Trang chủ

Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn 9 tỉnh Sơn La năm học 2019/2020

Xuất bản: 29/06/2020 - Tác giả:

Đáp án tham khảo đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn 9 tỉnh Sơn La năm học 2019/2020 dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo.

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2019/2020 của tỉnh Sơn La vừa diễn ra sáng ngày 25/6 với 2 nội dung chính:

- Đọc hiểu (3 điểm): Nói với con - Y Phương

- Làm văn (7 điểm):

+ Nghị luận về đề tài: chia sẻ về ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người.

+ Cảm nhận về bức tranh mùa xuân mà Thanh Hải đã mô tả qua 2 khổ thơ đầu.

Chi tiết đề thi như sau:

Đề thi

SỞ GD&ĐT SƠN LA

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỂ KIỂM TRA HỌC KÌ II, NĂM HỌC 2019 - 2020

MÔN: NGỮ VĂN

LỚP: 9 Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Đọc đoạn trích:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

(Nói với con - Y Phương, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Hãy giải thích ý nghĩa của cụm từ "người đồng minh" được tác giả sử dụng trong đoạn trích? Cách lựa chọn từ ngữ của nhà thơ có tác dụng gì?

Câu 3. Chi ra những phẩm chất của người đồng  mình được tác giả thể hiện trong đoạn trích..

Câu 4. Lời khuyên của người cha trong đoạn trích "Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con." có ý nghĩa như thế nào đối với con,

II. LÀM VĂN 

Câu 1 (2,0 điểm). Hãy viết một đoạn văn từ 7 đến 10 câu chia sẻ về ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người.

Câu 2 (5,0 điểm). Viết bài văn trình bày những cảm nhận về bức tranh mùa xuân trong đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

(Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục)

-Hết-

Đáp án tham khảo

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 

Câu 1. Tự do

Câu 2.

- Nghĩa của cụm từ “người đồng mình”: người vùng mình, người miền mình. Ở đây tác giả muốn nói tới những người cùng sống trên một miền đất, cùng quê hương, cùng một dân tộc.

- Cách lựa chọn từ ngữ của nhà thơ có tác dụng tạo sự độc đáo, gần gũi, thân thương

Câu 3.  Là con người mộc mạc, giản dị nhung giàu ý chí, nghị lực, cốt cách, cùng với ý thức tự lực, tự cường, người đồng mình còn ngời sáng tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng xây dựng quê hương:

Câu 4. 

Đó là lời khuyên của người cha với con: chỉ cần có quyết tâm, có ý chí, nghị lực thì sẽ có được thành công

II. LÀM VĂN 

Câu 1 (2,0 điểm).

Gợi ý:

- Quê hương là nơi ta sinh ra, lớn lên, có gia đình, kỉ niệm thời thơ ấu…

- Mỗi con người đều gắn bó với quê hương, mang bản sắc, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Chính vì thế, tình cảm dành cho quê hương ở mỗi con người là tình cảm có tính chất tự nhiên, sâu nặng.

- Quê hương luôn bồi đắp cho con người những giá trị tinh thần cao quí: tình làng nghĩa xóm. tình yêu quê hương, gia đình sâu nặng…

- Quê hương luôn là điểm tựa vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cổ vũ, động viên, là đích hướng về của con người.

- Phê phán: những kẻ chối bỏ cội nguồn, quê hương mà chạy theo những xa vời phù phiếm, chê quê hương nghèo khó, quay lưng phản bội quê hương...

- Nêu nhận thức đúng: Là một người học sinh em cảm thấy mình cần và sẽ làm gì để thể hiện tránh nhiệm của bản thân đối với quê hương.

Xem thêm: Nghị luận bàn về trách nhiệm của mỗi người với quê hương

Câu 2 (5,0 điểm).

Mở bài:

Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

- Dẫn dắt vào 2 đoạn thơ cần phân tích.

Thân bài:

1. Khái quát chung về nội dung bài thơ

2. Cảm nhận về hai khổ thơ

*Khổ thơ đầu: Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của thiên nhiên

– Bức tranh mùa xuân thiên nhiên trong 6 câu thơ đầu được vẽ bằng vài nét phác hoạ nhưng rất đặc sắc.

– Không gian cao rộng của bầu trời, rộng dài của dòng sông, màu sắc hài hoà của bông hoa tím biếc và dòng sông xanh – đặc trưng của xứ Huế.

– Rộn rã, tươi vui với âm thanh tiếng chim chiền chiện hót vang trời, tiếng chim trong anhs áng xuân lan toả khắp bầu trời như đọng thành “từng giọt long lanh rơi”.

– Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất trời thể hiện qua cái nhìn trìu mến với cảnh vật, trong những lời bộc lộ trực tiếp như lời trò chuyện với thiên nhiên “ơi, hót chi… mà…”. Đặc biệt cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong một động tác trữ tình đón trân trọng vừa tha thiết trìu mến với mùa xuân: đưa tay hứng lấy từng giọt long lanh của tiếng chim chiền chiện.

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”.

– Có thể hiểu câu thơ theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, “giọt long lanh” là những giọt mưa mùa xuân, giọt sương mùa xuân, trong sáng, rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá như những hạt ngọc.

– Ở đây, giọt long lanh cũng có thể được hiểu theo nghĩa ẩn dụng chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt (hình và khối, cảm nhận bằng thị giác), từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác “Tôi đưa tay tôi hứng”. Dù hiểu theo cách nào thì hai câu thơ vẫn thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân, thể hiện mong muốn hoá vào thiên nhiên đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông giá lạnh khiến ta vô cùng khâm phục.

*Khổ thơ sau: Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước 

– 4 câu đầu: Hình ảnh lộc xuân theo người ra tràn theo người ra đồng làm đẹp ý thơ với cuộc sống lao động và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ, 2 nhiệm vụ không thể tách rời. Họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.

+ “Mùa xuân người cầm súng. Lộc giắt đầy trên lưng”: liên tưởng đến những người chiến sỹ ra trận mà trên vai, trên lưng họ có cành lá nguỵ trang. Những cành lá ấy mang lộc biếc, chồi non, mang theo mùa xuân của thiên nhiên, cây cỏ. Từ “lộc” còn làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh người lính khi ra trận, mang theo sức sống của cả dân tộc. Chính màu xanh sức sống đó đã tiếp cho người lính có thêm sức mạnh, ý chí để họ vươn xa ra phía trước tiêu diệt quân thù.

+ “Mùa xuân người ra đồng. Lộc trải dài nương mạ”: nói về những người lao động, những người ươm mầm cho sự sống, ươm những hạt mầm non trên những cánh đồng quê hương, từ “lộc” cho ta nghĩ tới những cánh đồng trải dài mênh mông với những chồi non mới nhú lên xanh mướt từ những hạt thóc giống đầu mùa xuân. Từ “lộc” còn mang sức sống, sức mạnh của con người. Có thể nói, chính con người đã tạo nên sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất nước.

+ “Tất cả như hối hả. Tất cả như xôn xao”. Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận mùa xuân đất nước bằng hai từ láy gợi cảm “hối hả” là vội vã, khẩn trương, liên tục không dừng lại. “Xôn xao” khiến ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hoà lẫn với nhau xao động. Đây chính là tâm trạng tác giả, là cái náo nức trong tâm hồn. Tiếng lòng của tác giả như reo vui náo nức trước tinh thần lao động khẩn trương của con người. Mùa xuân đất nước được làm nên từ cái hối hả ấy. Sức sống của đất nước, của dân tộc, cũng được tạo nên từ sự hối hả, náo nức của người cầm súng, người ra đồng.

Nghệ thuật đặc sắc:

– Thể thơ 5 chữ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.

– Hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt một số hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại và nâng cao, gây ấn tượng đậm đà.

– Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, chủ yếu dựa trên sự phát triển của hình tượng mùa xuân: từ mùa xuân đất trời -> đất nước -> con người.

– Giọng điệu bài thơ phù hợp với cảm xúc của tác giả: Ở đoạn đầu vui, say sưa với vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, rồi phấn chấn, hối hả trước khí thế lao động của đất nước. Và cuối cùng là trầm lắng, hơi trang nghiêm mà thiết tha bộc bạch, tâm niệm.

Kết bài: Cảm nhận của em về bức tranh mùa xuân mà Thanh Hải đã mô tả.

Xem thêm văn mẫu: Cảm nhận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

-/-

Trên đây là đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 của tỉnh Sơn La năm học 2019/2020 chi tiết, các em có thể tham khảo thêm các bài tập khác cũng như văn mẫu lớp 9 hay do Đọc tài liệu thực hiện nhé!

- Đề thi học kì 2 Ngữ văn 9 - Đọc tài liệu - 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM