Trang chủ

Dàn ý phân tích hình ảnh ông Tú trong bài Thương vợ

Xuất bản: 14/09/2018 - Cập nhật: 03/07/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích hình ảnh ông Tú trong bài thơ Thương vợ của nhà thơ Trần Tế Xương - Văn mẫu lớp 11

Tài liệu hướng dẫn lập dàn ý phân tích hình ảnh ông Tú, gợi ý cách làm, triển khai ý cho đề văn phân tích hình ảnh ông Tú trong bài thơ Thương vợ để thấy được rõ hơn nỗi lòng thương vợ sâu sắc của nhà thơ Tú Xương.

Hướng dẫn lập dàn ý phân tích hình ảnh ông Tú trong bài Thương vợ

1. Phân tích đề

- Kiểu bài: dạng bài nghị luận văn học, phân tích tác phẩm thơ có định hướng.

- Vấn đề nghị luận: hình ảnh bà Tú được khắc họa trong bài thơ Thương vợ

- Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các căn cứ, hình ảnh, chi tiết,... thuộc phạm vi bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương.

2. Xác lập luận điểm, luận cứ

- Luận điểm 1: Ông Tú là người có tấm lòng thương vợ sâu sắc

+ Cảm thương cho sự vất vả, lam lũ của bà Tú

+ Phát hiện và trân trọng, ngợi ca những đức tính tốt đẹp của bà Tú

- Luận điểm 2: Ông ý thức được bản thân là gánh nặng của vợ và căm phẫn trước xã hội đẩy người phụ nữ vào bất công

+ Ông Tú ý thức được bản thân là gánh nặng của vợ

+ Bất mãn, căm phẫn trước hiện thực xã hội đẩy người phụ nữ vào ngang trái, bất công

» Tham khảo thêm: Cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Thương vợ

3. Sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy khái quát hình ảnh ông Tú trong bài Thương vợ

4. Chi tiết dàn ý phân tích hình ảnh ông Tú

a) Mở bài

- Trình bày những nét khái quát về tác giả Trần Tế Xương: một ánh sao lạ vụt sáng trên bầu trời văn chương nước Việt với những bài thơ mang tư tưởng li tâm Nho giáo

Thương vợ là một bài thơ tiêu biểu của Trần Tế Xương. Không chỉ thể hiện thành công hình tượng trung tâm là bà Tú mà bài thơ cũng đặc biệt thành công hình ảnh ông Tú với những phẩm chất đáng quý

b) Thân bài

* Luận điểm 1: Ông Tú là người có tấm lòng thương vợ sâu sắc

-  Ông Tú cảm thương cho sự vất vả, lam lũ của bà Tú

+ Ông thương bà Tú vì phải mang gánh nặng gia đình, quanh năm lặn lội “mom sông”:

  • Thời gian “quanh năm”: làm việc liên tục, không trừ ngày nào
  • Địa điểm “mom sông”:phần đất nhô ra phía lòng sông không ổn định.

=> Ông Tú thương hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định, bà không những phỉ nuôi còn mà phải nuôi chồng

+ Ông thương vợ khi phải lặn lội bươn chải khi làm việc:

  • “Lặn lội”: Sự lam lũ, cực nhọc, nỗi gian truân, lo lắng
  • Hình ảnh “thân cò”: gợi nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn + khi quãng vắng: thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, chứa đầy những nguy hiểm lo âu
  • “Eo sèo… buổi đò đông”: gợi cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật ẩn chứa sự bất trắc
  • "Buổi đò đông" : Sự chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc, chứa đầy những sự nguy hiểm, lo âu

=> Tấm lòng thương xót da diết của ông Tú trước thực cảnh mưu sinh của bà Tú

- Ông phát hiện và trân trọng, ngợi ca những đức tính tốt đẹp của vợ

+ Ông cảm phục bởi tuy vất vả nhưng bà Tú vẫn chu đáo với chồng con :

  • “nuôi”: chăm sóc hoàn toàn
  • “đủ năm con với một chồng”: một mình bà Tú phải nuôi cả gia đình, không thiếu cũng không dư

+ Ông Tú trân trọng sự chăm chỉ, tần tảo đảm đang của vợ:

  • “Một duyên hai nợ âu đành phận”: chấp nhận, không than vãn
  • “dám quản công” : đức hi sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.

=> Trần Tế Xương đã trân trọng đề cao phẩm chất cao đẹp của bà Tú: đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con.

* Luận điểm 2: Ông ý thức được bản thân là gánh nặng của vợ và căm phẫn trước xã hội đẩy người phụ nữ vào bất công

- Người đàn ông trong xã hội phong kiến đáng lẽ ra phải có sự nghiệp hiển hách để lo cho vợ con, nhưng ở đây, ông Tú ý thức được bản thân là gánh nặng của vợ

+ “Nuôi đủ năm con với một chồng” : Tú Xương ý thức được hoàn ảnh của mình, nhận mình có khiếm khuyết, phải ăn bám vợ, để vợ phải nuôi con và chồng coi mình là một đứa con đặc biệt

+ “Một duyên hai nợ”: Tú Xương cũng tự ý thức được mình là “nợ” mà bà Tú phải gánh chịu

+ “Có chồng hờ hững cũng như không”: Tú Xương ý thức sự hờ hững của mình cũng là một biểu hiện của thói đời

- Từ tấm lòng thương vợ, Tú Xương cũng chửi cả thói đời đen bạc đẩy người phụ nữ vào bất công

+ “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”: tố cáo hiện thực, xã hội quá bất công với người phụ nữ, quá bó buộc họ để những người phụ nữ phải chịu nhiều cay đắng vất vả

=> Bất mãn trước hiện thực, Tú Xương đã vì vợ mà lên tiếng chửi, ông căm phẫn xã hội đẩy người phụ nữ vào ngang trái bất công

c) Kết bài

- Khẳng định lại những nét nghệ thuật tiêu biểu góp phần thể hiện thành công hình ảnh ông Tú

- Trình bày suy nghĩ bản thân

   Sau khi đã xây dựng được hệ thống chi tiết dàn ý phân tích hình ảnh ông Tú như trên, các em có thể đọc tham khảo trước một số bài văn mẫu phân tích hình ảnh ông Tú hoặc xem ngay bài văn dưới đây để mở rộng vốn từ ngữ:

Bài văn mẫu tham khảo phân tích hình ảnh ông Tú

Trong thơ Tú Xương có cả một mảng đề tài riêng viết về người vợ - bà Tú. Ở các bài thơ này, bà Tú bao giờ cũng xuất hiện trước và khuất lấp phía sau là hình ảnh ông Tú. Dù chỉ là nét vẽ thoảng qua nhưng khi đã nhận ra hình dáng ông trong đó người đọc sẽ vô cùng ấn tượng, nhớ mãi về một người đàn ông yêu thương và trân trọng vợ mình. Trong bài thơ Thương vợ, hình ảnh ông Tú cũng thấp thoáng hiện lên nhưng để lại biết bao ấn tượng với người đọc.

Bài thơ nổi bật lên là chân dung bà Tú lam lũ, tảo tần “quanh năm buôn bán ở mom sông” nuôi sống gia đình. Nhưng đằng sau bức tranh chủ đạo ấy ta còn thấy một bức tranh khác cũng không kém phần đặc sắc chính là hình ảnh ông Tú với lòng yêu thương, quý trọng và tri ân vợ. Không chỉ vậy, ông còn là người có nhân cách cao đẹp.

Trước hết, Tú Xương là người có tình yêu thương vợ sâu sắc:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Ông tuy không buôn bán cùng vợ nhưng ánh mắt trái tim ông thì vẫn một lòng hướng theo bà, để quan sát, để yêu thương bà Tú hơn khi cảm thấy hết những vất vả, cực nhọc mà bà Tú phải trải qua. Đặc biệt tự trân quý, yêu thương đó được thể hiện rõ nhất trong câu thơ: “Nuôi đủ năm con với một chồng”, đây là lời ông kể công, tính công cho vợ. Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Chồng cũng là một thứ con còn dại, phải nuôi. Đếm con, năm con chứ ai lại đếm chồng, một chồng – tại vì phải nuôi như con cho nên mới liệt ngang hàng mà đếm để nuôi cho đủ”. Đặc biệt chữ “đủ” gợi cho ta nhiều ý nghĩa, nhiều cách hiểu, đủ - đủ thành phần trong gia đình: cả cha và con; đủ - đủ mọi thú ăn uống, vui chơi: “Cơm hai bữa cá kho rau muống/ Quà một chiều: khoai lang, lúa ngô”. Đồng thời ông Tú cũng tự tách riêng mình với năm đứa con để cảm nhận hết tình yêu thương của vợ và dành lời tri ân sâu sắc dành cho bà Tú. Có lẽ phải là một người yêu thương, trân trọng vợ hết lòng ông mới có thể hạ cái tôi cao quý của mình để nói lời tri ân, cảm ơn sâu sắc đối với vợ đến như vậy.

Không chỉ vậy, Tú Xương còn là con người có nhân cách, điều đó được thể hiện rõ nhất qua lời tự trách: “Một duyên hai nợ âu đành phận”. Bà Tú lấy ông cái duyên, nhưng đồng thời cũng là cái nợ, là gánh nặng. Duyên đến với nhau thì ít mà nợ với nhau thì nhiều. Ông Tú tự nhận mình chính là cái nợ mà bà Tú cả đời này phải đèo bòng, bà có trách nhiệm phải trang trải. Mặc dù gánh trên mình trách nhiệm nặng nề nhưng người vợ không hề ca thán, kể công, như một lẽ thường tình của người phụ nữ Việt Nam, bà sẵn sàng hi sinh tất cả cho chồng con. Câu nói “âu đành phận” “dám quản công” như một lời Tú Xương nói hộ nỗi lòng vợ, đồng thời cũng là lời kể công thay cho vợ. Câu thơ như tiếng thở dài não nề của người chồng thương vợ và có nhân cách.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không

Tiếng chửi thói đời những tưởng là tiếng nói phẫn uất của bà Tú, nhưng thực chất đó là lời tác giả tự trách chính mình, tự phê phán chính mình, đó là cách thể hiện tình cảm rất đặc biệt Tú Xương dành cho vợ. Thói đời ở đây có thể hiểu là những quy tắc nghiêm ngặt, cổ hủ của chế độ phong kiến đã đẩy người vợ vào công cuộc mưu sinh với bao khó khăn, vất vả thậm chí cả nguy hiểm. Đó còn là thói vô cảm của người đàn ông, không quan tâm, không sẻ chia những nhọc nhằn trong cuộc sống với vợ. Tiếng chửi là lời nói phẫn uất, nhưng cũng chất chứa biết bao yêu thương, trân trọng, lòng biết ơn Tú Xương dành cho vợ.

Bằng ngôn ngữ giản dị, tình cảm chân thành sâu sắc Tú Xương đã góp một cảm xúc mới mẻ vào văn học trung đại Việt Nam. Bài thơ không chỉ thấy sự tảo tần, hinh sinh của bà Tú, mà còn thấy được tình yêu thương, sự tri ân mà tác giả dành cho vợ. Qua đó còn làm sáng lên nhân cách cao đẹp của Tú Xương.

Với những gợi ý và dàn bài chi tiết phân tích hình ảnh ông Tú trên đây, Đọc Tài Liệu hi vọng các em đã có thể chuẩn bị sẵn sàng cho bài văn của mình thêm đầy đủ, hấp dẫn hơn. Chúc các em học tốt môn Văn khi tham khảo Văn mẫu 11 - tổng hợp dàn ý chi tiết, bài văn mẫu hay tham khảo lớp 11 tại Doctailieu.com.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM