Trang chủ

Tuyển tập đề đọc hiểu Chữ người tử tù

Xuất bản: 05/05/2020 - Cập nhật: 17/09/2020 - Tác giả: Giangdh

Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về văn bản này trong các kì thi em nhé!

Văn bản Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân cho ta thấy cái đẹp của cha ông xưa nay chỉ còn là vang bóng, truyện được viết ra như một phần để đối với chế độ thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ, một xã hội "Tây - Tàu nhố nhăng" đầy rẫy áp bức, bất công, đê hèn độc ác và man trá. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến văn bản, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo soạn bài Chữ người tử tù cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Đề đọc hiểu Chữ người tử tù

Đề số 1:

Đọc văn bản sau và cho biết:

“Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.

Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”.

(Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân,

Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 2. Những biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn văn bản? Phân tích hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp nghệ thuật đó.

Câu 3. Đoạn văn bản trên đã thực hiện những nét đặc sắc nào của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân?

Đáp án đề đọc hiểu Chữ người tử tù số 1

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản là: tự sự, biểu cảm.

Câu 2: Những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn bản là:

  • Biện pháp đối lập tương phản: hoàn cảnh đề lao, nghề nghiệp quản ngục >
  • Biện pháp so sánh: “…là một thanh âm trong trẻo”

- Hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp nghệ thuật đó là: khắc họa, ngợi ca nhân cách cao quý của quản ngục. Đây không phải là một cai ngục bình thường, chỉ là do hoàn cảnh mà bị đẩy vào chỗ cặn bã, thực chất ở con người ấy vẫn ngời lên những phẩm chất tốt đẹp.

Câu 3: Những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn văn trên là:

  • Cái nhìn đầy lãng mạn nhưng cũng là cái nhìn mang tính thẩm mĩ cao cả của Nguyễn Tuân đối với con người.
  • Xây dựng nhân vật bằng bút pháp lãng mạn, độc đáo.
  • Ngôn ngữ trang trọng, mực thước.

Đề số 2

Đọc đoạn trích trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.

Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.

(Trích “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân)

Câu 1: Những câu văn trên miêu tả suy nghĩ của nhân vật nào?

Câu 2: Nhân vật đó nói về điều gì?

Câu 3: Văn bản trên đã sử dụng thành công biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của phép tu từ đó?

Câu 4: Tìm các từ láy trong văn bản và đặt câu với mỗi từ láy đó

Đáp án đề đọc hiểu Chữ người tử tù số 2

Câu 1: Những câu văn trên miêu tả suy nghĩ của nhân vật Huấn Cao.

Câu 2: Điều mà Huấn Cao muốn nói đến đó là: đánh giá về vẻ đẹp phẩm chất, tính cách và tâm hồn của nhân vật quản ngục.

Câu 3: Văn bản trên đã sử dụng thành công biện pháp tu từ so sánh: tính cách dịu dàng, lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quản ngục được ví như một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.

- Tác dụng của phép tu từ đó là: Hình ảnh so sánh này có ý nghĩa gợi dậy ở người đọc sự hình dung khái quát nhất về hoàn cảnh và phẩm chất của nhân vật quản ngục. Đây là hình ảnh súc tích, tạo ra sự đối lập sắc nét giữa trong và đục, thuần khiết và ô trọc, cao quý và thấp hèn, giữa cá thể nhỏ bé, mong manh
với thế giới hỗn tạp, xô bồ. Nó là một hình ảnh so sánh hoa mĩ, đắt giá, gây ấn tượng mạnh, thể hiện sự khái quát nghệ thuật sắc sảo, tinh tế, có ý nghĩa làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

Câu 4: Các từ láy được sử dụng : dịu dàng ,trong trẻo

- Đặt câu: Học sinh được tùy ý đặt câu theo ý của mình nhưng phải đúng về ngữ pháp.

Xem thêmSơ đồ tư duy Chữ người tử tù

Đề số 3

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Sớm hôm sau, lính tỉnh dẫn đến cửa ngục thất sáu tên tù mà công văn chiều hôm qua đã báo trước cho ngục quan biết rõ tên tuổi, làng xóm và tội hình. Sáu phạm nhân mang chung một chiếc gông dài tám thước. Cái thang dài ấy đặt ngang trên sáu bộ vai gầy. Cái thang gỗ lim nặng, đóng khung lấy sáu cái cổ phiến loạn, nếu đem bắc lên mỏ cân, có thể nặng đến bảy, tám tạ. Thật là một cái gông xứng đáng với tội án sáu người tử tù. Gỗ thân gông đã cũ và mồ hôi cổ, mồ hôi tay kẻ phải đeo nó đã phủ lên một nước quang dầu bóng loáng. Những đoạn gông đã bóng thì loáng như có người đánh lá chuối khô. Những đoạn không bóng thì lại xỉn lại những chất ghét đen sánh. Trong khi chờ đợi cửa ngục mở rộng, Huấn Cao, đứng đầu gông, quay cổ lại bảo mấy bạn đồng chí:

- Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi.

Sáu người đều quì cả xuống đất, hai tay ôm lấy thành gông đầu cúi cả về phía trước. Một tên lính áp giải đùa một câu:

- Các người chả phải tập nữa. Mai mốt chi đây sẽ có người sành sỏi dẫn các người ra làm trò ở pháp trường. Bấy giờ tha hồ mà tập. Đứng dậy không ông lại phết cho mấy hèo bây giờ.

Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt. Một trận mưa rệp đã làm nền đá xanh nhạt lấm tấm những điểm nâu đen.

(Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr.110-111)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Giới thiệu vài nét về xuất xứ tác phẩm đó.

Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 3. Phân tích ngữ cảnh của câu văn in đậm trong đoạn trích.

Câu 4. Phân tích giá trị nghệ thuật của chi tiết dỗ gông.

Câu 5. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 8 – 10 câu), nêu cảm nhận của anh/chị về khí phách của nhân vật Huấn Cao được thể hiện trong đoạn trích.

Đáp án đề đọc hiểu Chữ người tử tù số 3

Câu 1: Đoạn trích được trích từ tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.

- Xuất xứ tác phẩm: Truyện ngắn lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau đó được tuyển in trong tập truyện Vang bóng một thời và đổi tên thành Chữ người tử tù. Vang bóng một thời (1940), là một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ (Vũ Ngọc Phan).

Câu 2: Chủ đề của đoạn trích là: ngợi ca khí phách hiên ngang của Huấn Cao.

Câu 3: Ngữ cảnh của câu Phải dỗ gông đi là:

- Nhân vật giao tiếp: Câu nói trên là của nhân vật Huấn Cao, nói với các bạn tù đang cùng bị gông chung với ông. Huấn Cao và năm người bạn kia đều là tử tù, phạm tội phản nghịch, chống lại triều đình.

- Bối cảnh ngoài ngôn ngữ:

  • Bối cảnh giao tiếp rộng: xã hội Việt Nam thời phong kiến, triều đình phong kiến đang trên đà suy thoái, những cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nổ ra ở khắp nơi.
  • Bối cảnh giao tiếp hẹp: Câu nói trên có bối cảnh hẹp là phòng giam trong trại giam của tỉnh Sơn, vào một buổi sớm, sau khi Huấn Cao cùng năm người đồng chí khác đƣợc áp giải đến trại giam.
  • Hiện thực đƣợc nói tới: Câu nói của Huấn Cao là lời đề nghị năm người còn lại cùng mình dỗ gông cho rệp trên gông rơi bớt xuống.

- Văn cảnh: Sở dĩ người đọc có thể hiểu lời đề nghị dỗ gông của Huấn Cao bởi vì sau câu nói của Huấn Cao, tác giả đã miêu tả rất kĩ về chiếc gông sau khi được dỗ: Một trận mưa rệp đã làm nền đá xanh nhạt lấm tấm những điểm nâu đen.

Câu 4:

Sáu người tử tù phải cùng mang trên vai một chiếc gông bằng gỗ lim, dài tám thƣớc, nặng độ bảy, tám tạ. Trên chiếc gông có vô vàn những con rệp nhỏ li ti, chúng cắn đỏ cả cổ các tử tù.

Không làm thế nào để bớt bị rệp cắn cho được, Huấn Cao đã bảo các bạn đồng chí của mình dỗ gông xuống thềm đá trong nhà giam để rệp rụng bớt xuống. Chứng kiến cảnh tượng đó, tên lính áp giải có nói đùa: “Các người chả phải tập nữa. Mai mốt chi đây sẽ có người sành sỏi dẫn các người ra làm trò ở pháp trường. Bấy giờ tha hồ mà tập. Đứng dậy không ông lại phết cho mấy hèo bây giờ.”. Với Huấn Cao, câu nói của tên lính hẳn là lời của kẻ tiểu nhân đang giở trò thị oai nên mặc dù bị tên lính áp giải dọa nạt, ông Huấn vẫn lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Chiếc gông bảy, tám tạ bất ngờ giật mạnh khiến những người đồng chí của Huấn Cao phải nhăn mặt vì đau.

Chi tiết dỗ gông thể hiện thái độ khinh bỉ bọn tiểu nhân đồng thời tô đậm khí tiết anh hùng, không chịu khuất phục ngục tù, thậm chí thách đố cả ngục tù ở con người đến cái chết chém cũng còn chẳng sợ.

-------------

Trên đây là một số đề đọc hiểu Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM