Trang chủ

Đáp án đề thi vào 10 môn Văn chuyên tỉnh Hòa Bình 2018

Xuất bản: 04/06/2018 - Tác giả:

Đáp án tham khảo Văn chuyên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên Hoàng Văn Thụ tỉnh Hòa Bình năm học 2018 - 2019.

Đề thi chính thức:

SỞ GD & ĐT HÒA BÌNHKỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HOÀNG VĂN THỤ NĂM HỌC 2018-2019
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
(DÀNH CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH)
ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Ngày thi: 04/06/2018
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 01 trang, 03 câu)

Câu 1: (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Lãng phí thời gian mà mất tuyệt đối. Thời gian là một dòng chảy thẳng, không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lại. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời, cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này; nền kinh tế tri thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép, con tàu tốc hành của các nước phát triển trong vài giờ, đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh, rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế toàn cầu hiện nay. Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước.

(Phong cách sống của người đời, nhà báo Trường Giang, theo nguồn Internet)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

b. Hãy chỉ ra trong đoạn trích 01 phép liên kết về hình thức.

c. Em hiểu như thế nào về câu văn: “Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ”?

d. Thông qua đoạn trích trên, em hãy nêu ngắn gọn bài học có ý nghĩa nhất đối với bản thân.

Câu 2: (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở câu 1, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 - 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về việc phải làm gì để không lãng phí thời gian.

Câu 3: (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong đoạn trích Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng (Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2014).

Gợi ý làm bài:

Câu 1.

a, Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên: nghị luận. 

b, 1 phép liên kết về hình thức là phép lặp: Thời gian

c, “Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ” Thời gian sẽ liên tục trôi qua mà không biện pháp nào có thể ngăn cản, nó không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Dù bạn có nhanh hay chậm, thời gian vẫn sẽ cứ tuần hoàn trôi đi.

d, Bài học có ý nghĩa nhất: Con người cần biết quý trọng thời gian, biết sử dụng quỹ thời gian của mình cho hợp lý để không bỏ lỡ các cơ hội trong cuộc đời hay hối tiếc vì những gì đã qua. 

Câu 2:

Các em cần đưa ra vấn đề:

- Lãng phí thời gian là sử dụng quỹ thời gian của mình không hợp lí, đề thời gian trôi qua một cách vô ích.

=> Lãng phí thời gian là điều đáng chê trách, lãng phí thời gian cũng đồng nghĩa với việclãng phí cuộc đời của chính mình.

Phân tích:

- Tại sao lãng phí thời gian lại đáng chê trách: Thời gian vũ trụ là vô tận nhưng thời gian cho một đời người là hữu hạn. Nếu lãng phí thời gian bạn sẽ không làm gì được cho cuộc đời của chính mình và cho xã hội.

- Nguyên nhân con người thường lãng phí thời gian: Con người mải miết rong chơi. Con người chưa biết quản lý quỹ thời gian hợp lí.

- Biện pháp khắc phục và sử dụng quỹ thời gian hợp lí:

+ Mỗi người cần tự nhận thức được giá trị của thời gian với cuộc đời để từ đó biết quý trọng thời gian mình có.

+ Lập thời gian biểu để sử dụng thời gian hợp lí.

+ Tận dụng tối đa thời gian để học tập và làm việc.

+ Tạo bản thân thói quen làm việc đúng giờ.

+ ...

Liên hệ với bản thân: Em đã làm gì để sử dụng quỹ thời gian của mình hợp lí?

Câu 3. Tham khảo 1 trong 2 dàn ý sau:

Dàn ý 1:

1. Mở bài

– Giới thiệu qua về tác phẩm và tác giả Nguyễn Quang Sáng và truyện ngắn “Chiếc lược ngà’ được sáng tác vào năm 1966 khi miền bắc nước ta đang trong thời kỳ hòa bình còn miền nam vẫn đang trong ách thống trị của đế quốc Mỹ. Nhiều người con đất bắc phải lên đường vào nam để tham gia cuộc kháng chiến ác liệt.

2. Thân bài

– Khái quát cảnh ngộ của bé Thu ba bé đi chiến đấu từ khi bé còn rất nhỏ, nên hình ảnh người cha trong bé vô cùng ít ỏi . Gia đình chỉ cho bé xem hình ba mà thôi.

- Với một đứa trẻ chỉ biết mặt ba qua ảnh chắc chắn bé cô bé Thu sẽ không thể nào tiếp nhận một người đàn ông bằng xương bằng thịt làm ba mình ngay được. Chính điều này đã gây ra những bi kịch giằng xé khi ba cô bé về thăm nhà mấy ngày được ở bên con mấy ngày.

– Qua sự miêu tả về tính cách thì hình ảnh bé Thu là một cô bé cá tính, khá ngang ngạnh nhưng cũng vô cùng sâu sắc và nhiều tình cảm. Bé giống như một con nhím nhỏ thu mình trong chiếc áo da gắn toàn những chiếc gai nhọn, nhưng bên trong là lớp thịt mềm mại, yếu đuối.

- Tác giả Nguyễn Quang Sáng thật sự có tài miêu tả, và cũng rất có tâm với nhân vật của mình nên mới có thể miêu tả nhân vật thu vừa ngang ngạnh ” bà cụ non” vừa ngây thơ trong sáng, nét hồn nhiên trong veo của một đứa trẻ được tác giả miêu tác khiến người đọc vừa giận vừa thương vừa buồn cười.

- Khi bảo Thu ra gọi ba vào ăn cơm Thứ nhất định không chịu và nhất định không nhận người đàn ông lạ mặt trong nhà làm cha.

- Ngòi bút nhà văn khẳng định một nhân vật giàu tình cảm,có cá tính mạnh mẽ,kiên quyết nhưng vẫn hồn nhiên,ngây thơ.

* Diễn biến tâm lý của nhân vật Thu chia thành hai giai đoạn:

– Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn khi nhân vật Thu chưa nhận ba, lúc này cô bé Thu đúng là một con nhím xù lông lên với người cha của mình, ương bướng nhất quyết không chịu nhận ba, dù đó là người cha mà Thu luôn mong muốn có và ngày đêm mong chờ gặp mặt từ khi mới sinh ra.

- Giai đoạn thứ hai là giai đoạn mà Thu đã nhận cha.

+ Lúc này nhân vật Thu đã gỡ bỏ tấm áo bằng toàn gai nhọn của mình xuống thể hiện rõ là một cô bé hồn nhiên trong veo, thèm khát sự yêu thương của cha. Thu không muốn xa cha muốn cha mãi bên mình.

+ Sự ân hận của cô bé khi biết cha lại phải lên đường đi đánh giặc, ánh mắt lo lắng, tâm trạng tiếc nuối những ngày ở gần cha mà không yêu thương cha khiến cho nhân vật Thu òa khóc, bộc lộ rõ tính cách của một đứa trẻ trước một điều không như ý, bất lực.

+ Hình ảnh chia tay của nhân vật Thu và người cha khiến cho người đọc rơi lệ, bởi tác giả Nguyễn Quang Sáng đã viết rất sâu sắc, vừa bình dị trong cách kể vừa khai thác tâm lý nhân vật rất chi tiết khiến độc giả như muốn khóc theo nhân vật Thu vậy.

+ Trong giai đoạn hiện nay khi đất nước không còn chiến tranh nữa tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình do kế sinh nhai mà người thân trong gia đình phải lên đường đi làm ăn xa là những người con chúng ta cần biết yêu thương trân trọng tình cảm gia đình mình. Không nên để cái gì mất đi rồi mới biết tiếc nuối.

3. Kết bài

Truyện ngắn "Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một truyện ngắn hay để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc vui có, buồn có, bực dọc có thông qua nhân vật Thu tác giả đã nói lên tình cảm cha con ruột thịt rất thiêng liêng đáng trân trọng. Đồng thời qua tác phẩm này tác giả muốn lên án chiến tranh bởi chiến tranh làm cho nhiều gia đình phải ly tán.

Dàn ý 2:

1) Mở bài :

- Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng là một truyện ngắn về tình cha con sâu nặng.

- Với nhân vật chính là bé Thu – một cô bé đã phải lớn lên trong một gia đình vắng bóng người cha.

2) Thân bài:

* Luận điểm 1: Bé Thu trong những ngày đầu gặp cha

- Luận cứ 1: Lúc mới gặp cha

+ Giật mình, tròn mắt nhìn, ngơ ngác , lạ lùng.

+ Mặt tái đi, vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!”.

=> Sự hồn nhiên ngây thơ, ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi.

- Luận cứ 2: Những ngày ông Sáu ở nhà

+ Anh Sáu càng vỗ về thì lại càng đẩy ra.

+ Không chịu gọi anh Sáu là ba, cứ xem như người lạ.

+ Không chịu gọi ba vào ăn cơm, thấy má giận nó chỉ nói trổng.

+ Nhờ anh Sáu chắt nước nồi cơm một cách miễn cưỡng, tiếp tục nói trổng.

+ Được anh Sáu gắp trứng vào tô nhưng lại hất ra, tuy bị đánh nhưng không khóc rồi chạy sang nhà ngoại.

=> Thể hiện sự mạnh mẽ, pha chút bướng bỉnh.

* Luận điểm 2: Khi bé Thu đã nhận ra cha mình

- Nhận ra tình cha con thật chất, lòng vô cùng ân hận.

- Không còn bướng bỉnh, lạnh lùng.

- Hôn khắp người, ôm chặt không cho cha đi.

=> Lòng thương cha vô bờ bến, biết hối hận về những gì mình đã làm.

3) Kết bài :

- Bé Thu tuy có nhiều tính cách khác nhau nhưng suy cho cùng vẫn là một cô bé rất yêu thương cha.

- Bằng cách miêu tả tâm lí và xây dựng hình ảnh nhân vật bé Thu sâu sắc, tác giả đã đem đến người đọc một câu chuyện về tình cha con cảm động.

Nếu không hiển thị đầy đủ đáp án, bạn hãy click vào link dưới đây:

https://doctailieu.com/dap-an-de-thi-vao-10-mon-van-chuyen-tinh-hoa-binh-2018

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM