Trang chủ

Dàn ý Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập

Xuất bản: 16/04/2019 - Cập nhật: 15/03/2022 - Tác giả:

[Văn mẫu 10] Tham khảo dàn ý Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập cùng bài văn mẫu chứng minh Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi là tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc.

Dàn ý Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập dưới đây do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em khi học về tác phẩm này.

Cùng tham khảo nhé!

Đề bài

Chứng minh Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập.

*****

Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Thế nào là một bản tuyên ngôn độc lập

Luận điểm 2: Chứng minh Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập

+ Hoàn cảnh sáng tác

+ Tuyên bố độc lập, chủ quyền

+ Tuyên bố thắng lợi

+ Tuyên bố hòa bình

Dàn ý chứng minh Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi: Là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới

- Khái quát về nhận định: Đây là áng văn yêu nước, là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc.

II. Thân bài

1.    Thế nào là một bản tuyên ngôn độc lập

- Được viết trong hoặc sau cuộc chiến: Nam quốc sơn hà được viết trong cuộc chiến chống Tống, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh viết sau kháng chiến chống Pháp

- Nội dung: Khẳng định độc lập, chủ quyền, tuyên bố thắng lợi, tuyên bố hòa bình

2.    Chứng minh Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập

a.    Hoàn cảnh sáng tác.

Sau khi quân ta đại thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô để bố cáo với nhân dân về chiến thắng này.

=> Bài cáo được viết sau chiến thắng giặc Minh

b.    Tuyên bố độc lập, chủ quyền.

- Nguyễn Trãi xác định tư cách độc lập của dân tộc bằng một loạt dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục.

+ Có nền văn hiến lâu đời, đó là điều không dân tộc nào có

+ Có cương vực lãnh thổ riêng biệt

+ Phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc

+ Lịch sử lâu đời, với các triều đại Triệu, Đinh, Lí, Trần sánh ngang với các triều đại Trung Quốc Hán, Đường, Tống Nguyên, khẳng định niềm tự tôn dân tộc qua từ “đế”.

+ Có anh hùng hào kiệt ở khắp nơi trên đất nước, chưa bao giờ thiếu hiền tài.

=> Bằng thủ pháp liệt kê, Nguyễn Trãi đã đưa ra một loạt lí lẽ khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc của Đại Việt, đó là những chân lí hiển nhiên, không ai có thể chối cãi.

- So sánh đại cáo bình Ngô với Nam quốc sơn hà:

+ Kế thừa các yếu tố về chủ quyền, lãnh thổ.

+ Bổ sung các yếu tố: văn hiến, phong tục, lịch sử, anh hùng hào kiệt

+ Sáng tạo: Những yếu tố đó không còn cần đến sự minh xác của thần linh, của sách trời mà do chính con người tạo ra.

=> Bản tuyên ngôn của Nguyễn Trãi đầy đủ và thuyết phục hơn

=> Thể hiện ý thức dân tộc phát triển đến đỉnh cao, khẳng định lòng yêu nước của tác giả.

c.    Tuyên bố thắng lợi.

- Nguyễn Trãi vạch trần những tội ác dã man của giặc Minh:

+ Khủng bố, tàn sát dân ta dã mạn, độc ác

+ Bóc lột thuế khóa, vơ vét tài nguyên, sản vật

+ Phá hoại sản xuất, phá hoại môi trường sống, tiêu diệt sự sống, bóc lột sức lao động...

=> Tác giả đứng trên lập trường nhân bản, tố cáo tội ác của giặc Minh, lời văn đanh thép tạo nên một bản án đanh thép với kẻ thù.

=> Khẳng định hành động của địch là phi nghĩa, cuộc chiến của ta là chính nghĩa, tạo nên sự đồng cảm và thuyết phục cho bản tuyên ngôn.

- Diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

+ Giai đoạn đầu vô cùng khó khăn: Lương thực hết, quân không một đội

+ Về sau, nhờ tinh thần đoàn kết đồng lòng, biết dựa vào sức dân lại có chung lí tưởng chiến đấu, quân ta chiến đấu kiên cường và trở thành nỗi khiếp đảm của kẻ thù: Đánh một trận sạch không kình ngạc/Đánh hai trận tan tác chim muông...

+ Quân Minh thất bại thảm hại, nhục nhã, e chề

+ Quân ta dũng mãnh khí thế ngút trời

=> Tuyên bố về thắng lợi, Nguyễn Trãi đã thể hiện một cách vừa thấu tình vừa đạt lí, thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc

d.    Tuyên bố hòa bình.

- Tác giả nói về tương lai đất nước: xã tắc vững bền, giang sơn đổi mới

=> Niềm tin, ý chí quyết tâm xây dựng tương lai đất nước ngày càng phát triển

- Nói về sự vận động của vũ trụ: kiền khôn bĩ rồi lại thái, nhật nguyệt hối rồi lại minh.

=> Sự vận động hướng về tương lại tươi sáng, tốt đẹp của trời đất, vũ trụ.

=> Đây vừa là lời tuyên bố hòa bình, vừa là niềm tin tưởng lạc quan về tương lai đất nước của một con dân yêu nước.

III. Kết bài

- Khẳng định lại luận điểm: Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập, là áng văn yêu nước là hoàn toàn thuyết phục

- Liên hệ với các áng văn yêu nước cũng được xem là bản tuyên ngôn độc lập trước và sau Đại cáo bình Ngô như Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

    Sơ đồ tư duy chứng minh Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập

    Xem sơ đồ tư duy chi tiết: Chứng minh Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập

    Bài văn mẫu Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập

    Đại cáo Bình ngô không chỉ là một áng văn nghị luận đanh thép, tố cáo tội ác kẻ thù, tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh của dân tộc ta mà đây còn là một bản tuyên ngôn độc lập. Bình ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, sau Nam quốc sơn hà và trước Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, tác phẩm là áng văn yêu nước sâu sắc, nồng nàn.

    Sau hai câu thơ mở đầu khẳng định nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã đưa ra những lập luận hết sức đanh thép để khẳng định chủ quyền dân tộc, đây là đoạn thơ thể hiện rõ nhất tính chất của bản tuyên ngôn độc lập trong tác phẩm:

    Như nước Đại Việt là từ trước

    Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

    Núi sông bờ cõi đã chia

    Phong tục Bắc Nam cũng khác

    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

    Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

    Song hào kiệt đời nào cũng có

    “Từ trước” – chỉ với từ này thôi nhưng Nguyễn Trãi đã khẳng định toàn bộ sự độc lập vốn có của dân tộc ta là tồn tại bền vững lâu đời, hàng nghìn năm nay và không điều gì có thể chối bỏ được. Câu thơ thứ hai ông khẳng định nền văn hiến lâu đời của dân tộc. Văn tức là sách vở, hiến tức là người hiền tài. Câu thơ nguyên văn chữ Hán “Thực vi văn hiến chi bang” (Thực sự là một nước văn hiến). Chữ thực tức là sự thật, cái hiển nhiên, không cần phải xưng (tự nhận) đã khẳng định nền văn hiến, vốn tri thức sách vở cũng như người hiền tài của dân tộc ta. Bằng biện pháp liệt kê, Nguyễn Trãi đã cho thấy sự tồn tại song song các triều đại của hai đất nước. Trong hai câu thơ này ta cần đặc biệt chú ý đến chữ “đế”. Đế được hiểu là người có địa vị tối cao, đế chỉ có một, còn vương, vua thì có nhiều. Vì vậy, khi Nguyễn Trãi sử dụng từ đế thay cho từ vương đã cho thấy ý thức bình đẳng, ngang hàng của dân tộc ta với phương Bắc. Nguyễn Trãi đã hoàn thiện quan niệm về quốc gia, dân tộc. Đây là bước tiến dài so với bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất. Lí Thường Kiệt mới chỉ ra hai yếu tố để khẳng định độc lập là chủ quyền riêng và cương vực lãnh thổ riêng: Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Dựa trên căn cứ là sách trời, có phần nào đó mơ hồ. Còn Nguyễn Trãi đưa thêm ba yếu tố, chủ quyền và cương vực chỉ mang tính nhất thời, bất kì ai có sức mạnh cũng có thể có một mảnh đất, xưng vua nhưng phong tục tập quán, văn hiến, truyền thống lịch sử thì không thể đơn giản mà có. Chúng ta hoàn toàn có căn cứ để khẳng định là một nước độc lập.

    Ngoài ra, bản tuyên ngôn cũng được thể hiện qua đoạn thơ cuối tác phẩm, là lời bố cáo với toàn thiên hạ về chiến thắng của dân tộc ta, khai mở một kỉ nguyên mới, một triều đại mới: Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Kiền khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Muôn thuở thái bình vững chắc/ Nghìn thu vết nhục sạch làu. Tác phẩm kết thúc bằng những đúc kết từ tự nhiên, qua đó Nguyễn Trãi cũng khẳng định, thể hiện niềm tin tưởng vào vận mệnh mới của đất nước.

    Để bản tuyên ngôn thêm phần đanh thép ta còn phải kể đến sự đóng góp trên phương diện nghệ thuật. Nguyễn Trãi vận dụng câu văn biền ngẫu tài tình, mang tính sóng đôi, kết hợp biện pháp so sánh cho thấy sự ngang hàng của ta với Trung Quốc về mọi mặt nhằm khẳng định vị thế dân tộc. Sử dụng các từ đắt, mang tính khẳng định: vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác,… nhằm khẳng định độc lập của Đại Việt, đó là những cơ sở đã có từ lâu đời, không thể chối cãi. Ngoài ra, ông còn sử dụng biện pháp liệt kê: các yếu tố hình thành quốc gia, dân tộc (truyền thống văn hiến, lãnh thổ, phong tục tập quán, bề dày lịch sử,…) nhằm tạo cơ sở vững chắc cho nền độc lập của dân tộc.

    Bằng giọng văn hùng hồn, dõng dạc, đanh thép, lập luận chặt chẽ Nguyễn Trãi đã khẳng định chủ quyền dân tộc một cách toàn diện, đầy đủ nhất. Đây là một bước tiến dài so với bản tuyên ngôn trước đó. Đồng thời đoạn thơ cũng là cơ sở để tác giả chuẩn bị triển khai các phần tiếp theo.

    Tham khảo:

    ---------------

    Hy vọng rằng dàn ý Bình Ngô Đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập cùng bài văn mẫu trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM