biết đi đâu, về làng thi không được, vì về làng lúc này là đồng nghĩa với theo Tây, phản bội kháng chiến. Ở lại thì không xong, vì mụ chủ nhà đã đánh tiếng xua đuổi. Còn đi thi biết đi đâu bởi ai người ta chưa chấp dân làng Chợ Dầu phản bội. Nếu như trước đây, tình yêu làng và tình yêu nước hòa quyện trong nhau thì lúc này, ông Hai buộc phải có sự lựa chọn. Quê hương và Tổ quốc, bên nào nặng hơn? Cuối cùng, ông đã quyết định: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Như vậy, tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu cũng không thể mãnh liệt hơn tình yêu đất nước. Đó là biểu hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, khi cần họ sẵn sàng gạt bỏ tình cảm riêng tư để hướng tới tình cảm chung của cả cộng đồng.
- Để ông Hai vợi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt trong lòng và yên tâm về quyết định của mình, tác giả đã cho nhân vật trò chuyện với đứa con út (thằng cu Húc), giúp ông bày tỏ tình yêu sâu nặng với làng Chợ Dầu (nhà ta ở làng Chợ Dầu),bày tỏ tấm lòng thủy chung son sắt với kháng chiến, với Cụ Hồ (chết thì chết có bao giờ dám đơn sai).
-> Đó là một cuộc trò chuyện đầy xúc động. Nỗi nhớ quê, yêu quê, nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương theo giặc cứ chồng chéo đan xen trong lòng ông lão. Nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá, tin tưởng vào Cụ Hồ, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Dường như ông Hai đang nói chuyện với chính mình, đang giãi bày với lòng mình và cũng như đang tự nhắc nhở: hãy luôn “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh”.
=> Đau khổ tột cùng khi nghe tin làng mình theo giặc nhưng tấm lòng thủy chung, son sắt với cuộc kháng chiến thì vẫn không hề thay đổi.
Xem thêm: Đóng vai ông Hai kể lại truyện ngắn Làng
Trên đây là đề thi học kì 1 môn Ngữ văn 9 thành phố Hải Dương năm học 2019/2020 do Đọc tài liệu gửi tới các em, mong rằng với nội dung này sẽ giúp các em ôn tập kiến thức thi cuối kì 1 tốt hơn.