MỚI: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Văn chuyên Biên Hòa Hà Nam 2019
Đề chính thức môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Hà Nam 2018
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN |
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo."
(Trích bài thơ Đồng chí, Chính Hữu - SGK Ngữ văn 9, tập 1 - NXBGD, 2017)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính.
Câu 2. Từ ngữ, hình ảnh nào trong đoạn thơ thể hiện hoàn cảnh chiến đấu của người lính?
Câu 3. Nêu ý nghĩa của hình ảnh “Đầu súng trăng treo”.
Câu 4. Trình bày cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên (trả lời ngắn từ 5-7 dòng).
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của mình về vai trò của tình bạn trong cuộc sống con người.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về hình tượng nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương (trích Truyền kì mạn lục) của Nguyễn Dữ. Từ đó, hãy liên hệ với người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện nay.
---HẾT---
Gợi ý làm bài:
Phần I:
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
Câu 2: Đối lập với hiện thực khắc nghiệt của những đêm dài lạnh giá nơi “rừng hoang sương muối” là những người lính đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới trong cái nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Từ “chờ” cũng đã nói rõ cái tư thế, tinh thần chủ động đánh giặc của họ. Rõ ràng khi những người lính đứng cạnh bên nhau vững trãi thì cái gian khổ, khốc liệt cua cuộc chiến bị mờ đi. Tầm vóc của những người lính bỗng trở nên lớn lao anh hùng. Sức mạnh của tình đồng chí vì thế mà càng nổi bật.
Câu 3: Bài thơ kết thúc với những hình ảnh thật đẹp, thật có ý nghĩa. Nó là biểu tượng thiêng liêng của tình đồng chí cùng chung chiến hào. Tình cảm đồng chí ấm áp, thiêng liêng đã mang lại cho người lính nét lãng mạn và cảm hứng thi sĩ trong cái hiện thực khắc nghiệt qua hình ảnh: "Đầu súng trăng treo"
Học sinh cần làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ như sau:
- Cảnh thực của núi rừng trong thời chiến khốc liệt hiện lên qua các hình ảnh : rừng hoang, sương muối. Người lính vẫn sát cánh cùng đồng đội : đứng cạnh bên nhau, mai phục chờ giặc.
- Trong phút giây giải lao bên người đồng chí của mình, các anh đã nhận ra vẻ đẹp của vầng trăng lung linh treo lơ lửng trên đầu súng: Đầu súng trăng treo. Hình ảnh trăng treo trên đầu súng vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có tính biểu trưng của tình đồng đội và tâm hồn bay bổng lãng mạn của người chiến sĩ. Phút giây xuất thần ấy làm tâm hồn người lính lạc quan thêm tin tưởng vào cuộc chiến đấu và mơ ước đến tương lai hoà bình. Chất thép và chất tình hoà quện trong tâm tưởng đột phá thành hình tượng thơ đầy sáng tạo của Chính Hữu.
=> Hiếm thấy một hình tượng thơ nào vừa đẹp vừa mang đầy ý nghĩa như “Đầu súng trăng treo”. Đây là một sáng tạo đầy bất ngờ góp phần nâng cao giá trị bài thơ, tạo được những dư vang sâu lắng trong lòng người đọc.
=> Như vậy tình đồng chí trong bài thơ là tình cảm sâu sắc chân thành của những con người gắn bó keo sơn trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì một lý tưởng chung.
Câu 4.
Ba câu thơ là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ.
Trong bức tranh trên, nổi bật là ba hình ảnh gắn kết với nhau : Người lính, khẩu súng, vầng trăng giữa cảnh rừng hoang sương muối phục kích giặc. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ. Hình ảnh Đầu súng trăng treo là hình ảnh đẹp nhất vì nó vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh tượng trưng.
Tình cảm đồng chí, đồng đội là tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất của những người lính. Đó là sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả mọi khó khăn trở ngại, mọi thiếu thốn để chiến thắng kẻ thù. Bài thơ Đồng chí đặc biệt là ba câu kết như một lời nhắn nhủ với mọi người: Hãy biết nâng niu và gìn giữ những tình cảm đẹp trong cuộc sống, phải biết kính trọng những người lính.
Phần II:
Câu 1:
1) Giải thích ý nghĩa
– Bạn là người có cùng sở thích, cùng lí tưởng, quan niệm sống với chúng ta.
2) Nghị luận
– Biểu hiện: Bạn là người cho ta một bờ vai mỗi khi ta khóc, cho ta một điểm tựa khi ta rơi vào tuyệt vọng, cho ta một bầu trời ánh sáng khi ta lạc bước vào thế giới tối tăm, là người luôn bên ta dù cuộc đời có đổi thay, khi ta gặp hoạn nạn cũng như tìm thấy hạnh phúc.
– Ý nghĩa: Tình bạn giúp ta hoàn thiện nhân cách. Nhờ tình bạn, ta trưởng thành hơn, giàu nghị lực hơn trong cuộc sống, giúp ta cảm thấy cuộc sống trở nên vô cùng ý nghĩa.
– Dẫn chứng:
+ Tình bạn cần được xây dựng trên những tình cảm, cảm xúc chân thành nhất. Đây là cơ sở để tình bạn được bền vững.
+ Phê phán những tình bạn giả dối, lợi dụng lẫn nhau. Tình bạn ấy sẽ không bao giờ lâu dài và vĩnh cửu.
Câu 2:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả tác phẩm:
+ Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỷ XVI, là thời kỳ Triều đình nhà Lê đã bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trịnh tranh giành quyền lực, gây ra những cuộc nội chiến kéo dài. Ông học rộng, tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi cáo về, sống ẩn dật ở vùng núi Thanh Hoá. Đó là cách phản kháng của nhiều tri thức tâm huyết đương thời.
+ “Chuyện người con gái Nam Xương” là truyện thứ 16 trong số 20 truyện nằm trong tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Dữ “Truyền kỳ mạn lục”. Truyện có nguồn gốc từ một truyện cổ dân gian trong kho tàng cổ tích Việt Nam “Vợ chàng Trương”.
- Nhân vật Vũ Nương:
+ Là người con gái hiền dịu nết na, là tấm gương cho nhiều nhiều phụ nữ noi theo.
+ Người đức hạnh, hiền thục rất tiếc rằng cuộc đời lại không cho cô gặp được một người chồng tốt, không cho cô được quyết định hạnh phúc của đời mình.
Thông qua nhân vật của mình tác giả Nguyễn Dữ muốn bày tỏ niềm xót xa với những người phụ nữ thời xưa, thể hiện tinh thần nhân văn nhân đạo của tác giả.
2. Thân bài
* Phân tích nhân vật Vũ Nương qua từng giai đoạn:
- Trương Sinh hỏi cưới:
Vũ Nương tên cha mẹ đặt cho nàng là Vũ Thị Thiết, vốn là người con gái nết na, xinh đẹp, khéo tay được nhiều chàng trai để ý thầm thương trộm nhớ. Nhưng năm nàng tròn đôi chín, có chàng trai tên Trương Sinh, gia cảnh neo đơn, nhà chỉ có một mẹ một con đến xin hỏi cưới làm vợ với giá một trăm lạng vàng.
Chính trong phong tục cưới vợ ngày xưa đã cho thấy người phụ nữ không hề có quyền quyết định vận mệnh tương lai, hạnh phúc của mình. Nàng được hỏi cưới với giá một trăm lạng vàng chẳng khác nào được bán với một trăm lạng vàng.
=> Nàng tuy là một con người có suy nghĩ, tính cách của riêng mình nhưng chuyện cưới hỏi, chuyện hạnh phúc trăm năm nàng lại phải nghe lời cha mẹ hai bên.
- Khi Vũ Nương về nhà chồng:
Vũ Nương luôn hiếu thuận với mẹ chồng, là người vợ hiền dâu thảo, không để gia đình chồng chê trách điều gì. Nàng luôn chu đáo lo toan trong ngoài.
Nàng và Trương Sinh cũng tâm đầu ý hợp không bao giờ xảy ra to tiếng, cãi vã bất hòa bởi Vũ Nương luôn coi lời chồng và mẹ chồng là quan trọng nhất.
=> Với đức tính ngoan hiền, dịu dàng, thùy mị nết na của mình Vũ Nương luôn giữ gìn gia đình của mình hạnh phúc ấm êm.
- Trương Sinh gia nhập quân ngũ:
Vũ Nương vừa luôn giữ tròn đạo vợ hiền, dâu thảo, nàng chăm sóc mẹ chồng, giữ gìn đức hạnh mới mang thai.
Mẹ chồng của nàng ốm bệnh, dù đã cố gắng chạy chữa thuốc thang nhưng bà không qua khỏi mà mất đi, bỏ lại Vũ Nương một mình với đứa con nhỏ.
=> Dù xa chồng nhưng Vũ Nương chờ chồng, thủy chung trước sau như một. Không một chút tà tâm, hay có lòng dạ không chung thủy, yếu lòng với ai đó. Nàng còn là nàng dâu hiếu thảo chăm sóc mẹ chồng chu đáo như cha mẹ đẻ của mình.
Chi tiết nàng chỉ bóng mình trên tường và bảo đó là cha cuả bé Đản cũng suất phát tờ tấm lòng của người làm mẹ . Để con mình vơi bớt đi nỗi thiếu vắng tình cảm của người cha .
=> Ta có thể thấy rõ tuy Vũ Nương phải chăm lo cho gia đình nhà chồng nhưng nàng vẫn làm tròn bổn phận của người làm mẹ.
- Trương Sinh trở về và cái chết oan khuất của Vũ Nương
Khi về tới nhà nghe tin mẹ mất Trương Sinh đau xót vô cùng, anh chàng liền bế con trai của mình đi ra mộ mẹ thắp hương cho mẹ yên lòng. Nhưng thằng bé cứ khóc mãi không chịu nín nó nhất định không chịu nhận Trương Sinh là cha. Nó bảo Cha nó tối nào cũng tới.
Trương Sinh nóng tính, hay ghen, lại quá đa nghi nên vội vã tin lời con trẻ, không cho vợ được giải thích mà đùng đùng nổi giận đuổi vợ ra khỏi nhà. Quá đau đớn vì không thể thanh minh sự trong sạch của mình nên Vũ Nương đã nhảy xuống sông Nhị Hà tự vẫn. Trước nỗi oan khuất quá lớn Vũ Nương không thể nào sống tiếp trên cõi đời này được nữa.
Người con gái tên Vũ Nương đó đã phải chết trong oan khuất, tủi hờn như vậy. Nhưng do phẩm giá cao quý và đức hạnh của nàng đã làm trời đất cảm động.
Cuối cùng thì nàng cũng được giải oan, khi mà Trương Sinh trong một đêm không ngủ ngồi soi bóng mình trên tường thì con trai anh nhìn thấy nó vui mừng nói lớn "Cha con đó". Trương Sinh biết mình đã nghi oan cho vợ nhưng hối hận thì đã muộn màng.
Còn Vũ Nương sau khi chết được cứu giúp rồi được lập đàn siêu thoát bay về trời làm tiên nữa, thoát kiếp con người khổ đau bất hạnh
* Liên hệ: Qua hình ảnh nhân vật Vũ Nương như hình mẫu phụ nữ lý tưởng thời xưa em có thể liên hệ với hình ảnh phụ nữ của xã hội Việt Nam hiện nay: có công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống, có cơ hội học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, các đoàn thể, câu lạc bộ, có thời gian hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cho bản thân....
3. Kết
Chuyện người con gái Nam Xương nhằm tố cáo tội ác của chế độ phong kiến, người đàn ông luôn cậy quyền lực mà đàn áp người phụ nữ khiến cho nhiều người phụ nữ phải chịu thiệt thòi, oan khuất.
Nhân vật Vũ Nương là người con gái hiền dịu nết na, là tấm gương cho nhiều nhiều phụ nữ noi theo. Cô là người đức hạnh, hiền thục rất tiếc rằng cuộc đời lại không cho cô gặp được một người chồng tốt, không cho cô được quyết định hạnh phúc của đời mình.
Xem thêm : Đáp án đề Toán thi vào lớp 10 THPT chuyên Hà Nam 2018 - 2019