Để lập được đàn ý phân tích tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà đầy đủ nhất thì trước hết các em cần gạch ra cho mình một bố cục sẵn những ý chính, luận điểm chính. Sau đó tiến hành bổ sung các chi tiết, tình huống cần phân tích dựa trên các ý đó.
Dưới dây là một dàn ý tham khảo mẫu:
Lập dàn ý phân tích tình cảm cha con trong truyện Chiếc lược ngà
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Quang Sáng là nhà văn gắn liền với miền đất Nam Bộ, văn ông có giọng điệu tự nhiên, thân mật, dân dã, ngôn ngữ gần với khẩu ngữ, lời ăn tiếng nói của nhân dân Nam Bộ.
- Truyện ngắn Chiếc lược ngà được sáng tác năm 1966 đã diễn tả một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng của ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
II. Thân bài:
* Tình cảm cha con trong truyện ngắn này được thể hiện từ hai phía: tình cảm của con dành cho cha và tình cảm của cha dành cho con.
1. Tình cảm của bé Thu dành cho ông Sáu
– Khi chưa nhận ra ông Sáu với vết thẹo dài trên mặt, bé Thu đã có thái độ xa lánh, hành động cự tuyệt và những lời nói cử chỉ khiến ông Sáu phải đau lòng: (hét toáng lên khi nhìn thấy ba, toàn nói lời trống không, nhất định không chịu nhờ ông Sáu chắt nước cơm cho, hất cái trứng cá…).
=> Tất cả những hành động ấy đã thể hiện được cá tính mạnh mẽ và tình cảm yêu thương rạch ròi của cô bé.
– Khi nhận ra ông Sáu là cha mình, trong buổi sáng cuối cùng trước khi ông Sáu phải lên đường, thái độ, hành động của bé Thu đột ngột thay đổi:
+ Nó bỗng kêu thét lên "ba" – tiếng kêu như xé tan sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người.
+ Cô bé chạy xô tới, dang hai tay ôm lấy cổ ba, hôn ba cùng khắp (hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn vết thẹo), dang cả hai chân để câu chặt lấy ba, đôi vai nhỏ bé run run. Tình yêu thương ba được bộc lộ một cách mãnh liệt, dâng trào, không thể kìm nén nổi. Em yêu ba, nhớ ba, mong ba. Nay tình cảm ấy mới có dịp vỡ òa ra nên vô cùng mạnh mẽ, hối hả, cuống quýt.
2. Tình cảm của ông Sáu dành cho con
– Khi bị con từ chối, ông cảm thấy vô cùng hụt hẫng, đau khổ, cáu giận, không thể kìm chế nổi. Ông đã đánh con vì nó không chịu nhận mình. Đây là biểu hiện đau khổ tột cùng của người cha khi bị con khước từ.
– Về đơn vị, ông day dứt, ân hận vì trong lúc nóng giận đã đánh con. Chi tiết này thể hiện tình yêu con tha thiết.
– Khi kiếm được khúc ngà voi, ông vô cùng vui mừng sung sướng, dành hết tâm trí, công sức vào việc làm cây lược. Chiếc lược đã trở thành vật báu thiêng liêng đối với ông Sáu. Nó làm dịu đi những ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến của ông với đứa con xa cách nơi quê nhà.
– Trước lúc hi sinh, lời trăng trối sau cùng, ông muốn nhờ bạn trao tận tay chiếc lược ngà cho con.
III. Kết bài
- Truyện ngắn Chiếc lược ngà đã khẳng định và ca ngợi tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc. Tình cảm ấy càng trở nên cao đẹp, thiêng liêng hơn trong những cảnh ngộ éo le của cuộc chiến tranh tàn khốc.
» Tham khảo thêm: Cảm nhận về tình cảm cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà
Dựa vào dàn ý phân tích tình cảm cha con trong truyện Chiếc lược ngà trên đây, các em có thể hoàn thành bài văn của riêng mình. Dưới đây là một bài văn mẫu dưa trên dàn ý trên:
Tham khảo bài văn mẫu hay nhất
Nguyễn Quang Sáng quê ở An Giang, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm viết về cuộc sống gian nan mà hào hùng của đồng bào miền Nam trong cuộc đối đầu lịch sử với quân xâm lược Mĩ. Truyện Chiếc lược ngà sáng tác năm 1966 tại chiến trường miền Tây Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên.
Câu truyện kể về tình cha con đặc biệt cảm động giữa ông Sáu – một người cán bộ cách mạng luôn thương nhớ và khao khát được gặp con sau bao năm xa cách – và bé Thu, đứa con gái tám tuổi của ông. Chủ đề tình cảm cha con không mới lạ, nhưng sự thành công của Nguyễn Quang Sáng là đã khai thác và biểu hiện tình cha con trong tình huống rất tự nhiên, hợp lý – chiến tranh tàn bạo khiến những người thân phải xa lìa nhau. Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa rõ nét hình ảnh hai nhân vật chính – ông Sáu, một người chiến sĩ và cũng là một người cha hết mực yêu thương con dù cho tình cảm nồng nàn của mình có bị đứa con ương ngạnh xa lánh; và bé Thu, cũng là một nhân vật trọng tâm của câu chuyện. Dưới ngòi bút tinh tế, nhạy bén của tác giả, bé Thu hiện lên là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc nhưng lại là một đứa con hết mực yêu cha.
Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến lúc đứa con gái đầu lòng mới một tuổi. Mãi đến khi con được tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà.. Thế nhưng, con gái ông là bé Thu lại không nhận ra cha mình do có vết sẹo mới trên mặt khiến ông không giống như trong ảnh. Trong ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi đó, ông ở nhà suốt để vỗ về con và cho con cái cảm giác có cha ở bên. Thế nhưng bé Thu không chịu nhận cha, càng ngày càng ương bướng, thậm chí lúc được cha gắp cho cái trứng cá, bé đã hất ra. Ông Sáu nổi giận, không kiềm chế được mà đánh vào mông nó. Nó buồn chạy sang nhà bà, kể hết mọi chuyện cho bà. Được bà giải thích, bé hiểu ra và trong giây phút cuối cùng trước khi cha trở lại chiến trường, tình cha con trong bé đã trỗi dậy mãnh liệt, bé nhận cha trong sự xúc động của mọi người và bé đã vòi cha mua cho mình một chiếc lược. Xa con, ông Sáu nhớ mãi lời dặn của con, ông dồn hết tình cảm để làm cho con một cây lược. Ngày ngày, ông đem chiếc lược ra ngắm cho đỡ nhớ. Nhưng trong một trận càn của địch, ông Sáu đã bị thương nặng. Trước khi nhắm mắt, ông Sáu đã giao lại cây lược cho một người đồng đội nhờ chuyển tận tay cho bé Thu. Chiếc lược ngà được người đồng đội ấy trao lại cho Thu một cách tình cờ, khi cô làm giao liên dẫn đường cho đồng chí ấy trong kháng chiến chống Mĩ.
Tình phụ tử giữa ông Sáu và bé Thu được thể hiện sâu sắc qua hai tình huống: Tình huống thứ nhất là khi hai cha con gặp lại nhau sau tám năm trời xa cách nhưng éo le thay, bé Thu lại không chịu nhận cha, mãi đến lúc ông Sáu phải ra đi, bé mới gọi tiếng “Ba“ trong nước mắt. Tình huống thứ hai là khi ở chiến khu, ông Sáu dành hết tâm sức làm chiếc lược ngà cho con nhưng ông đã hy sinh trước khi món quà được trao tận tay bé Thu.
Lúc con ở rừng, ông Sáu chỉ biết mặt con qua tấm ảnh nhỏ, ông lúc nào cũng nhớ thương con, khát khao được nhận con và được sống trong tình yêu thương của con. Được nghỉ phép, ông Sáu về thăm gia đình, nghĩ đến việc sẽ được gặp lại đứa con, “cái tình cha cứ nôn nao trong người ông”. “Không thể chờ xuồng cập bến, ông nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra xa”, “bước vội vàng với những bước dài rồi dừng lại kêu to: “Thu ! Con. Ba đây con !”. Ông cứ ngỡ con bé sẽ chạy xô vào lòng và ôm chặt lấy cổ mình, tình cảm bị dồn nén cùng những mong muốn bấy lâu khiến ông không thể không vui mừng, không thể không hy vọng. Tâm trạng ông Sáu xúc động mạnh mẽ, “vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ứng lên, trông rất dễ sợ”, có lẽ cũng vì vậy mà bé Thu mới “giật mình”, “tròn mắt nhìn”, mặt tái đi rồi vụt chạy kêu thét lên “Má! Má!”. Điều bất ngờ khiến ông Sáu từ tâm trạng sung sướng náo nức, nôn nóng muốn được ôm con chuyển thành nỗi thất vọng, bất lực, bao nhiêu niềm vui sướng, hy vọng của ông bỗng chốc vụn vỡ và hơn hết là nỗi buồn, sự đau khổ khi bị chính đứa con mình thương yêu nhất sợ hãi, xa lánh, “mặt ông tối sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông thõng xuống như bị gãy”. Suốt 3 ngày nghỉ phép, ông Sáu lúc nào cũng muốn gần gũi, quan tâm con nhưng ông càng khao khát yêu thương con, bé Thu càng lạnh lùng khước từ sự chăm sóc, vỗ về của ông. Ngọn lửa nồng nàn của tình cha cứ bị xa lánh, lạnh lùng, bé Thu bướng bỉnh, ương ngạnh không chịu nhận cha, bé vẫn nghe lời mẹ gọi ông vào ăn cơm nhưng lại nói trổng: “Vô ăn cơm !”. Cứ ngỡ ông Sáu sẽ bực tức vì thái độ vô lễ của bé Thu nhưng trái lại, ông không la mắng bé và cũng không ép buộc con bé phải chấp nhận ông bởi lẽ ông hiểu rõ, tình cảm là một thứ không thể gượng ép; ông Sáu chỉ đành “nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười”, “có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên ông mới cười vậy thôi.”
Bé Thu gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm, đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng Ba. Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu, nhưng điều khiến người đọc phải bất ngờ là sự nhất quán trong tính cách của bé, dù là bị mẹ quơ đũa dọa đánh, dù là bị dồn vào thế bí, dù là bị anh Sáu đánh, bé Thu luôn bộc lộ một con người kiên quyết, mạnh mẽ. Cái cảm giác đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh, nhiêu sách mà là sự kiên định, thẳng thắn, của một người có lập trường – cái mầm sâu kín sau này làm nên tính cách cứng cỏi ngoan cường của cô giao liên giải phóng.
Bất chấp mọi lời khuyên, giảng giải của mẹ bé Thu kiên quyết không cất lên cái tiếng mà cha bé mong đợi nhất, thậm chí khi bé bị dồn vào thế bí “nồi cơm sôi lên sùng sục, cơm nhão má về sẽ đánh đòn”, bé vẫn không chịu gọi: “Ba chắt nước giùm con”, con bé tự mình nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước. Thái độ và tâm lý của bé Thu đã được tác giả thuật lại qua những chi tiết vừa cảm động, vừa buồn cười. Trong bữa cơm, bé Thu hắt đi cái trứng cá ngon mà ông Sáu gắp cho mình, làm cơm văng tung tóe, hành động đó đã khiến ông Sáu vô cùng tức giận, trong một phút giây không kiềm chế được cơn giận, ông đã đánh con: “Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?” làm con bé uất ức bỏ sang nhà ngoại, lúc cởi dây xuồng, nó còn cố ý khua dây xích kêu rộn ràng để tỏ ý bất bình. Điều này khiến ông Sáu đau lòng khôn xiết, ông cứ trách mình vì đã làm tổn thương con. Và với bé Thu, giữa một bên là sự cứng cỏi, già giặn hơn tuổi, nhưng ở khía cạnh khác cô bé vẫn mong được yêu quý vỗ về. Trong khi “Chiều đó, mẹ nó sang dỗ dành mấy nó cũng không chịu về”, cái cá tính cố chấp một cách trẻ con của bé Thu được tác giả khắc họa vừa gần gũi, vừa tinh tế.
Có lẽ những chi tiết trên sẽ khiến người đọc “giận thay” cho ông Sáu vì sự bướng bỉnh của bé Thu, thế nhưng tác giả xây dựng tình tiết như vậy là hoàn toàn hợp lý. Sự ương ngạnh của Thu đúng là tâm lý và tính cách điển hình của trẻ nhỏ, vì vậy không đáng trách, nó còn quá nhỏ để có thể hiểu hết sự tàn khốc của bom đạn, thuốc súng cùng bao điều cay nghiệt, oan trái của chiến tranh, và hoàn cảnh đáng thương, éo le của những người chiến sĩ... Đối với trẻ con, thật khó để chấp nhận một người “bỗng nhiên xuất hiện” làm cha, hơn nữa người này lại không giống với ba bé Thu “trong tấm hình chụp chung với mẹ” vì vết sẹo dài trên mặt. Đây lại là một biểu hiện của tình thương yêu sâu nặng dành cho cha của bé Thu, sâu trong thâm tâm, con bé tự hào và dành niềm thương yêu tuyệt đối cho người cha “điển trai” trong bức hình chụp. Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện được điều đó qua chi tiết bé Thu giận dỗi ba bỏ qua nhà ngoại. Ở đoạn cuối, khi mà bé Thu nhận ra cha, thật khó để phủ nhận bé Thu là đứa bé giàu tình cảm. Nghe bà giải thích, nó mới nhận ra mình đã hiểu lầm ba. Con bé ân hận hơn bao giờ hết, chỉ bởi những hành động sai trái mà nó đã làm với ba. Nghe ngoại kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như một người lớn. Có lẽ giờ đây Thu đang nghĩ rằng ba nó tốt với nó như thế, thương nó nhiều như vậy mà nó lại một mực từ chối ông, kiên quyết không chịu nhận ba. Con bé lại càng thêm khó xử khi đối mặt ông Sáu. Nhưng câu chuyện éo le của tình cha con lẽ nào có êm đềm được vậy. Khi thắc mắc của bé Thu về vết sẹo trên mặt ông Sáu được giải đáp, cũng là lúc ông phải ra đi, trong tim con bé dấy lên sự ân hận tiếc nuối, và tình thương dành cho cha đã trào dâng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Sáng hôm ấy, Thu chỉ dám đứng trong góc nhà lặng lẳng nhìn ba nó. Vẻ mặt của bé Thu đã thay đổi, nó “không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có như ngày trước mà sầm mặt lại đượm buồn”. Dường như nó thèm khát cái sự ấm áp của tình cảm gia đình, nó cũng muốn chạy lại và ôm hôn cha nó lắm chứ, nhưng lại có cái gì chặn ngang cổ họng nó, làm nó cứ đứng nguyên ở đấy, ước mong cha nó sẽ nhận ra sự có mặt của nó. Ông Sáu vẫn day dứt niềm tiếc nuối không nguôi khi chưa gặp được đứa con gái ông hằng yêu thương. Ông cũng muốn ôm con, hôn con nhưng lại sợ nó giẫy lên bỏ chạy. Chỉ đành đưa mặt nhìn con bằng đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu rồi khe khẽ nói: “Thôi! Ba đi nghe con!”. Có ai mà ngờ vừa nhận được sự quan tâm của ông Sáu, con bé lại ùa tới hét lên trong nước mắt: “Ba…a…a….ba! “. Nó “chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”, những giọt nước mắt nóng hổi, chứa đựng sự ân hận muộn màng lăn dài trên má nó như trách móc nó vì đã không biết trân trọng ba ngày hạnh phúc được sống cùng cha. Có ai ngờ một cô bé không được gặp cha từ năm một tuổi vẫn luôn vun đắp một tình yêu bền bỉ và mãnh liệt với cha mình, dù người cha ấy chưa hề bồng bế nó, cưng nựng nó, săn sóc, chăm lo cho nó, làm cho nó một món đồ chơi kể từ khi nó bắt đầu làm quen với cuộc sống. Chỉ tiếng gọi ba như thế cũng đủ xé lòng người. “Xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người”. Tiếng gọi ba chất chứa tự đáy lòng từ lâu nghe sao quá đỗi xót xa. Tiếng gọi ấy không chỉ khiến ba nó bật khóc mà còn mang một giá trị thiêng liêng với nó. Lần đầu tiên nó cảm nhận mơ hồ về niềm sung sướng của một đứa con có cha. Nỗi đau xa cách tình cha con dai dẳng trong lòng bấy lâu như bùng cháy. Làm bé Thu chỉ muốn chạy xô tới câu chặt lấy ba nó, không muốn ông rời xa. Nó hôn ba khắp mọi nơi, hôn lên luôn vết sẹo. Như mọi đứa bé khác, con bé vừa ôm ba vừa nói trong tiếng khóc: “Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con”. Tình cha con sao quá éo le, trắc trở. Ba thương yêu con, con không nhận. Đến lúc con hiểu chuyện thì ba phải đi xa. Tiếng gọi “ba” thiêng liêng lần đầu tiên cũng chính là tiếng gọi cuối cùng ông Sáu được nghe. Bà con xung quanh chứng kiến cảnh cha con nhận nhau cũng “không cầm được nước mắt”. Riêng ông Ba cảm thấy khó thở, nghẹn ngào như “có bàn tay ai nắm lấy trái tim”. Đọc đến đây, không ai có thể tránh khỏi rơi lệ. Những giọt nước mắt nóng hổi, chứa đựng sự ân hận muộn màng lăn dài trên má bé Thu như trách móc nó vì đã không biết trân trọng ba ngày hạnh phúc được sống cùng ba. Con bé lại ôm chầm ba nó một lần nữa và mếu máo: “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Kể từ giây phút đó, chiếc lược ngà chính thức bước vào câu chuyện tình phụ tử, là minh chứng của tình yêu thương giữa hai cha con. Một chiếc lược, đó là mong ước đơn sơ của đứa con gái bé bỏng trong phút giây từ biệt. Phút chia tay sao mà cảm động biết bao. Để lại hình ảnh bé Thu với tình yêu ba sâu sắc đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc, để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng mỗi người đọc. Nỗi đau, nỗi nhớ thương và mất mát… do quân giặc đem đến cho ông Sáu, cho bao người lính, cho bao bà mẹ, em thơ trên khắp mọi miền đất nước ta có bao giờ nguôi! Sự hi sinh của thế hệ đi trước để làm nên độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình là vô giá.
Những ngày xa bé Thu, ông Sáu lúc nào cũng ân hận vì đã đánh con. Nỗi nhớ thương, sự hối tiếc cùng tình yêu con đã được ông dồn việc thực hiện lời hứa với con – tặng cho con bé một cây lược. Tìm thấy khúc ngà voi, “mặt ông hớn hở như đứa trẻ được quà”, mỗi lúc rảnh rỗi, ông “cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như một người thợ bạc”, ông “ gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: "Yêu, nhớ tặng Thu con của ba”. Khi chiếc lược hoàn thành, ông “thường hay lấy chiếc lược ra ngắm nghía rồi cài lên tóc cho cây lược thêm bóng mượt”. Chính lòng yêu con vô bờ bến đã khiến ông Sáu – một người chiến sĩ – trở thành một nghệ nhân “chỉ tạo ra một sản phẩm duy nhất trong đời”. Chiếc lược là sự kết tinh của tình phụ tử thiêng liêng, của bao nỗi nhớ, yêu thương nồng nàn ông Sáu dành cho đứa con gái duy nhất, nên thấm đẫm trong nó là tình cảm chân thành, sâu sắc, cao cả và tình người rực sáng giữa chiến trường đau thương, tàn khốc. Điều đó cho thấy, ông Sáu cũng như hàng triệu chiến sĩ, đồng bào ta hi sinh chiến đấu vì đất nước và dân tộc, vì hạnh phúc gia đình, vì tình vợ chồng, tình cha con.
Nhưng rồi trong một trận càn, ông Sáu đã bị thương nặng, khó qua khỏi, và ông cũng biết rõ điều này. Thật cảm động thay chi tiết ông Sáu đưa tay vào túi, móc cây lược ra và trao lại cho bác Ba trong những giờ phút cuối cùng của mình, chỉ đến khi bác Ba khẽ nói rằng bác sẽ mang chiếc lược ngà về trao tận tay bé Thu, “ông Sáu mới nhắm mắt đi xuôi”. Cũng từ hình ảnh này, nhà văn đã khẳng định: Bom đạn và chiến tranh có thể hủy diệt được sự sống, nhưng tình cha con – tình phụ tử thiêng liêng không gì có thể giết chết được. Ông Sáu dường như đã trao lại lời trăn trối cuối cùng, tuy ông chỉ “nhìn bác Ba một hồi lâu” mà không nói thành lời, nhưng nó rõ ràng, nó thiêng liêng hơn mọi lời di chúc, đó là sự ủy thác, lòng tin dành cho người bạn thân nhất của mình, và bắt đầu từ giây phút đó, cây lược của tình phụ tử đã biến người đồng đội của ông Sáu thành một người cha thứ hai của bé Thu.
Thứ mà truyện ngắn mang đến cho ta không đơn thuần là tình cảm gia đình nồng thắm mà còn là sự rung động của con tim, cái “tình người” đã tỏa rạng rực rỡ giữa gam màu u ám của chiến tranh, nó như một ngọn lửa sưởi ấm con người, khiến họ thêm vững tin vào tình cảm chân thành, cao quý của đồng bào đối với nhau.
Nguyễn Quang Sáng đã ghi lại dấu ấn khó phai trong lòng các bạn đọc với “Chiếc lược ngà” bằng cốt truyện chặt chẽ, cách lựa chọn tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lý cùng sự am hiểu, miêu tả chân thật tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý trẻ nhỏ, qua việc làm nổi rõ tính cách của bé Thu – một cô bé cứng cỏi, ương ngạnh nhưng vẫn nhìn thấy trong nó sự hồn nhiên, ngây thơ như bao đứa trẻ khác, bé Thu có tình cảm dành cho cha sâu, sắc, mạnh mẽ, nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Điều này chứng tỏ nhà văn rất thấu hiểu tâm lý, tính cách trẻ thơ, thể hiện tình cảm yêu quý, trân trọng của ông dành cho các em nhỏ. Ngoài ra cách lựa chọn ngôi kể cũng là một yếu tố góp phần vào sự thành công của của truyện, việc lựa chọn nhân vật kể truyện – bác Ba – làm cho câu truyện đảm bảo tính khách quan, đáng tin cậy và hoàn toàn chủ động nhịp kể, dẵn dắt nội dung truyện theo dòng cảm xúc của nhân vật.
“Chiếc lược ngà” là tiêu biểu của tình cha con nồng nàn bất diệt, đồng thời cũng là một lời tố cáo, lên án tội ác, những đau thương, mất mát mà chiến tranh đã gây ra cho biết bao gia đình. Nó khiến ta thêm trân trọng và quyết tâm giữ gìn những tháng ngày hạnh phúc, độc lập của dân tộc mình; nhắc nhở mọi người tình cảm gia đình quý giá không dễ gì mà có được. Sau khi đọc xong câu truyện, chúng ta bỗng muốn ôm chầm lấy người đàn ông mà suốt cả cuộc đời dãi nắng dầm sương, luôn làm tất cả vì con. Truyện ngắn đã làm thức tỉnh trái tim những ai luôn hời hợt với cha mình, nhắc nhở mỗi người con về sự hiếu thảo đối với cha.
--------------------------------------------------------------------
Trên đây là hướng dẫn lập dàn ý phân tích tình cảm cha con trong truyện Chiếc lược ngàtrong truyện ngắn Chiếc lược ngà (SGK Ngữ Văn 9). Truy cập kho tài liệu Văn mẫu 9 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các bạn học tốt !