Trang chủ

Đáp án Ngữ Văn thi vào 10 THCS&THPT Nguyễn Tất Thành 2024

Xuất bản: 18/06/2024 - Tác giả:

Đáp án Ngữ Văn thi vào 10 THCS&THPT Nguyễn Tất Thành 2024/2025 chính thức được nhà trường công bố dành cho các em đối chiếu và tham khảo

Cùng Đọc tài liệu đi vào xem đề thi và đáp án của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành môn Ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 nhé:

Đề thi năm 2024

KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 

TRƯỜNG THCS&THPT NGUYỄN TẤT THÀNH NĂM HỌC 2024 – 2025 

Môn thi: NGỮ VĂN 

Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

Câu 1 (4,0 điểm) 

Đọc văn bản sau đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Hồi học lớp sáu, có một lần con gái đi tập kịch về bảo trong vở kịch cuối năm của lớp,  con được phân công đóng vai… lính gác. Tôi buồn thiu, nghĩ rằng tập cả năm, thậm chí đọc  kịch bản dày cả trăm trang, thế mà cuối cùng cô giáo lại phân con bé đóng một cái vai cứ đứng suốt cả vở kịch, thậm chí hầu như chẳng có một câu thoại nào.

Nhưng con vẫn vui vẻ bảo thực ra con có hai lựa chọn, hoặc là đóng vai lính gác không  nói, hoặc là đóng vai cô công chúa được nói, nhưng chỉ xuất hiện đúng một cảnh trong vở kịch. Thế nên, con nghĩ tốt nhất là đóng vai không nói, nhưng có mặt trong cả vở kịch.

Con lại kể là được cô giáo dạy môn kịch an ủi, bảo rằng thực ra các khán giả sẽ rất chú  ý đến những vai nói ít và đóng những vai như thế cực khó, vì bắt buộc trong suốt vở kịch là  không được cười, cũng không được… buồn ngủ. Nghĩ một lúc vừa thấy buồn cười, vừa thấy vui.

Đa số mọi người luôn thích con mình phải ở vị trí trung tâm, phải giữ vai trò quan trọng  trên sân khấu và ở nhiều nơi khác. Thực ra ban đầu tôi cũng hơi thất vọng một chút vì vai diễn  của con không hoành tráng, nhưng thấy con yêu diễn xuất, muốn đóng kịch, sẵn sàng đóng vai  lính gác dù tuần nào cũng tập say sưa và học thuộc tất cả các đoạn thoại, tôi nghĩ thế là ổn,  và vui lây niềm vui của con.

Con gái yêu, ở đời cũng thế, không phải cứ đóng vai chính và là người hùng thì mới quan  trọng. Con không cần phải đóng vai chính nào đó thì bố mẹ mới ủng hộ con. Con cứ đóng vai phụ cũng được, miễn là con vui khi làm điều con thích và cảm thấy mình là một phần của vở kịch.

Sau này lớn lên, con sẽ hiểu vai của con trong đời ở đâu. Dù chính hay phụ thì điều quan  trọng đầu tiên, phải là một người tử tế…

(Trương Anh Ngọc, Đi khi ta còn trẻ, NXB Thế giới, 2022, tr.129-131)

a. (0,5 điểm). Trong văn bản, tâm trạng của nhân vật “tôi” đã thay đổi như thế nào trước  việc chọn vai diễn của con trong vở kịch cuối năm học?

b. (1,0 điểm). Các từ ngữ “vai chính”, “người hùng” và “vai phụ” trong văn bản trên có  ý nghĩa gì?

c. (2,5 điểm). Em có đồng tình với lời nhắn nhủ: “Con cứ đóng vai phụ cũng được, miễn là  con vui khi làm điều con thích, và cảm thấy mình là một phần của vở kịch” không? Hãy viết  đoạn văn khoảng một trang giấy thi trình bày ý kiến của em; trong đoạn văn có sử dụng phép  nối và câu có thành phần biệt lập phụ chú. (Gạch dưới từ nối và thành phần biệt lập phụ chú.)

Câu 2 (6,0 điểm) 

Trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc hoạ cảnh chia  tay của hai cha con ông Sáu:

Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa  mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt  mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

– Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.

Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến  thì nó bỗng kêu thét lên:

– Ba… a… a… ba!

Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót  xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai  tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

– Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo  dài bên má của ba nó nữa.

[...] Trong lúc đó, nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động và không muốn  cho con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên  mái tóc con:

– Ba đi rồi ba về với con.

– Không! – Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run. (Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022, trang 198 – 199) Viết bài văn khoảng ba trang giấy thi trình bày cảm nhận về tình cha con sâu nặng của ông Sáu và bé Thu, từ đó nhận xét về vai trò của người kể chuyện trong đoạn trích trên.

HẾT

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đáp án

Câu 1. 

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu.

a.

Tâm trạng của nhân vật “tôi” có sự thay đổi:

- Ban đầu: buồn thiu, hơi thất vọng

- Sau đó: vừa thấy buồn cười, vừa thấy vui; vui lây niềm vui của con

b.

- Vai chính, người hùng: chỉ người có vai trò quan trọng, ở vị trí trung  tâm, nổi bật, được người khác chú ý, có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng.

- Vai phụ: chỉ người bình thường, khiêm tốn, không giữ vai trò quan trọng.

c.

Viết đoạn văn

* Yêu cầu về hình thức:

- Đảm bảo dung lượng, hình thức đoạn văn. (0,25 điểm)

- Sử dụng phép nối và thành phần biệt lập phụ chú trong câu. (0,5 điểm)

* Yêu cầu về nội dung: Trình bày được quan điểm cá nhân (đồng  tình/không đồng tình/vừa đồng tình vừa không đồng tình) về lời nhắn nhủ:  “Con cứ đóng vai phụ cũng được, miễn là con vui khi làm điều con thích,  và cảm thấy mình là một phần của vở kịch”.

HS có thể có nhiều cách triển khai, miễn là đoạn văn đúng chủ đề và  lí giải hợp lí, thuyết phục.

Gợi ý: Nếu đồng tình với lời nhắn nhủ, có thể trình bày theo các ý  sau:

- Giải thích câu nói: Người bố nhắn nhủ con rằng trong cuộc sống, sự tài  giỏi, nổi bật không quá quan trọng; con có thể là một người bình thường  nhưng cần được sống là chính mình với những sở thích, đam mê riêng và  tự thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa, có giá trị với cộng đồng.

- Bàn luận:

+ Trong cuộc sống, không phải ai cũng là người tài giỏi, thành công, nổi  bật, có vị trí quan trọng trong cộng đồng, được mọi người ngưỡng mộ.

+ Là một người bình thường, sống một cuộc đời bình dị nhưng được sống  là chính mình và có những đóng góp nhỏ bé, ý nghĩa cho cuộc đời cũng  rất đáng trân trọng.

+ Hạnh phúc của con người là được sống là chính mình và sống một cuộc  đời có ý nghĩa.

+ Tuy nhiên, con người vẫn cần có ước mơ, khát vọng phát triển bản thân,  phấn đấu để có những đóng góp lớn lao cho cuộc đời.

- Liên hệ bản thân: Cần sống với niềm đam mê, biết hạnh phúc với những  đóng góp bình dị, nhỏ bé của mình và tôn trọng những người bình thường,  giản dị khác xung quanh.

* Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Câu 2.

Thí sinh cần thể hiện được kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học. Bài viết cần đảm  bảo các yêu cầu về nội dung và hình thức đối với một bài văn nghị luận.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Có đủ ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài  triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận  điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận.

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều hướng khác nhau để trình bày cảm nhận  về tình cha con sâu nặng trong đoạn trích và đưa ra được nhận xét về vai trò của  người kể chuyện, nhưng cần đảm bảo một số yêu cầu sau:

* Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

- Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn – chiến sĩ. Ông sáng tác nhiều thể loại:  truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con  người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. Truyện ngắn  của ông hấp dẫn người đọc bởi tình huống bất ngờ, ngòi bút miêu tả tâm lí nhân  vật chân thực, tinh tế và ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ.

- Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống  Mĩ diễn ra ác liệt, tác giả đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ.

- Ông Sáu đi kháng chiến khi đứa con đầu lòng (bé Thu) chưa đầy một tuổi. Sau  tám năm xa cách, ông mới có dịp về thăm nhà. Khi ông trở về, bé Thu kiên quyết  không nhận cha. Lúc bé nhận ra cha thì cũng là lúc cha con lại phải chia li.

- Đoạn trích nằm ở tình huống thứ nhất của truyện, tập trung diễn tả tình cha con  sâu nặng của ông Sáu và bé Thu trong giây phút chia tay đầy xúc động.

Cảm nhận tình cha con sâu nặng giữa ông Sáu và bé Thu được thể hiện trong  đoạn trích

* Tình cảm sâu nặng ông Sáu dành cho con:

- Ông Sáu buồn bã, đau khổ vì đã đến lúc phải chia tay mà bé Thu vẫn chưa nhận ra ba, không gọi tiếng “ba” mà ông khao khát, mong chờ; nhưng ông vẫn chỉ nghĩ  đến cảm xúc của đứa con bé bỏng (ông không dám lại gần con, chỉ đứng nhìn con   bằng ánh mắt trìu mến lẫn buồn rầu rồi cất tiếng chào con khe khẽ). - Ông Sáu bất ngờ, vui sướng, hạnh phúc tột cùng, xúc động vô bờ trước tiếng gọi  “ba” và những hành động thể hiện tình yêu thương ba của con gái (cái ôm của  người cha, nụ hôn lên mái tóc con và đặc biệt là giọt nước mắt mà ông cố giấu  cho thấy tình cảm yêu thương sâu sắc, mãnh liệt mà ông dành cho con). * Tình cảm nồng nhiệt, đầy xúc động của bé Thu với người cha trước lúc chia  tay:

- Tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt của bé Thu dành cho ba dồn nén bấy lâu giờ đã vỡ òa trong tiếng gọi “ba”; trong những hành động mạnh mẽ, hối hả (kêu, chạy xô  tới, chạy thót lên, dang hai tay ôm chặt cổ ba,…) và vồ vập, cuống quýt (hôn ba   nó cùng khắp, hôn tóc, hôn cổ, đặc biệt hôn cả vết thẹo dài bên má của ba,…). - Khi nhận ra ba cũng là lúc ba phải lên đường đi chiến đấu, vì thế bé Thu sợ hãi  và níu giữ ba bằng lời nói trong nước mắt (Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với  con!...) và hành động mạnh mẽ, quyết liệt (siết chặt lấy cổ, dang hai chân câu  chặt lấy ba, đôi vai bé nhỏ run run,…)

* Nhận xét vai trò của người kể chuyện trong đoạn trích

- Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, người kể chuyện là bác Ba – người đồng  đội thân thiết của ông Sáu, người trực tiếp chứng kiến và kể lại cuộc chia tay của  cha con ông Sáu. Chọn nhân vật người kể chuyện như vậy khiến sự việc, tình tiết  được kể chân thực, sinh động và đáng tin cậy.

- Người kể chuyện hoàn toàn chủ động điều khiển nhịp kể theo trạng thái cảm xúc  của mình, chủ động xen vào những cảm nhận, suy nghĩ để làm tăng thêm cảm xúc  và dẫn dắt sự tiếp nhận của người đọc.

* Đánh giá chung:

- Tình cảm cha con sâu nặng, cao đẹp của người lính trong chiến tranh được miêu  tả cảm động từ hai phía bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân  vật tài tình, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ,…

- Đoạn trích khắc họa chân thực và cảm động cảnh chia tay của cha con ông Sáu  cho thấy sự éo le, khốc liệt của chiến tranh. Qua đó, nhà văn ca ngợi tình cảm cha  con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

c. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn  đề nghị luận.

Đáp án và thang điểm





Trên đây là đề thi và đáp án của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành môn Ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. Chúc các em có một kỳ tuyển sinh thành công.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM