Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn của Sở Bà Rịa Vũng Tàu mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.
Đề thi tham khảo vào 10 môn Văn mẫu số 1 này bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút. Đề thi nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.
Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:
Đề tham khảo vào 10 môn văn 2024 Bà Rịa Vũng Tàu số 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:
Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ. Đó là lời Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi kể về một câu chuyện lúc ông học cấp hai. Thầy giáo phát hiện áo mưa của mình xếp trên bàn đã bị cuộn thành quả bóng dưới chân bạn Huy. Khi thầy truy hỏi, chỉ có bạn Huy nhận lỗi. Ông thầy thốt lên: “Tôi rất buồn, vì nhiều người khác không dám nhận lỗi”. Khi đó, Ngô Bảo Châu rất xấu hổ vì làm sai mà không dám nhận. Về sau, ông và vợ mình đều rút ra bài học: muốn thành người tử tế, phải biết xấu hổ.
Tại sao con người cần biết xấu hổ khi làm điều sai, việc xấu, hay nói cách khác, khi phạm lỗi? Câu hỏi này rất quan trọng, vì cách xử sự của một người đối với sự xấu hổ sẽ biểu hiện nhân cách người đó…
Trong quá trình đấu tranh giữa thiện - ác, xấu - tốt trong một con người, sự xấu hổ khi làm điều sai quấy có vai trò đặc biệt. Con người không là thần thánh, nên ai cũng từng lầm lỗi, lớn nhỏ, nặng nhẹ. Sự xấu hổ là cái mà xã hội văn minh gọi là “lương tâm cắn rứt”. Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.
Muốn con người trở nên tử tế, hãy dạy cho người đó biết xấu hổ khi làm điều xấu, điều ác. Nhờ biết xấu hổ, người ta sẽ ngần ngại khi phạm lỗi. Nhưng ngay đối với những người đang làm điều sai quấy, cho dù chưa thể chấm dứt ngay hành vi sai trái, sự xấu hổ, cái lương tâm cắn rứt ấy sẽ.
(Trích Tử tế à, tử tế ơi, hãy quay lại với người Việt, Trương Trọng Nghĩa, Báo Người đô thị)
Câu 1: Hãy cho biết phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Chỉ ra các phép liên kết câu và nêu rõ từ ngữ liên kết. (1.0 điểm)
Câu 2: Xác định lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích trên. (1.0 điểm)
Câu 3: Câu “Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.” có ý nghĩa gì? (1.0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm).
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng một trang giấy thi), trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu “Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ”.
Câu 2 (5.0 điểm).
Viết bài văn phân tích đoạn thơ sau:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”
(Trích “Nói với con” – Y Phương)
HẾT.
(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)
Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 Bà Rịa Vũng Tàu số 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Một phép liên kết câu: phép lặp từ ngữ - từ liên kết “xấu hổ”, …
Câu 2: Xác định lời dẫn trực tiếp: “Tôi rất buồn, vì nhiều người khác không dám nhận lỗi”.
Câu 3: Câu “Nếu người ta để cho sự xấu hổ chai lỳ đi thì sẽ dần cảm thấy bình thường khi làm điều xấu, ác, và sự tử tế trong người ấy sẽ dần dần biến mất.” có ý nghĩa: để cho cảm giác hổ thẹn, trơ lì đi, con người sẽ làm những việc ác, việc xấu mà không cảm thấy day dứt, hối hận. Cứ như vậy, con người sẽ đánh mất dần những điều tốt đẹp của bản thân, sẽ quen làm những điều xấu, điều ác và coi đó là bình thường.
PHẦN II: LÀM VĂN
Câu 1.
*Yêu cầu hình thức: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận
Có đủ các câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Câu mở đoạn nêu được vấn đề, các câu thân đoạn triển khai được vấn đề, câu kết đoạn chốt được vấn đề.
*Yêu cầu nội dung: Xác định vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của sự tử tế trong cuộc sống, mang ý nghĩa cao đẹp; biết xầu hổ khi làm điều sai trái của con người.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách. Dưới đây là một số gợi ý:
- Khái quát, giải thich được vấn đề: “Muốn thành người tử tế phải biết xấu hổ”. “Người tử tế” là người có lối sống tốt đẹp, sãn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người…, đồng thời biết “xấu hổ”tức là co cảm giác hổ thẹn khi thấy mình có lỗi… (1.0 điểm)
- Thể hiện được sự tử tế: nhận thức hành động đúng đắn; tâm hồn, tình cảm: bao dung, độ lượng, chân thành, biết yêu thương, chia sẻ…Việc tử tế là những việc làm đúng đắn, tích cực, tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp, văn minh.Việc tử tế đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc chính đáng cho những người xung quanh mình và cho chính mình…
- Nếu không có sự tử tế con người sẽ đánh mất dần những điều tốt đẹp của bản thân, sẽ quen làm những điều xấu, điều ác…
- Khẳng định cuộc sống cần phải biết sống tử tế, hòa đồng, lạc quan; luôn biết yêu thương, quan tâm đến mọi người xung quanh; nâng cao ý thức, biết xấu hổ trước những điều sai trái.. (1.0 điểm)
Câu 2.
* Yêu cầu về kĩ năng
- Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ
- Trình bày được những cảm nhận về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
- Bài viết có bố cục mạch lạc, rõ ràng. Diễn đạt trôi chảy, lời văn có cảm xúc.
* Về kiến thức: Học sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo một số ý cơ bản sau :
1. Mở bài: Giới thiệu được tác giả, tác phẩm, đoạn thơ. Khái quát nội dung đoạn thơ
2. Thân bài: Cả khổ thơ tác giả mượn lời người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng trong cuộc đời mỗi con người:
* Đó là gia đình (Bốn câu thơ đầu)
+ Nghệ thuật liệt kê: Chân phải, chân trái, tiếng nói, tiếng cười.
+ Khung cảnh gia đình đơn sơ mà đầm ấm, mỗi bước đi, mỗi tiếng nói, tiếng cười của con luôn được chờ đón, nâng niu, dìu dắt bởi tình thương yêu của cha mẹ.
* Con còn khôn lớn trong cuộc sống lao động vất vả nhưng đầy niềm vui, niềm lạc quan của những người lao động nơi quê hương (Dẫn chứng)
- Nghệ thuật nhân hóa: con đường, rừng và điệp từ “cho” nhấn mạnh quê hương nghĩa tình cũng là cái nôi bao bọc, chở che, bồi dưỡng tâm hồn giúp con trưởng thành.
- Cha nhẹ nhàng nhắc con về kỉ niệm ngày “cưới” – khởi đầu của mọi hạnh phúc trên đời, khởi đầu tạo nên mái ấm gia đình- cội nguồn sinh dưỡng đầu tiên đưa con vào đời
* Khái quát giá trị nghệ thuật :
- Lời thơ tâm tình, thủ thỉ, tha thiết
- Hình ảnh thơ độc đáo theo lối tư duy của người miền núi.
- Các biện pháp nghệ thuật nhân hóa, liệt kê, điệp từ. Tác giả đã thành công khi mượn lời người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng để con biết, con nhớ, con yêu lấy cội nguồn thiêng liêng của mình.
3. Kết bài:
- Khái quát giá trị đoạn thơ
- Bài học liên hệ bản thân
* Trên đây chỉ là những gợi ý mang tính định hướng Giáo viên cần linh hoạt khi chấm điểm, cần trân trọng, khuyến khích những sáng tạo hợp lí của học sinh.
-/-
Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 năm 2024 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!