Dàn ý nghị luận về bạo hành trẻ em - Tham khảo hệ thống luận điểm, luận cứ chính cần triển khai cho bài văn nghị luận xã hội về vấn nạn bạo hành trẻ em hiện nay.
Lập dàn ý chi tiết bàn luận về vấn đề bạo hành trẻ em
I. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vấn nạn bạo hành trẻ em trong xã hội hiện nay.
Ví dụ: Ngày nay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên phấn đấu cho một chế độ công bằng và văn minh, dân chủ và giàu mạnh. Ấy thế mà trong xã hội vẫn tồn tại một hiện tượng làm nhức nhối trái tim và lương tri của những người lương thiện. Đó là hiện tượng bạo hành trẻ em. Vậy thế nào là bạo hành, hậu quả của nó và thái độ, trách nhiệm của chúng ta ra sao trước vấn nạn này?
II. Thân bài
1. Giải thích
- Thế nào là bạo hành? Đó là hành động và lời nói có tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, đay nghiến, xỉ vả, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn... bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.
- Bạo hành trẻ em bao gồm tất cả những hành vi đối xử tệ bạc về thể chất hay tinh thần, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê, dẫn đến nguy hại hay khả năng nguy hại đối với sức khỏe, nhân phẩm, hay sự phát triển của đứa trẻ. Bạo hành có thể được thực hiện bởi cha mẹ, người trông nom, hay một đứa trẻ lớn hơn,…
2. Thực trạng bạo hành trẻ em trong xã hội
- Rất nhiều trẻ em đã và đang bị ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần
- Các em bị xúc phạm về nhân phẩm bởi các thầy cô giáo và bị đánh đập tàn nhẫn mà một trong số đó là bố mẹ của chính các em.
- Vừa qua, những phương tiện thông tin đại chúng đã gay gắt lên án những vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở các địa phương trong cả nước, ở các môi trường sống khác nhau: Trong gia đình, trong các quán ăn và cả trong học đường.
+ Chắc hẳn trong chúng ta không ai không biết và chưa quên trường hợp thật đau lòng của cháu Đan Trân, trường mầm non Thiên Thơ, bị cô bảo mẫu Lê Vi, vì muốn cháu ngừng khóc mà dán băng keo vào miệng và dẫn đến cái chết bi thương.
+ Bé Hảo mới 4 tuổi đã bị ngay người mẹ "đứt ruột" đẻ ra mình bạo hành. Thấy con nghịch tờ tiền, bà mẹ đã dùng kéo cắt ngón tay để "Cảnh cáo", một lần bé Hảo không may trèo cây bị ngã. Trước sự việc đó, bà mẹ chẳng những không cứu con, mà thậm chí còn có một hành động tàn ác hơn cả dã thú. Dùng dao phạt đứt gót chân con. Hậu quả là bé Hảo bị mất 41% sức khoẻ, trên mình đầy rẫy vết thương và phải sống như một người tàn phế.
+ Cô bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hoà, Đồng Nai đã dùng bạo lực đánh đập, tát, vả... những đứa trẻ còn rất non yếu do bà ta trông giữ, đến độ bà phải lãnh án tù.
+ Ở trường nọ, có một thầy giáo dạy ngoại ngữ thấy học sinh mình học quá kém, thầy không hề tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em vô cùng éo le, nhà nghèo, bố đạp xích lô, mẹ đi bán vé chui, một mình em gánh trên vai việc chăm sóc ba em nhỏ, nên việc học tập đã bị sa sút, để mà thông cảm và tìm cách giúp đỡ. Đằng này, thầy lại buông lời xỉ vả, xúc phạm: "Ba mày ngu, mẹ mày ngu nên sinh ra mày ngu vậy đó". Chưa hết, thầy còn lăng mạ, ấn dùi đầu em học sinh ấy để cả lớp cười chê về "tấm gương xấu" này.
- Hình thức bạo hành trong nhà trường còn có nhiều biểu hiện, muôn hình vạn trạng như cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã bị chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến nỗi em bị thương nặng phải đi viện....
- Đó là những việc "nổi tiếng", vì hậu quả nghiêm trọng gây thương tích, chết người nên công luận lên tiếng và mọi người mới biết. Còn những kiểu bạo hành âm thầm "hành" mà không "bạo" như mắng nhiếc, doạ dẫm, "khủng bố" tinh thần và thể xác, không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta, thì ai mà thống kê hết được?
3. Bình luận:
- Bạo hành là một hành động xấu xa cần phải lên án
- Những người bạo hành con cái, trẻ em là những người không yêu con, không yêu trẻ và có cách giáo dục thiếu tình thương.
- Những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý, trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn. Đặc biệt ở nhiều gia đình thế hệ con, đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi nhỏ nó được chứng kiến.
- Bạo hành trong gia đình gây ra mối bất hoà và ảnh hưởng lớn tới sự bền vững của gia đình và xã hội. Còn bạo hành ngoài xã hội thì ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức, ứng xử của con người.
- Dù bởi nguyên nhân khách quan hay chủ quan, do áp lực của cuộc sống, do đói nghèo, do say rượu thiếu tỉnh táo... hay gì đi nữa, thì hành động bạo hành cũng là hành động của những con người gần như mất hết lương tri, suy đồi về đạo đức, tha hoá về nhân cách và đi ngược lại truyền thống đạo lý yêu thương nhân ái "Thương người như thể thương thân" vốn rất đẹp và quý báu của dân tộc ta.
- Đề xuất biện pháp:
+ Nhà nước có những tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, lên tiếng bảo vệ các em
+ Có những biện pháp xử lí những người bạo hành trẻ
III. Kết luận
- Bảo vệ trẻ để trẻ em có một cuộc sống an toàn, hạnh phúc, phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần.
- Pháp luật, báo chí, toàn xã hội phải góp sức, chung tay cùng lên án hành vi bạo hành trẻ em để có thể mang lại sự bình yên cho gia đình và xã hội, làm cho mọi người được sống trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Tham khảo thêm: Top 4 bài nghị luận hay về vấn đề bạo hành trẻ em
Bài văn mẫu nghị luận về vấn đề bạo hành trẻ em
Trong thời gian gần đây vấn nạn bạo hành trẻ em ngày càng nghiêm trọng trong xã hội hiện đại, văn minh dân chủ của nước ta. Biết bao nhiêu hiện tượng vô cùng đau lòng những em bé ngây thơ khi đi học mầm non, mẫu giáo bị bảo mẫu đánh đập không thương tiếc. Nhiều ông bố bà mẹ nhẫn tâm đánh đập con cái mình một cách dã man như người dưng nước lã. Hiện tượng trẻ em bị bạo hành đang gióng lên một hồi chuông vô cùng báo động, cần phải cảnh tỉnh những kẻ thiếu lương tri mất tính người trước vấn nạn này.
Người xưa thường nói "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan" vậy mà những cái búp ngây thơ trong sáng đó bị người ta đánh đập không thương tiếc, tới bầm dập mặt mày, rạn xương sọ, gẫy xương sườn, dập lá lách, thậm chí tử vong…
Thế nào là bạo hành trẻ em? Đó chính là những hành vi lời nói có tính chất vũ phu hăm dọa tới sức khỏe, tinh thần, của các cháu bé. Thể hiện sự tra tấn về tinh thần hoặc thể xác khiến các cháu bé sợ hãi ảnh hưởng tới thần kinh và sức khỏe của mình.
Thời gian qua trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng những vụ án trẻ em bị bạo hành xảy ra thường xuyên trên khắp cả nước ta. Ở mọi môi trường khác nhau từ nông thôn vùng sâu vùng xa, tới cả thành thị, nơi phồn vinh phát triển.
Đâu đâu người ta cũng thấy trẻ em bị bạo hành, ngược đãi, như vụ các em bé trường mầm non Ánh Sao bị đánh đập vô cùng tàn nhẫn, một bát cơm chan đầy nước mắt em bé vừa tới lớp chưa kịp vui vẻ tạm biệt cha mẹ đã bị đánh đập liên tục bằng những dụng cụ nấu bếp như muôi, rồi ghế nhựa, cán chổi…bất cứ cái gì có thể đánh được người ta đều có thể dùng làm vũ khí, vụt tới tấp lên người các em nhỏ chỉ mới 3-4 tuổi.
Họ còn dọa dẫm tinh thần các em uy hiếp bằng nhiều hình thức như nhốt trong nhà vệ sinh, rồi cho vào nhà kho tối, rồi cho vào thùng phi xanh có nước…
Nạn bạo hành không chỉ xảy ra với những em nhỏ tuổi mầm non, mẫu giáo mà xảy ra với cả những em bé lớn hơn, ở với cha mẹ ruột của mình rồi bị chính cha mẹ của mình bạo hành, đánh đập. Gần đây, cả thủ đô Hà Nội đều hoang mang trước tin một cậu bé 9 tuổi sau khi cha mẹ ly hôn, em được tòa xử cho ở với bố và mẹ kế.
Sau hai năm ở với bố và mẹ kế em bị đánh đập vô cùng dã man từ cậu bé 40kg thì nay em chỉ còn có 20kg thân hình gầy gò, bị bắt bỏ học ở nhà là nô lệ cho bố và mẹ kế, bị bắt ngủ dưới nền gạch lạnh lẽo giữa mùa đông giá rét, không cho ăn uống đầy đủ, chỉ cho ăn cơm nguội, mì tôm…
Khi chạy trốn khỏi nhà bố đẻ và mẹ kế em được người thân đưa đi xét nghiệm sức khỏe thì thương tích đầy mình, bị rạn xương sọ, gẫy hai xương sườn, trên người trên mặt em toàn những vết sẹo cái cũ cái mới chồng chất lên nhau.
Một em bé mới bốn tuổi bị chính mẹ ruột của mình bạo hành một cách dã man chỉ vì thấy em bé nghịch tờ tiền của mình. Bà mẹ cầm thú dùng kéo cắt đứt ngón tay của con mình để cảnh cáo.
Khi viết những dòng chữ này tôi cũng không thể lý giải nổi tại sao trên đời lại có những con người, những ông bố, bà mẹ tàn nhẫn với chính con ruột của mình như thế.
Người xưa thường nói "Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con của mình" vậy tại sao những con người loại động vật cao cấp nhất của muôn loài, có bàn tay, khối óc biết lương tri lại có thể hành xử thiếu tình người, dã man hơn cả cầm thú với chính con đẻ của mình như vậy?
Còn rất nhiều hành động khủng bố bạo hành cả tinh thần và thể xác của các em nhỏ trong xã hội, khiến chúng ta phải bàng hoàng sững sờ về độ tàn nhẫn độc ác của những con người là cô giáo, thầy giáo, làm cha, làm mẹ nhưng lại đối xử với học trò của mình, với con cái mình một cách vô cùng man rợ.
Người xưa thường nói phụ tử tình thân, không có gì quý hơn tình cảm ruột thịt máu mủ, không gì quý bằng nụ cười của con thơ, vậy mà nhiều người lại không hiểu điều đó. Họ đang ngày ngày hành hạ trẻ thơ một cách vô cùng tàn nhẫn, khiến những đứa trẻ tuổi đời còn rất nhỏ đã phải hứng chịu nhiều nỗi đau về tinh thần và thể xác.
Những nỗi đau này sẽ theo các em tới suốt cuộc đời, như một bóng tối trong tâm hồn của các em. Tại sao các ông bố bà mẹ lại có thể độc ác tới như vậy. Tại sao những người là nghề nuôi dạy trẻ lại có thể hành xử thiếu nhân văn, thiếu giáo dục với trẻ như vậy.
Để giảm tải tình trạng bạo hành trẻ em chúng ta cần phải có những điều luật cụ thể để đảm bảo quyền lợi của trẻ em được đảm bảo tốt hơn. Mỗi người dân chúng ta hãy chung tay xây dựng một xã hội thân thiện, yêu thương trẻ thơ, bởi trẻ em hôm nay chính là thế giới ngày mai. Hãy cho các em một môi trường hòa bình, đầy tình thương để nuôi dưỡng những tâm hồn trong sáng nở ra những bông hoa đẹp cho đời.
-/-
Trên đây là phần hướng dẫn lập dàn ý chi tiết cho bài văn nghị luận về vấn đề bạo hành trẻ em. Hi vọng, với dàn ý và bài văn mẫu mà Đọc Tài Liệu vừa cung cấp, các bạn đã nắm được những luận điểm cơ bản cần triển khai cũng như có thêm những ý văn hay để bổ sung cho nội dung bài nghị luận của mình.
Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 12 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !