Trang chủ

Dàn ý phân tích cái tôi độc đáo trong Người lái đò sông Đà

Xuất bản: 05/04/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn phân tích cái tôi độc đáo của Nguyễn Tuân trong tác phẩm Người lái đò sông Đà.

Mục lục nội dung

Dàn ý phân tích cái tôi độc đáo của Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

I. Mở bài

- Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, in trong tập Sông Đà, là thiên tuỳ bút tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Sức hấp dẫn của bài tuỳ bút này chính là ở “tính chủ quan, tính trữ tình rất đậm, nhân vật chính là cái tôi của nhà văn”.

II. Thân bài

Là nhà văn có phong cách nghệ thuật đặc sắc, văn chương Nguyễn Tuân hấp dẫn người đọc bởi “cái tôi” độc đáo, sự tài hoa, uyên bác, giác quan sắc nhọn, tinh tế, nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện, giàu hình ảnh, cảm xúc. Sức hấp dẫn của ngòi bút Nguyễn Tuân trong bài tuỳ bút Người lái đò Sông Đà là ở sự độc đáo, sự giàu có về chữ nghĩa, sự công phu trong quan sát và lựa chọn ngôn từ,… Tất cả đều mang đậm chất Nguyễn Tuân.

- “Cái tôi” tài hoa thể hiện ở những rung động, say mê của nhà văn trước vẻ đẹp hùng vĩ và mĩ lệ của thiên nhiên đất nước; ở sự phát hiện và ngợi ca phẩm chất tài hoa nghệ sĩ của những con người lao động; ở những trang văn đẹp như thơ, như nhạc, như hoạ. Nhà văn đã phát hiện và miêu tả sông Đà như một sinh thể sống, với tính cách hung bạo và trữ tình, để từ đó tấu lên một khúc tráng ca về con sông dũng mãnh trên chốn thượng nguồn; đồng thời ngân nga những thanh âm dịu dàng, trong trẻo, êm ái chốn hạ lưu. Từ đó, nhà văn đã tạc dựng hình ảnh người lái đò trong cuộc vượt thác đầy kịch tính và cũng thật ngoạn mục. Nguyễn Tuân tỏ ra hứng thú đặc biệt trong việc khám phá, thể hiện “chất vàng mười” trong tâm hồn con người Tây Bắc. Tất cả đã cho ta thấy ở Nguyễn Tuân một “cái tôi” tài hoa, tinh tế.

- “Cái tôi” uyên bác thể hiện ở cách nhìn và sự khám phá hiện thực có chiều sâu; ở sự vận dụng kiến thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú; ở sự giàu có về chữ nghĩa. Các thuật ngữ chuyên môn của các ngành quân sự, điện ảnh, thể thao,… được huy động một cách hết sức linh hoạt nhằm diễn tả một cách chính xác và ấn tượng những cảm giác về đối tượng. Hình ảnh dòng sông Đà và người lái đò sông Đà đã được nhà văn miêu tả, tái hiện một cách ấn tượng từ nhiều góc nhìn, với những chi tiết điển hình, tiêu biểu; những liên tưởng, so sánh bất ngờ, thú vị. Tất cả đều cho thấy khả năng quan sát và sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện của Nguyễn Tuân.

- “Cái tôi” tài hoa và uyên bác chính là một cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng yêu cái đẹp của người nghệ sĩ chân chính; đồng thời cũng cho thấy quan niệm của Nguyễn Tuân: viết văn là để khẳng định sự độc đáo của chính người cầm bút. Thể tuỳ bút, với đặc điểm của một lối văn “độc tấu” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) đã phát huy tối đa hiệu quả của nó trong việc bộc lộ “cái tôi” trữ tình của nhà văn.

III. Kết bài

- Khẳng định cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ trong sáng tác văn chương.

- Nêu cảm nhận, ấn tượng riêng của cá nhân về “cái tôi” trữ tình Nguyễn Tuân trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà.

» Tham khảo thêm:

Bài văn mẫu tham khảo

Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của những người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Nguyễn Tuân là một nhà văn như thế. Ông quan niệm: “Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo”.

Với tùy bút Người lái đò Sông Đà, ngòi bút Nguyễn Tuân như nở hoa trong sự hòa phối kì diệu giữa cái đẹp của ngôn từ với vẻ đẹp tuyệt mĩ của hình ảnh mang đến cho người đọc một hình dung mới mẻ, độc đáo trong chất vàng của thiên nhiên đồng thời là chất vàng mười đã qua thử lửa nơi tâm hồn con người Tây Bắc. Nguyễn Tuân – Một tác gia của nền văn học Việt Nam hiện đại với những thành tựu xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và sau năm 1945. Nguyễn Tuân là biểu hiện độc đáo, trọn vẹn về hình ảnh người nghệ sĩ: vừa rất tài hoa, vừa rất ngông. Tài hoa là cách thể hiện tài năng, sự am hiểu hơn người của mình. Từ người tử tù tài hoa đến một người lái đò bình thường bỗng trở thành người nghệ sĩ. Ngông là cách biểu hiện khinh bạc, khác đời, khác người.

Nguyễn Tuân là một nhà văn duy mĩ bởi ông quan niệm cuộc đời hành trình đi tìm cái đẹp và khẳng định cái đẹp. Con sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân hiện lên với những vẻ đẹp độc đáo, gây ấn tượng mạnh mẽ. Người tử tù không nhìn nhận ở phương diện tội ác mà nhìn nhận của sự tài hoa. Người lái đò không chỉ nhìn nhận ở phương diện nghề nghiệp mà được nhìn nhận trên phương diện của một chiến sĩ, một người nghệ sĩ trên sông Đà. Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú và khả năng sáng tạo từ mới. Với ông, viết văn mà hạn hẹp và thiếu thốn từ ngữ sẽ tạo ra loại văn “thấp khớp”, hời hợt, nông cạn.

Cái tôi của Nguyễn Tuân là cái tôi có cảm hứng mãnh liệt đối với những gì gây cảm giác mạnh, gây ấn tượng sâu đậm, độc đáo. Dữ dội phải tới mức khủng khiếp (con sông Đà hung bạo), đẹp phải tới mức tuyệt mĩ (con sông Đà thơ mộng, trữ tình), tài năng phải tới mức siêu phàm (hình tượng ông lái đò). Không chỉ vậy, cái tôi của ông còn là cái tôi giàu suy tư trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước. Thưởng ngoạn vẻ đẹp sông Đà, lòng tác giả dậy lên cảm giác liên tưởng về lịch sử: nhắc tới đời Lí, đời Trần, đời Lê. Trước vẻ đẹp hoang dại của dòng sông, nhà văn suy nghĩ về về tiếng còi tàu, về cuộc sống hiện đại. Trải lòng, hóa thân vào dòng sông để đắm tình non sông đất nước: Nhớ thương hòn đá thác, lắng nghe giọng nói êm êm của người xuôi, trôi những con đò mình nở chạy buồm vải…

Nguyễn Tuân tài hoa trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, câu văn. Uyên bác vận dụng tri thức của nhiều kiến thức về địa lí, lịch sử, văn hóa, điện ảnh để miêu tả sông Đà ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau để tiếp cận và miêu tả con sông Đà và người lái đò. Tri thức về võ thuật, quân sự, thể thao để miêu tả cuộc vượt thác của người lái đò như một trận thủy chiến. Tác phẩm Người lái đò Sông Đà không chỉ có giá trị văn học mà còn có những giá trị văn hóa khác.

Nguyễn Tuân là một cái tôi đầy bản lĩnh, đầy ngạo nghễ trong dòng văn học Việt Nam hiện đại. Bằng nỗ lực không ngừng để làm mới mình, Nguyễn Tuân đã khẳng định được một phong cách riêng độc đáo. Người xưa thường nói: “Văn cũng như người”, Nguyễn Tuân là con người thích cuộc sống tự do phóng khoáng thậm chí đôi lúc còn phóng túng. Ông ham mê du lịch, thích chủ nghĩa xê dịch, không chịu được những cái gì chung chung, bằng phẳng, nhợt nhạt. Một cá tính mạnh mẽ, không ưa sự gò bó, khuôn phép. Cho nên Nguyễn Tuân tìm đến với thể loại tuỳ bút, một thể văn tự do, phóng khoáng là một điều dễ hiểu. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan cũng đã từng nhận xét: “Nguyễn Tuân là một nhà văn đứng hẳn ra một phái riêng cả về lối viết, tư tưởng”. Điều này thể hiện nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Trong đó tùy bút “Người lái đò sông Đà” là một ví dụ mẫu mực cho phong cách đó.

Ai đã từng đọc Vang bóng một thời chắc cảm nhận được cái sắc sảo, lịch lãm, tài hoa của Nguyễn Tuân khi ông nói về thư pháp, về uống trà, chơi đèn trung thu của những nhà nho thuở trước mà lòng thêm thư thái, tự hào về bản sắc tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam được kết tinh trong tâm hồn dân tộc qua qua hàng nghìn năm lịch sử.

Đọc Người lái đò Sông Đà ta vui thú thấy Nguyễn Tuân đã để thơ vào sông nước. Ông đã khám phá sự vật – con sông Đà – ở phương diện thẩm mĩ, đã miêu tả, nhận diện con người – ông lái đò – ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Tả cảnh thì biến hóa trong bốn mùa, trong mọi thời gian. Nói về thác ghềnh thì đa thanh, phức điệu bằng tất cả cảm giác tinh tế, bằng những liên tưởng đầy góc cạnh với một kho từ vựng dồi dào, sáng tạo. Văn Nguyễn Tuân đúng là những giọt mật của con ong yêu hoa – cần mẫn, sáng tạo, đem thơm thảo dâng hết cho đời.

Văn mẫu 12 - Tuyển chọn những bài văn hay nhất lớp 12 / Đọc Tài Liệu


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM