Trang chủ

Đề kiểm tra học kì 2 môn Văn lớp 12 Bắc Giang 2019

Xuất bản: 19/04/2019 - Cập nhật: 02/05/2019 - Tác giả:

Đề thi thử THPTQG môn Văn: Đáp án đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ Văn của trường THPT Tân Yên số 1 tỉnh Bắc Giang vừa tiến hành

Mục lục nội dung

Đề thi

SỞ GD&ĐT BẮC GIANG

TRƯỜNG THPT TÂN YÊN SỐ 1

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II

Năm  học 2018-2019

Môn Ngữ văn 12

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới

mộc miên cũng rực đỏ triền sông rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can

mộc miên đỏ một trời biên viễn

như máu tươi ròng rã ngàn năm

dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén

người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông

thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã

khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông

có ai trồng mộc miên biên giới

hay biên cương cây tìm đến mọc lên

hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái

cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương.

(Hoa mộc liên hay còn gọi là hoa gạo)

(Nguyễn Linh Khiếu)

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng câu thơ in đậm?

Câu 3: Nêu ý nghĩa của việc lặp lại ý thơ ở khổ một và khổ ba: mộc miên đỏ một trời biên viễn/như máu tươi ròng rã ngàn năm/hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái

Câu 4: Cảm nhận của anh/chị về câu thơ cuối cùng: cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương. (Viết trong khoảng 5-7 dòng).

II. LÀM VĂN (7,0 điểm).

Câu 1. (2.0 điểm): Từ bài thơ ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ). trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc giữ gìn, bảo vệ những vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Câu 2. (5.0 điểm).

Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa.Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh.

[…]Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán.Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ.

(Trích Vợ nhặt Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, Nxb GD, 2016, trang 24-25)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó nhận xét lời tâm sự của Kim Lân về ý đồ và cảm hứng sáng tác truyện ngắn Vợ nhặt: “… Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ”.

—HẾT—

Đáp án đề kiểm tra học kì 2 môn Văn lớp 12 Bắc Giang 2019

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm):

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do

Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng câu thơ: mộc miên cũng rực đỏ triền sông rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can

2 biện pháp tu từ được sử dụng:

Điệp từ: rực đỏ => nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp của hoa mộc miên như làm nó rực rỡ tất cả không gian xung quanh: Rực đỏ không gian, từ triền sông, lên vách núi, rồi vào tâm can.

Ẩn dụ: Rực đỏ tâm can

Câu 3: Việc lặp lại ý thơ ở khổ một và khổ ba: mộc miên đỏ một trời biên viễn/như máu tươi ròng rã ngàn năm/hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái

Rộng hơn, sâu hơn, da diết khắc khoải như tiếng khóc. Hoa mộc miên cứ tầng bậc như nước mắt, chan hòa, cạn khô, tiếng nấc ròng rã ngàn năm -> một nỗi đau nhức buốt.

=> giúp ta liên tưởng tới không phải là những bông hoa đẹp mà đẹp hơn nữa là những người chiến sĩ sẵn sàng hi sinh xương máu của mình để vùng biên giới ngàn năm qua. Một vùng biên giới không khi nào không có máu đổ.

Câu 4: Cảm nhận của anh/chị về câu thơ cuối cùng: cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương. (Viết trong khoảng 5-7 dòng)

Với phép ẩn dụ (sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương), câu thơ cuối cùng của bài thơ khẳng định sức sống bất diệt, lòng kiên trung bền chí của cây mộc miên (cây hoa gạo) trong tư cách là loài cây trấn giữ biên cương của Tổ quốc. Hình ảnh cây mộc miên cũng chính là hình ảnh biểu trưng cho lòng kiên gan và tinh thần bảo vệ đất nước của những chiến sĩ biên phòng và nhân dân ta ở các vùng giáp biên.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm).

Câu 1. (2.0 điểm): Suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc giữ gìn, bảo vệ những vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Cần đảm bảo 2 nội dung sau:

- Bài thơ khơi gợi tình cảm, trách nhiệm của người Việt Nam nói chung và những người trẻ hôm nay về trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ những vùng đất biên cương của Tổ quốc.

- Trách nhiệm của những người trẻ cần được thể hiện từ lí tưởng đến hành động: Nhận thức đúng đắn về tình hình chính trị của đất nước, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, đóng góp của bản thân đối trong việc giữ gìn, bảo vệ những vùng đất biên cương của Tổ quốc (chẳng hạn: chia sẻ khó khăn với bộ đội và đồng bào ta ở các vùng giáp biên, không thờ ơ trước các hành vi buôn lậu qua biên giới).

Tham khảo văn bản sau:

Bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia luôn nằm trong tâm thức của con dân đất Việt từ ngàn đời nay. Đó vừa là trọng trách thiêng liêng, vừa là niềm tự hào của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cần hiểu rõ trách nhiệm của chính mình như thế nào. Ngày nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống của thế hệ trẻ Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, thanh niên tiếp tục “rèn đức, luyện tài”, thực sự là lực lượng xung kích, sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và  thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biên cương của tổ quốc. Là một người thanh niên cần phải phát huy tinh thần tự giác học tập, rèn luyện bản thân của mình để góp phần nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động gây rối, biểu tình gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, kiên quyết giữ gìn bảo vệ những vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Câu 2. (5.0 điểm).

*Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm Vợ nhặt và nêu vấn đề nghị luận: "Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ”

*Cảm nhận đoạn trích

– Nội dung:

+ Tái hiện bức tranh bi thảm về nạn đói khủng khiếp năm 1945 qua không gian một ngã tư xóm chợ bị bao trùm bởi sự chết chóc, thê lương (các hình ảnh: lũ lượt bồng bế, dắt díu, những cái thây nằm còng queo,…màu sắc: xanh xám, tối sầm… mùi vị: mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người…)

→ Bức tranh bao quát về nạn đói có một không hai trong lịch sử dân tộc có sức tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.

+ Mượn bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 để khẳng định, ngợi ca sức sống mãnh liệt, tiềm ẩn trong tâm hồn những con người cùng khổ – nhà văn phát hiện khát vọng đáng trân trọng của người nông dân ngay khi cận kề cái chết:

  • Tràng: phớn phở khác thường, tủm tỉm cười, hai mắt sáng lên lấp lánh …Tràng thành một con người khác: ân cần, quan tâm đến người đàn bà hãy còn xa lạ; lòng Tràng trỗi dậy niềm vui sướng khiến anh “dường như quên hết những cảnh ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên..”; Đó là điều “mới mẻ, lạ lẫm, chưa từng thấy ở người đàn ông khốn khổ ấy” – niềm hạnh phúc bình dị, niềm khát khao mái ấm gia đình.
  • Những người trong xóm ngụ cư: lạ, bàn tán, hiểu, bỗng rạng rỡ hẳn lên… → Tình huống đã tạo nên sự thay đổi mới mẻ theo hướng tích cực của mọi người: bên bờ vực cái chết vì đói khát vẫn biết cảm thông cho nhau, tin tưởng vào điều tốt đẹp.

– Nghệ thuật: Tạo tình huống truyện độc đáo; Nghệ thuật miêu tả: bút pháp tả thực tạo ấn tượng mạnh, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế; Ngôn ngữ sinh động, so sánh độc đáo, giàu tính tạo hình..

– Nhận xét về quan niệm: Kim Lân đã thực hiện thành công ý đồ sáng tác của mình: biến câu chuyện ngày đói cay đắng, đau khổ thành khúc ca chiến thắng của tình người và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc tha thiết, mãnh liệt. Đó cũng là  tấm lòng, niềm thương cảm, xót xa của nhà văn trước những con người nhỏ bé, sự trân trọng những ước mơ, khát vọng đẹp đẽ và niềm tin vào cuộc sống của những con người nghèo khổ.

* Đánh giá chung vấn đề: Nêu cảm nghĩ của em về đề tài nghị luận này!

Trên đây là đề thi và đáp án kiểm tra học kì 2 môn Văn lớp 12 Bắc Giang 2019 tại trường THPT Tân Yên số 1 mà các em có thể tham khảo làm đề thi thử THPT quốc gia môn Văn năm nay!

Ngoài ra còn có rất nhiều những đề thi thử thptqg khác do các trường, các tỉnh ra đề mà các em có thể làm để ôn luyện cho kì thi sắp tới tốt nhất!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM