Trang chủ

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn sử chuyên Hà Nội năm 2018

Xuất bản: 10/06/2018 - Tác giả: Hiền Phạm

Đề thi chính thức kèm hướng dẫn đáp án môn sử chuyên thi vào lớp 10 THPT chuyên sở giáo dục và đào tạo Hà Nội năm 2018.

Đề thi chính thức:

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ΗÀ NỘI

ĐỂ CHÍNH THỨC

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2018 - 2019

Môn thi: LỊCH SỬ

Ngày thi: 09 tháng 6 năm 2018

Thời gian làm bài: 150 phút



Câu I (2,0 điểm)

Em hãy cho biết :

1.Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất ảnh hưởng tới cách mạng Việt Nam (1919 - 1925) như thế nào ?

2. Sự kiện lịch sử thế giới nào đã tác động đến việc Nguyễn Ái Quốc xác định con đường cứu nước mới ở Việt Nam ? Tại sao?

Câu II (2,5 điểm)

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố và mở rộng như thế nào ? Nêu vai trò của mặt trận dân tộc thống nhất đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Câu III (2,5 điểm)

Nêu và phân tích những thắng lợi quân sự của quân và dân ta tác động trực tiếp đến việc Mĩ chấp nhận đàm phán chính thức và kí kết Hiệp định Pa-ri năm 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Qua đó, cho biết mối quan hệ giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Câu IV (3,0 điểm)

Với diện tích rộng lớn và dân số đông nhất thế giới, châu Á từ sau năm 1945 đã có nhiều thay đổi to lớn và sâu sắc.

(Trích Lịch sử 9 - NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)

Hãy làm rõ nhận định trên và cho biết vị thế của Việt Nam trong sự “thay đổi to lớn và sâu sắc” đó.

............Hết...............

Hướng dẫn làm bài:

Câu 1:

1. Ảnh hưởng của tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất tới cách mạng Việt Nam (1919-1925)

- Các nước thắng trận họp Hội nghị Vecxai để phân chia lại thế giới, thiết lập một trật tự hòa bình, an ninh thế giới mới nhằm đem lại quyền lợi cho các nước thắng trận.

- Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga 1917 giúp Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho Việt Nam đó là con đường cách mạng vô sản.

- Sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới:

+ Phong trào giải phóng dân tộc phương Đông và phong trào công nhân ở phương Tây có sự gắn bó chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc.

+ Tháng 3/1919, Quốc tế cộng sản ra đời. Đây là cơ quan lãnh đạo cao nhất của phong trào cách mạng thế giới. Được sự quan tâm của Quốc tế cộng sản, phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh mẽ trong đó có cách mạng Việt Nam.

+ Nhiều Đảng cộng sản các nước đã ra đời như Đảng cộng sản Đức (1919), Đảng cộng sản Anh (1920)...

=> Những sự kiện này đã tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc.

- Sự ra đời của Đảng cộng sản Pháp (1920) và Đảng cộng sản Trung Quốc (1921) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thanh niên Việt Nam yêu nước đang hoạt động tại Pháp và Trung Quốc có điều kiện tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, sau đó truyền bá về nước, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

2. Sự kiện thế giới nào đã tác động đến việc Nguyễn Ái Quốc xác định con đường cứu nước mới cho Việt Nam? Tại sao?

- Sự kiện thế giới tác động đến việc Nguyễn Ái Quốc xác định con đường cứu nước mới cho Việt Nam đó là sự kiện thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga với sự ra đời của nước Nga Xô Viết.

- Do:

+ Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đưa Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, gợi mở cho Người con đường giải phóng dân tộc, hợp với trào lưu của thời đại và phương hướng phát triển phù hợp với lòng dân. “Như người đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”.

+ Cách mạng Tháng Mười Nga đã gián tiếp chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cách mạng và mở ra triển vọng tươi sáng cho dân tộc Việt Nam. Khi Nguyễn Ái Quốc quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.

Câu II:

1. Quá trình củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954).

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với chủ trương cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta rất chú trọng công tác xây dựng, củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, Đảng lại chủ trương mới trong xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của tình hình cách mạng.

- Từ năm 1930 đến 1945: không có thời kỳ nào vắng bóng tổ chức Mặt trận. Hội Phản đế đồng minh (11/1930), Mặt trận Thống nhất Nhân dân phản đế Đông Dương (11/1936), Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương (3/1938) và Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) đã lần lượt ra đời, cùng với Đảng động viên, tổ chức các tầng lớp Nhân dân đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành lại quyền làm người và quyền làm chủ đất nước, lập nên Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

- Từ năm 1946 đến năm 1954, mặt trận đân tộc thống nhất càng được củng cố và mở rộng:

+ Năm 1946 giữa lúc nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa ra đời phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn, một Ban Vận động thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam gồm 27 người với đại biểu Việt Minh là Hồ Chí Minh, được thành lập nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc.

+ Năm 1951, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào giai đoạn quyết liệt, thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", yêu cầu tập hợp các hình thức tổ chức Mặt trận để đoàn kết động viên toàn dân ta tập trung sức người sức của đẩy mạnh kháng chiến trở nên cấp bách. Với các chủ trương đường lối đúng đắn Đảng Lao động Việt Nam và sự ủng hộ tích cực của các Đảng Xã hội Đảng Dân chủ, các tổ chức chính trị, các nhân sĩ trí thức trong Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt, hai tổ chức Mặt trận được hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt.

2. Vai trò của mặt trận dân tộc thống nhất đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954)

Các mặt trận thống nhất đóng vai trò quan trọng đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp đông đảo lực lượng tham gia cách mạng.

- Phối hợp hành động, góp phần tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, đấu tranh chống thủ đoạn chính trị, văn hóa của địch, củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang Nhân dân.

- Góp phần vào tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương với việc hợp nhất, thành lập Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào. Nhờ đoàn kết trong nước, chúng ta đã mở rộng và phát triển đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và hợp tác của bạn bè khắp năm châu.

Câu III:

* Những thắng lợi quân sự của quân và dân ta tác động trực tiếp đến việc Mỹ chấp nhận đàm phán chính thức và kí kết Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

- Những thắng lợi quân sự của quân và dân ta tác động trực tiếp đến việc Mỹ chấp nhận đàm phán chính thức Hiệp định Pari:

+ Thắng lợi của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ.

+ Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mĩ, buộc Mỹ tuyên bố “phi Mỹ hóa” chiến tranh xâm lược, tức là thừa nhận sự thất bại của Chiến tranh cục bộ, tuyên bố chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Pari.

- Những thắng lợi quân sự tác động đến việc Mỹ kí kết Hiệp định Pari:

+ Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giáng một đòn nặng nề vào chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, buộc Mỹ tuyên bố “Mỹ hóa” trở lại tức là thừa nhận sự thất bại của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.

+ Thắng lợi của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của nhân dân miền Bắc đặc biệt là thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã buộc Mỹ tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và kí hiệp định Pari về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

* Mối quan hệ giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao:

Đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao có mối quan hệ mật thiết, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc.

- Thắng lợi quân sự tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao.

- Thắng lợi ngoại giao với việc kí kết các hiệp định góp phần khẳng định thắng lợi quân sự và đưa đến thắng lợi cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng.

Câu IV:

* Sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945), Châu Á có sự thay đổi to lớn và sâu sắc

- Phong trào cách mạng phát triền mãnh mẽ, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các quốc gia độc lập, làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới. Những quốc gia này sau khi ra đời đã tích cực tham gia vào đời sống chính trị thế giới đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...

- Sau năm 1945, sau khi giành độc lập, nhiều quốc gia Châu Á vươn lên phát triển mạnh mẽ về cả chính trị, kinh tế lẫn khoa học kĩ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nhân loại như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapo...

* Vị thế của Việt Nam:

Việt Nam là một quốc gia nằm ở phía Đông Nam châu Á. Sau năm 1945, Việt Nam cũng có những thay đổi to lớn, góp phần vào sự thay đổi to lớn và sâu sắc của Châu Á

- Thắng lợi của cách mạng Việt Nam góp phần làm thay đổi cục diện tình hình Châu Á và Đông Nam Á, làm thất bại chiến lược của nhiều nước lớn, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng khu vực phát triển, đóng góp cho sự thay đổi của bản đồ chính trị thế giới.

- Sự phát triển của Việt Nam đặc biệt sau năm 1986 với việc tích cực tham gia vào các tổ chức hợp tác thế giới và khu vực đặc biệt là vai trò đối với sự phát triển của ASEAN góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của khu vực và tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực.

----HẾT---

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM