Trang chủ

Dàn ý giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện Vợ nhặt

Xuất bản: 02/09/2018 - Cập nhật: 17/01/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn xây dựng dàn bài chi tiết cho đề văn phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Vợ Nhặt (Kim Lân) - Văn mẫu lớp 12

Dàn ý chi tiết phân tích giá trị truyện Vợ Nhặt

I. Mở bài

- Kim Lân là cây bút viết truyện ngắn chuyên nghiệp, ông tập trung viết về cảnh nông thôn, hình tượng người nông dân lao động.

- Vợ Nhặt rút từ tập Con chó xấu xí, là truyện ngắn đặc sắc viết về người nông dân, miêu tả tình trạng thê thảm của họ trong nạn đói năm 1945, nhưng cũng ngợi ca bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ. Bởi vậy đây là truyện ngắn giàu giá trị hiện thực và nhân đạo.

II. Thân bài

1. Giá trị hiện thực

- Phản ánh chân thực cuộc sống của nhân dân ta trước cách mạng tháng Tám: nạn đói khủng khiếp khiến bao người phải chịu cảnh sổ sở:

+ Con người chịu cảnh tang thương, cuộc sống ngày càng thê thảm: “Người chết như ngả rạ”, “ba, bốn cái thây nằm còng queo bên đường”, người sống mặt hốc hác u tối đi lại dật dờ như những bóng ma, xanh xám như những bóng ma, ...

+ Không gian chỉ tòa những tiếng khóc hờ, tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết.

+ Mùi gây của xác người, mùi ẩm mốc của rác rưởi, mùi khét của những đống rấm.

- Đặc biệt, bữa cháo cám ngày đói nhà anh cu Tràng đã phản ánh cuộc sống thảm hại của con người.

- Con người trong cái đói, cái khổ phải giành giật lấy sự sống cho chính mình: Tràng ngày ngày kéo xe cực khổ để sống qua ngày, bà cụ Tứ già cả vẫn phải đi làm, ...

- Nhận xét: ranh giới giữa người và ma, giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Không gian xóm ngụ cư không khác biệt nhiều với nghĩa địa

2. Bộc lộ niềm xót xa thương cảm đối với cuộc sống bi thảm của những người dân nghèo trong nạn đói năm 1945

- Cái đói khổ đã khiến cho con người bị rẻ rúng, mất đi giá trị:

+ Điển hình là nhân vật người vợ nhặt, vì quá túng quẫn thị không quan tâm đến danh dự cứ vin vào lời nói đùa của Tràng mà “cong cớn đòi ăn”, còn chấp nhận theo không Tràng về làm vợ.

+ Chính Tràng cũng vậy, vì quá nghèo khổ mà khó có thể lấy vợ, đến khi lấy được vợ cũng là nhờ hoàn cảnh éo le.

3. Gián tiếp tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân phát xít đối với nhân dân ta

- “đằng thì chúng bắt nhổ lúa trồng đay, đằng thì chúng bắt đóng thuế”, chúng không cho nhân dân ta con đường sống, đẩy nhân dân đến bước đường cùng.

- Trong đoạn cuối truyện, khi nghe tiếng trống thúc sưu thuế, bà cụ Tứ cũng tuyệt vọng kêu lên rằng: “Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ”

4. Trân trọng những khát vọng nhân văn của con người

- Tác phẩm ngợi ca khát vọng sống mãnh liệt của con người: Một mặt ta thấy người vợ nhặt như mất nhân cách trong cảnh đói khổ, nhưng mặt khác đó lại là khát vọng sống mãnh liệt của thị, thị không từ bỏ bất cứ cơ hội nhỏ nhoi nào để được sống tiếp, ngay cả việc theo không người ta về làm vợ.

- Ta thấy ở Tràng là một khát vọng hạnh phúc chân thành, không phải vì ngờ nghệch mà anh dẫn người vợ nhặt về, sâu thẳm bên trong là khát khao có một gia đình như bao người bình thường khác.

- Truyện ngắn còn thấm đẫm vẻ đẹp của lòng thương người: vì tình thương người chân thành mà Tràng sẵn sàng mời thị ăn dù không dư dả, vì thương người mà bà cụ Tứ chấp nhận người con dâu được nhặt về dù trong cảnh đói khổ.

- Dù bị đẩy đến bước đường cùng, con người vẫn luôn có niềm tin vào cuộc sống:

+ Người vợ nhặt nhắc đến cảnh đoàn người phá kho thóc để tạo niềm tin cho bà cụ Tứ và Tràng, bà cụ Tứ cũng dự tính những chuyện tương lai, khuyên bảo các con

5. Chỉ ra lối thoát để con người hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn

- Từ câu chuyện phá kho thóc mà người vợ nhặt kể và hình ảnh đám người đói, lá cờ đỏ trong suy nghĩ của Tràng là những dấu hiệu của cuộc cách mạng, khiến người đọc có thể tin tưởng vợ chồng Tràng sẽ có mặt trong đoàn người vùng lên tổng khởi nghĩa.

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện đặc sắc, miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ giản dị gần gũi.

- Tác phẩm thẫm đẫm giá trị nhân văn: thể hiện sự cảm thương sâu sắc với số phận con người trong đói khổ, lên án tố cáo tội ác thực dân phát xít, từ đó sự trân trọng của tác giả đối với phẩm chất tốt đẹp của con người.

Bài làm tham khảo trình bày giá trị hiện thực và nhân đạo của "Vợ nhặt"

     Vợ nhặt được rút ra từ tập Con chó xấu xí, xuất bản năm 1945. Đây là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, đồng thời cũng là một những tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài người nông dân và thể hiện đầy đủ quan điểm sáng tác của tác giả. Tác phẩm thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo.

Trước hết giá trị hiện thực của tác phẩm được thể hiện trong việc Kim Lân đã tái hiện thành công nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn đói năm 1945 phần lớn người dân đã bị đẩy tới cái chết. Kim Lân đã tập trung tất cả bút lực của mình để tạo dựng bối cảnh, không khí nạn đói ấy. Trong văn ông cái đói, cái chết đã hiện hình, nổi cộm sắc nét tạo nên những ám ảnh ghê rợn. Ấn tượng về cái đói cái chết đã được Kim Lân tạo dựng từ nhiều yếu tố, nhưng ấn tượng nhất là thị giác, khứu giác và thính giác. Ở thị giác, ông đã hai lần sử dụng hình ảnh đầy sức ám ảnh: bên cạnh những người chết như ngả rạ, là những người còn sống vật vờ như những bóng ma. Ở đây cái đói đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực, giữa sự sống và cái chết là ranh giới vô cùng mong manh. Nạn đói đã vắt kiệt toàn bộ sự sống của con người để hiện hình thành những bóng ma dật dờ. Ở khứu giác, cái đói cái chết trong văn Kim Lân không chỉ nhìn thấy mà còn có thể ngửi thấy đó là mù gây của xác người và mùi khét lét của các nhà đốt đống dấm. Còn thính giác cũng là những ấn tượng ghê rợn. Âm thanh của những đàn quạ liên thanh cất lên, là tiếng hờn khóc tỉ tê của những gia đình có người chết.

Không chỉ dừng lại ở đó, giá trị hiện thực còn được thể hiện trong thân phận rẻ rúng của những người nông dân nghèo. Người đàn bà chết đói, người gầy sọp đi, hai mắt trũng sâu vào, vì cái đói, vì miếng ăn đã đồng ý lấy Tràng một cách nhanh chóng. Chính cái đói đã khiến người đàn bà ấy mất đi danh dự, sự e thẹn vốn có của một người con gái, mà trở thành một kẻ chỏng lỏn, vì miếng ăn sẵn sàng đánh mất lòng tự trọng của mình. Chỉ với vài bát bánh đúc và một lời nói vu vơ, thị đã chạy đến híp mắt cười tình, đánh mất đi sự e lệ, kín đáo và chấp nhận về làm vợ của Tràng khi không hề biết đến tính cách, con người của Tràng ra sao. Trong hoàn cảnh bị cái đói, cái chết dồn đuổi, thị sẵn sàng bám víu vào bất cứ thứ gì đảm bảo sự sống cho thị. Những chi tiết mà Kim Lân miêu tả đã cho thấy, người vợ nhặt là một người nông dân khốn khổ, bị đẩy đến bước đường cùng nên nhân cách và lòng tự trọng đã bị tha hóa.

Đám cưới với mỗi người là một nghi thức quan trọng nhất trong cuộc đời, nhưng đám cưới của Tràng và người vợ nhặt lại diễn ra hết sức sơ sài, sơ sài đến mức đáng thương. Bữa cơm đầu tiên của nàng dâu mới là nồi cháo cám đắng ngắt mà mọi người ngồi ăn không ai nói với nhau một câu.

Nhưng bên cạnh những mảng màu xám ngắt của hiện thực, ta còn thấy tác phẩm ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc. Trong tăm tối, khi cái đói đeo đuổi tất cả mọi người, tưởng chừng như người ta chỉ quan tâm đến sự sống chết của mình, thì người nông dân Việt Nam vẫn sẵn sàng dang tay cứu vớt những con người có số phận bất hạnh hơn mình. Nó thể hiện rất rõ truyền thống yêu thương đùm bọc “lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta.

Tấm lòng nhân đạo của nhà văn trước hết thể hiện trong sự bao dung, tình yêu thương mẹ con Tràng giành cho người vợ nhặt. Tràng mặc dù có ngoại hình xấu xí nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người. Dù chỉ làm công việc tạm thời, không có ruộng đất nhưng Tràng sẵn sàng mua đồ ăn cho người đàn bà không quen biết. Tràng thương cảm cho người đàn bà khi nhìn thấy hình dáng tiều tụy hẳn đi của thị. Và nhất là Tràng còn đồng ý đem người đàn bà ấy về nhà làm vợ của mình, dù trong Tràng lúc ấy cũng thoáng chút lo âu. Việc lấy vợ của Tràng không phải là một chuyện ngẫu nhiên mà đó là cả một mạch vận động hợp lí. Lần đầu gặp gỡ, Tràng lần đầu tiên nhận được sự quan tâm, đó là cái híp mắt cười tình của một người con gái. Đến lần thứ hai, Tràng xót xa khi người đàn bà phốp pháp lần trước đã biến mất, thay vào dó là một kẻ quần áo rách như tổ đả, gầy hẳn đi. Sự thay đổi bất ngờ nhanh chóng ấy đã dấy lên trong Tràng lòng thương cảm, với bản chất lương thiện và sự đồng cảm của những người đồng cảnh ngộ, Tràng đã nhanh chóng quyết định đưa người phụ nữ đó về nhà để làm vợ của mình. Quyết định nhanh chóng, bất ngờ đó vừa thể hiện khát khao hạnh phúc của Tràng, vừa là sự cứu mang, nghĩa cử cao đẹp mà Tràng dành cho người phụ nữ khốn khổ, bất hạnh hơn mình.

Lấy vợ là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tràng, bằng những cử chỉ hết sức đơn giản, nhưng cũng đủ cho thấy sự trân trọng của Tràng với người vợ nhặt. Anh cho chị ăn một bữa thật no, mua một cái thúng con và mua ít dầu về đốt cho sáng. Hành động mua hai hào dầu đó còn như thắp lên một tương lai, hi vọng mới cho hai vợ chồng. Đặc biệt, sáng hôm sau khi lấy vợ, Tràng đã có những sự thay đổi hoàn toàn. Tràng thấy trong người lửng lơ, một niềm vui khó tả, khi lần đầu tiên được sống và cảm nhận niềm hạnh phúc gia đình. Và niềm hạnh phúc đó đã dẫn đến những biến chuyển trong nhận thức của Tràng, Tràng dấy lên tinh thần trách nhiệm với gia đình. Ý thức được vai trò trụ cột của mình, cùng tham gia với vợ và mẹ để xây dựng cuộc sống mới.

Còn với bà mẹ của Tràng, có con dâu trong hoàn cảnh éo le này làm bà vô cùng ngỡ ngàng, nhưng sau giây phút bất ngờ, bà đã hiểu ra mọi chuyện. Bằng tình yêu thương với người con trai, sự cảm thông với người vợ nhặt bất hạnh, bà hiểu rằng người ta chỉ dựng vợ gả chồng khi ăn nên làm ra, chứ không ai lấy vợ trong cái đói. Nhưng cùng với tình yêu thương con bà còn tự trách mình, thân phận làm mẹ nhưng lại không lo nổi hạnh phúc cho con. Thương con, lo lắng cho con bao nhiêu bà lại càng ngậm ngùi, xót xa cho thân phận người đàn bà kia bấy nhiêu. Bà không nhìn người con dâu mới bằng ánh mắt cay nghiệt, phán xét mà là cái nhìn đầy cảm thông, bao dung: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”. Như vậy, bà cụ không chỉ là hiện thân của tình mẫu tử cao cả thiêng liêng mà còn là hiện thân của tình người ấm áp, bao dung, bà đã đưa bàn tay yêu thương để nâng đỡ bao bọc cho những thân phận khốn khổ dù cuộc sống của mình còn muôn vàn khó khăn.

Không dừng lại ở đó, giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được nhìn nhận từ góc của người vợ nhặt. Người phụ nữ này bị cái đói dồn đuổi đến bước đường cùng, nhưng với lòng ham sống, cô đã cố bám víu đến cùng, cho dù phải biến thành thân phận vợ nhặt. Khát khao được sống đó cho thấy một trái tim khỏe mạnh, một nghị lực sống kiên cườing và bền bỉ ở người phụ nữ này. Như vậy, qua ba nhân vật Tràng, bà mẹ và cô vợ nhặt Kim Lân đã một lần nữa khẳng định lối sống nhân ái, giàu tình cảm và lòng vị tha của nhân dân ta. Không chỉ vậy, trong họ còn tồn tại sức sống mãnh liệt, sẵn sàng vượt qua mọi đói khổ, khó khăn.

Cuối cùng giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở cuối bài với hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong sự tiếc rẻ của nhân vật Tràng. Chắc chắn với tinh thần lành mạnh, lòng yêu cuộc sống Tràng và vợ sẽ tham gia hoạt động cách mạng. Hình ảnh lá cờ đó như một gợi mở về tươi lai tương sáng đang đón đợi họ ở phía trước.

Bằng nghệ thuật miêu tả bậc thầy, Kim Lân đã vẽ ra bức tranh hiện thực tàn khốc về nạn đói năm 1945, khi mạng người bị rẻ rúng đến cùng cực. Nhưng đằng sau bức tranh hiện thực đen tối ấy là ánh sáng của lòng nhân đạo, tình yêu thương, sự bao bọc, chở che lẫn nhau giữa những con người khốn khổ. Sự hòa quyện giữa hai giá trị hiện thực và nhân đạo đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

--------------------------------------------------------------------

» Xem thêm:

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM