Đề Bài
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIA LAI ĐỀ CHÍNH THỨC | KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 CHUYÊN NĂM HỌC 2018 - 2019 MÔN THI: NGỮ VĂN (Không chuyên) Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề) |
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
BÀN TAY YÊU THƯƠNG
"Trong một tiết dạy vẽ, cô giáo bảo các em học sinh lớp một vẽ về điều gì đã làm các em thích nhất trong đời.
Cô thầm nghĩ: “Chắc rồi các em cũng lại vẽ những gói quà, những ly kem, hoặc những món đồ chơi, quyển truyện tranh”. Thế nhưng cô đã hoàn toàn ngạc nhiên trước một bức tranh lạ của em học sinh tên Douglas: Bức tranh vẽ một bàn tay.
Nhưng đây là bàn tay của ai? Cả lớp bị lôi cuốn bởi hình ảnh đầy biểu tượng này. Một em đoán:
- Đó là bàn tay bác nông dân.
Một em khác cự lại:
- Bàn tay thon thả thế này phải là bàn tay của một bác sĩ giải phẫu.
Cô giáo đợi cả lớp bớt xôn xao dần rồi mới hỏi tác giả. Doulas cười ngượng nghịu:
- Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ!
Cô giáo ngẩn người ngỡ ngàng, cô nhớ lại những lúc ra chơi cô thường dùng bàn tay để dắt Doulas bước ra sân, bởi em là một cô bé khuyết tật, khuôn mặt không được xinh xắn như các em khác, gia cảnh từ lâu lâm vào cảnh ngặt nghèo. Cô chợt hiểu ra tuy cô vẫn làm điều đó tương tự với các em khác nhưng hóa ra đối với Doulas bàn tay cô mang ý nghĩa sâu xa, một biểu tượng của tình yêu thương."
Câu 1 (0,5 điểm): Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản
Câu 2 (0,5 điểm): Xác định và gọi tên thành phần biệt lập được sử dụng trong câu: “Thưa cô, đó là bàn tay của cô ạ".
Câu 3 (1,0 điểm): Thông điệp rút ra từ văn bản trên là gì ?
Câu 4 (1,0 điểm): Nếu được cô giáo yêu cầu vẽ về một điều mà em thích nhất thì em sẽ vẽ gì? Vì sao? (Viết từ 5-7 câu)
II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Từ hình ảnh bàn tay cô giáo trong văn bản phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ những suy nghĩ của bản thân về mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh trong xã hội hiện nay.
Câu 1 (5,0 điểm) Phân tích nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" (Nguyễn Thành Long). Từ đó, liên hệ với hình ảnh người lính trong tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật) để rút ra được nét chung về vẻ đẹp của con người Việt Nam qua văn học.
- HẾT -
Đáp án Đề thi vào lớp 10 môn Văn - THPT chuyên Gia Lai 2018
Phần I. Đọc - Hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính là: Tự sự
Câu 2: Thành phần biệt lập gọi đáp: "Thưa cô"
Câu 3: Thông điệp mà đoạn văn truyền tải là hãy sống một cuộc sống chan hòa, yêu thương thầy cô, bạn bè.
Câu 4: Học sinh tự làm.
Các em cần nêu tới hình ảnh mà các em mong muốn vẽ và nêu được lý do về hình ảnh đó.
Phần II. Làm văn
Câu 1: Tham khảo một số gợi ý sau để hoàn thành đoạn văn của mình
* Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
* Thân đoạn: Bàn luận.
+ Giải thích: Tình thầy trò là gì ? Tình thầy trò là mối quan hệ tình cảm đặc biệt giữa người dạy với người học.
+ Quan niệm của dân tộc ta từ xưa đến nay về tình cảm thầy trò như thế nào ? Từ xưa, tình thầy trò là một tình cảm thiêng liêng góp phần tạo nên đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, tình cảm đó vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy.
+ Tình thầy trò được thể hiện trong trường hiện nay như thế nào? Thời gian và không gian hình thành tình thầy trò... Tình cảm thầy trò được xây dựng từ cơ sở nào ? (tình cảm của trò đối với thầy; tình cảm của thầy đối với trò).
+ Phản đề: Nói chung từ xưa đến nay tình thầy trò là tốt đẹp, nhưng cá biệt trong lớp học, trong nhà trường, cũng có những học trò chưa có mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô; và ngược lại cũng có những thầy cô giáo chưa có mối quan hệ tốt với học trò, thậm chí có trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức của người học sinh.
* Bài học nhận thức và hành động: Muốn cho tình cảm ấy ngày càng tốt đẹp thì mỗi chúng ta cần phải nghĩ gì, làm gì để tình cảm ấy bền vững hơn, thiêng liêng hơn?
Câu 2: Các em có thể tham khảo 2 dàn ý chi tiết sau đây:
Dàn ý 1:
1. Mở bài: Giới thiệu chung
- Giới thiệu về 2 tác giả và 2 tác phẩm.
- Hai tác phẩm đều viết về sự cống hiến của tuổi trẻ đối với đất nước trong kháng chiến chống Mỹ
- Nêu luận đề vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam
2. Thân bài:
a) Hai nhân vật: anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” và người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” có những điểm khác nhau :
- Hoàn cảnh sống khác nhau :
+ Anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, quanh năm làm bạn với cỏ cây mây núi Sa Pa.
+ Người lính lái xe Trường Sơn trên những chiếc xe không kính, hỏng hóc, mất mát tới trần trụi trong những năm kháng chiến chống Mĩ.
- Công việc khác nhau :
+ Anh thanh niên trong mặt trận xây dựng CNXH: làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, góp phần vào dự báo thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.
+ Người lính lái xe trực tiếp đối mặt với hiểm nguy trong chiến tranh chống Mĩ, chở lương thực, vũ khí, đạn dược ra chiến trường, phục vụ chiến đấu.
b) Tuy hoàn cảnh sống và công việc khác nhau nhưng ở họ đều có những vẻ đẹp chung :
- Nhiệt tình, dũng cảm cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân
+ Anh thanh niên vượt lên hoàn sống đặc biệt, nhiệt tình, say mê, yêu nghề, có trách nhiệm cao trong công việc. (phân tích dẫn chứng)
+ Người lính lái xe Trường Sơn bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. (phân tích dẫn chứng)
- Lí tưởng sống đẹp
+ Anh thanh niên quan niệm: hạnh phúc là được sống có ích, được phục vụ Tổ quốc, nhân dân. (phân tích dẫn chứng)
+ Người lính lái xe có lí tưởng chiến đấu cao đẹp: vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (phân tích dẫn chứng)
- Đời sống nội tâm phong phú
+ Anh thanh niên cởi mở, hiếu khách, sống sôi nổi, hồn nhiên với những thú vui lành mạnh. (phân tích dẫn chứng)
+ Những người lính lái xe tinh nghịch, lạc quan, yêu đời (phân tích dẫn chứng)
c) Suy nghĩ của bản thân
- Vấn đề cống hiến của tuổi trẻ: hai nhân vật đã cho thấy sự cống hiến của họ trong quá khứ để làm nên đất nước hôm nay.
- Thế kỉ XXI có những yêu cầu với thế hệ trẻ giống hôm qua nhưng cũng có những yêu cầu khác (do bối cảnh lịch sử, xã hội, thời đại ...)
- Dù ở hoàn cảnh nào tuổi trẻ hôm nay cũng luôn hiểu rõ:cống hiến (trong mọi điều kiện và hoàn cảnh) là mục đích của tuổi trẻ.
- Trong thực tế có những bạn trẻ chỉ nghĩ đến hưởng thụ mà quên mất phải cống hiến ...
- Nét đẹp của hai nhân vật là tấm gương, là hành trang vào đời của tuổi trẻ hôm nay.
3. Kết bài: Khẳng định vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam; thành công của hai tác phẩm trong việc xây dựng hình tượng tiêu biểu cho vẻ đẹp ấy.
Dàn ý 2:
1. Giới thiệu chung:
- Tác giả:
+ Là cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi cách mạng Việt Nam thời kì chống Pháp.
+ Thành công ở truyện ngắn và kí.
+ Tác phẩm của Nguyễn Thành Long tập trung phản ánh vẻ đẹp của con người Việt Nam mới trong lao động và trong chiến đấu.
+ Lối viết vừa chân thực, giản dị, vừa giàu chất trữ tình.
- Tác phẩm: Được viết vào mùa hè năm 1970 – là kết quả chuyến công tác lên Lào Cai của tác giả
- Anh thanh niên được miêu tả qua cái nhìn của nhiều nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư... Từ những điểm nhìn ấy tác giả dân khám phá khắc họa những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn anh.
2. Phân tích vấn đề
a. Là con người thiết tha yêu cuộc sống:
- Được thể hiện qua tình cảm gắn bó, quan tâm, gần gũi của anh với những người xung quanh.
+ Thèm người, nhớ người, mong được trò chuyện anh đã dùng khúc gỗ chắn ngang đường.
+ Anh là người có trái tim biết yêu thương sẻ chia, thân thiện: gửi củ tam thất cho vợ bác lái xe, trò chuyện cởi mở, tặng hoa, tặng quà ăn đường cho người vừa mới gặp lần đầu là ông họa sĩ, cô kĩ sư.
- Anh còn là người có tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách:
+ Biết tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình: trồng hoa trước nhà.
+ Biết tổ chức một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp, tìm cho mình những thú vui lành mạnh: căn nhà anh ở sạch sẽ, đọc sách.
b. Là con người sống có lí tưởng, có niềm say mê và trách nhiệm với công việc.
- Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:
+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn mét so với mặt biển, anh dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.
+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”
+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, giúp không quân bắn rơi máy bay.
- Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:
+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.
+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.
=> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.
- Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:
+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc đựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu).
+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét => tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.
+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cô kĩ sư. Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.
=> Anh là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.
c. Nghệ thuật khắc họa nhân vật
- Ngôi kể: ngôi thứ 3, điểm nhìn trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông họa sĩ, ngoài ra còn có điểm nhìn của cô kĩ sư và bác lái xe. Khiến cho câu chuyện về nhân vật trở nên khách quan, chân thực, có cái nhìn nhiều chiều về nhân vật.
- Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, Sa Pa.
Tạo tình huống ấy khiến tác giả giới thiệu nhân vật một cách thuận lợi, nhất là để nhân vật ấy hiện lên qua cái nhìn, ấn tượng của các nhân vật khác. Từ đó làm cho hình tượng của anh thanh niên trở nên khách quan, chân thực.
d. Liên hệ với Bài thơ tiểu đội xe không kính
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Vẻ đẹp của người lính trong tác phẩm:
+ Ngang tàng, hiên ngang, dũng cảm, kiên cường
+ Tình đồng đội sâu nặng
+ Lí tưởng cao đẹp, sẵn sàng cống hiến, hi sinh cho đất nước.
- Điểm gặp gỡ giữa hai tác phẩm: họ đều là những con người có phẩm chất cao đẹp, có lí tưởng sống đẹp đẽ, sẵn sàng cống hiến, hi sinh cho tổ quốc (Anh thanh niên cống hiến cả tuổi thanh xuân, niềm vui khi được cống hiến cho đất nước. Những người lính lái xe sẵn sàng lên đường, không sợ hiểm nguy đến tính mạng). Họ chính là biểu tượng đẹp đẽ của con người Việt Nam trong thời kì chống Mĩ: hăng say, cần cù lao động, người anh hùng trong chiến đấu.
3. Tổng kết
- Tác phẩm đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình dị, mà tiêu biểu là anh thanh niên.
- Truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
Tham khảo bài văn mẫu:
* Phân tích nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa
Nếu không tự động cập nhật được đáp án, các em xem tại đây:
https://doctailieu.com/dap-an-de-thi-van-lop-10-chuyen-gia-lai-2018