Trang chủ

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 của Sở Bà Rịa Vũng Tàu

Xuất bản: 07/05/2024 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 của Sở Bà Rịa Vũng Tàu với bài đọc hiểu Việc đi học ở một trường phổ thông nổi tiếng khiến tôi cảm thấy khó chịu

Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.

Đề thi thử tuyển sinh vào 10 môn Văn này bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề thi thử vào 10 môn văn 2024 của Sở Bà Rịa Vũng Tàu

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản:

Việc đi học ở một trường phổ thông nổi tiếng khiến tôi cảm thấy khó chịu. Quả thật, nhìn bạn bè cùng lớp diện những bộ cánh sành điệu và đi trên những chiếc xe đắt tiền mà tôi thấy tủi thân. Tôi biết mình không bao giờ theo kịp bạn bè nên luôn cảm thấy xấu hổ, tự ti. Tôi cứ phải mặc đi mặc lại những bộ quần áo cũ rích.

Hoàn cảnh gia đình tôi khá khó khăn và tôi biết bố mẹ đã rất vất vả để nuôi nấng chị em tôi. Thế nhưng, việc bị lạc hậu so với bạn bè lại khiến tôi hết sức khổ sở.

Một hôm, trên đường đi học về, tôi đi ngang qua một cửa hàng thời trang và nhìn thấy một chiếc váy rất đẹp được trưng bày trong tủ kính. Tôi đứng ngẩn ra và tự nhủ phải có được nó bằng mọi cách. Tối hôm đó, tôi nằng nặc xin mẹ mua chiếc váy đó cho mình. Mẹ khẽ cau mày rồi hỏi lại:

- Con thật sự cần nó à?

- Vâng! - Tôi trả lời chắc chắn. - Con rất cần nó mẹ ạ!

Không hỏi gì thêm, mẹ dắt tôi đến cửa hiệu mà hôm trước tôi đã nhìn thấy. Mẹ quyết định sẽ ngồi ngoài chờ và bảo tôi cứ thoải mái chọn lựa. Có quá nhiều thứ khiến tôi choáng ngợp. Thế rồi, khi đã chọn được bộ váy ưng ý, tôi tung tăng theo mẹ về nhà mà chẳng cần biết mẹ đã trả bao nhiêu cho nó.

Thời gian trôi qua… Một hôm, tôi vào dọn phòng cho bố mẹ. Khi tôi đang mải lau chùi sàn gỗ thì bất ngờ, cánh cửa tủ quần áo của bố mẹ mở ra. Tôi tò mò nhìn vào và những gì trông thấy khiến tôi bật khóc. Ngăn tủ của mẹ chỉ có vỏn vẹn mấy chiếc áo và một vài cái váy đã ngả màu. Tôi bước đến mở cánh tủ còn lại và nhìn vào ngăn quần áo của ba. Trong đó cũng chỉ có vài chiếc áo sơ-mi mà ông đã mặc hết năm này sang năm khác. Đã rất lâu rồi, bố mẹ tôi chẳng sắm sửa gì cho riêng mình.

Cổ họng tôi nghẹn đắng. Trước mắt tôi như hiện ra tất cả những khó nhọc mà bố mẹ đã trải qua. Đến bây giờ, tôi mới hiểu hết sự hy sinh to lớn của bố mẹ. Tôi nhìn mình trong gương, hối hận với những suy nghĩ nông cạn của mình. Quần áo không làm nên con người cũng như sự ganh đua không làm nên cuộc sống. Chỉ có sự hy sinh và tình yêu thương vô điều kiện mới làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

(Trích Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr.58-60)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định hai phép liên kết câu trong đoạn trích sau: Hoàn cảnh gia đình tôi khá khó khăn và tôi biết bố mẹ đã rất vất vả để nuôi nấng chị em tôi. Thế nhưng, việc bị lạc hậu so với bạn bè lại khiến tôi hết sức khổ sở.

Câu 2. Em hiểu như thế nào về ý kiến: Quần áo không làm nên con người cũng như sự ganh đua không làm nên cuộc sống?

Câu 3. Từ thái độ, hành động và suy nghĩ của nhân vật “tôi” trong văn bản trên, em hãy rút ra ít nhất hai bài học cho bản thân.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong bài thơ Đồng Chí, nhà thơ Chính Hữu viết:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Đồng chí!

Cảm nhận của em về đoạn thơ trên.

(SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2011, tr.128)

-HẾT-

(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 của Sở Bà Rịa Vũng Tàu

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. 

- Chỉ ra 02 trong số các phép liên kết câu sau:

+ Phép lặp: tôi

+ Phép nối: thế nhưng

+ Liên tưởng: khó khăn, vất vả, lạc hậu, khổ sở

Câu 2. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo ý cơ bản sau: Quần áo chỉ làm nên vẻ bề ngoài, chứ không làm nên phẩm chất, nhân cách bên trong của một con người. Cũng như sự đua đòi, chạy theo vật chất bên ngoài không làm cho cuộc sống mỗi người trở nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn.

Câu 3. HS nêu ít nhất 02 bài học hợp lý, thuyết phục. (Lưu ý: Học sinh chỉ nêu hai bài học vẫn được 1,0 điểm)

II. LÀM VĂN 

Câu 1 

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái. Dưới đây là một số gợi ý:

- Sự hy sinh của cha mẹ xuất phát từ tình yêu thương con vô bờ, mong muốn mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất. Đó là sự hy sinh tự nguyện, trọn đời từ vật chất đến tinh thần.

- Con cái cần phải biết ơn, kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ; luôn biết yêu thương, quan tâm đến bậc sinh thành và mọi người xung quanh,…

Câu 2

* Giới thiệu được tác giả, tác phẩm, đoạn thơ.

* Nội dung: Cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính.

- Có chung hoàn cảnh xuất thân: đều là những chàng trai dân cày vất vả, đến từ vùng quê nghèo “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”; vì đồng cảnh nên những người lính dễ đồng cảm, thân thiết với nhau.

- Có chung lý tưởng, lòng yêu nước: trong chiến đấu, những người lính đồng lòng “súng bên súng, đầu sát bên đầu” đánh giặc.

- Cùng chia sẻ mọi gian lao, thiếu thốn: trong cuộc sống, những người lính sẵn sàng đồng cam cộng khổ “bát cơm sẻ nửa – chăn sui đắp cùng”.

- Đoạn thơ thể hiện sự vận động thay đổi trong tình cảm của người lính “xa lạ - quen nhau – tri kỉ - đồng chí”, từ đó khắc họa sự gắn bó chặt chẽ, sâu nặng, thiêng liêng của những người lính.

* Nghệ thuật:

- Thể thơ tự do với những câu dài ngắn đan xen đã giúp nhà thơ diễn tả hiện thực và bộc lộ cảm xúc một cách linh hoạt.

- Hình ảnh thơ cụ thể, xác thực mà giàu sức khái quát. Ngôn ngữ thơ hàm súc, cô đọng, tính biểu cảm cao.

- Vận dụng sáng tạo, hiệu quả thành ngữ, biện pháp tu từ,…

-/-

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM