Trang chủ

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2024 THPT Đội Cấn lần 5

Xuất bản: 24/06/2024 - Tác giả:

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2024 THPT Đội Cấn lần 5 với bài đọc hiểu Tại đảo Song Tử Tây (Trường Sa) có một loài cây được công nhận là di sản trên đảo

Mục lục nội dung

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Dưới đây là đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn mẫu số 116 của trường THPT Đội Cấn - Vĩnh Phúc. Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 THPT Đội Cấn lần 5

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:

Tại đảo Song Tử Tây (Trường Sa) có một loài cây được công nhận là di sản trên đảo, đó là cây phong ba. Cây phong ba có khả năng tái sinh bằng hạt và chồi, biên độ sinh trưởng rộng, có thể phát triển tốt ở các vùng biển đảo, chịu được gió bão, nước mặn. Bởi vậy, các đảo ở Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, các thế hệ chiến sĩ Hải quân rất chú trọng phát triển cây phong ba cùng với một số loại cây đặc hữu khác như bàng vuông, mù u, bão táp,… để cải tạo môi trường, lấy bóng mát và chắn gió, cát. Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng cây vẫn chống chọi và vươn mình xanh tốt.

Ở Trường Sa, trung bình một năm hơn 20 trận bão quần thảo. Ngoài bão tố, ban ngày nhiệt độ có khi lớn hơn 40 độ C, cùng với gió Tây Nam thổi mạnh mang theo hơi nước mặn mòi, hầm hập làm cho khí hậu vô cùng khắc nghiệt, đất đai thì khô cằn sỏi đá. Tuy vậy, nhưng loài cây phong ba vẫn sinh trưởng mãnh liệt, luôn xanh tươi đầy sức sống, nở cho đời những chùm hoa trắng nhỏ, đua nhau khoe sắc dưới nắng gió hầm hập của đại dương.

Ngoài tô điểm cho đảo thêm xanh, thêm đẹp, không biết từ bao giờ, phong ba đã trở thành người bạn tâm tình, là biểu trưng cho khí phách kiên cường, tinh thần bất khuất của người lính đảo, không khuất phục trước khó khăn gian khổ, để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

(Theo “Những người hùng phong ba thầm lặng”, Minh Quân)

Câu 1: Theo đoạn trích, cây phong ba có khả năng gì?

Câu 2: Nêu sự gắn bó giữa cây phong ba và người lính hải quân được nói đến trong đoạn trích.

Câu 3: Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn sau: Tuy vậy, nhưng loài cây phong ba vẫn sinh trưởng mãnh liệt, luôn xanh tươi đầy sức sống, nở cho đời những chùm hoa trắng nhỏ, đua nhau khoe sắc dưới nắng gió hầm hập của đại dương.

Câu 4: Hình ảnh cây phong ba Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng cây vẫn chống chọi và vươn mình xanh tốt gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về tuổi trẻ của mình?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

Câu 2. (5,0 điểm)

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.

[…]

( Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD 2020)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét tư tưởng mới mẻ, độc đáo về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Hết

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 Đội Cấn lần 5

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Theo đoạn trích, cây phong ba có khả năng: tái sinh, phát triển tốt ở các vùng biển đảo, chịu được gió bão, nước mặn. Dù thời tiết khắc nghiệt nhưng cây vẫn chống chọi và vươn mình xanh tốt; sinh trưởng mãnh liệt, luôn xanh tươi đầy sức sống.

Câu 2: Sự gắn bó giữa cây phong ba và người lính hải quân: cây phong ba trở thành người bạn tâm tình, là biểu trưng cho khí phách kiên cường, tinh thần bất khuất của người lính đảo.

Câu 3:

- Biện pháp tu từ liệt kê: sinh trưởng mãnh liệt, luôn xanh tươi đầy sức sống, nở cho đời những chùm hoa trắng nhỏ, đua nhau khoe sắc dưới nắng gió hầm hập của đại dương.

- Tác dụng: làm cho câu văn sinh động, hấp dẫn, giàu hình ảnh, tăng sức biểu cảm, tạo giọng điệu lôi cuốn; cung cấp đầy đủ, cụ thể những thông tin về đặc điểm của cây phong ba. Qua đó, tác giả nhấn mạnh, ca ngợi vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của loài cây này.

Câu 4: 

- Hình ảnh cây phong ba “dù thời tiết khắc nghiệt nhưng cây vẫn chống chọi và vươn mình lên xanh tốt” gợi suy nghĩ:

+ Ý chí kiên cường, sẵn sàng vươn lên mọi hoàn cảnh của con người.

+ Thoát ra khỏi vùng an toàn và thử thách bản thân.

+ Theo đuổi đam mê đến cùng.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vai trò của ý nghĩa của việc thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích khái niệm: Vùng an toàn là môi trường quen thuộc, nơi ta cảm thấy thoải mái, yên tâm thể hiện bản thân mà không sợ hãi.

- Bình luận về ý nghĩa của việc thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân:

+ Giúp ta trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ, nâng cao hiểu biết và phát triển bản thân. Thế giới không ngừng biến đổi, những gì ta biết sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời. Bởi thế, nếu không bước ra khỏi vùng an toàn, ta sẽ bị bỏ lại phía sau.

+ Khi bước ra khỏi vùng an toàn, chúng ta sẽ hiểu hơn về bản thân mình, biết được ưu điểm, hạn chế, từ đó sẽ phát hiện ra những năng lực tiềm ẩn của chính mình.

+ Bước ra khỏi vùng an toàn, chúng ta có thêm tự tin, lòng dũng cảm, bởi khi đó, ta buộc phải đối diện với thử thách và rủi ro.

+ Khi bước ra khỏi vùng an toàn, ta sẽ làm nên những điều lớn lao; cuộc sống của ta sẽ có ý nghĩa hơn.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Phê phán những người hèn nhát, thu mình lại trong vỏ ốc.

+ Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc thoát ra khỏi vùng an toàn. Từ đó, dũng cảm đối mặt, vượt qua nỗi sợ hãi…

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, có dẫn chứng thuyết phục.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề. Kết cấu bài làm chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về đoạn thơ, từ đó nhận xét tư tưởng mới mẻ, độc đáo về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ vấn đề. Yêu cầu cụ thể như sau:

*. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích

- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Khoa Điềm, trường ca “Mặt đường khát vọng” và đoạn trích.

- Giới thiệu được yêu cầu của đề bài: vị trí, nội dung của đoạn thơ và tư tưởng mới mẻ về Đất Nước.

* Phân tích đoạn trích:

a.Về nội dung:

- Mạch cảm xúc hội tụ lại ở lời khái quát: “Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân/ Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”. Khái niệm Đất Nước và Nhân dân được viết hoa trang trọng, thể hiện sự gắn bó không thể tách rời giữa Đất Nước và Nhân dân đồng thời nhấn mạnh Nhân dân chính là chủ thể làm ra Đất nước.

- Nhà thơ nhắc đến ca dao thần thoại - hai thể loại tiêu biểu của văn học dân gian, ẩn dụ cho vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của nhân dân lao động.

- Đất nước của nhân dân trong chiều sâu của văn hóa phong tục tập quán. Nhà thơ nhắc đến ba nét đẹp trong tâm hồn nhân dân:

+ Thủy chung, say đắm trong tình yêu

+ Sống trọng tình trọng nghĩa

+ Kiên cường, bất khuất trong đấu tranh

- Bốn câu cuối: nhấn mạnh sức mạnh của nhân dân vượt qua khó khăn, lao động cần cù trên mọi miền của Tổ quốc và góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho văn hóa Việt Nam.

b. Về nghệ thuật:

- Thể thơ tự do với những câu dài, ngắn đan xen linh hoạt, các câu thơ co duỗi nhịp nhàng.

- Giọng thơ trữ tình – chính luận thiết tha, sâu lắng vừa được viết bằng chiều sâu trí tuệ, văn hóa vừa được viết bằng những rung động mãnh liệt của cảm xúc nên rất dễ đi vào lòng người.

- Các chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng nhuần nhị, sáng tạo đem lại sức hấp dẫn cho đoạn trích góp phần thể hiện tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.

- Từ Đất Nước được lặp lại nhiều lần và viết hoa tạo nên sự thành kính, thiêng liêng.

c. Nhận xét tư tưởng mới mẻ, độc đáo về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Qua đoạn trích, Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến tư tưởng mới mẻ, độc đáo về đất nước. Trong khi các nhà thơ, nhà văn khác dựng lên đất nước bằng những hình ảnh kì vĩ, tráng lệ, mang tính biểu tượng thì Nguyễn Khoa Điềm lí giải đất nước từ những gì nhỏ bé, thân quen, bình dị nhất, đưa đất nước về gần hơn với mỗi người. Đồng thời, nhà thơ khẳng định, lí giải tư tưởng đất nước của nhân dân, đề cao vai trò và đóng góp của nhân dân với đất nước.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; có kiến thức lí luận văn học và liên hệ mở rộng.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM