Trang chủ

Dàn ý phân tích chân dung Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều

Xuất bản: 12/03/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn phân tích chân dung Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều (Nguyễn Du).

Mục lục nội dung

Dàn ý phân tích nhân vật Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều

I. Mở bài

– “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ngoài giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc còn có giá trị nghệ thuật đạt tới đỉnh cao.

– Nguyễn Du tỏ ra hết sức tài tình trong việc miêu tả chân dung nhân vật vừa có tính cụ thể, vừa có tính khái quát cao. Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một ví dụ tiêu biểu.

II. Thân bài

* Các câu thơ tả chân dung bên ngoài của Mã Giám Sinh:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi quần áo bảnh bao.

+ Nguyễn Du dùng bút pháp tả thực, chọn ra những chi tiết tiêu biểu nhất, những từ đắt nhất để thực hiện thần thái của nhân vật:

– Tuổi tác: mấy từ phỏng đoán đứng liền nhau: quá, trạc, ngoại gây cảm giác rất khó xác định tuổi thật của Mã. Có thể hắn bốn hai, bốn ba, mà cũng có thể là bốn bảy, bốn tám tuổi. (Ngũ tuần được coi là lão).

– Trang điểm và trang phục: Mã cố làm ra vẻ còn trẻ bằng cách cạo sạch râu ria. Tả mày râu nhẵn nhụi là tác giả đã hàm ý mỉa mai, vì người xưa quan niệm tu mi nam tử. Đã thế Mã còn ăn mặc không phù hợp với lứa tuổi của mình: áo quần bảnh bao.

=>Nhận xét: Bằng hai câu tả thực với giọng điệu mỉa mai, cười cợt, Nguyễn Du đã lột bỏ cái bề ngoài giả tạo, kệch cỡm của gã buôn người họ mã đáng ghét, đáng khinh.

* Các câu thơ miêu tả nội tâm của Thúy Kiều:

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!

Ngại ngùng dợn gió e sương,

Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.

Mối càng vén tóc bắt tay,

Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.

+ Nguyễn Du sử dụng bút pháp ước lệ để miêu tả Kiều trong tâm trạng giày vò, đau đớn:

– “Nỗi mình”: là sự dở dang, tan vỡ tình yêu giữa Kiều với Kim Trọng.

– “Nỗi nhà”: là tai họa bất ngờ của gia đình Kiều.

– “Thêm tức”: là từ nhấn mạnh những bất hạnh chất chồng và sự đau khổ tột cùng của Kiều lúc này.

– Thúy Kiều trong đau thương vẫn đẹp một vẻ đẹp não nùng: “Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng”. Những tính từ đặc tả tâm trạng phức tạp: “ngại ngùng”, “dợn”, “e", "thẹn” được dùng chính xác.

– Kiều như hóa đá trong tâm trạng chất chứa đau thương, bẽ bàng, tủi thân tủi phận: “Mối càng vén tóc bắt tay, Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”. Trong khi tả Kiều, Nguyễn Du nhập thân vào nàng để thấu hiểu nỗi đau đớn tột cùng của người con gái tài hoa, bạc mệnh.

III. Kết bài

– Chân dung nhân vật Mã Giám Sinh và tâm trạng của Thúy Kiều lúc bán mình đã được Nguyễn Du đặc tả bằng những câu thơ bất hủ.

– Điều đó cho thấy tài năng kiệt xuất của thi hào cũng như thái độ yêu ghét phân minh của ông trước những kẻ xấu xa cần phải lên án và người lương thiện cần được bênh vực.

Bài văn mẫu tham khảo

Thi hào Nguyễn Du là một trong những bậc thầy trong việc phân tích, miêu tả nhân vật. Trong kiệt tác Truyện Kiều, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã giúp người đọc nhận ra được rõ nét bộ mặt trắng trợn, lố bịch của con buôn Mã Giám Sinh đồng thời gợi lên sự tội nghiệp cho Thúy Kiều.

“Gần miền có một mụ nào

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.”

“Viễn khách” là từ Hán Việt có sắc thái trang trọng, tao nhã. Phải chăng “viễn khách” ấy là con người tử tế, cao thượng, nho nhã đến để xin hỏi cưới Kiều về làm vợ theo đúng tục lệ hôn nhân ngày xưa? Sắm vai là học sinh trường Quốc Tử Giám, trường lớn nhất ở kinh đô thời xưa, người khách phương xa bắt đầu xuất hiện:

Hỏi tên, rằng “Mã Giám Sinh”

Hỏi quê, rằng “Huyện Lâm Thanh cũng gần”

Cách ngắt nhịp thơ ở hai câu này rất trúc trắc, khác lạ. Câu lục nhịp: 2-1-3, câu bát nhịp 2-1-3-2. Cách ngắt nhịp trùng với cách trả lời bất ổn của vị khách. “Mã” thì đúng là họ rồi. Nhưng “Giám Sinh” đâu có phải là tên người? Còn quê quán nghe rất mơ hồ: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”. Từ “cũng gần” được nhà thơ dùng rất đắt để biểu hiện một lí lịch, gốc gác không minh bạch của nhân vật. Nếu đúng là người tốt thì việc gì lại không dám giới thiệu cụ thể nơi ở của mình? Với cách trả lời cộc cằn ấy chứng tỏ Mã Giám Sinh là người vô văn hoá.

Còn đây là tuổi tác và diện mạo của gã:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.

Ngoại tứ tuần có nghĩa là ngoài bốn mươi tuổi, đã qua rồi thời trai tráng. Từ “quá niên” càng tô đậm hơn điều đó. Thế nhưng hắn vẫn ăn mặc theo kiểu trai lơ “áo quần bảnh bao” và chuẩn bị “mày râu nhẵn nhụi” trông rất bảnh choẹ.

Nếu ở câu lục nhà thơ sử dụng toàn từ Hán Việt thì ở câu bát xuất hiện toàn từ thuần Việt để bày tỏ thái độ châm biếm. Riêng hai từ láy “nhẵn nhụi” và “bảnh bao” có sức gợi tả thái độ sự dung tục và lố bịch rất cao vì hắn là người bất chính nên đám tôi tớ đi theo hắn cũng toàn là lũ xô bồ, lộn xộn:

Trước thầy sau tớ lao xao,

Có thể khẳng định rằng diện mạo và cách xuất hiện của Mã Giám Sinh hoàn toàn đối lập với Kim Trọng. Kim Trọng xuất hiện với một phong cách tao nhã, diện mạo khôi ngô tuấn tú, làm cho cả một vùng bừng sáng hơn. Thế nên, một con người bịp bợm như Mã Giám Sinh không thể nào xứng đáng với nàng Kiều tài sắc vẹn toàn. Và chúng ta hãy xem cử chỉ thô lỗ của hắn:

“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.”

“Ghế trên” bao giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng nhất của phòng khách, chỉ những thượng khách mới được mời an tọa, thường là người cao tuổi. Vậy mà một tên trâng tráo như hắn chưa kịp mời đã vội “ngồi tót”, trông là biết vô học rồi. Chữ “ngồi tót” được nhà thơ dùng rất điêu luyện và đã giết chết Mã Giám Sinh ngay trong cõi sống. Liền sau đó là từ bồi bút “sỗ sàng”. Cùng là từ “tót” nhưng khác xa một trời một vực với cách tả Kim Trọng:

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa

Nhìn chung, đoạn thơ miêu tả tâm trạng nàng Kiều đã cho chúng ta thấy tấm lòng nhân đạo mênh mông của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đối với nhân vật Thúy Kiều cũng như những kiếp người đau khổ, bất hạnh. Nhà thơ bao giờ cũng dành cho những nhân vật chính diện một thái độ yêu thương, hết sức cảm thông, rất mực trân trọng, thấu hiểu, chia sẻ. Đặc biệt, càng dấn sâu vào bi kịch, nhan sắc – tài năng – lòng thủy chung – lòng hiếu thảo – đức hi sinh của Thúy Kiều càng đẹp – càng vẹn toàn – càng sâu sắc – càng cao cả.

Tóm lại, bằng bút pháp thủy mặc, “điểm nhãn”, Nguyễn Du đã miêu tả thành công bức chân dung sống động, điển hình của nhân vật Mã Giám Sinh không còn ở trang thơ của đại thi hào mà đang hiện diện ở một nơi nhất định của cuộc đời thực. Bằng bút pháp đậm nét, nhân vật Thúy Kiều hiện lên với biết bao khổ nhục, đắng cay đồng thời Thúy Kiều cũng là điển hình của nhân vật người phụ nữ đẹp trong đau khổ. Cùng với thiên tài ngôn ngữ và thiên tài khám phá, phân tích, miêu tả tâm lí con người trong mối quan hệ giữa tâm lí và hoàn cảnh sống của con người, qua trích đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều, chúng ta thấy rằng Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất của nghệ thuật tả người trong lịch sử tiểu thuyết bằng thơ.

--------------------------------------------------------------------

Với những dòng phân tích trên đây, hi vọng các bạn đã có thêm những gợi ý có giá trị cho nội dung bài viết của mình với đề văn phân tích chân dung Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều qua đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều. Kết hợp với những kiến thức đã có về tác phẩm cũng như cách hành văn của mình, các bạn có thể dễ dàng hoàn thiện bài văn của mình với dàn ý phân tích chân dung Mã Giám Sinh và nội tâm Thúy Kiều. Chúc các bạn đạt điểm cao khi tham khảo tại Văn mẫu 9!


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM