Trang chủ

Đáp án đề KSCL môn Văn 9 năm 2024 quận Ba Đình có đáp án

Xuất bản: 20/05/2024 - Tác giả:

Đáp án đề KSCL môn Văn 9 năm 2024 quận Ba Đình có đáp án chi tiết giúp các em dễ dàng đánh giá cũng như kiểm soát được nội dung khi làm đề thi của mình.

Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi thử vào lớp 10 môn Văn năm học 2024 - 2025 của quận Ba Đình – Hà Nội trong kỳ khảo sát chất lượng vừa diễn ra em nhé:

Đề thi khảo sát

Phần I (6,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan của mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.”.

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022)

1. Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.

2. Chỉ ra một phép tu từ được sử dụng trong câu văn “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”. Theo em, vì sao tác giả nhấn mạnh vào chi tiết khi người con “hôn cả vết thẹo dài bên má của ba”?

3. Dựa vào đoạn trích trên, kết hợp với những hiểu biết về tác phẩm, hãy viết một đoạn văn khoảng 15 câu theo phép lập luận diễn dịch làm rõ tình cảm sâu đậm của nhân vật người con dành cho ba của mình. Trong đoạn văn có sử dụng phép thế và một thành phần biệt lập (gạch dưới, chú thích rõ).

4. Chiến tranh đã làm nhiều gia đình phải ly tán, đau buồn hơn cả là những đứa con còn đỏ hỏn chưa kịp nhận biết cha là ai đã phải chia xa vì chiến tranh như hai nhân vật chính trong đoạn trích. Hãy kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có hoàn cảnh tương tự và ghi rõ tên tác giả.

Phần II (3,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Trong những thế kỉ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn riêng của họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại, những nghệ sĩ, những nhà tư tưởng… đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên bị coi là con ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi… Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.”.

(Trích Suối nguồn, Ayn Rand, NXB Trẻ, 2023)

1. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Chỉ rõ một phép liên kết được sử dụng trong những câu văn in đậm.

2. Theo em, trong đoạn trích trên tác giả nhận định điểm chung của “những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới” là gì?

3. Từ đoạn trích trên cùng trải nghiệm thực tế của bản thân, hãy trình bày suy nghĩ của em (khoảng 2/3 trang giấy thi) về giá trị của người có tầm nhìn.

HẾT

Nhận thấy là cấu trúc đề thi thử vào 10 2024 môn Văn của quận Ba Đình– Hà Nộ đều không có nhiều thay đổi so với cấu trúc đề tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội các năm. Hãy thử sức làm bài trong thời gian 120 phút rồi so sánh đối chiếu với lời giải chi tiết dưới đây sau em nhé.

Đáp án​​​​​​​

Phần I

1.

- HS nêu đúng tên tác giả, tác phẩm:

+ Tác phẩm: Chiếc lược ngà

+ Tác giả: Nguyễn Quang Sáng

- Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Đây là giai đoạn mà cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra rất ác liệt. Truyện được in trong

tập truyện ngắn cùng tên.

2. - HS có thể chỉ ra một trong hai phép tu từ sau:

+ Liệt kê (hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo).

+ Điệp từ (hôn).

- Tác giả nhấn mạnh vào chi tiết bé Thu “hôn cả vết thẹo dài bên má của ba” vì:

+ Bé Thu được nghe bà ngoại giảng giải, Thu hiểu vết thẹo trên mặt ba là chứng tích tội ác của kẻ thù. Sự nghi ngờ được giải tỏa, nó cảm thấy ân hận, hối tiếc.

+ Tình cảm dành cho cha trào dâng trong phút chia tay. Con bé cuống quýt, hối hận, ăn năn hôn lên cả vết thẹo. Với con bé, tất cả những gì thuộc về ba, nó đều yêu thương tha thiết. Qua đó thể hiện tình yêu dành cho ba mãnh liệt, vô bờ.

3.

*Hình thức: (1,0)

- Đảm bảo theo dung lượng yêu cầu, diễn đạt mạch lạc, rõ ý, đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

- Trình bày đoạn văn đúng theo phép lập luận diễn dịch.

- Có sử dụng phép thế và một thành phần biệt lập (gạch chân và chú thích)

*Nội dung: (2,5)

Bám sát ngữ liệu đề bài cho và khai thác hiệu quả các chi tiết, biện pháp nghệ thuật trong tác phẩm để làm nổi bật các ý cơ bản sau:

- Hoàn cảnh của bé Thu: Bé Thu sinh ra trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, cha phải đi lính chiến đấu chống giặc, bé Thu chỉ biết cha qua một tấm ảnh chụp. Sau tám năm dòng xa cách, ông Sáu - cha của bé trở về thăm nhà, trớ trêu thay, bé Thu lại không nhận ra cha và tỏ thái độ lảng tránh ông.

Đến khi bé Thu nhận ra cha cũng là lúc ông Sáu phải trở lại chiến trường.

- Diễn biến:

+ Tiếng gọi ba cất lên trong sâu thẳm tâm hồn bé bỏng của con bé, sự khao khát tình cha con bị kìm nén bỗng bật lên, tiếng gọi suốt tám năm chờ đợi.

+ “Nó vừa kêu vừa chạy xô tới dang hai chân ôm lấy cổ ba nó”. Nó hôn khắp người ông Sáu và hôn cả vết sẹo dài trên má ông. Vết sẹo là chứng tích của tội ác kẻ thù, là nguyên do khiến Thu không nhận ba. Nay em hôn vết sẹo như sự hối lỗi, cũng là thể hiện tình yêu vô bờ dành cho ba.

+ Hai tay Thu ôm chặt cổ ba, chân quắp chặt lấy ba không muốn ông Sáu rời đi: “ Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!” Đây là một ước mơ rất thực. Nó không muốn rời xa ba của mình khi đã nhận ra ba, nó khao khát được bù đắp những thiếu thốn tình cảm mà chiến tranh đã cắt lìa.

- Nghệ thuật: tạo tình huống truyện bất ngờ, độc đáo; lựa chọn ngôi kể phù hợp; miêu tả tâm lý nhân vật nhất là tâm lí trẻ thơ…

- Nhận xét: Bé Thu có tình yêu thương cha mãnh liệt, vô bờ. Miêu tả những biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã một lần nữa tô đậm tình yêu thương ba của cô bé. Qua đó, ta thấy Thu bướng bỉnh, cá tính nhưng cũng rất giàu tình cảm.

4.

- Chuyện người con gái Nam Xương

- Tác giả: Nguyễn Dữ

* Lưu ý: Ghi đúng tên tác phẩm 0,25 điểm; tên tác giả được 0,25 điểm

Phần II

1.

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

- Phép liên kết trong những câu in đậm: Phép lặp.

2.

Điểm chung của “những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới” là: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét.

3.

Bài làm đảm bảo yêu cầu:

* Hình thức: Đúng bài văn nghị luận, có lập luận chặt chẽ, rõ ràng, thuyết phục, diễn đạt sáng rõ, lưu loát, đủ độ dài theo quy định khoảng 2/3 trang giấy thi.

* Nội dung: Vấn đề cần nghị luận: Giá trị của người có tầm nhìn.

a. Giới thiệu vấn đề nghị luận: giá trị của người có tầm nhìn.

b. Giải thích:

- “Người có tầm nhìn”: là người có khả năng nhìn xa trộng rộng, hình dung được bức tranh toàn cảnh rõ nét về tương lai.

c. Bàn luận về biểu hiện và ý nghĩa:

- Biểu hiện:

+ Nhìn nhận đúng đắn về cuộc sống.

+ Phát hiện ra những tiềm năng của bản thân, của xã hội.

+ Lựa chọn những lối đi riêng, độc đáo, đi trước thời đại.

- Ý nghĩa, giá trị:

+ Có những dự đoán chính xác về xu hướng trong tương lai để phát triển bản thân.

+ Tạo nên những thành tựu đột phá về mọi mặt.

+ Góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.

d. Mở rộng vấn đề:

- Trái ngược với người có tầm nhìn là: những con người thiển cận, tư duy theo lối mòn; chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt mà không đầu tư phát triển dài hạn…

e. Bài học liên hệ bản thân: nhận thức đúng đắn, sâu sắc về giá trị của tầm nhìn; tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống; bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên kiến thức xã hội để có cái nhìn bao quát về đời sống…

*Lưu ý: GV chấm linh hoạt, khuyến khích HS có sự sáng tạo hợp lí, điểm thưởng cho những HS có lập luận chặt chẽ, thuyết phục, sáng tạo: Không cho điểm bài làm có suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc.

Vậy là Đọc tài liệu đã bổ sung thêm vào kho tài liệu đề thi thử tuyển sinh môn Văn dành cho các em. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM